Vì sao Lebanon rơi vào khủng hoảng kinh tế - tài chính nghiêm trọng?
Lebanon từ lâu vẫn được ghi nhận là quốc gia đặc biệt tại Trung Đông không để bất ổn chính trị hay bạo loạn dân sự ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Các câu lạc bộ và khách sạn mở cửa dù trong chiến tranh, dù nguồn nước và nguồn điện đôi khi không được đảm bảo. Tầng lớp trung lưu vẫn có thể dùng những loại quần áo cao cấp, thuê người giúp việc giá rẻ từ Ethiopia hay Philippines và thậm chí là đi du lịch nước ngoài.
Đằng sau lối sống này là chính sách lâu năm của Chính phủ Lebanon nhằm duy trì giá trị của đồng bảng Lebanon gắn với đồng USD. Tuy nhiên, hệ thống này đã lộ rõ những kẽ hở trầm trọng trong những tháng gần đây, đe dọa đẩy nền kinh tế tới bờ vực sụp đổ, một nguy cơ càng trầm trọng hơn bởi các biện pháp phong tỏa của chính phủ nhằm kiềm chế dịch COVID-19. Giới phân tích cảnh báo rằng đà lao dốc này thậm chí có thể hủy hoại tầng lớp trung lưu, khiến Lebanon càng khó hồi phục.
Một phụ nữ Lebanon cạnh chiếc tủ lạnh rỗng tại Tripoli, nơi khủng hoảng kinh tế đang đẩy nhiều người vào cảnh thiếu thốn. |
Đầu tháng 2, Lebanon đã bị 2 cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody và S&P hạ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn xuống mức tương ứng C và CC - thấp hơn 10 bậc so với mức khuyến cáo đầu tư. Các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Lebanon đã đối diện với cơn ác mộng tồi tệ nhất khi vào ngày 7-3, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab thông báo nước này không thể trả khoản 1,2 tỷ USD tiền trái phiếu châu Âu (Eurobond) dự kiến đến hạn thanh toán ngày 9-3 và lần đầu tiên tuyên bố vỡ nợ.
Gốc rễ sâu xa đẩy Lebanon vào tình trạng hiện nay là thực tế nhiều năm tăng trưởng ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng diễn ra trên diện rộng. Năm 2019, Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng Lebanon đứng thứ 137 trên 180 quốc gia về Chỉ số nhận thức tham nhũng.
Hệ thống tài chính ngân hàng trung ương cũng có trách nhiệm, cụ thể là những chính sách liên quan đến việc hút tiền từ các ngân hàng địa phương với lãi suất cao - thường lên tới 15% - để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ. Lebanon đã duy trì tình trạng này nhiều năm, cố gắng duy trì thâm hụt cả hai tài khoản - thâm hụt ngân sách của chính phủ và thâm hụt tài khoản vãng lai - hai yếu tố cần có sự tin tưởng của nhà đầu tư để duy trì. Nhưng, trong những năm gần đây, niềm tin dần cạn kiệt và dòng vốn cũng theo đó ra đi.
Có ý kiến cho rằng nền kinh tế Lebanon đã bị USD hóa và giờ khi nguồn USD cạn kiệt, toàn bộ hệ thống tê liệt, không còn USD để thanh toán các khoản nhập khẩu và không còn USD để trả cho người dân gửi tiền. Các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19 đã nhanh chóng khiến đất nước thiếu hụt nguồn dự trữ USD. Lebanon gần như không có hàng hóa xuất khẩu và nguồn thu USD chủ yếu là từ tiền gửi của các nhà đầu tư giàu có tại ngân hàng, yếu tố đặc biệt cần để duy trì liên hệ đến đồng bảng Lebanon. Để đảm bảo nguồn đầu tư này, ngân hàng trung ương đưa ra gói lãi suất cao chưa từng có với các khoản tiền gửi lớn mà lợi tức chỉ có thể được đảm bảo bằng những khoản tiền gửi mới với lãi suất cao hơn.
Chiến lược này được các nhà phân tích so sánh với mô hình Ponzi được nhà nước chống lưng, cụ thể là lấy tiền từ những người gửi mới để trả cho người gửi tiền cũ. Giới phân tích cho rằng “chiến lược này vẫn có thể tiếp diễn miễn là giá vẫn tăng, song khi lượng tiền gửi chững lại hoặc sụt giảm, tình hình sẽ “căng như dây đàn” và đó chính là tình trạng của Lebanon hiện nay.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi xét đến nợ chính phủ. Khoảng 70% tài sản của các ngân hàng Lebanon là các công cụ nợ của ngân hàng trung ương và chính phủ, nghĩa là nếu khủng hoảng xảy ra, hầu hết các ngân hàng địa phương có thể sẽ rơi vào tình trạng gần như cạn kiệt nguồn vốn. Trong số 30 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Lebanon có 2/3 là do các ngân hàng địa phương và ngân hàng trung ương nắm giữ, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Moody, kế hoạch tái cơ cấu nợ cho Lebanon có thể sẽ phải bao gồm việc giảm giá trị sổ sách của trái phiếu xuống mức phù hợp là khoảng từ 35% đến 65% mệnh giá. Trong khi đó, Lebanon đang bắt đầu tiêu hết dự trữ của mình, khoản tiền mà giới chuyên gia cho rằng nên được giữ lại để tài trợ cho nhu cầu nhập khẩu thay vì trả cho các chủ nợ nước ngoài. Theo ước tính, mỗi tháng sẽ có khoảng từ 1-2 tỷ USD ngoại tệ rời khỏi quốc gia này, đặt Lebanon đứng trước yêu cầu cấp thiết phải nhờ đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, những cứu trợ của IMF luôn đi kèm với các điều kiện.
Các cuộc thảo luận giữa Lebanon đang chìm trong khủng hoảng và IMF hiện lâm vào bế tắc do các nhà lãnh đạo của quốc gia này không muốn thực hiện cải cách. Tất cả 16 cuộc họp kể từ tháng 5 vừa qua đều bị đình trệ. Theo các nguồn thạo tin, các đại diện của IMF đánh giá phía Lebanon không có những cam kết nghiêm túc hướng tới cải cách. Các phe phái đều chỉ tranh đấu tìm kiếm lợi ích cho riêng mình bất chấp nguy cơ đất nước chìm trong khủng hoảng.
Xét cho cùng, bế tắc vẫn luôn là thứ phổ biến ở Lebanon, nơi suốt nhiều thập niên qua giới chính trị gia vẫn luôn bị cáo buộc về các xung đột lợi ích và tham nhũng.
Chính phủ Lebanon nói rằng họ cần 20 tỷ USD tài trợ từ bên ngoài, bao gồm gói viện trợ 11 tỷ USD từng được các nhà tài trợ cam kết vào năm 2018. Tuy nhiên, nếu không có một cuộc giải cứu của IMF, các nhà tài trợ không thể bơm tiền vào Lebanon và những bế tắc rất có thể sẽ đẩy quốc gia này tới chỗ không thể vãn hồi.