Vì sao Man City bị cấm dự Champions League?

Thứ Năm, 20/02/2020, 16:11
Một cơn địa chấn vừa xảy đến với CLB lừng danh Man City khi bị Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cấm tham dự Champions League trong hai mùa giải tới. Bất ngờ ở chỗ người góp phần hạ đo ván Man City lại là hacker có tên Rui Pinto…

Mọi sự chú ý từ số đông người hâm mộ đang đổ dồn về án phạt mà cơ quan bóng đá quyền lực nhất châu Âu (UEFA) áp dụng với đội bóng đương kim vô địch Premier League, Man City. Ngoài việc bị cấm thi đấu ở Cúp châu Âu, đặc biệt là giải đấu danh giá Champions League trong hai mùa giải tiếp theo: 2020-2021 và 2021-2022, Man City còn phải nộp phạt số tiền 30 triệu euro. 

Đây thực sự là đòn nặng nề giáng vào tinh thần của Man City trong nỗ lực nuôi tham vọng vươn lên đỉnh bóng đá cựu lục địa bằng việc đăng quang danh hiệu vô địch Champions League. Căn nguyên khiến đội bóng được coi là "gã nhà giàu" tại Anh nhận án phạt theo kiểu thiệt đơn thiệt kép là bởi "vi phạm nghiêm trọng luật Công bằng Tài chính" (trích dẫn từ thông báo đưa ra của UEFA). 

Cụ thể, UEFA đã nắm trong tay những chứng cớ xác đáng cho thấy, Man City khai khống doanh thu từ nhà tài trợ để đạt điểm hòa vốn trong báo cáo thường niên gửi lên UEFA từ năm 2012 đến 2016. Trước án phạt từ UEFA, đại diện đội bóng chủ sân Etihad đã khẳng định sẽ kháng cáo lên tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS).

Rui Pinto khiến đế chế Man City bị hạ bệ.

Man City bắt đầu vướng vào cáo buộc gian lận tài chính từ những thông tin đăng tải trên tạp chí Der Spiegel (Tấm Gương) tại Đức. Theo thông tin trích dẫn từ tờ Der Spiegel, "Man Xanh" (biệt danh của Man City) đã được tập đoàn Abu Dhabi United Group, nắm quyền sở hữu Man City "bơm tiền" trái phép ít nhất 91 triệu USD dưới hình thức tài trợ. Cho rằng Man City có những dấu hiệu trong việc phá vỡ quy định về luật công bằng tài chính, UEFA đã quyết định mở cuộc điều tra với đội bóng hiện đang thi đấu tại giải ngoại hạng Anh.

Sự bất ngờ tiếp tục đẩy lên đỉnh điểm khi tờ Der Spiegel xác nhận về việc tất cả những bằng chứng chống lại Man City được tạp chí này lấy từ một người có tên là "John"  thông qua trao đổi email (thư điện tử). Thực tế, "John" sau đó được xác định là Rui Pinto, một hacker mang quốc tịch Bồ Đào Nha nhưng sinh sống tại thành phố Budapest (Hungary). 

Pinto chính là người đứng sau trang web Football Leaks, chuyên đưa ra ánh sáng những bí mật động trời liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng của các ngôi sao bóng đá. Lấy ý tưởng từ WikiLeaks, trang web của Julian Assange chuyên phanh phui những bê bối của các chính phủ trên toàn thế giới, Football Leaks bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2015. 

Do luôn moi ra được những tài liệu, giấy tờ vốn được coi là tuyệt mật nên Football Leaks đã trở thành cơn ác mộng thực sự với nhiều đội bóng thuộc dạng "ông lớn" trên thế giới qua hoạt động chuyển nhượng. 

Nhờ thông tin phơi bày của Football Leaks, liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) đã áp dụng án phạt cấm thi đấu 3 năm ở đấu trường châu Âu với CLB Twente do vi phạm luật chuyển nhượng ngôi sao Dusan Tadic sang Southampton với mức phí 11,5 triệu bảng.

Riêng với Pinto, hacker 31 tuổi đã áp dụng thủ thuật để truy cập 70 triệu tài liệu và nắm giữ 3,4 terabyte thông tin thuộc dạng thâm cung bí sử của một loạt đội bóng thuộc dạng có máu mặt. Đáng lưu ý, Pinto đã thành công khi xâm nhập vào hệ thống máy tính của Man City từ năm 2015. 

Qua những thao tác thuần thục, một khối lượng lớn thông tin và dữ liệu về hoạt động tài chính "có mùi" của Man City đã được Pinto cung cấp cho tờ Der Spiegel nhân danh Football Leaks. Những bí mật động trời này đã kích hoạt ngòi nổ cho cuộc điều tra của UEFA nhằm vào Man City.

Với những gì đã làm, Pinto được không ít fan ca ngợi và coi là "Robin Hood" của làng túc cầu giáo. Tuy nhiên, đối với nhà chức trách tại Bồ Đào Nha, Pinto lại bị xem là tội phạm. 

Theo  cáo buộc, Pinto đã gửi tối hậu thư cho CLB Sporting Lisbon tại Bồ Đào Nha đòi số tiền từ 500.000 đến 1 triệu euro để ngừng công bố các tài liệu đánh cắp được. 

Ngoài ra, Pinto còn bị tố tống tiền quỹ đầu tư Doyen Sports nhằm bưng bít những thông tin nhạy cảm. Đại diện cảnh sát Bồ Đào Nha đã thẳng thừng gọi Football Leaks là "tội phạm quốc tế có tổ chức" không hơn không kém. 

Phải mất khá nhiều thời gian, cảnh sát Bồ Đào Nha kết hợp với đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin thuộc dạng "có sỏi trong đầu" mới lần ra được dấu vết Pinto từ thế giới ảo đến thế giới thực.  

Sau khi bị bắt giữ hồi tháng 1/2019 tại Hungary theo lệnh bắt giữ toàn châu Âu do nhà chức trách Bồ Đào Nha đưa ra, Pinto đã bị dẫn độ từ Hungary về Bồ Đào Nha. Đồng thời, Pinto bị giam giữ tại một nhà tù ở Lisbon với an ninh cực kỳ nghiêm ngặt kể từ ngày 21/3/2019 cho tới nay. 

Theo cáo trạng, Pinto sẽ bị đưa ra xét xử trong phiên tòa diễn ra tại thành phố Lisbon với 90 tội danh khác nhau như xâm nhập thông tin trái phép, âm mưu tống tiền, phá hoại… 

Trong lần tiếp xúc được phép mới đây trước giới truyền thông, Pinto đã lớn tiếng quả quyết: "Tôi  nhận thức rất rõ bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra đối với cá nhân mình. Tất cả những gì tôi làm không gì khác nhằm đưa ra ánh sáng những khoảng tối của những thương vụ bị méo mó vì lợi ích của một số người. Những cáo buộc nhằm vào việc tôi tống tiền CLB Sporting Lisbon hay quỹ đầu tư Doyen Sports đều không hề có căn cứ xác thực nào cả. Đó chỉ là sự bịa đặt, vu khống một cách trắng trợn".

Bảo Quyên
.
.