Về Đền Sóc, về với nguồn cội

Thứ Năm, 21/03/2019, 14:46
Khu di tích đền Sóc thờ Phù Đổng Thiên Vương, một trong Tứ bất tử của người Việt, là một trong những di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. Hội Gióng hằng năm tại đây đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày nay, đền Sóc còn lưu lại những dấu ấn đặc biệt của những điển tích nhuốm màu thời gian trong không gian rộng lớn với nhiều cụm di tích tại quần thể đền. Không chỉ thế, lễ hội đền Sóc và những lễ hội làng xã gắn liền với ngồi đền thiêng nổi tiếng đã nối tiếp nhau mang tính kế thừa và tiếp biến văn hóa. Trong không gian tâm linh lắng đọng, người ta tìm về với bản thể, cội nguồn, với tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc song hành trường tồn với thời gian.

Qua cầu Nhật Tân, cách trung tâm Hà Nội 35 km về phía Bắc, khu di tích đền Sóc nằm dưới chân núi Vệ Linh (núi Sóc) là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở miền Bắc và cũng là một trong những điểm nhấn đặc biệt của huyện Sóc Sơn. Xa xa, quang cảnh núi non trùng điệp, màu xanh mát của cây cối và mây trời hòa quyện vấn vương khiến lòng người bồi hồi xao xuyến. Bước chân qua cánh cửa của ngôi đền thiêng là không gian tâm linh nhuốm màu thời gian với những công trình kiến trúc như đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu, chùa Đại Bi, nhà bia, văn bia...

Không như các nơi đền chùa khác, ở đây tuyệt đối không có rút thẻ xem bói đầu năm, cũng không có cảnh người ăn xin hay hàng quán đổi tiền lẻ. Một không khí trang nghiêm thanh tịnh trầm mặc với phong cảnh hữu tình mời gọi.

Đền Hạ là ngôi đền đầu tiên ta bắt gặp khi bước chân vào đền Sóc. Ngôi đền thờ quan thần linh núi Sóc. Truyện kể rằng Đỗ Thích ngủ mơ thấy ngôi sao rơi vào miệng, nghĩ mình có mệnh đế vương đã chuốc độc giết vua Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn. Đinh Toàn lên làm vua khi mới 6 tuổi. Nhà Tống sang xâm lược, thái hậu Dương Vân Nga khoác lên người Thập đạo tướng quân Lê Hoàn áo long bào, cầm quân đi dẹp giặc qua thung lũng Vệ Linh thấy có miếu thờ Phù Đổng Thiên Vương từng giúp dân Việt đánh giặc Ân, bèn lập đàn tế lễ xin Thánh phù trợ.

Lễ hội Gióng tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Hành quân đến sông Đà lúc trời tối, dòng sông cuộn sóng dữ dội, nổi lên giữa dòng nước thấy vị thiên tướng cao hơn 10 trượng. Quân tướng kinh sợ hỏi: “Người là thần nào?”, vị thiên tướng đáp: “Thần núi Vệ Linh, ngầm giúp thánh giá” rồi biến mất trong đám mây. Những ngày sau, quân ta đánh đâu thắng đó, đến Châu Vũ Nhai thì phá được quân Tống. Ngày khải hoàn, biết là linh ứng, vua cho đúc tượng phong là “Thánh Thần Vương”.

Ngày nay, trong ngôi đền Hạ thờ một tượng sơn thần bằng đồng nặng 7 tấn trên đỉnh chiếc mũ của bức tượng có khắc chữ: “Thánh Thần Vương”, tượng trong thế ngồi, hai tay đặt trên đầu gối, nét mặt oai nghi. Tương truyền, vị sơn thần cai quản núi Vệ Linh này đã cho phép Thánh Gióng dừng chân ở đây để bay về trời.

Qua ngôi đền Hạ là hồ nước xanh mát trong lành của khu đền Mẫu, trước cửa đền Mẫu còn có giếng nước mát lành quanh năm trong vắt. Trước cổng đền có dòng chữ: “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”. Trong ngôi đền là tượng Mẫu mẹ của Thánh Gióng với nét mặt từ bi, hiền hòa, phúc hậu được sơn son thếp vàng.

Chuyện kể rằng sau khi Thánh Gióng thắng giặc Ân, đã không nhận vinh hoa phú quý bổng lộc vua ban mà chọn đỉnh núi siêu thoát về trời. Tạ ơn sinh thành, ngài xuống ngựa quay về hướng Nam nơi quê nhà có mẫu thân đang sống quỳ lạy. Tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã lập đền thờ mẫu thân, thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc Việt khi ta sinh ra có mẹ ôm ấp chở che, khi ta không còn trên cõi đời này nữa cũng là khi ta về với mẹ. Trước cửa đền Mẫu có giếng nước mát lành đầy ắp quanh năm như bầu sữa nuôi ta khôn lớn, mặt nước phẳng lặng như tấm gương để ta soi, như ánh mắt của mẹ dõi theo ta trong suốt năm tháng cuộc đời.

Nằm giữa đền Hạ và đền Thượng là ngôi chùa Đại Bi với tiếng chuông chùa thi thoảng trầm mặc vang xa, bỗng chốc dừng chuông không gian yên bình tĩnh lặng càng làm cho ngôi chùa cổ thêm nét xa vắng. Nơi đây khi xưa sơn thủy hữu tình, núi ôm ấp lòng hồ đầy thơ mộng, có nhiều vị cao tăng thường xuyên du ngoạn.

Đền Mẫu trầm mặc cùng thời gian trong cụm di tích.

Trong số đó có Khuông Việt quốc sư (933-1011) lập am để tu, một đêm nằm mộng, ông thấy có một vị mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ, bước đến gần nói: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những người theo ta là dạ xoa. Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với người nên đến đây báo cho ngươi biết”.

Giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng huyên náo, ông chạy vào rừng thấy trên đầu có ánh hào quang sáng rực rỡ, lòng mừng thầm mới sai thợ khắc tượng như đã thấy trong mộng để thờ. Khuông Việt quốc sư sớm quy y cửa Phật, là vị tăng đầu tiên được phong tăng thống (971) và được nhà Đinh giao cho chấn hưng Phật giáo ở Đại Việt. Ông làm quốc sư cho 3 triều đại, Đinh - Lê (tiền Lê) - Lý. Ông được vua Lê Đại Hành ủy thác lập đàn cầu phù trợ và xây đền thờ Thánh Gióng.

Đến cuối đời, ông về núi Du Hý mở trường dạy học và viên tịch tại đó. Trên nền nơi am của vị tăng Khuông Việt quốc sư tu, nhân dân đã dựng một ngôi chùa mang tên Đại Bi Tự. 

Đền Thượng nhìn từ xa như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, với những hàng cây rêu phong bao bọc lấy ngôi đền. Nhà Đại bái bày biện đồ tế lễ, nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía và đặc biệt có đôi hạc với đường nét hoa văn tinh xảo. Hậu cung thờ Thánh Gióng là một bức tượng khá lớn bằng gỗ trầm hương, khoác áo bào đỏ, dáng người lẫm liệt, khuôn mặt đẹp trang nghiêm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Cương, Phó trưởng Phòng Bảo tồn cụm di tích đền Sóc cho biết: “Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại ngày xưa chưa có đền như bây giờ, chỉ là ngôi miếu cổ tại chân núi Sóc Sơn thờ Phù Đổng Thiên Vương nhưng ai đi ngang qua nơi này đều phải ngả nón, ngả mũ, xuống ngựa, xuống kiệu chắp tay cung kính vái ngôi miếu này.

Và sử sách chép lại rằng, xưa kia nơi đây là ngôi miếu cổ thờ Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng). Từ thời vua Hùng Vương thứ 6 dẹp tan giặc Ân, đến chân núi Vệ Linh, Thánh Gióng cởi chiến bào khoác lên cây trầm hương, bỏ giáp sắt lưng chừng núi, bay về trời.

Tưởng nhớ công ơn cao cả của Phù Đổng Thiên Vương, nhân dân đã lập ngôi miếu thờ ngay tại cây trầm hương. Khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, Lê Hoàn lập đàn cầu nguyện cho mình đánh thắng giặc Tống cũng như Phù Đổng Thiên Vương đánh thắng giặc Ân. Thắng giặc Tống, biết lời cầu nguyện của mình đã được linh ứng, vua Lê Đại Hành quay lại sai người dỡ bỏ ngôi miếu xây một ngôi đền.

Trước đó, ngôi miếu không có tượng, chỉ thờ một cây trầm hương. Lê Hoàn sai người lấy gỗ cây trầm hương ấy tạc tượng Phù Đổng Thiên Vương và sắc phong ngài là Thiên Vương.

Nhà nghiên cứu sử Nguyễn Viết Cương cho biết: Hiện nay bát hương ở ngay dưới chân tượng ngài Thánh Gióng trong đền Thượng có ghi Phù Đổng Thiên Thiên Vương. Bát hương trước cửa đền Thượng cũng ghi Phù Đổng Thiên Thiên Vương. Cả lá cờ ngay trước cửa đền Thượng cũng thêu “Phù Đổng Thiên Thiên Vương”. Tại sao lại có 2 chữ Thiên? Có nghĩa là Thánh Gióng đã hai lần thăng thiên về trời, một lần giúp vua Hùng đánh tan giặc Ân, lần thứ hai là giúp Lê Hoàn đánh tan quân Tống.

Dưới bức tượng Phù Đổng Thiên Vương được sơn son thếp vàng có 7 bát hương thờ tự. Trong đó có một bát hương thờ Phù Đổng Thiên Vương còn 6 bát hương còn lại là thờ 6 vị thần được cho là phù trợ ông đánh giặc giữ nước.

Khu vực đền Thượng.

Phó trưởng Phòng Bảo tồn cụm di tích Nguyễn Viết Cương kể rằng: “Hội đền Sóc thờ Thánh Gióng ở núi Vệ Linh bắt đầu từ ngày 6 tháng Giêng đến hết ngày 8 tháng Giêng. Các cụ cao niên kể lại rằng ngày xưa phải là già làng, trưởng bản đến ngày hội là xiêm áo gọn ghẽ lên tế lễ nhưng bây giờ không cứ là phải trưởng thôn, bí thư xã, hay những vị có chức sắc mà ngày hôm đấy rất nhiều tổng về dự, mỗi tổng có nhiều làng, xã. Mỗi làng lại cử ra một gia đình trong đó có 3 đời ông bà, bố mẹ, con cháu phải khỏe mạnh để lên làm lễ. Người lên tế lễ phải có thân thể khỏe mạnh hoặc cường tráng, giọng đọc tế lễ vang to, rền nảy”.

Để chuẩn bị cho lễ hội đền Sóc, mỗi làng hay thôn lại cúng Thánh một lễ vật đặc trưng. Như làng Vệ Linh là hoa tre. Làng Mã là rước ngựa. Làng Dược Thượng rước voi. Làng Đan Tảo rước trầu cau. Làng Đức Hậu rước ngà voi... Các cụ cao niên trong làng truyền từ đời này sang đời khác, chuyện kể lại rằng, Thánh Gióng sau khi đánh giặc Ân thì chú voi của ngài chạy đi rong chơi, bị làng Dược Thượng và làng Đức Hậu bắt thịt mất. Vì thế năm nào cũng vậy, từ ngày đó cho đến nay, cứ vào ngày lễ hội đền Sóc là người làng thôn Dược Thượng phải rước voi từ thôn lên đền trả. Voi giấy to như voi thật.

Trước khi làm con voi tre, các cụ cao niên trong làng phải làm lễ đan voi. Đan bằng tre, xong dán giấy, quét hồ, công đoạn để hoàn thành con voi mất đến cả tháng. Sau khi hoàn thành thì để trước cửa đình làng Dược Thược, dân làng đến thắp hương. Đến ngày lễ hội đền Sóc, người làng Dược Thượng đi bộ 6 km để rước voi, dẫn đầu là những người áo the, khăn xếp, đến đền Sóc kính cẩn dâng voi, cất giọng tế lễ. Người dân làng Đức Hậu lấy mất ngà voi của nhà ngài, nên năm nào vào ngày hội đền Sóc dân làng cũng mang một đôi ngà voi được làm thủ công đến để dâng trước cửa đền Thượng.

Cách đền Sóc 3,5 km là làng Hạ Mã, xã Phù Linh. Hội đền Hạ Mã vào ngày 11 tháng 2 âm lịch hằng năm kéo dài trong 3 ngày. Tương truyền, sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, ông đã xuống ngựa tại làng Hạ Mã, nên vào sáng ngày hội làng, người Hạ Mã lên đền Thượng rước bát hương của Phù Đổng Thiên Vương về đền Hạ Mã cúng 3 ngày 3 đêm cầu thiên hạ thái bình, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn.

Cách đền Sóc 9 km còn có đền Sọ, nằm trong làng Sọ, trước kia người ta gọi là chợ Sọ thuộc xã Phù Lỗ, nơi đây có cái giếng cổ. Tương truyền sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đi qua làng Sọ, đến bên giếng gội đầu, sạch sẽ để bay về trời. Ngày nay, cái giếng cổ tại làng Sọ vẫn còn. Hằng năm, đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, là lễ hội đền Sọ, người dân và các cao niên trong làng rước bát hương từ đền Thượng về đền Sọ.

Theo Phó trưởng Phòng Bảo tồn cụm di tích đền Sóc, xưa kia lễ rước bát hương từ đền Thượng về đền Sọ mất 2 ngày nhưng nay chỉ mất 2 tiếng. Người ngày xưa rước bát hương, cõng kiệu trên vai, đi bộ đến chỗ râm mát ngồi nghỉ lại ven đường, lễ hội đền Sọ kéo dài 2 ngày. Ngày nay lễ rước và lễ hội của làng kéo dài 2 tiếng vì người ta đã nhanh hóa bằng phương tiện ô tô đi lại để làm lễ rước bát nhang.

Du khách đến trẩy hội khá đông trong 3 tháng mùa xuân và 3 tháng cuối năm. Trung bình có khoảng 3 đến 4 nghìn du khách, vào dịp lễ hội có khi lên đến cả chục nghìn người về đền Sóc để được tắm mình trong bầu không khí linh thiêng, nơi còn in đậm dấu vó ngựa sắt của người anh hùng Thánh Gióng, một nhân vật đầy tính huyền thoại đã đi vào lịch sử tượng trưng cho tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trần Mỹ Hiền
.
.