Viễn cảnh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Thứ Năm, 25/06/2020, 18:17
Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng nếu trúng cử, chính quyền của ông sẽ ủng hộ Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và được 11 nước ký vào ngày 30-12-2019.

Trong thời điểm hiện nay, Mỹ đang cần tìm các nguồn lực và thị trường thay thế cho những sản phẩm và dịch vụ của mình, ý tưởng Mỹ sẽ tham gia trở lại hiệp định này có vẻ rất hấp dẫn với phe Dân chủ.

Sáng kiến TPP ban đầu có hiệu lực vào năm 2006 và chính quyền ông Obama lúc trước coi đây là điểm cốt yếu của cái gọi là sự xoay trục sang châu Á, cùng với sự nhiệt tình thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc củng cố hiệp định này như một cách để chống lại lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.

Sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi TPP, Australia và Nhật Bản đã tái khởi động nó và đổi tên thành CPTPP. 11 nước thành viên CPTPP chiếm 13,4% GDP toàn cầu và 15% thương mại toàn cầu, biến châu Á thành khu vực thương mại tự do lớn thứ 3 toàn cầu.

Đến nay, 7 nước Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Mexico, Singapore và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định này. Chile, Peru, Brunei và Malaysia vẫn đang trong quá trình chờ cơ quan lập pháp của họ phê chuẩn. Các nước mới, nổi bật nhất là Anh, với lãnh thổ ở Thái Bình Dương của nước này, khiến họ trở thành một bên liên quan ở châu Á theo cách riêng của họ, cũng tỏ ra quan tâm đến việc tham gia thỏa thuận.

Cơ chế CPTPP mang lại những lợi thế thương mại hấp dẫn cho các nước thành viên.

Cơ chế CPTPP mang lại những lợi thế thương mại hấp dẫn cho các nước thành viên, giảm bớt và loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp cũng như dịch vụ và mở rộng các cam kết của WTO. Hiện do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đầu tư giữa các nước đang chịu ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn, Australia gần đây đã quyết định rằng tất cả các khoản đầu tư nước ngoài vào nước này sẽ cần có được sự phê duyệt của Ủy ban Đánh giá đầu tư nước ngoài, một sự đảo ngược chính sách mà Canberra mới thực hiện gần đây. Đồng quan điểm, ASEAN hiện đang đóng cửa chuỗi cung ứng thực phẩm xuyên biên giới.

Nhật Bản có khả năng sẽ mở rộng vai trò lãnh đạo trong việc đảm bảo thỏa thuận CPTPP thành công do tác động của đại dịch COVID-19. Hậu quả đầu tiên do đại dịch bùng phát là việc nước này quyết định giảm sự phụ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc bằng việc yêu cầu các công ty đưa nhà máy của họ trở lại Nhật Bản hoặc xây dựng nhà máy mới ở Đông Nam Á. Lo sợ phụ thuộc quá nhiều và nguồn cung của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp như y tế và sản xuất ôtô, Nhật Bản đã dành riêng 2,2 tỷ USD để giúp các công ty của nước này đưa hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Điểm lựa chọn khó có thể đâu khác ngoài khu vực Đông Nam Á, vốn đã trở thành một khu vực then chốt do vị trí địa lý nằm ở điểm giao cắt giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Bình Dương. “Gót chân Achilles” của Nhật Bản là việc nước này phụ thuộc vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Trung Đông mà chỉ có một kho dự trữ trong 2 tuần. Để khắc phục điều này, Nhật Bản đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình.

Dự tính, hội nghị Bộ trưởng của 11 thành viên CPTPP sẽ diễn ra vào tháng 8 tại thành phố Mexico. Một trong những chủ đề sẽ được đưa ra bàn thảo đó là mở rộng hiệp ước thương mại. Ở khu vực Mỹ Latin, Mexico sẵn sàng tận dụng tư cách thành viên của mình. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Pena Nieto, chính sách của Mexico đối với châu Á là nhằm tái lập quan hệ song phương với Trung Quốc và nỗ lực tìm kiếm sự hội nhập sâu hơn vào khuôn khổ CPTPP. Đồng thời với đó là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, giao dịch với Mỹ chiếm 2,8% thương mại của Mexico, còn các nước CPTPP chỉ chiếm 5,4% xuất khẩu và 10,4% nhập khẩu của nước này.

Tầm quan trọng của châu Á trong cấu trúc thương mại của Mexico đã từng bước tăng lên trong thập niên qua. Dưới thời chính quyền Tổng thống Pena Nieto, Mexico đã quản lý một phần mối quan hệ với châu Á trong khuôn khổ quan hệ đối tác không chính thức giữa Mexico, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia (MIKTA). Tương tự, Mexico tham gia các cơ chế đa phương như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latin (FOCALAE), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và duy trì quan hệ ngoại giao với ASEAN.

Đối với Peru và Chile, mặc dù Quốc hội Peru chưa phê chuẩn CPTPP nhưng nước này đã phát triển một mạng lưới mạnh mẽ gồm 19 hiệp định thương mại tự do với 53 nước trên thế giới. Cùng với Mexico, Chile và Colombia, Peru cũng tham gia Liên minh Thái Bình Dương, nằm trong khu vực chiến lược kết nối châu Á - Thái Bình Dương với phần còn lại của Nam Mỹ và Caribe, qua Mexico, với Mỹ.

Ở châu Á, Peru đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Australia và Singapore. Trong số các nước Nam Mỹ, Peru có lẽ cũng là nước xử lý thành công nhất đại dịch COVID-19 tính đến thời điểm này. Tất cả những điều trên khiến Peru trở nên vượt trội khi nói đến tiềm năng phát triển trong tương lai gần.

Nếu Peru đã mở cửa nền kinh tế trong vài năm qua thì Chile theo truyền thống vẫn là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trong khu vực. Giống như Peru, Thượng viện Chile vẫn chưa đăng ký tham gia các thỏa thuận đa phương CPTPP. Nhiều người trên đường phố của các thành phố lớn ở Chile đổ lỗi cho thương mại tự do khiến họ gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc nước này trở thành thành viên chính thức của CPTPP là điều đã được nhìn thấy và sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Với một viễn cảnh như vậy, CPTPP có thể sẽ đóng vai trò là nền tảng của một thời đại mới dành cho Vành đai Thái Bình Dương, đủ để hấp dẫn bất cứ cường quốc nào.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.