Viêm cơ tim không phải là virus lạ gây thành dịch
- Bộ Y tế khẳng định không ghi nhận chủng virus “mới, lạ” gây viêm cơ tim
- Chuyên gia khẳng định: Thông tin "virus lạ" gây viêm cơ tim là không có cơ sở
Ngay sau đó, mạng xã hội lan truyền thông tin “một virus lạ lây lan làm chết người nhanh chóng có tên virus viêm cơ tim” khiến người dân hoang mang, lo lắng. Phóng viên Chuyên đề ANTG đã đi sâu tìm hiểu, cho thấy sự thực không phải như tin đồn.
Lại là đồn thổi trên mạng xã hội
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc virus viêm cơ tim có thể lây qua đường hô hấp, thậm chí có thể trở thành “đại dịch” với mức độ tử vong cao, khiến nhiều người hoảng hốt. Chủ một tài khoản Facebook chia sẻ trên trang cá nhân nói về cái chết của 2 bệnh nhân trẻ, trước đó vẫn khỏe mạnh nhưng đột ngột tử vong chỉ cách nhau 2 ngày với biểu hiện giống nhau: sốt rét, sốt cao, không thể cứu chữa do mắc virus lạ. Virus này tấn công gây bệnh viêm cơ tim do lây qua đường hô hấp và tử vong nhanh chóng. Chủ tài khoản này cũng kêu gọi mọi người chia sẻ để phòng ngừa.
Tốc độ chia sẻ chóng mặt lan truyền thông tin “virus lạ” làm nóng các diễn đàn mạng xã hội, khiến các nhà khoa học đã phải lên tiếng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội bước đầu đã xác nhận, có 2 trường hợp tử vong do viêm cơ tim trên địa bàn nhưng không có mối liên hệ dịch tễ, không lây cho nhau như thông tin nhiều người đăng tải về loại virus viêm cơ tim đang lây lan. Về thông tin trên mạng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang phối hợp với các bệnh viện để lấy mẫu, điều tra dịch tễ, nhằm làm rõ những gì dư luận đang xôn xao.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), thông tin “virus lạ” gây viêm cơ tim có thể lây lan thành dịch đang lan tràn trên mạng là không có cơ sở. Tại Trung tâm Tim mạch quốc gia chưa phát hiện trường hợp nào viêm cơ tim có bất thường về mặt dịch tễ.
Ngoài ra, viêm cơ tim cũng mang tính chất cá thể, không lây lan và cũng không phát triển thành dịch bao giờ. Do vậy, một vài trường hợp nhỏ lẻ không có ý nghĩa hay giá trị nào về mặt dịch tễ. Chính vì thế, người dân không nên lo lắng, cũng như đồn thổi, gây hoang mang dư luận.
Một người bị viêm cơ tim cấp được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO. |
Làm sao để phòng tránh viêm cơ tim
Theo PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải - Trưởng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giảng viên cao cấp Bộ môn Hồi sức cấp cứu Đại học Y Hà Nội, viêm cơ tim là tình trạng viêm của toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim. Nguyên nhân viêm cơ tim thường gặp là virus hoặc bệnh lý tự miễn. Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn. Bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim hoặc tổn thương cơ quan khác.
Bên cạnh đó, một số thuốc cũng có thể gây nên viêm cơ tim. Người càng có hệ miễn dịch kém thì càng dễ mắc bệnh, đặc biệt là những người suy giảm miễn dịch như HIV. Viêm cơ tim có thể biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch, nhiều trường hợp tự khỏi, ngược lại nhiều trường hợp viêm cơ tim để lại hậu quả nặng nề cho tim, thậm chí tử vong.
Viêm cơ tim gây ra cái chết cho 294.000 người từ năm 1990 trên toàn thế giới và tăng lên đến 354.000 người năm 2015. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20-40), gặp ở nam nhiều hơn nữ, biểu hiện phong phú, có thể từ nhẹ đến nặng. Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh viêm cơ tim? “Viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác. Nhưng triệu chứng thông thường là: Suy tim (người bệnh cảm thấy mệt, phù chân, khó thở), đau ngực, rối loạn nhịp tim” - PGS.BS Bùi Hoàng Hải nói.
Còn theo GS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, viêm cơ tim là bệnh xảy ra rải rác hằng năm. Tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên có những bệnh nhân bị viêm cơ tim phải nhập viện. So với thời điểm trước, hiện tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh này được cứu sống khá cao. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong vẫn còn 20-30% trong các thể nặng nhất.
GS. Bình cho hay, viêm cơ tim cấp thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm thông thường. Có nhiều bệnh nhân chỉ cảm cúm 1-2 ngày rồi bất ngờ khó thở, tức ngực. Khi vào viện, bệnh đã nặng khiến bệnh nhân trụy mạch, hôn mê và nhanh chóng bị suy đa tạng. Nếu không được cấp cứu tích cực kịp thời có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn, tử vong nhanh chóng.
Theo GS Bình, dấu hiệu của bệnh viêm cơ tim rất mờ nhạt và thường giống như hội chứng cảm cúm khác mà trong đời người ai cũng có lần mắc như: sốt, rét run, đau mỏi mình mẩy... Nhưng nếu thấy có đau tức ngực, khó thở thì cần nhập viện ngay. GS cũng khuyến cáo, thời tiết chuyển mùa hiện nay là điều kiện tốt để virus phát triển, nên người dân cần chú ý có các dấu hiệu cảm cúm.
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, nếu thấy các triệu chứng của viêm cơ tim, người dân phải đến viện ngay và hãy nói với bác sĩ mình vừa mắc một đợt cảm cúm, tiêm vắc-xin hoặc mới dùng một loại thuốc mới. Tất nhiên, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm thăm dò như xét nghiệm máu, điện tim, Xquang tim phổi, siêu âm tim, cộng hưởng từ... rồi mới có chẩn đoán chính xác.
Viêm cơ tim là bệnh nguy hiểm, để phòng ngừa, GS Nguyễn Gia Bình hướng dẫn, cách tốt nhất là giữ gìn vệ sinh, tránh nơi đông người (nơi đông người luôn là ổ vi khuẩn, virus). Ra ngoài môi trường, những người bị cảm cúm, bị ho, hắt hơi nên lấy tay che miệng hoặc đeo khẩu trang. Những người có triệu chứng ho, cảm cúm nên tự cách ly ở nhà để phòng tránh phát tán ra cộng đồng.
Người dân nên có thói quen tự làm sạch môi trường trong gia đình như mở cửa cho thông khí, đốt tinh dầu, xông bằng các loại lá thơm... Khi ra ngoài, phải đeo khẩu trang y tế và chỉ dùng 1 lần rồi bỏ, vì nếu đeo đi, đeo lại nhiều lần, khẩu trang lại trở thành ổ dịch lưu trú cho virus, vi khuẩn phát triển.