Vong mạng vì dùng “thần dược” trị tiểu đường

Thứ Tư, 25/03/2020, 22:00
Tự ý sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc làm nồng độ acid lactic trong máu vượt mức bình thường khiến nhiều bệnh nhân đái tháo đường (dân gian thường gọi bệnh tiểu đường) rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí mất mạng.

Câu chuyện này liên tục xảy ra gần đây với hậu quả rất nghiêm trọng nhưng đến nay có vẻ người bệnh vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của những loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc này...

Suýt chết vì uống thuốc không rõ nguồn gốc

Bác sĩ Trương Dương Tiển, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, cho biết thời gian gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường bị toan chuyển hóa lactic (nồng độ acid lactic trong máu vượt mức bình thường) dẫn đến nguy kịch do sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Các bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sốc, suy hô hấp tuần hoàn, tổn thương đa cơ quan, khả năng tử vong rất cao do bị ngộ độc nhóm thuốc phenformin. Đây là loại thuốc trị tiểu đường đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới do gây nhiễm toan máu (còn gọi nhiễm acid lactic).

Điển hình, trong ngày 9 và 10-3, Khoa Hồi sức cấp cứu Khu D đã tiếp nhận nhiều ca, trong đó có hai bệnh nhân nam sốc nặng, tổn thương suy đa cơ quan, huyết áp giảm rất thấp, cần phải lọc máu, thở máy, điều trị kéo dài. Một bệnh nhân nữ nhẹ hơn, còn tỉnh táo, tình trạng nhiễm toan cải thiện.

Bác sĩ Trương Dương Tiển khám cho một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Như trường hợp ông Đ.H.L (65 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh đái tháo đường type 2 gần 20 năm nay. Cách đây vài năm, nghe mọi người truyền tai nhau về loại thuốc trị tiểu đường “gia truyền” của một thầy lang tại An Giang nên ông L. mua uống. Thời gian đầu, uống thuốc xong, ông thấy khỏe, mức đường trong máu không tăng lên mà không cần phải kiêng khem như trước đây nên ông yên tâm sử dụng cùng với thuốc Tây của bệnh viện.

Mấy ngày trước, ông L. cảm thấy mệt không muốn ăn, uống sữa khó tiêu rồi ngất xỉu nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cấp cứu, điều trị. Tuy nhiên, sau vài ngày điều trị, bệnh viện trả về vì thấy diễn tiến nặng. Lúc này, gia đình quyết định chuyển ông L. lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông L. được xác định nhiễm toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan, suy thận, suy hô hấp, hoại tử da. Sau gần 1 tuần được các bác sĩ điều trị, lọc máu liên tục, hỗ trợ thở máy, ông L. mới qua cơn nguy kịch và tiếp tục được điều trị tích cực.

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.A.T. (56 tuổi, quê Long An). Theo người vợ của bệnh nhân này, ông T. mắc bệnh hơn 4 năm, nghe lời tư vấn của hàng xóm nên ông T. tìm mua thuốc gia truyền ở Bến Tre để uống. Đều đặn 6 tháng một lần, ông T. kiểm tra chức năng gan, thận và thấy bình thường nên tiếp tục uống được 3 năm nay. Vào sáng 9-3, ông T. đột nhiên ói, thử đường huyết hạ xuống rất thấp nên gia đình đưa vào bệnh viện.

Vợ ông T. chia sẻ: “Một hộp uống được hơn một tháng với giá khoảng 260 ngàn đồng. Mỗi viên nhìn giống như hạt tiêu, uống ngày 2 cữ, trước bữa ăn... Nghe có tác dụng thì nhà tôi mua uống thôi, hơn nữa cũng yên tâm vì kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần”.

Tương tự, bà C.T.H. (41 tuổi, ngụ tỉnh Long An) đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu sau 6 năm uống thuốc Đông y “gia truyền” để điều trị đái tháo đường. Theo đó, 6 tháng trước, bà H. đi kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ khuyên ngưng dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc vì dùng lâu sẽ hư thận.

Tuy nhiên, bà H. vẫn tiếp tục uống thuốc này vì tiền mua thuốc rất rẻ, chỉ 150 ngàn đồng/tháng. 2 tháng trở lại đây, bà H. sụt cân, mệt mỏi và được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ nhận định bà bị ngộ độc hoạt chất phenformin có trong thuốc trị tiểu đường...

Hoại tử, một trong những biến chứng thường gặp ở các bệnh nhân tiểu đường khi sử dụng các loại “thần dược” trôi nổi.

Theo bác sĩ Trương Dương Tiển, đây không phải là những trường hợp cá biệt bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện cấp cứu vì sử dụng thuốc Nam. Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc Nam trị tiểu đường ngày càng phổ biến tại Việt Nam vì ban đầu nó tỏ ra hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết, bên cạnh đó loại thuốc này dễ mua ở các tiệm thuốc Đông y, các chùa có bán thuốc Đông y gia truyền và đặc biệt rất rẻ tiền.

Thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tính từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân tương tự. Các bệnh nhân đều từ tuyến dưới chuyển lên và trong tình trạng nguy kịch, không chỉ đối mặt với các chi phí lọc máu tốn kém, nhiều ca bị biến chứng suy thận mãn, không thể hồi phục và phải chạy thận suốt đời. Trường hợp đến trễ, bệnh nhân có thể suy đa cơ quan và tử vong. Thực tế, đã có một trường hợp tử vong dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, trong năm 2019 cũng tiếp nhận 5 ca bị bệnh tiểu đường cấp cứu do sử dụng “tiểu đường hoàn” chứa chất cấm phenformin. Còn theo thống kê từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 4-2019, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận, cấp cứu thành công cho hơn 10 trường hợp nhiễm toan máu do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc có chứa phenformin.

“Thần dược” chứa chất cấm

Cũng cần nói rõ là không thể phủ nhận tác dụng của các loại thảo mộc dân gian nếu sử dụng đúng cách trong việc ổn định đường huyết cho người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, hiện nay tồn tại một bộ phận người bệnh tự ý sử dụng tràn lan các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc để điều trị, khiến tình trạng bệnh không cải thiện mà còn nặng hơn.

Minh chứng cho điều này là trước đây, ở miền Tây Nam Bộ rộ lên tình trạng người dân tìm mua một số loại viên hoàn cứng nhiều màu sắc được cho là thuốc Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lại truyền miệng thổi phồng tính năng “thần dược” trị bệnh đái tháo đường. Nhiều người tin dùng, không tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Cho đến khi các bác sĩ ở một số bệnh viện trong khu vực báo động nhiều trường hợp đái tháo đường tử vong có liên quan đến “thần dược” này, người bệnh mới giật mình, hốt hoảng.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, đã có 4 trường hợp quá nặng tiên lượng không qua khỏi, gia đình phải xin về. Theo thông tin từ gia đình những bệnh nhân này, các trường hợp này trước đó đều uống một loại thuốc có chữ Trung Quốc mà họ gọi là “thần dược” trị tiểu đường. Thuốc có 3 màu xanh, đỏ và xám được mua từ những người bán thuốc ở địa phương. Thời gian đầu họ uống thấy đường huyết giảm nên uống kéo dài, sau đó thì xảy ra biến chứng...

Theo bác sĩ Trương Dương Tiển, các thuốc trị tiểu đường dưới mác viên “tiểu đường hoàn”, thuốc Nam mà người dân mua thường được các thầy lang bào chế dưới dạng các viên nhỏ nhiều màu sắc. Nhiều thầy lang đã lợi dụng trộn thêm thuốc Tây vào để bán mà trong đó có chứa chất phenformin và metformin.

 Bác sĩ Trương Dương Tiển cho biết, thuốc Nam mà các bệnh nhân đái tháo đường thường sử dụng được bào chế dưới dạng viên nhiều màu khác nhau như hồng, vàng, nâu, xanh lá tùy theo mức độ đường huyết trong máu của người bệnh. Các loại thuốc này do các thầy lang vườn tự pha chế hoặc nhập từ Trung Quốc và chủ yếu có pha chế thêm các hoạt chất như phenformin, metformin, biguanides - đây là những hoạt chất kiểm soát đường huyết tốt nhưng đã bị cấm sử dụng vì tỷ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao.

Đa số bệnh nhân ưa chuộng loại thuốc này vì thời gian đầu thuốc có hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân thường có triệu chứng buồn nôn, ói, đau bụng, chán ăn giống như viêm dạ dày nhưng do người bệnh không biết nguyên nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc khiến rơi vào tình trạng ngộ độc phenformin hoặc metformin, biguanides gây toan máu và tăng lactate máu.

Một số loại thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ mà các bệnh nhân tiểu đường đã sử dụng và nhận hậu quả.

Phenformin là chất được thế giới đưa vào sử dụng vào những thập niên 50 của thế kỷ 20. Đến năm 1963, người ta phát hiện loại thuốc này có khả năng gây biến chứng nhiễm toan chuyển hóa nặng rất cao. Do đó, đến thập niên 80, thuốc bị cấm trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, loại thuốc chứa chất cấm này vẫn được bày bán trôi nổi trên thị trường với nhiều dạng khác nhau: dạng viên thuốc gia truyền, thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường... Nếu sử dụng không kiểm soát, biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng có thể xảy ra.

Với metformin, dù được cho phép sử dụng nhưng cũng có khả năng gây nhiễm toan chuyển hóa (tỷ lệ thấp hơn phenformin). Do đó, khi sử dụng cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định bác sĩ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh đái tháo đường là căn bệnh diễn tiến âm thầm như sát thủ, không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi người mắc bệnh trở nặng. Đặc biệt, người bệnh bị biến chứng do tiểu đường sẽ đối diện nguy cơ tử vong rất cao. Bởi tiểu đường gây ra những biến chứng cấp thời như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tắc mạch, hư thận, gan, thần kinh... gây đột tử.

Chính vì vậy, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong thứ ba chỉ sau tim mạch và ung thư. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra các biến chứng lên mắt gây ra giảm thị lực và mù lòa, suy thận, đau tê tắc mạch... khiến chất lượng sống của người bệnh bị giảm đi rất nhiều.

Việt Nam thuộc nhóm nước có số người mắc đái tháo đường tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người trẻ. Tuy nhiên, có đến gần 70% người không biết mình mắc bệnh, hơn 80% bệnh nhân chỉ được phát hiện bệnh khi đã có biến chứng. Người dân nên chủ động tầm soát bệnh, tuân thủ lịch khám định kỳ hoặc yêu cầu khám bệnh khi nghi ngờ mình mắc phải đái tháo đường. Không chờ gặp các biểu hiện rõ của bệnh mới đi khám như: mắt mờ dần không nhìn rõ, thường xuyên mệt mỏi, huyết áp không ổn định, sụt cân đột ngột... vì lúc này bệnh đã trở nặng.

Bác sĩ Trương Dương Tiển khuyến cáo, một khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh cần tuân theo chỉ định, phác đồ điều trị của bác sĩ trong liệu trình điều trị, chế độ dinh dưỡng hằng ngày, cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để được can thiệp và xử lý đúng cách, kiểm soát được quá trình điều trị và ít xảy ra biến chứng.

Đặc biệt, không nên tin theo và tự ý chữa bệnh theo các loại thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc hoặc các loại thực phẩm chức năng... gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Bởi tự ý chữa bệnh sai cách sẽ khiến đái tháo đường tiến triển nặng, kèm theo nhiều biến chứng có thể dẫn đến tử vong.

Người bệnh nào có mong muốn sử dụng thuốc Đông y để điều trị đái tháo đường, cần được tư vấn bởi những người có chuyên môn về y dược học cổ truyền thay vì tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các bác sĩ cũng cần nhận thức rõ về vấn đề này để khai thác kỹ tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân và phát hiện sớm các trường hợp gặp phản ứng với phenformin.

Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh, mỗi người nên chế độ ăn hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng, thường xuyên tập thể dục, kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu bia, không để bản thân quá căng thẳng.

Phú Lữ
.
.