Vì sao bò tót lai quý hiếm trở thành “xác sống”?
Hậu quả, người ta phát hiện 11 con bò tót lai thế hệ thứ nhất (F1) và thứ hai (F2) suy kiệt, ốm đói, trơ xương sau ít nhất một năm trời bị bỏ rơi, tức sau khi đề tài nghiên cứu do ông Thám thực hiện kết thúc.
2 lần trở thành vật nghiên cứu
Từ những năm 2009 đến đầu năm 2015 tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) là vùng đệm vườn quốc gia Phước Bình, có một con bò tót đực thường xuyên xuất hiện mùa mưa tầm tháng 6 đến tháng 9, nhập đàn bò nhà của nông dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng. Bò tót đực này cao khoảng 1,7m, dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tấn.
Theo các báo cáo của nhóm nghiên cứu, con bò tót này thuộc nhóm bò tót Đông Nam Á (Bos gaurus), rất hung dữ. Độ hung hãn chỉ đứng sau loài hổ. Bò tót sẵn sàng tấn công nếu phát hiện nơi ẩn nấp của thợ săn. Chúng luôn phản kháng đến cùng khi cảm thấy bị đe dọa. Là loài thú hung dữ, có vóc dáng khổng lồ nên bò tót hầu như không có thiên địch. Trên đồng cỏ vùng Bạc Rây, bò tót đực trở thành bá chủ và chinh phục đàn bò nhà giống cái.
Dãy chuồng trại nuôi phối bò rừng khi bắt đầu dự án. |
Ông Nguyễn Văn Chuẩn, người dân sống trong vùng có nhiều bò là con lai bò tót và bò nhà cho biết, bò tót cha không đếm xỉa gì đến những con bò đực của dân thả ăn trên đồng cỏ. Con bò tót đực đi khoan thai trên đồng cỏ, tiếp cận nhẹ nhàng và biến tất cả bò cái thả ăn cỏ trong khu vực thành... bạn tình. Hơn 20 con bò tót lai F1 đã ra đời gồm cả đực và cái.
Con lai F1 của con bò tót ở Phước Bình cũng có những đặc điểm giống bò tót bố như đúc: từ sừng, dáng, màu lông, cho đến đường cơ chạy dọc thân và giống cả 4 đoạn lông trắng bọc lấy 4 chân như bít tất. Thương lái, những người sưu tầm tìm đến trả giá rất cao. Những người dân ở Bạc Rây được trời đãi, không ngần ngại bán đi để có trong tay số tiền mà với những hộ nông dân nghèo, đó chính là mơ ước.
Đầu năm 2012, Sở KH&CN ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa thống nhất mua lại 10 con bò tót lai của người dân và tạo vùng chăn nuôi phù hợp với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà. Sau ít lâu, tỉnh Khánh Hòa rút khỏi dự án. Tới năm 2016, đề tài kết thúc. Ngay sau đó, một đề tài cấp quốc gia được khởi động: “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”.
Công trình này do Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng chủ trì. Ông Lê Xuân Thám (nguyên Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài. Nghiên cứu phát triển đàn bò lai giữa bò tót và bò nhà nhằm tạo nền để có thể hình thành một giống bò mới có giá trị cao trong ngành chăn nuôi. Cụ thể hơn, tạo ra những chú bò tót lai thế hệ F2. Và 10 con bò tót được mua lại từ người dân năm 2012 được tiếp tục sử dụng để thực hiện nghiên cứu. Đây là những con bò tót lai F1 thuộc nhóm tốt nhất, dũng mãnh như những con bò tót cha.
Trong thời điểm chuyển giao giữa 2 dự án (năm 2015), bò tót rừng được xác định là cha của hơn 20 con bò tót lai F1 đã chết vì già. Tinh hoàn của bò tót cha được tách để gửi bảo quản ở những cơ sở khoa học nhằm dự phòng cho các nghiên cứu liên quan đến bò tót rừng về sau.
Chiều 2-10, cán bộ chức năng tỉnh Ninh Thuận khảo sát đàn bò lai đang nuôi nhốt để tìm phương án giải cứu. Ảnh: Bùi Phụ. |
Những con bò “xác sống”
Cuối năm 2016, chúng tôi có mặt ở vùng Bạc Rây để tận mắt chứng kiến cuộc sống của những chú bò tót lai F1. Chúng được sống trên đồng cỏ rộng lớn, được che chắn rất kỹ. Âm thanh có thể nghe suốt ngày ở khu nghiên cứu là những tiếng phi ầm ầm qua lại hàng rào cao giăng kẽm gai, thỉnh thoảng là tiếng những thanh gỗ chắn khu nuôi bò với đồng cỏ gãy rôm rốp. Theo sau tiếng gãy đổ là tiếng những con bò nặng xác rượt nhau nhanh như gió trong đồng cỏ voi rậm rạp.
“Phá không thể tưởng tượng nổi. Tụi này phá hơn bố nó nữa. Không có hàng rào nào chịu nổi, rào tránh bò nhà tới gần bị húc chết mất công đền chứ mấy ông bà bò tót lai này có trời mà rào”, anh Hồ Bá Quân, cán bộ Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng từng cảm thán. Lấy mẫu máu là việc nguy hiểm và vất vả, những kỹ thuật viên phải hết sức thận trọng. Dự án phải bấm số trên tai những con bò tót lai để dễ quản lý.
Đó là ký ức. Hiện nay 11 con bò tót lai, trong đó có 10 con F1 và 1 con F2, sinh sản từ trường hợp con đực trong đàn thuộc dự án nghiên cứu giao phối với bò cái nhà dân, đang suy kiệt trầm trọng. Thấy người lạ, đàn bò tỏ vẻ dè chừng, lùi lại phòng thủ như động vật hoang dã. Chúng không còn dũng mãnh vì cơ thể đã suy kiệt, gầy nhom. Xương sườn, xương bả một số con nhô ra, chỉ còn da bọc xương. Một số con khác ốm yếu đến nỗi chân đi xiêu vẹo.
Bò tót rừng ve vãn bò nhà (ảnh chụp năm 2012). Ảnh: L.Đ. |
Ông Nguyễn Đình Tích, người trực tiếp chăm nuôi đàn bò này, cho biết suốt hơn năm qua, chúng chỉ được ăn rơm khô cầm cự qua ngày. Mỗi con chỉ được cuộn rơm một ngày, nay cũng bớt xuống chưa được một cuộn (7-8 cuộn cho 11 con).
Ông Tích xác nhận đàn bò không còn được chăm sóc như trước do không còn kinh phí từ dự án nghiên cứu. Công việc hằng ngày của ông Tích là bỏ 8 bó rơm khô và bơm nước cho bò tót ăn uống. Mỗi tháng ông Tích nhận được 4 triệu đồng. Trước đây dự án có thuê 2 hecta đất để làm đồng cỏ và chuồng trại kiểu không gian mở để đàn bò được “tự do”đi lại nhưng sau này dân lấy lại đất chỉ còn mượn được 500 m2 để làm chuồng nhốt. “Tôi cũng muốn thả bọn nó ra ngoài cho đi rông như bò nhà cho bọn nó khỏe, được ăn cỏ tươi nhưng lỡ nó bị sao thì tôi không biết đường nào mà chịu”.
Ông Tích kể thêm mỗi tháng ngoài việc gửi số tiền ít hơn khi còn dự án rất nhiều để mua cỏ thì ít người về thăm lại trang trại. Ông Tích bảo: “Nếu dư luận báo chí không lên tiếng thì chắc người ta quên luôn có một đàn bò từng 2 làn làm vật nghiên cứu cho các nhà khoa học rồi”.
Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN å tỉnh Lâm Đồng), thừa nhận đàn bò gầy đi rất nhiều so với thời điểm thực hiện nghiên cứu. Ông nói: “Chúng tôi nhận trách nhiệm về việc quản lý không đạt hiệu quả, lơi lỏng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay khi dự án nghiên cứu đi vào giai đoạn kết thúc, thủ tục bàn giao đã được chuẩn bị. UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao lại đàn bò tót F1, F2 cho UBND tỉnh Ninh Thuận quản lý, khai thác, tiếp tục nghiên cứu. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản đồng ý. Tuy nhiên, sau một năm vẫn chưa thực hiện bàn giao. Trong thời gian chờ đợi, Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng đã trích nguồn tiền tiết kiệm của trung tâm để tiếp tục chăm nuôi đàn bò. Mỗi tháng, thay vì đàn bò được nuôi ở chế độ 50 triệu đồng thì chỉ còn 10 triệu đồng/tháng (gồm 200 bó rơm và công cho người chăm nuôi). Nhiệm vụ của người chăm nuôi cũng rất đơn giản: Báo cáo nếu có bất thường, mỗi ngày bỏ rơm và bơm nước cho đàn bò ăn uống.
Những người trong cuộc thừa nhận đàn bò đã quá tiều tụy, nếu để tình trạng như hiện nay kéo dài thì đàn bò sẽ chết. Ông Chương so sánh: “Trong giai đoạn nghiên cứu, có kinh phí thuê đồng cỏ để đàn bò tót lai đi lại tự do và ăn uống. Ngoài ra đàn bò còn được 3 người có chuyên môn thú y và chăn nuôi chăm sóc mọi vấn đề để đảm bảo sức khỏe. Sau khi kết thúc giai đoạn nghiên cứu, chờ các bên có liên quan bàn giao, đàn bò tót lai được ăn 200 bó cỏ/tháng, không có thức ăn tinh và chỉ khi có dấu hiệu bệnh mới được chăm sóc thú y”.
Bất kể lý giải thế nào thì phía sau dự án hơn 3 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước cũng là những con bò tót bất hạnh, suy kiệt. Một cán bộ tham gia nghiên cứu (xin được giấu tên), bày tỏ: “Đồng ý những người nghiên cứu hết trách nhiệm khi dự án kết thúc nhưng cần thừa nhận chúng ta chưa chỉn chu, quyết liệt để xử lý các vấn đề sau nghiên cứu. Trước đó chúng tôi đã chăm sóc đàn bò như con. Bây giờ, nghĩ đến đàn bò, tôi rất buồn. Sau công việc khoa học khô cứng thì còn cần có lòng nhân ái, sự trắc ẩn với động vật”.
Bò tót lai đực không có khả năng giao phối?
Bò tót xâm nhập vào nương rẫy giáp ranh vùng rừng núi ở nhiều địa phương trong nước đã được ghi nhận trong thời gian vừa qua như huyện Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), huyện Đại Lộc (Quảng Nam), huyện Đồng Xuân (Phú Yên), vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai và Lâm Đồng)... Các trường hợp này được xác định đều là các bò tót đực đơn độc. Hiện tượng bò tót lai bò nhà ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất ở Phước Bình dù cả nước có khoảng hơn 800 con tập trung Tây Bắc và Tây Nguyên.
Khi thực hiện đề tài, các nhà khoa học thực hiện dự án đã tiến hành lai giống theo 2 hướng: cho bò đực lai giao phối với bò cái nhà và ngược lại với sự tác động của nhóm nghiên cứu; cho bò lai giao phối ngẫu nhiên với bò nhà của dân. Đáng lẽ, cuộc nghiên cứu tiến hành theo 3 hướng nhưng hướng cho bò đực lai giao phối với bò cái lai bò tót thất bại. Nhiều năm liền những cuộc giao phối đều không cho kết quả.
Bộ KH&CN khi nghiệm thu đã đánh giá công trình đã hoàn thành mục tiêu khoa học: Gìn giữ nguồn gen lai quý hiếm bò tót - bò nhà và tạo tiền đề nghiên cứu cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt. Tuy nhiên, nhìn vào con số phát triển đàn bò lai mới thấy kết quả của dự án này rất hạn chế. Từ 10 con con bò tót lai F1 ban đầu, dự án chỉ phát triển được 1 con bò tót lai F2 thông qua việc cho bò đực của dự án giao phối với bò nhà.
Đa số con bò đực F1 (trừ một con lai với bò nhà có kết quả) của dự án đến thời điểm hiện tại đều bất thụ, tức chúng giao phối với bò tót lai cũng như bò nhà đều không có kết quả. Con đực nếu có khả năng sinh sản thì mới tính đến chuyện cải tạo đàn bò vì đối với con đực chỉ cần lấy phối tinh bò tót đực cho hàng loạt bò nhà là có thể có hàng chục, hàng trăm con bò lai. Còn đối với bò cái lai, muốn gầy dựng được đàn bò số lượng lớn thì mất nhiều năm vì bò cái chỉ sinh 1 con/năm trong khi đó con bò tót lai F1 - gần với bò tót nhất - sẽ chết già trong 20 năm.
Phục hồi sức khỏe đàn bò tót lai Chiều 30-9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định điều chuyển tài sản từ nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”. Theo đó, chuyển giao 10 con bò tót lai bò nhà (F1) và 1 con bò tót lai (F2) cho vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn, khai thác. Thời gian bàn giao được xác định tháng 10-2020. Cùng ngày, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, đã quay lại Bạc Rây 2 để thực hiện các biện pháp phục hồi sức khỏe cho đàn bò để tiến hành bàn giao. Ông Chương cho hay ông sẽ ở lại Phước Bình trong nhiều ngày để thực hiện và giám sát quá trình chăm sóc, phục hồi thể trạng cho đàn bò tót lai. |