Về một cuộc họp cách đây 30 năm

Thứ Hai, 19/02/2018, 10:52
Trong bản thảo cuốn sách có tên “Trên những ngả đường đời” (hồi ức của một sỹ quan cảnh sát giao thông) của Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội) mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn chuẩn bị ấn hành có một câu chuyện làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Câu chuyện về một cuộc họp cách đây 30 năm. Tôi xin trích một đoạn trong bản thảo cuốn sách ấy nói về cuộc họp:

“Tôi vẫn nhớ buổi họp chi bộ được tiến hành trước giờ làm việc buổi sáng 15 phút tại nơi đọc báo hàng ngày. Chi bộ của phòng có hơn 20 đảng viên. Vì tôi mà các đảng viên ở trạm Đường sông Thường Tín, trạm Xuân Mai, trạm Đỗ Xá cũng phải về dự họp. Bác Tiệp bí thư chi bộ, trưởng phòng chủ trì.

Mở đầu cuộc họp bác Tiệp nói: “Thực hiện quy định của đảng, hôm nay chi bộ tổ chức họp đột xuất chỉ có một nội dung là xét đơn xin làm nhà của đồng chí Trịnh Văn Sỹ, đảng viên tổ đảng cơ giới. Trình tự cuộc họp thế này thôi: đồng chí Sỹ đọc đơn, báo cáo chi bộ về việc làm nhà, sau đó các đồng chí phát biểu. Khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm có đồng ý có ủng hộ đồng chí Sỹ làm nhà hay không, nếu không thì vì sao, sau đó chúng ta thống nhất ý kiến”.

Khi tôi đọc đơn xong, bác Tiệp mời mọi người phát biểu. Sau đó bác Tiệp đứng dậy phát biểu với tư cách của một đảng viên bình thường. Tôi không nhớ nguyên văn ý kiến của bác Tiệp nhưng nội dung chính bác phát biểu là: các đồng chí đã nghe đồng chí Sỹ đọc đơn. Trong đơn thể hiện rõ đất ở đâu ra mà làm nhà, nhà làm mấy tầng. Các cụ nhà ta đi theo cách mạng từ khi cụ ông còn đóng khố, cụ bà mặc váy cũng để mang lại quyền lợi cho con cháu cho chúng ta.

Chúng ta theo đảng, phấn đấu vào đảng ngoài việc bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân thì đảng còn bảo vệ lợi ích hợp pháp của đảng viên trong đó có gia đình vợ con chúng ta. Đồng chí Sỹ được cơ quan vợ cấp đất làm nhà, chấp hành quy định của tổ chức đảng, đồng chí Sỹ báo cáo chi bộ việc làm nhà của mình. Cá nhân tôi cũng như các đồng chí nên ủng hộ. Tôi chỉ yêu cầu đồng chí Sỹ chuẩn bị sẵn giấy tờ, mua bán vật liệu phải có chứng từ, tiền ở đâu ra để làm nhà... phải rõ ràng cụ thể, sau này cấp trên hỏi đến cứ thế mà xuất trình.

Vì bình yên cuộc sống. Ảnh: L.G.

Đồng chí Sỹ có khó khăn tôi cho vay một ít, đồng chí nào có điều kiện giúp đỡ đồng chí Sỹ thì hậu cần giữ lương trừ dần. Các đồng chí có ủng hộ quan điểm của tôi không? Mọi người đồng thanh nhất trí. Cuộc họp kết thúc, tôi thở phào nhẹ nhõm”.

Điều ấy bây giờ kể lại sẽ có không ít người bật cười hoặc chẳng hiểu vì sao một đảng viên làm nhà phải báo cáo tổ chức đảng của mình. Tôi tin bây giờ đưa chuyện này ra sẽ có người nói như thế là mất dân chủ. Nhưng xin thưa các bạn, câu chuyện tưởng vô lý ấy lại chính là những yếu tố làm lên sức mạnh của đảng, của một nhà nước và của một quốc gia. Đấy là sự minh bạch, là sự công bằng. Đấy có lẽ là cách kê khai tài sản, công khai tài sản một cách đàng hoàng, minh bạch nhất và có hiệu quả nhất. Nếu điều ấy còn giữ được đến bây giờ thì Đảng và Nhà nước và nhân dân không phải đau lòng vì sự tham nhũng của một số đảng viên, không phải tiến hành việc kê khai tài sản như chúng ta đang phải làm cho dù làm việc đó lòng chúng ta không ít đau đớn.

Có điều tôi muốn ai đọc bài báo này rất nên chú ý. Đó là sau khi họp xem xét đảng viên của mình có được làm nhà, nói chính xác hơn là làm nhà hợp pháp hay không thì bí thư chi bộ kêu gọi mọi người giúp đỡ để đồng chí mình làm được nhà. Các quy định, nguyên tắc chỉ để chống lại những gì không rành mạch mà thôi. Còn sau tất cả vẫn là tình con người với nhau.

Một điều nữa tôi muốn nói thêm là ở Mỹ, mọi giao dịch mua bán đều được công khai qua hệ thống giám sát và kiểm tra của họ. Anh mua một ngôi nhà thì cơ quan chức năng phải biết được nguồn tiền anh mua ngôi nhà đó từ đâu. Đó chính là một trong những biện pháp chống tham nhũng, chống buôn lậu và rửa tiền. Biện pháp đó chỉ khác việc họp chi bộ về hình thức mà thôi.

Cách đây mấy năm, tôi viết một bài về cha mình là ông Nguyễn Gia Thâu, Trưởng phòng Tổ chức Công an Hà Sơn Bình, in trên báo An ninh Thế giới Cuối tháng, trong đó có đoạn: “Cho đến bây giờ, mẹ tôi vẫn kể mãi một câu chuyện về cha tôi. Có một thời gian, cha tôi làm hậu cần cho cơ quan.

Một lần ông về vùng hồ Tuy Lai, huyện Mỹ Đức mua hai sọt cá quả để liên hoan tổng kết năm của cơ quan. Ông tạt qua nhà. Ông muốn lấy một con cá cho con. Đó là những năm tháng đói khổ. Cha tôi sục tay vào hai sọt cá để tìm một con cá bé nhất. Nhưng ông đã không tìm được.

Không phải ông không tìm được một con cá bé nhất mà là ông không tìm được bất cứ lý do nào để lấy một con cá của tập thể. Cuối cùng cha tôi lại che kín hai sọt cá quả và ra đi. Mẹ tôi nhìn theo cha tôi và khóc. Mẹ tôi khóc vì thương cha tôi và vì thương những đứa con đói rét của bà.

Mỗi lần nhớ về câu chuyện ấy lòng tôi lại tái tê. Không phải vì anh em tôi không được ăn con cá bé nhất trong hai sọt cá mà tái tê bởi bây giờ tôi không dễ dàng tìm được những hình ảnh giống cha tôi và nhiều người cùng thế hệ cha tôi thuở ấy”.

Lúc này, tôi lại nhớ đến một câu chuyện khác trong cuốn hồi ức của Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, câu chuyện kể về bác Chuông, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Hà Sơn Bình. Đoạn văn trong hồi ức viết: “Khi đang làm việc, một người bạn thân bác Chuông làm thợ mộc đã đóng một chiếc ghế lim tặng bác vì thấy chiếc ghế bác ngồi ọp ẹp quá.

Bác Chuông rất quý món quà bạn bác đã tặng. Trước khi về hưu, mọi công việc bác bàn giao đầy đủ, gặp ai bác cũng tươi cười thông báo rằng bác sắp được nghỉ hưu trở về quê. Nhưng có một điều làm bác day dứt. Nỗi day dứt ấy là về chiếc ghế. Khi về hưu, bác rất muốn mang chiếc ghế này về nhà để hằng ngày vẫn thấy nó bên mình vì đó thực sự là một kỷ vật trong cuộc đời công tác của bác.

Xin mọi người đừng hiểu nhầm chiếc ghế cụ thể ấy với một vị trí hay một quyền lực. Đó chỉ là một kỷ niệm, một sự gắn bó thân yêu trong những năm tháng khó khăn nhưng trong sáng vô ngần. Chiếc ghế gắn bó với bác gần bốn chục năm trời. Khi biết được nỗi dày vò của bác, tôi nói ghế của bác bác cứ mang về và cũng là một kỷ niệm của gần một đời công tác. Nghe tôi nói vậy, bác im lặng một lúc rồi nói với tôi bằng một giọng vừa buồn vừa kiên quyết rằng bác không thể mang chiếc ghế về được.

Hồi nhận chiếc ghế của bạn cho, bác đã báo cáo cơ quan về món quà đó và bác đã đề nghị ghi chiếc ghế vào sổ tài sản của tập thể. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nghe giọng nói của bác: “Mình chỉ sử dụng thôi không mang về được. Đây là tài sản của cơ quan. Mình không được phép”.

Những người như bác Chuông, bác Tiệp và cha tôi thực sự là những người cộng sản chân chính. Họ đã mang tới cho nhân dân niềm tin về sự hiến dâng không một chút vụ lợi của mình cho cách mạng, cho dân tộc. Chính vì vậy mà nhân dân đã cùng họ làm nên những kỳ tích trong lịch sử dân tộc. Hầu hết những người cách mạng của thế hệ ấy đã rời xa thế gian, nhưng hình ảnh họ đã tạc vào ký ức thẳm sâu và thiêng liêng của những người còn sống như tôi. Và những ngày này, tôi lại nhớ họ và tự hào về họ hơn bao giờ hết.

Nguyễn Quang Thiều
.
.