Vì sao Malaysia hủy dự án hàng chục tỉ USD với Trung Quốc?

Thứ Tư, 29/08/2018, 19:58
Tại cuộc họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 21-8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc phía đông bán đảo Malaysia (ECRL) và 2 dự án đường ống dẫn khí đốt tổng giá trị 22 tỷ USD với Trung Quốc vốn được ký dưới thời chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Najib Razak.

Ông Mahathir Mohamad nhấn mạnh, trước khi đưa ra quyết định hủy bỏ dự án với Trung Quốc, Malaysia đã cân nhắc đến vấn đề nợ công của nước này, đồng thời căn cứ vào điều kiện đất nước giai đoạn hiện nay, Malaysia không thể gánh được các khoản chi phí khổng lồ từ các dự án trên. Malaysia sẽ làm việc với phía Trung Quốc để thương thảo về việc bồi thường phá vỡ hợp đồng và hy vọng khoản phí bồi thường là thấp nhất có thể.

Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng việc phá vỡ họp đồng dự án đường sắt cao tốc phía đông bán đảo Malaysia (ECRL), phía Malysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.

Dự án đường sắt cao tốc phía đông bán đảo Malaysia (ECRL) được khởi công từ tháng 8/2017, được xem là một trong những dự án chính trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc nhằm thiết lập Con đường tơ lụa hiện đại, kết nối hành lang trên bộ tại Đông Nam Á, Pakistan và Trung Á.

Khi hoàn thành, tuyến đường sắt cao tốc dài 688 km sẽ kết nối khu vực bờ biển phía đông kém phát triển của Malaysia với thủ đô Kualar Lampur và Thái Lan. Tuy nhiên, việc dự án này đội vốn lên mức 20 tỷ USD đã khiến Chính phủ Malaysia buộc phải cân nhắc tạm dừng và hủy bỏ dự án này.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Malaysia, sau Ấn Độ và Liên minh châu Âu. Trong năm 2017, vốn đầu tư Trung Quốc chiếm 7% trong tổng số 54,7 tỷ ringgit vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak, quan hệ giữa Kuala Lumpur - Bắc Kinh luôn được duy trì ở mức tốt đẹp và gắn kết. Malaysia đã nhận các khoản vay trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc để xây dụng cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Việc Malaysia hủy bỏ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ làm dấy lên các quan ngại phủ bóng lên quan hệ giữa Kuala Lumpur - Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh nhà lãnh đạo mới của Malaysia thời gian qua không ngần ngại bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tháng trước, lấy lý do các điều kiện gây bất lợi cho phía Malaysia và chi phí cao, nhà lãnh đạo 93 tuổi đã ra lệnh dừng các dự án trên với Trung Quốc.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Chính quyền ông Mahathir Mohamad cũng cáo buộc các khoản vay lớn mà chính quyền người tiền nhiệm Najib Razak nhận từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho các dự án nói trên đã bị chính các công ty Trung Quốc có liên quan hút cạn, dù các công trình còn lâu mới hoàn thành.

Trước khi tái cử thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua, ông Mahathir Mohamad đã tuyên bố sẽ xem xét lại một loạt dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc nếu trúng cử. Vào thời điểm đó, người từng giữ ghế Thủ tướng Malaysia từ năm 1981-2003 đã cho biết, ông hoan nghênh đầu tư từ Trung Quốc một khi các công ty của nước này thiết lập hoạt động ở Malaysia, thuê mướn nhân công địa phương, mang đến vốn và công nghệ cho nước này.

Thế nhưng, theo ông Mahathir Mohamad, thực tế không được như vậy. Malaysia không hưởng được nhiều lợi ích từ các dòng vốn đầu tư này.

Tại Malaysia, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã gây ra lo ngại về chủ quyền lãnh thổ và bất bình đẳng kinh tế. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg, ông Mahathir Mohamad đã nhắc đến một dự án trị giá 100 tỷ USD xây dựng các căn hộ sang trọng, có giá lên đến 1 triệu ringgit (250.000 USD) trong khi thu nhập trung bình của người Malaysia trong năm 2016 mới đạt 62.736 ringgit (khoảng 15.300 USD).

Theo ông Mahathir Mohamad, người Malaysia không đủ giàu để mua những căn hộ đắt tiền và sẽ không một nước nào muốn nhìn thấy làn sóng người nước ngoài tràn ngập ở nước họ thông qua việc mua các căn hộ đắt tiền.

Sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad trở lại nắm quyền, quan hệ song phương giữa Malaysia và Trung Quốc có phần nguội lạnh hơn so với thời người tiền nhiệm Najib Razak. Trong 9 năm cầm quyền của ông Najib Razak, đầu tư từ Trung Quốc vào Malaysia tăng vọt với nhiều thỏa thuận phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo phân tích, một số dự án bị cho là thiếu minh bạch trong các điều khoản hợp đồng và lãi suất cho vay không có lợi cho Malaysia.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Tasmania (Australia) ông James Chin, nhiều người Malaysia cho rằng các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn là quá tốn kém.

Malaysia hiện đối mặt với các khoản nợ công lên tới 250 tỷ USD do các khoản bảo lãnh của nhà nước dành cho Quỹ Đầu tư 1MDB, được cựu Thủ tướng Najib Razak lập trong bê bối tham nhũng hàng tỷ USD ở quốc gia Đông Nam Á này. Khoản nợ tương đương 80,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia và tăng gần gấp đôi khoản nợ cũ 687 tỷ ringgit (khoảng 172.5 tỷ USD) của chính phủ liên bang. Trong bối cảnh khó khăn tài chính như hiện nay, nhà lãnh đạo Malaysia không muốn gánh thêm các khoản nợ quá lớn từ Trung Quốc.

Ông Mahathir Mohamad cũng đang tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tránh lệ thuộc vào Bắc Kinh. Theo công ty phân tích kinh tế Economist Intelligenc Unit (EIU), Malaysia là nước nhận nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc nhiều thứ tư vào năm 2017.

Theo các phân tích, việc Malaysia quyết định hủy bỏ dự án của Trung Quốc tại nước này cũng là điều dễ hiểu khi mà nhiều nước tìm đến sự giúp đỡ của Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn. Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ) cho biết, một số nước tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh đang đối mặt với nỗi lo về bất ổn kinh tế. Các quốc gia nợ nần chồng chất bất lực trước sự rớt giá của đồng nội tệ. Một khi giá trị đồng tiền nội tệ giảm sút, các nước nợ Trung Quốc càng chật vật trong việc trả nợ.

Kông Anh
.
.