Việt Nam qua những bức ảnh của Đại sứ Italia
Có lẽ vì lòng say mê cảnh và người ở Việt Nam mà đến nay, sau hơn 3 năm trên cương vị Đại sứ Italia tại Việt Nam - Ngài Alfredo Matacona Cordella, đã tổ chức ít nhất 4 triển lãm ảnh về đất nước hình chữ S ở vùng Đông Nam Á này.
“Ngưỡng mộ và ngạc nhiên”, ôi Việt Nam!
“Hò hẹn” mãi, cuối cùng tôi cũng có dịp gặp ông vào một ngày đầu hè. Khác với những lần gặp trong họp báo do Đại sứ quán Italia tổ chức, ngoài đời, Alfredo Matacona Cordella thật gần gũi, hóm hỉnh và cũng đầy “chất nghệ sĩ”.
Căn phòng làm việc của ông được bày biện một cách khéo léo tạo cảm giác an lành, thoáng đãng, phóng khoáng. Trên những bức tường là hàng loạt bức ảnh ông chụp về gia đình và cả hình ảnh mà ông bắt gặp trong những chuyến thực tế tại các vùng nông thôn Việt Nam. Đó là một ngày ở làng nghề Đồng Xâm, Thái Bình hồi tháng 5/2004, 3 tháng sau khi ông đặt chân tới Hà Nội. Khi đó, ông đã bị chinh phục bởi đức tính “lao động cần cù, làm việc không mệt mỏi, độ lượng, hiếu khách và yêu cuộc sống của người Việt Nam”.
Alfredo Matacona Cordella đã chú ý cái thần trong ánh mắt của họ để chụp chùm ảnh thể hiện người Việt Nam luôn hướng về tương lai. Ông tâm sự rằng, để có thể ghi lại không khí hội làng đầy sôi động, ông đã phải túc trực nhiều tiếng đồng hồ. Mái đình, tượng rồng, cây đa, bến nước, những trò chơi dân gian như đua thuyền, chọi gà, thả diều, cờ người, đu quay và cả những món quà quê được bày bán đã mê hoặc Alfredo Matacona Cordella đến độ ông cứ liên tục bấm máy ảnh. Từng khoảnh khắc đáng nhớ trong những ngày đầu khám phá Việt Nam đã được ông ghi lại một cách chân thực và chứa chan tình cảm thương yêu.
Ngày khai mạc triển lãm ảnh làng nghề Đồng Xâm, Alfredo Matacona Cordella thuê hẳn một chiếc xe chở một số người dân làng về Hà Nội để họ được tận mắt ngắm nhìn lại cảnh sinh hoạt, vui chơi trên đất làng mình qua những bức ảnh mà ông đã chụp.
Chưa đầy nửa năm sau, ông Alfredo Matacona Cordella lại khăn gói lên vùng Tây Bắc để tìm cảm hứng mới cho nghệ thuật chụp ảnh của mình. Đắm chìm trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ bừng lên sức sống nơi núi rừng hoang dã, Alfredo Matacona Cordella đã đi từng bản làng, trèo lên núi cao để chụp ảnh lúc sáng sớm, khi chiều tà. Rồi trên đường về, ông đã nhanh tay chớp cảnh thiếu nữ Mông trong phiên chợ trao đổi hàng hóa, vật dụng hàng ngày.
Đặc biệt, cảnh “chợ tình” Sapa - nơi trai gái hẹn hò, đính ước đã được ông thể hiện rất sinh động trong triển lãm ảnh mang tên “Việt - Italia trong mắt nhau”, chung với nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh.
Ông Alfredo Matacona Cordella kể: “Chưa bao giờ tôi lại có cảm giác được sống trong một không gian trong trẻo và thanh khiết đến vậy. Những bước chân nhún nhảy, tiếng khèn gọi bạn tình tứ, những chiếc váy được trang trí công phu, kết hợp kỹ thuật nhuộm, vẽ sáp ong, thêu dệt hoa văn, vòng cổ, vòng tay... đã để lại ấn tượng khá sâu sắc với tôi. Quả là đáng quý vì người Mông đã bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo”.
Cứ như vậy, đi đâu ông cũng chụp ảnh. Lúc vì bận rộn với công việc, chỉ quanh quẩn ở Hà Nội, Alfredo Matacona Cordella vẫn có thói quen khám phá mảnh đất Việt Nam. Thế là ông tổ chức cho vợ và một số người bạn ra hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, vào đền Ngọc Sơn... để chụp ảnh. Hoặc ra công viên chụp cảnh trẻ em nô đùa, ông lão làm tò he...
“Điều thu hút tôi hơn cả là Việt Nam có một truyền thống văn hóa lâu đời và rất giàu bản sắc. Trong cơn lốc bùng nổ của kinh tế thị trường, nhiều nước đã vô tình đánh mất đi bản sắc văn hóa, nhưng Việt Nam vẫn giữ được nguyên bản nền văn hóa của mình. Đó là điều đáng quý” - ông tâm sự.
Con nhà tông
Sinh năm 1943 tại Fermo, Marche (Italia), Alfredo Matacona Cordella bắt đầu chụp ảnh từ rất sớm. Có thể nói ông đã được di truyền gien chụp ảnh. Gia đình ông có truyền thống chụp ảnh từ lâu.
Cụ nội ông sống vào khoảng giữa thế kỷ XIX là một trong những người đầu tiên truyền bá nhiếp ảnh tại Italia và đã để lại rất nhiều ảnh chân dung cũng như ảnh về kiến trúc. Những món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa của cụ nội, rồi ông và bố đã khắc sâu trong tim Alfredo Matacona Cordella niềm say mê chụp ảnh.
Năm 10 tuổi, ông lần đầu tiên cầm máy ảnh cơ và chụp tất cả những hình ảnh mà mình bắt gặp. Rồi ông còn đề nghị bố mẹ, bà, và anh chị em trong nhà cùng bạn học làm người mẫu chụp ảnh chân dung. Lớn lên, mặc dù đã chọn nghề ngoại giao, song Alfredo Matacona Cordella vẫn không quên thú chụp ảnh.
Những bức ảnh được bán đấu giá gây Quỹ Operation Smile VN của Đại sứ Italia. |
“Nó là một thú chơi, đem lại niềm vui thư giãn và rất quan trọng đối với cuộc sống của tôi”. Ông đã tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm ở Italia và ở nước ngoài gồm các ảnh kiến trúc và tài liệu.
Khả năng đặc biệt của Alfredo Matacona Cordella là chụp ảnh chân dung và ông thích tặng lại ảnh mình chụp cho chính chủ nhân, vì ông cho rằng tặng một tấm ảnh đẹp là một trong những cách đơn giản và chắc chắn nhất mang lại chút niềm vui cho họ.
Ngài Đại sứ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam
Tháng 4 vừa qua, trong khuôn khổ Festival văn hóa mang tên “Cầu vồng Italia” tại Việt Nam, ông Alfredo Matacona Cordella đã tổ chức triển lãm ảnh mang tên “Cá Hội An”. Gần 5.000 USD tiền đấu giá 16 bức ảnh trong bộ sưu tập “Cá Hội An” của ông đã được chuyển tới Quỹ Operation Smile VN (Phẫu thuật nụ cười Việt Nam) để giúp đỡ những trẻ em không may bị hở hàm ếch, sứt môi.
Được hỏi tại sao lại dùng cá làm nhân vật trung tâm trong những bức ảnh của mình, ông nói: “Mấy năm qua, tôi đã nhìn qua ống kính của mình bao nhiêu khuôn mặt đầy hứng khởi, sâu sắc và tự hào. Tôi đã “chộp" được động tác của những người đàn ông và phụ nữ làm việc trên đồng. Đôi lúc, tôi còn “do thám” trong các ngôi nhà, đến cả những tấm cửa sổ đóng kín để xem bí mật của sức sống Việt Nam.
Tuy vậy, trong dịp triển lãm này, tôi muốn tập trung vào một mảng trong đời sống thường nhật của Việt Nam hàng bao thế kỷ, vốn không những hấp dẫn với du khách lần đầu đặt chân đến Việt Nam mà còn làm ngạc nhiên ngay cả những người như tôi, đã “quen” với những điều kỳ diệu ở đây. Đó là cuộc sống ở các chợ”.
Chia tay chúng tôi, Alfredo Matacona Cordella cho biết, năm ngoái ông đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh của mình về Khe Sanh, Việt Nam tại Rome nhân "Tuần lễ Việt Nam tại Italia" và đang dự định cho những cuộc triển lãm mới.
Alfredo Matacona Cordella bảo, ông muốn trở thành cây cầu nối giữa hai nền văn hóa Italia - Việt Nam và giới thiệu Việt Nam qua cái nhìn của một người nước ngoài