Vợ chồng “Đôn-khi-hô-tê” giữa rừng Cúc Phương
Cổ tích không biên giới
Chị Nguyễn Thu Hiền - người đàn bà ngoại tứ tuần với mái tóc ngắn, quần rằn ri, giày cao cổ cùng người bạn đời ngoại quốc vẫn miệt mài với công việc cứu hộ linh trưởng hơn 20 năm nay.
Năm nay Tilo đã bước sang tuổi 74. Hồi lấy nhau, anh hơn chị tới 31 tuổi. Anh chị đến với nhau trong sự phản đối quyết liệt từ gia đình chị. Hiền - cô gái lớn lên trên phố Hàng Da - Hà Nội trong mái ấm nề nếp của một gia đình công chức.
Là con gái, Hiền cũng được mẹ truyền cho đủ nữ công gia chánh. Nhưng với bản tính nghịch ngợm, phá cách, từ hồi ấy, Hiền đã dám mặc quần cào rách, tóc cắt ngắn, lang thang theo chúng bạn đi chơi khắp phần tư Hà Nội.
Ngày đeo khăn quàng đỏ nhưng tối vẫn đi ra ga Hàng Cỏ. Cũng lê la, trèo cây, chạy nhảy đùa nghịch không kém cậu con trai nào.
"Thậm chí, các thầy cô giáo, chú, bác trong họ hay bạn bè toàn gọi tôi là "anh Hiền", "thằng Hiền", "Mít tơ Hiền"… đấy" - Chị Hiền hài hước chia sẻ không chút ngại ngần cùng với nụ cười tươi thắm hàm chứa sự chín chắn và từng trải vô cùng.
Người chồng, đến từ nước Đức xa xôi, tên đầy đủ là Tilo Nadler. Tilo dáng cao lừng lững, da hồng hào, râu bạc trắng.
Vốn là thạc sĩ điện lạnh, lại công tác trong Đài truyền hình Đức nhưng tình yêu động vật trong anh chưa bao giờ thôi rạo rực. Vì lẽ đó, anh đã chọn và gắn với Tổ chức bảo vệ động vật Frankfurt - một tổ chức bảo vệ động vật lâu đời và có uy tín bậc nhất trên thế giới.
Cũng từ đây, Tilo có cơ duyên đến với Việt Nam, chuyện tình của họ cũng bắt đầu được viết những dòng đầu tiên.
Tilo và vợ trong phòng làm việc tại Trung tâm Cứu hộ động vật linh trưởng Cúc Phương. |
Chị Hiền bảo hay là với Tilo đã có cơ duyên từ khi mới sinh. Ấy là từ năm 10 tuổi, chị theo chúng bạn đi chơi Bờ Hồ thì đã gặp đoàn nghiên cứu của CHDC Đức về các loài chim, trong đó có Tilo. Đến năm 1993, Tilo quay lại Việt Nam để nghiên cứu về loài linh trưởng thì Hiền ôn thi vào đại học.
Thời sinh viên chị cộng tác thường xuyên với Tilo, làm phiên dịch cho các chuyên gia. Về sau này, khi nghe chuyện và ráp nối lại thì đúng với các dữ kiện, nhưng chính Tilo bảo cũng không thể nhớ được chị vì một cô bé 10 tuổi với 22 tuổi khác nhau quá nhiều.
Nhưng trong ký ức của cô bé Hà Nội nghịch ngợm, hiếu động ngày nào, cái "ông Tây" đã cho mình kẹo thì đích thị không thể nào sai... Khi tình yêu nảy nở, Tilo ngỏ lời yêu cũng là lúc con tim chị rung lên nhịp đồng vọng.
Tuy nhiên, với gia đình Hiền, việc chơi với "Tây" đã là điều nhạy cảm chứ đừng nói đến kết hôn. Chị bị cả gia đình, họ hàng phản đối quyết liệt, dọa sẽ từ luôn.
Tháng 6/1997, chị ra trường thì tháng 10 xách ba lô "theo trai" luôn. Hiền viết một bức thư 8 trang gửi bố mẹ. Bố mẹ chị cũng phúc đáp lại một bức thư rất dài với câu kết xót xa: "Một là con có bố mẹ cùng gia đình, hai là con theo nó!".
Tilo kém bố vợ 5 tuổi, hơn mẹ vợ 4 tuổi còn chị kém con gái riêng của Tilo ...5 tuổi. Mãi đến năm 2000, gia đình mới đồng ý cuộc hôn nhân của anh chị. Đến tận bây giờ hai người vẫn chưa tổ chức lễ cưới nào tại Việt Nam, chưa được mặc áo cô dâu.
Chị nói vui: "Sắp kỷ niệm 15 năm ngày cưới, nhưng bọn mình tự cho là 30 năm. Vì các đôi vợ chồng khác một ngày chỉ gặp nhau vài tiếng, thời gian còn lại dành cho việc khác, còn bọn mình gặp nhau 24/24. Thế nên phải tính gấp đôi thời gian bên nhau".
Anh chị cũng đã có với nhau hai cậu con trai kháu khỉnh, anh tên Khiêm, học lớp 8 và em tên Huy, học lớp 4. Hai cu cậu đều có quốc tịch Đức, nhưng hai vợ chồng vẫn cho con học trường làng ở Cúc Phương.
Bản thân Tilo cũng đã Việt hóa rất nhiều trong việc ăn uống. Anh ăn được nước mắm, ăn cơm bằng đũa và rất thích cơm nếp.
Theo dấu vết linh trưởng
Việc phát hiện loài linh trưởng trong rừng bảo tồn của Việt Nam đã từng gây một cơn chấn động. Năm 1930, một mẩu da của loài voọc mông trắng tình cờ được phát hiện ở huyện Hồi Xuân, Thanh Hóa (hiện đang được trưng bày ở Viện Bảo tàng lịch sử Anh).
Ngoài mẫu da thì hình ảnh voọc mông trắng chỉ còn xuất hiện trên con tem cổ của Việt Nam. Ngoài ra không còn thêm thông tin, dấu vết gì nữa.
Năm 1987, một nhà khoa học người Ba Lan, khi thực tập ở Cúc Phương, trong một lần đi rừng đã gặp lại loài này sau 57 năm tưởng đã tuyệt chủng.
Ông liên hệ với Trung tâm Động vật Frankfurt và nhận được sự chú ý của họ, Tilo được cử sang vào năm 1991.
Dự tính công tác 3 năm như những dự án ở Mông Cổ, châu Phi, Nam Cực… trước đó đã làm nhưng không đủ, Tilo xin thêm 3 năm nữa mà vẫn chưa hết việc. Người Đức tâm huyết ấy quyết định ở lại công tác cho đến hôm nay và chưa biết đến bao giờ…
Vào tháng 1/1993, Tilo đi thăm chợ huyện Nho Quan (Ninh Bình) cùng với cán bộ của vườn thì thấy người dân bày bán 2 con voọc mông trắng đang bị thương.
Loài voọc mông trắng được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ động vật linh trưởng Cúc Phương. |
Trong danh sách các động vật được bảo vệ trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới thì loài này được liệt vào loại quý hiếm, đặc hữu. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, kể cả cấp cao cũng không biết được điều này.
Anh rất bức xúc, giậm chân, đỏ mặt tía tai gọi cho cơ quan chức năng. Từ đó, anh trở thành ông "thiên lôi" và là nỗi e ngại của nhiều người xâm phạm trái phép Vườn Quốc gia.
Sau này, Tilo đã bán cả cơ nghiệp của mình ở Đức để lo việc ở trung tâm cứu hộ linh trưởng.
Trong quá trình săn bắt và buôn bán, các cá thể voọc bị thương, con thì mất đuôi, con thì cụt chi… nên phải chăm sóc, khâu vá rất kỹ.
Vì thế, Tilo một tay đảm nhận hai công việc, vừa đi rừng để điều tra nghiên cứu số lượng và tập tính của bầy đàn ngoài tự nhiên, vừa cứu hộ, chăm sóc.
Chị Hiền kể lại, có con culi cụt tay do chính mẹ nó cắn. Nguyên là ngoài tự nhiên, bao giờ con mẹ cũng chọn lọc cá thể khỏe nhất, khi sinh ra hai con, không thể chăm được hết, mẹ nó buộc phải giết con còn lại bằng cách ăn thịt con yếu hơn để hồi phục sức khỏe.
Khi vừa cắn được cái tay thì người cứu hộ tới. Con culi ấy được nhóm bảo tồn đem về nuôi "bộ" và sau đó khỏe mạnh, được thả lại về rừng.
Có những lần đi tuần, kiểm tra định kỳ với kiểm lâm hoặc đi tìm hiểu thói quen của động vật, nhóm chị Hiền đụng độ với thợ xẻ, thợ săn dẫn đến tranh chấp, xô xát là chuyện bình thường.
Có nhiều trường hợp kiểm lâm ở đây bị thương rất nặng vì đụng độ, đánh nhau với các đối tượng xâm phạm rừng. Có người bị chúng tấn công đến bất tỉnh, điều trị cả tháng trời trong viện.
Thông tin đó được ông Tạ Đức Biên - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương xác nhận.
Ông Biên cho biết thêm, số lượng kiểm lâm bị hành hung dẫn đến thương tích nặng có 5 người, nhẹ thì không tính được. Và có thể con số kiểm lâm bị hành hung chưa dừng lại ở đó.
Chị Hiền mô tả, thợ săn hoặc thợ xẻ đi hàng chục người, lập lán trại đàng hoàng. Có lần họ bẫy được con voọc, voọc mẹ chết, voọc con bị trói quặt tay ra sau, trông rất tội.
Chị đến nói chuyện rất nhẹ nhàng nhưng họ quát mắng, xúc phạm và vẫn quyết đòi "mang voọc về nấu giả cầy".
Dù được học võ từ nhỏ nhưng tương quan lực lượng quá lớn, không thể làm gì được họ, chị Hiền bèn nghĩ ra cách để giải thoát con voọc tội nghiệp.
Hiền đã làm bộ nhẹ nhàng, đến xin đám lâm tặc trói tay voọc về trước bụng thay vì quặt ra sau để chúng tiện di chuyển. Thừa lúc đám người ấy sơ ý, chị đã xô cho voọc chạy thoát.
Rồi một lần, chị cùng đoàn đi vào Quảng Nam điều tra nghiên cứu loài voọc chà vá chân xám, phát hiện ra nhà một ông cán bộ huyện nuôi một con voọc.
Sau khi nói chuyện thì biết đó là động vật quý hiếm cần bảo vệ, nhưng ông ấy vẫn không trả về tự nhiên. Hiền bàn với Tilo quyết định quay clip phát trên truyền hình. Phim chiếu lên, người cán bộ này đã bị kỷ luật, mất chức.
Chị Hiền vẫn không quên ngày 29 Tết năm 2000. Buổi sáng chị nhận được thông tin có 4 mẹ con nhà voọc Cát Bà do một cán bộ của khu bảo tồn đặt thợ bắt về nuôi trong một cái chuồng nhỏ như chuồng gà.
Mục đích của họ ban đầu cũng chỉ là thu hút khách du lịch. Nhưng để có được chúng, thợ săn đã không ngần ngại bắn chết nhiều cá thể trong gia đình nhà voọc. Con bố chết. Con mẹ bị thương.
Nghe tin đó, anh chị đi thẳng tới Cát Bà. Vào đến nơi thì con mẹ và con nhỏ đã chết. Về đến Cúc Phương thì 10 phút nữa đến giao thừa.
Năm 2001, trong một chuyến đi tuần rừng, chị Hiền đưa được một cá thể voọc đơn lẻ đang kiệt sức về khu chăm sóc. Nhưng cũng chính chuyến đi này, Hiền bị ngã dẫn đến sảy thai.
Công việc cứu hộ linh trưởng, phải trực tiếp đi hiện trường hoặc tiếp nhận động vật "bất thình lình" là chuyện thường xuyên.
Đã nhiều lần hai vợ chồng hộc tốc phóng xe ôtô hàng trăm kilômét đi tiếp nhận một cá thể voọc trong khi trên xe chỉ có bánh mì và nước khoáng.
Hơn 180 cá thể gồm nhiều loài linh trưởng đang tung tăng ở đây chính là thành quả và cũng là niềm vui của hai vợ chồng.
Được biết Trung tâm Cứu hộ Động vật linh trưởng tại rừng Cúc Phương là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới, có mối quan hệ với rất nhiều tổ chức, trường đại học.
Các cá thể linh trưởng ở đây đều được đặt tên, đánh số, ghi ngày sinh, ngày đưa về rất cụ thể, chi tiết. Sau khi chữa chạy, sinh sản sẽ cho ra môi trường bán tự nhiên rồi hoàn toàn tự nhiên.
Ở đây có vài đàn "pê đê" vì không có con cái. Nhốt chúng cùng một chuồng nên đến thời điểm phát dục chúng nó cũng có những hành vi giao phối "đồng tính" với nhau, vừa kỳ lạ, vừa tội tội.
"Sau 20 năm sống ở Việt Nam, chúng tôi làm những dự án hoạt động theo đúng phong cách Đức. Chúng tôi kết hợp với kiểm lâm và chính quyền để tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ. Trong tự nhiên, một vài cá thể được đưa về đây đồng nghĩa với việc đàn của chúng đã bị thợ săn triệt hạ. Cứu hộ được một vài con trong khi cả chục con đã biến mất" - Tilo còn chia sẻ - "Tôi sẽ gắn bó với nơi này cho đến lúc chết. Khi chết, tôi muốn được chôn ở trong rừng Cúc Phương này".
Ông Đỗ Văn Lập - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ: "Trung tâm Cứu hộ Động vật linh trưởng Cúc Phương là do anh Tilo lập ra từ năm 1993, chị Hiền là điều phối viên của dự án. Trải qua chặng đường hơn 20 năm, vợ chồng anh chị ấy đã rất tận tụy và đóng góp rất nhiều cho dự án, đến nay dự án đã bước sang giai đoạn thứ 4 (mỗi giai đoạn kéo dài 5 năm). Vợ chồng anh chị đã bảo tồn được 15 loài, khoảng 180 cá thể linh trưởng quý hiếm cho Việt Nam. Bên cạnh đó, chị cũng tích cực vận động các khoản kinh phí để trung tâm hoạt động. Năm 2000, anh Tilo cũng được Chủ tịch nước tặng bằng khen".