Vụ Shiseido Việt Nam: Câu chuyện CocaCola lặp lại?
Các cổ đông của Công ty TNHH Thủy Lộc tham gia mở chuỗi cửa hàng bán sản phẩm Shiseido đang đứng trước khốn đốn vì thua lỗ và hiện đang bị đóng cửa. Những người kinh doanh này cho rằng, Shiseido đã qua cầu rút ván, ép họ vào thế đường cùng và cuối cùng bị đẩy ra khỏi thị trường làm ăn. Tuy câu chuyện có khác, song việc thôn tính thị trường này có dáng dấp của câu chuyện CocaCola Chương Dương mấy chục năm trước đây.
15 năm trồng cây hái quả
Quay về với quá khứ, cách đây 15 năm, từ năm 1997, Thủy Lộc là công ty đã có công đưa các mặt hàng nhãn hiệu Shiseido vào thị trường Việt Nam. Lúc đó, khi Shiseido đi tìm đối tác mở thị trường, trong số 20 công ty, họ đã chọn Thủy Lộc làm nhà phân phối độc quyền. Không phải cứ là sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng thì sẽ thâm nhập dễ dàng một thị trường mới, nhất là với Việt Nam khi đó thu nhập trên đầu người còn thấp, thị trường mỹ phẩm vẫn còn thô sơ và đa số là sản phẩm rẻ tiền. Vì vậy người ta thấy rất lạ lùng ngay từ lúc đó, khi còn mua bán mỹ phẩm nhỏ lẻ, bà Hoài Anh lại đi chọn những nơi cực kỳ cao cấp như khách sạn New World ở TP HCM hay phố Tràng Tiền ở Hà Nội và những con đường đắc địa có giá thuê mặt bằng cực cao chỉ để bán mỹ phẩm.
Theo người phụ nữ giờ đã thành đạt này, chính trong bối cảnh thị trường vàng thau lẫn lộn, hàng xách tay, hàng giả quay cuồng, hiểu biết của người tiêu dùng về mỹ phẩm còn ít ỏi, bà chủ trương mở những cửa hàng sang trọng để khẳng định uy tín chất lượng và xây dựng thương hiệu cho mỹ phẩm.
Chính vì tính đến chiến lược về lâu về dài nên không phải mua bán sản phẩm là có lời ngay. Kể từ khi nhận nhãn hiệu Shiseido, liên tiếp 4 năm, Thủy Lộc chỉ toàn lỗ. Tuy nhiên, trong thời điểm này, nhìn thấy được tầm nhìn của bà Hoài Anh, nhiều người đã chấp nhận khó khăn cùng góp tiền góp sức, chung lưng đấu cật với nhau, tạo thành chuỗi cửa hàng bán sản phẩm Shiseido dần dần mở rộng. Họ cùng nhau tự bỏ tiền ra tổ chức các chương trình quảng cáo, tiếp thị như tổ chức hội thảo, tổ chức tư vấn chăm sóc sắc đẹp, mời dùng thử sản phẩm... để dần dần lôi kéo người tiêu dùng đến với mình.
Sau 4 năm, khi sản phẩm bắt đầu được người tiêu dùng chú ý, thì doanh nghiệp lại gặp vấn nạn hàng giả Shiseido. Tuy lại phải tốn kém thời gian và công sức khắc phục nạn hàng giả, nhưng Thủy Lộc và các cổ đông đã vui mừng vì có hàng giả tức thị trường đã ưa chuộng, tức những nỗ lực đã thành công. Trồng cây lâu cũng có ngày cho quả ngọt, 10 năm từ 1999 đến 2009, 13 cổ đông đã cùng Thủy Lộc đi hết đoạn đường gian nan, hoạt động kinh doanh các sản phẩm nhãn hiệu Shiseido đã thực sự hiệu quả. Các cửa hàng có doanh thu từ vài trăm triệu đến 1 vài tỉ đồng.
Thế nhưng mới đây, ngày 20/1, Tòa kinh tế Tòa án nhân dân TP HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thủy Lộc (gọi tắt là Công ty Thủy Lộc). Căn cứ để đưa ra quyết định phong tỏa tài sản và tài khoản của Công ty Thủy Lộc, thẩm phán Nguyễn Công Phú, người thụ lý vụ án và ra quyết định, cho biết, là dựa trên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Công ty TNHH mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (Shiseido Cosmetics Vietnam Co., Ltd - viết tắt là SCV) là nguyên đơn trong vụ tranh chấp hợp đồng bán lẻ đã được Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam thụ lý vào ngày 6/1/2012.
Theo quyết định này, các tài khoản của Công ty Thủy Lộc tại ngân hàng Ngoại thương chi nhánh giao dịch Phú Mỹ Hưng và Hà Nội, tài khoản tại Ngân hàng Viettinbank chi nhánh 8 không được rút tiền ra khỏi tài khoản nếu số dư dưới 13,4 tỉ đồng, tức tổng cộng số tiền bị phong tỏa tại 3 tài khoản này là 40 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tòa án còn quyết định phong tỏa toàn bộ các sản phẩm mang nhãn hiệu Shiseido như Clé De Beauté, Issey Miyake, Jean Paul Gautier và Za mà các cửa hàng thuộc chuỗi của Công ty Thủy Lộc đang bán và Thủy Lộc đang lưu trong kho. Theo ước tính của Thủy Lộc, tổng số giá trị bị phong tỏa quy ra tiền khoảng 100 tỉ đồng.
Các nhà đầu tư và báo chí đến công ty Shiseido vào ngày 2/2 nhưng không được tiếp . |
Những bản hợp đồng thay chủ đổi ngôi kỳ lạ
Ngay lập tức, trong buổi sáng ngày 2/2, bà Lê Hoài Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Thủy Lộc ngay tại tòa, đã vội vã viết tay tờ đơn khiếu nại khẩn cấp gửi tòa án. Trong đơn khiếu nại, Tổng giám đốc Thủy Lộc cho rằng quyết định phong tỏa tài khoản và tài sản của tòa là trái pháp luật vì thiếu căn cứ áp dụng. Bà Hoài Anh cho biết, hiện chính SCV mới là đơn vị phải bồi thường cho Thủy Lộc bởi lẽ SCV là đơn vị hiện đang được thuê làm dịch vụ tư vấn và quản lý điều hành cho Thủy Lộc nhưng đã không hoàn thành nhiệm vụ tư vấn, điều hành yếu, tính toán sai, khiến đưa Thủy Lộc đến vi phạm pháp luật, thua lỗ dẫn đến nguy cơ phá sản. Vì vậy, cũng trong buổi sáng ngày 2/2, Công ty Thủy Lộc cũng chính thức công bố chấm dứt hợp tác kinh doanh với SCV.
Theo thông báo này, trong thời gian từ ngày 19/1/2010 đến 31/1/2012, SCV đã hợp tác với Thủy Lộc trên một số thỏa thuận bằng một Biên bản ghi nhớ và 4 hợp đồng, nhưng SCV đã không hoàn thành nhiệm vụ như đã nêu trên, thậm chí còn có những cách thức o ép khiến cho các cửa hàng có cổ đông của Thủy Lộc đang tham gia đầu tư bị giảm doanh số, thua lỗ và đang dần dần rơi vào thế bị đánh bật ra khỏi thị trường.
Chuyện có hay không một âm mưu thôn tính thị trường bán lẻ hãy còn nhiều điều để bàn cãi, song có thể nói, cục diện kinh doanh của Thủy Lộc và các cổ đông trở nên hoàn toàn thay đổi kể từ cột mốc cuối 2009 đầu 2010, khi mà Công ty Shiseido Việt Nam tức SCV ra đời và tham gia vào thị trường. Được cấp phép thành lập vào ngày 7/12/2009, ngay lập tức chỉ nửa tháng sau, SCV đã thực hiện được ngay một số hợp đồng vô cùng quan trọng.
Mặc dù Công ty Thủy Lộc từ chối cung cấp các hợp đồng vì lý do điều kiện bảo mật được cam kết giữa đôi bên, song bằng các nguồn tin riêng của mình, phóng viên Chuyên đề ANTG đã tiếp cận được các bản hợp đồng này và phát hiện có nhiều điều khá lạ lẫm, mà chính từ đây dẫn đến thay đổi toàn bộ cục diện kinh doanh mỹ phẩm Shiseido và số phận các nhà đầu tư đã hợp tác với Thủy Lộc.
Từ cuối 2009, vị trí nhà phân phối độc quyền sản phẩm Shiseido của Công ty Thủy Lộc đã thực sự chấm dứt bởi một biên bản ghi nhớ và 4 hợp đồng ký mới với SCV. Trong số này, quan trọng là 3 hợp đồng gồm Hợp đồng Mua bán tài sản, Hợp đồng Bán lẻ và Hợp đồng Tư vấn quản lý kinh doanh mỹ phẩm.
Điều khiến các cổ đông hợp tác với Công ty Thủy Lộc vò đầu bứt trán là với Hợp đồng mua bán tài sản, Thủy Lộc đã bán toàn bộ quyền phân phối, quyền điều hành chuỗi hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình cho SCV với số tiền 8,25 triệu USD, nhưng trong số này không có thỏa thuận mua lại các giá trị góp vốn của các cổ đông này trong những cửa hàng mở chung với Thủy Lộc. Trước khi bán đi hoạt động kinh doanh của mình, Công ty Thủy Lộc đã không nêu rõ phương thức mua bán cụ thể với SCV cho các cổ đông biết, nên chính các cổ đông góp vốn với Thủy Lộc cũng không biết số phận mình ra sao.
Bà Lê Hoài Anh cho biết, bà đã đặt vấn đề để SCV mua lại phần giá trị góp vốn của các cổ đông, bên SCV có hứa nhưng lần lữa mãi không thực hiện. Và sau này, khi SCV nhận làm nhà tư vấn và điều hành cho Thủy Lộc, chính các cổ đông đã lâm nạn bởi việc điều hành thiếu công bằng đã dẫn các cửa hàng có vốn góp này thua lỗ triền miên.
Với hợp đồng trên, Thủy Lộc đã bán đi quyền kinh doanh của mình tức đã từ bỏ đi quyền độc quyền nhập khẩu và phân phối sản phẩm Shiseido. Và liền theo đó cuộc thay chủ đổi ngôi đã diễn ra khi Thủy Lộc trở thành nhà bán lẻ trong Hợp đồng bán lẻ với SCV, trong đó SCV là nhà phân phối với các điều kiện cam kết khá ngặt nghèo. Nhưng như vậy chưa phải là kỳ lạ, mà kỳ lạ nhất là cũng chính Thủy Lộc ký hợp đồng thuê SCV tư vấn và quản lý kinh doanh mỹ phẩm, tức nhà phân phối độc quyền có quyền chi phối rất lớn đến nhà bán lẻ thì lại quay sang làm dịch vụ quản lý kinh doanh (dạng như làm thuê) cho nhà bán lẻ.
Chính vì vậy mà từ đây cái vòng luẩn quẩn đã xảy ra, không biết ai có quyền lực hơn ai. Đơn cử một việc giống như… trò hề, là với tư cách là nhà bán lẻ thì theo quy định ở điều 8 Hợp đồng Bán lẻ, Công ty Thủy Lộc phải thường xuyên báo cáo số liệu mua bán của mình cho SCV là nhà phân phối, ngược lại với tư cách là người tư vấn và quản lý điều hành cho Thủy Lộc, thì SCV cũng phải có nhiệm vụ… báo cáo số liệu hàng ngày cho SCV!
Thêm nữa, chính vì Thủy Lộc cũng chỉ là một nhà bán lẻ nên SCV với tư cách là nhà phân phối độc quyền nên có hệ thống cửa hàng bán lẻ riêng của mình, và đây cũng chính là điểm mấu chốt của sự cạnh tranh và thôn tính trên thị trường bán lẻ, đã đẩy các cửa hàng của cổ đông góp vốn ngày càng đi vào thua lỗ và đến nay khi tranh chấp giữa SCV - Thủy Lộc xảy ra, các cửa hàng đã phải ngậm ngùi đóng cửa.
Những cửa hàng có vốn góp của 13 nhà đầu tư đều đã ngừng hoạt động. Ảnh: B.H. |
Bài học cho các nhà đầu tư Việt Nam
Bà Đặng Thị Thanh Hương, một nhà đầu tư hợp tác 2 cửa hàng với Thủy Lộc, cay đắng thừa nhận đây là một sự thôn tính mà các nhà kinh doanh Việt Nam đã quá non nớt nên thua cuộc. Bà Hương cho biết, theo thông tin mà bà thu thập được, doanh số các cửa hàng bán lẻ sản phẩm Shiseido có 100% vốn nước ngoài của SCV mà do Công ty Thủy Lộc bán lại doanh số tăng đều đều 30-50% hàng tháng, trong khi doanh số của các cửa hàng góp vốn giữa SCV với nhà đầu tư thì giảm từ 40-60%.
Đơn cử như cửa hàng 324 phố Huế (Hà Nội) có góp vốn của bà Nguyễn Thị Thảo trước đây doanh số 1,2 đến 1,5 tỉ/tháng, thì nay chỉ còn 500 - 600 triệu/tháng; cửa hàng của bà Nguyễn Thị Minh Tâm ở đường Lê Thị Riêng (TP HCM) trước đây bán trên 1 tỉ/tháng thì nay chỉ còn 450 - 500 triệu. Sở dĩ có điều này xảy ra vì, các nhà đầu tư cho rằng, SCV đã ưu tiên toàn bộ hàng tốt, giá trị và các chương trình hỗ trợ quảng cáo, khuyến mãi cho hệ thống cửa hàng 100% vốn nước ngoài của họ, nên khách hàng đã chuyển dần sang bên đó.
Riêng Công ty Thủy Lộc, dù không nói ra bằng lời nhưng đến giờ tuy là người thuê SCV làm tư vấn và quản lý điều hành kinh doanh nhưng đã không thể nào kiểm soát được người làm thuê cho mình. Bà Hoài Anh cho biết, bản thân SCV đã liên tục gây ra các vi phạm khiến Công ty Thủy Lộc bị cơ quan chức năng nhắc nhở liên tục, các số liệu báo cáo không kịp thời, không đầy đủ, không chuẩn xác khiến Thủy Lộc bị mất mát, thua lỗ, đến nay tạm tính đã khoảng 30 tỉ đồng. Chính vì điều này mà Thủy Lộc tạm ngưng chuyển tiền cho SCV, và xảy ra vụ kiện của SCV ra Trung tâm Trọng tài quốc tế. Rất tiếc báo chí đã có thiện chí tiếp xúc với Công ty SCV để lắng nghe thông tin từ 2 phía, nhưng SCV không cử người ra tiếp.
Tuy nhiên, điều đau khổ nhất là trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết, khi hai bên chấm dứt làm ăn với nhau thì 13 nhà đầu tư hiện đang bị bỏ rơi. Bà Hương cho biết, hết sức vô lý khi tranh chấp giữa Thủy Lộc và SCV xảy ra thì tòa án lại phong tỏa các cửa hàng có góp vốn của các nhà đầu tư, tức những người không liên quan gì đến vụ án này. Riêng SCV thì đã có ý kiến rõ ràng, là hoàn toàn không có trách nhiệm gì với việc các cửa hàng bị đóng cửa.
Trong thư trả lời Thủy Lộc ngày 31/1, Tổng giám đốc SCV Tatsuki Nagao nhấn mạnh: "Việc đóng cửa các cửa hàng là hậu quả của hành vi mà Thủy Lộc đã vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng bán lẻ đã ký giữa Thủy Lộc và SCV vào ngày 16/1/2010. Việc đóng cửa các cửa hàng này không phải là mong muốn hay thuộc về trách nhiệm của SCV". Các nhà đầu tư cho biết, họ đưa ra con số đề nghị SCV mua lại giá trị góp vốn của họ nhưng SCV đã không thực hiện như lời hứa ban đầu. "Chúng tôi buộc sẽ kiện cả hai là SCV và Thủy Lộc ra tòa nếu quyền lợi của chúng tôi bị xâm phạm", bà Thảo cho biết.
Còn hiện tại, theo thông tin chúng tôi nhận được, thị trường Shiseido ở Việt Nam đang như mớ bòng bong. Hơn 200 nhân viên của Thủy Lộc đang bán sản phẩm Shiseido mất việc là đương nhiên. Rồi, mấy ngày này, chủ các cửa hàng Shiseido bị phong tỏa đã liên tục gọi điện thoại cho các nhà đầu tư và Thủy Lộc, yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà để họ chuyển sang cho SCV thuê mở ra bán lại sản phẩm Shiseido. Cuộc thôn tính tuy chưa hẳn rõ ràng nhưng đã hé lộ