Viện nghiên cứu cá da trơn và "Thuỷ cung Massage cá" đầu tiên ở Việt Nam

Thứ Hai, 03/11/2008, 10:15
Để cho ra đời khu “massage cá” hiện đại bậc nhất Việt Nam, phục vụ miễn phí hơn 5.000 công nhân, nông dân mình, bà Phạm Thị Diệu Hiền – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An – tên giao dịch là Bianfishco (xem bài “Người đàn bà thờ cá” trên ANTG đầu tháng 6-2008) đã quyết định đầu tư hàng tỉ đồng vào khu đất rộng khoảng 1,5 hécta trong khuôn viên nhà máy nằm sát bờ sông Hậu.

Gần 40.000 con cá cảnh xinh xắn có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa được nhập bằng đường hàng không về Việt Nam. Khoảng 3 tháng nữa, “Thủy cung massage cá” của Bianfishco sẽ ra đời. Đó cũng là lúc Viện Nghiên cứu cá da trơn tư nhân đầu tiên của Việt Nam trị giá 10 triệu USD được xây dựng hoàn tất, đi vào hoạt động, hứa hẹn một thời kỳ mới của con cá tra xuất khẩu.

Càng thành công, càng phải biết tri ân người đã giúp mình

Bà Hiền cho biết, trong quá trình đi đây đi đó làm ăn, bà đã tranh thủ thời gian để tìm hiểu nhiều dịch vụ thư giãn của các nước phát triển trên thế giới. “Một lần, tôi vào massage cá tại Singapore rồi chợt nhớ đến hàng ngàn công nhân, nông dân vất vả “sống chết” với tên tuổi Bianfishco ở quê nhà. Thế là tôi nảy sinh ý tưởng, xây một khu massage cá tương tự để phục vụ họ miễn phí”.

Là người phụ nữ “suy nghĩ mau, hành động nhanh”, nên chưa về tới Việt Nam, bà đã bấm điện thoại thông báo ý tưởng này cho các cộng sự của mình. Về tới Cần Thơ, sau khi khảo sát một vòng khuôn viên Nhà máy Thủy sản Bình An (nằm tại KCN Trà Nóc II), bà cho di chuyển bãi đậu xe của công nhân rộng khoảng 1,5 hécta sang vị trí khác để xây dựng “Thủy cung massage cá” với chất lượng tương đương với dịch vụ tương tự tại nhiều nước trên thế giới.

Trưa ngày 16/10, anh Đỗ Tấn Sĩ - Trưởng ban cố vấn cá cảnh TPHCM, người có gần 10 năm “cộng tác”, chăm sóc cá cảnh cho Khu du lịch Bình An (Sóc Trăng), được bà Hiền giao đảm nhiệm phần việc này, kể với PV Chuyên đề ANTG rằng, “Thủy cung massage cá” này chính là mô hình dịch vụ... “cá bác sĩ” (fish doctor) ở một số nước.

Loại cá này xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, tên khoa học là Garra Rufa (châu Phi cũng có loại cá tương tự có tên là Tropical Fish). Cá này sống phổ biến trong các dòng suối nước ấm và sạch. Nó chỉ lớn bằng ngón tay, răng không bén nên không thể cắn làm hư da hay làm trầy xước. Nó thích ăn những tế bào da chết, làm cho làn da mịn hơn; đồng thời nó còn có tác dụng như châm cứu điện quanh chân giúp máu trong các huyệt đạo được thông suốt. “Cá bác sĩ” còn tạo ra một tâm lý vui vẻ khi ta ngồi để chân cho cá chăm sóc, đây là một cách thư giãn hiệu quả nhất. Phương pháp trị liệu bằng cá đã có ở khu giải trí Sanya Pearl River Nantian trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Không chỉ là cách thư giãn, nhiều người bị nấm da, vảy nến đến đây đều cho rằng đây là phương pháp chữa trị rất tốt.  

Tại thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia (Mỹ), “cá bác sĩ” trong tiệm nail của vợ chồng người gốc Việt (Hồ Cường và Lê Hồng Nga - PV) đã thu hút khoảng 5.000 người đến để được “cá rỉa chân” trong gần nửa năm qua. Nếu thư giãn chỉ kéo dài 15 phút, khách hàng phải trả 35USD; 30 phút là 50USD. So với giá các dịch vụ khác của tiệm nail chỉ từ 15 đến 30USD hay massage chân 1 giờ chỉ 20USD thì dịch vụ mới này có lời rất cao. “Người ta làm để thu đôla trên từng phút đồng hồ, còn tôi làm để phục vụ miễn phí cho công nhân - những người đã giúp mình có được vị thế như ngày hôm nay trên thương trường” - “Người đàn bà thờ cá” bộc bạch.

Viện nghiên cứu cá da trơn của Bianfishco đang được khẩn trương xây dựng để kịp đưa vào hoạt động đầu năm 2009.

Anh Đỗ Tấn Sĩ kể thêm, để phục vụ cho “Thủy cung massage chân” theo như ý của “người đàn bà thờ cá”, anh đã sang Singapore, Malaysia tham quan các nơi Fish Spa, thu thập thông tin và thống nhất mô hình. Tiếp theo đó là những chuyến đi thực tế nghiên cứu về “cá bác sĩ” ở Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc... Khi thấy đủ điều kiện, anh đã nhập khẩu cá (theo đường hàng không) về nuôi dưỡng tại quận 8, TP HCM. Điều khó khăn ban đầu là khi nuôi dưỡng một loại cá mới lạ nhưng phải hạn chế tối đa thất thoát. Qua 2 chuyến đi mua cá, anh đã mang về nước được gần 40.000 con và nuôi dưỡng thành công, với tỉ lệ hao hụt 5 tuần đầu tiên khoảng 2%. Theo dự tính, “Thủy cung massage chân” của Bianfishco sẽ có 15  hồ “cá bác sĩ” (quy cách: dài 3m, rộng 4,3m và sâu 0,7m), 30 hồ cây thủy sinh và 30 hồ cá cảnh Nam Mỹ các loại.

Thực ra, chuyện bà Hiền quan tâm công nhân, nông dân không phải là chuyện mới. Trong bài viết trước đây, Chuyên đề ANTG từng nhắc đến căng tin tại Nhà máy Thủy sản Bình An sang trọng, sạch sẽ có thể nói thuộc hàng bậc nhất trong hệ thống các nhà máy tại KCN hiện nay của Việt Nam, phục vụ miễn phí mỗi ngày mấy ngàn lượt công nhân.

Từ trước cơn khủng hoảng thừa cá nguyên liệu, nhất là cá quá lứa trong thời gian vừa qua, Bianfishco rất thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn nên đã hỗ trợ người nuôi với mức 14.500 - 15.000đồng/kg cá (trong khi các doanh nghiệp (DN) khác mua với giá 14.000đồng/kg). Riêng với những nông dân vừa “làm quen” để cung cấp cá cho công ty, được hỗ trợ 700 - 800đồng/kg. Có ai biết rằng, trong cơn “bão giá” vừa qua, mỗi ngày, Bianfishco mua vào 200 - 250 tấn cá nguyên liệu.

“Lúc bà con nông dân gặp khó khăn chính là dịp để mình thể hiện cái tâm của mình. DN với nông dân giống như người ngồi chung chiếc thuyền. Khi gặp khó khăn, bão tố mà biết đoàn kết, chia sẻ thì chuyện gì cũng giải quyết được. Giúp người là giúp chính mình - triết lý của đạo Phật từng nói rồi, mình vận dụng điều đó vào chiến lược kinh doanh cũng phù hợp đấy chứ”.

Để tỏ lòng tri ân người đã làm ra sản phẩm mang thương hiệu Bình An, thời gian qua, “Người đàn bà thờ cá” còn cho người tới tận các gia đình là nơi chôn nhau, cắt rốn của hàng trăm công nhân nghèo khó để giúp đỡ họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, trong số này có khá đông đối tượng là đồng bào Khmer ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ... Không thể diễn tả hết niềm vui của người được Bianfishco hỗ trợ tiền, cất nhà mới, thay thế ngôi nhà cũ, xập xệ trước đó.

Công nhân người Khmer Lê Thị Tha - Nhóm trưởng tạo hình ca 2, kể, chồng chị - anh Dũng cũng là công nhân của nhà máy, làm tại bộ phận kho lạnh. Cũng như bao nhiêu công nhân giỏi khác, hai vợ chồng chị được công ty hỗ trợ tiền nhà trọ và nhiều chế độ thưởng của lãnh đạo. Cách đây không lâu, khi biết hoàn cảnh 2 vợ chồng còn quá vất vả, nhà ở quê (ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) dột nát, xiêu vẹo nên thông qua công đoàn, Tổng giám đốc Phạm Thị Diệu Hiền đã hỗ trợ tiền cho họ làm lại nhà mới. Được lãnh đạo công ty chăm chút bằng nghĩa tình sâu nặng như thế nên trong nội bộ công nhân Bianfishco đã hình thành phong trào thi đua lao động sản xuất hết sức sôi nổi, khí thế...

“Tôi đặc biệt quan tâm đến công nhân của chúng tôi. Bởi chẳng ai khác, chính họ là người quyết định quan trọng cho ra sản phẩm gắn liền với tên tuổi Bianfishco đạt chất lượng toàn cầu và hiện có mặt trên các thị trường lớn, kể cả thị trường khó tính như các nước Trung Đông, EU, Nhật Bản, Mỹ. Chúng tôi tự hào là kể từ chuyến hàng xuất ngoại đầu tiên tới nay, chưa một lô hàng nào bị trả lại hay gặp sự phiền lòng nào của khách hàng. Dự tính kim ngạch năm 2008 của Bianfishco đạt 70 triệu USD, tương đương 25.000 tấn sản phẩm. Một lần nữa tôi cám ơn hàng ngàn công nhân, nông dân đã giúp tôi” - bà Hiền nói.

Lập Viện nghiên cứu để tri ân... cá và khẳng định thương hiệu Việt

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng giám đốc Phạm Thị Diệu Hiền lập đền thờ “Ông cá, bà cá” trong khuôn viên nhà máy mình. Bà từng cho rằng, cá tra, cá ba sa là sản vật trời ban cho sông nước Cửu Long nên phải tri ân, nghiên cứu về cá... Trong khi hàng loạt DN cùng lĩnh vực lo chạy mua thêm đất, đào ao nuôi cá hoặc tìm nơi xây kho trữ lạnh, nâng  công suất chế biến thì “Người đàn bà thờ cá” vẫn tập trung thực hiện hoàn hảo 6 mục tiêu chất lượng, gồm: Chất lượng cho cuộc sống; Chất lượng cho vùng nuôi; Chất lượng cho nhà máy; Chất lượng sản phẩm; Chất lượng dịch vụ và Chất lượng cho bạn. Theo bà, để giải căn cơ bài toán nguyên liệu cá tra, cần chủ động tạo được vùng nuôi và nguyên liệu phải đảm bảo tính ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng đúng chuẩn quốc tế. Và khi đã nâng giá trị sản phẩm ở thị trường xuất khẩu tất yếu sẽ đảm bảo được giá bán... DN được lợi mà nông dân cũng tự tin làm giàu...

Từ ý nghĩ hết sức logic, đúng đắn và khát vọng đột phá cái mới, đầu năm 2008, “Người đàn bà thờ cá” quyết định đầu tư khoảng 10 triệu USD để lập Viện Nghiên cứu Bianfishco Pangasius và bà đã trở thành người đầu tiên của Việt Nam lập Viện nghiên cứu thủy sản tư nhân.

Khi hay tin này, một nhà khoa học đang công tác tại Đại học Oxford (Anh) đã hỏi bà lập Viện Nghiên cứu cá để làm gì? Bà trả lời ngay: “Tôi muốn bảo vệ và phát triển “sản vật trời ban” cho vùng ĐBSCL này. Cá đã mang lại sự thịnh vượng cho hàng triệu nông dân và công nhân, làm giàu cho đất nước, góp phần làm cho Việt Nam trở nên nổi tiếng và có tên trên bản đồ thủy sản thế giới vậy thì tại sao không lập ra viện nghiên cứu riêng về nó?

Thật là không công bằng, khi ở ĐBSCL đã có các viện nghiên cứu về cây lúa, cây ăn trái, mà không có viện nghiên cứu về thủy sản. Chúng ta phải trả ơn lại cho con cá, con tôm bằng những nghiên cứu khoa học, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển những giống loài đã mang đến cho chúng ta sự no đủ. Tôi lập Viện là muốn có con cá giống khỏe mạnh nhất, loại thức ăn tốt nhất, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ nuôi sạch, thân thiện với môi trường nhất; sản phẩm chế biến đạt chất lượng tốt nhất để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và khắp thế giới”.

Bà Hiền kể, viện nghiên cứu này đã được động thổ xây dựng hồi đầu năm 2008 kế bên Nhà máy Thủy sản Bình An (KCN Trà Nóc II, Cần Thơ) và vùng nuôi cá nguyên liệu rộng hàng trăm hécta. Dự kiến đến, đầu năm 2009 tới đây, Viện sẽ đi vào hoạt động; không chỉ phục vụ cho hiệu quả kinh tế của Bianfishco mà sẵn sàng chia sẻ, nhằm góp phần mang lại hiệu quả cao hơn cho việc ứng dụng nghiên cứu sinh học vào mô hình nuôi cá tra tại ĐBSCL, cải thiện thành phần thức ăn để đảm bảo chất lượng cá tra an toàn cho người tiêu dùng trên thế giới. Đặc biệt, những kết quả nghiên cứu và ứng dụng của Viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của hàng triệu nông dân ĐBSCL.

Càng nói, “Người đàn bà thờ cá” càng tỏ ra mình là nữ doanh nhân dày dạn, chiêm nghiệm ra nhiều điều quý báu từ thực tiễn thương trường nghiệt ngã chẳng khác... chiến trường. Bà kể, làm ăn phải luôn “động não” và tìm cách gắn kết, bảo vệ cộng đồng. Có niềm tin là có tất cả. Mình tin vào công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước và cũng phải thể hiện bằng kết quả sản xuất, kinh doanh để cộng đồng, xã hội tin mình. Chính nhờ sự tự tin này mà  thời buổi nhiều DN đang dở khóc, dở mếu vì ảnh hưởng bởi cơn “bão” tài chính, tín dụng vừa qua, thì DN của bà không chỉ bình an tiến lên phía trước mà còn dành nhiều tiền của, công sức để chăm lo cho cộng đồng.

Có người hỏi nhờ đâu mà bà vượt “bão” thành công? Bà trả lời đơn giản “là nhờ chiến lược... che chắn!”. Tin, rất tin vào triết lý nhân  quả của cuộc sống nên bà luôn thực hiện điều mà lúc còn sống má bà đã dạy: “Ở đời phải biết cho nhiều hơn nhận”.

Cũng đã có người khuyến cáo rằng, bà cứ mãi lo cho chất lượng thì đâu có lợi nhuận, “Người đàn bà thờ cá” không hề băn khoăn, bày tỏ phương châm tồn tại của mình rằng: “Đã đầu tư thì phải bản lĩnh, chịu đựng lâu dài”. Rồi bà nói thêm: “Thời gian vẫn là cái quý nhất. Thời gian đã và sẽ thẩm định những gì tôi làm hôm qua, hôm nay”

Thái Bình
.
.