Vụ án buôn lậu hóa thạch khủng long
Thị trường quốc tế về các hóa thạch khủng long hiện trị giá hàng triệu USD, và các nhà sưu tập sẵn sàng bỏ ra hàng đống tiền để sở hữu những mẫu hóa thạch khan hiếm nhất. Nhiều quốc gia có những quy định chặt chẽ về buôn bán hóa thạch và những người vi phạm sẽ chịu những hình phạt nặng nhất. Vào ngày 27/12 vừa qua, nhà buôn hóa thạch Eric Prokpi bị Tòa án liên bang Mỹ buộc tội buôn lậu hóa thạch khủng long từ Mông Cổ và sau đó mang ra đấu giá với số tiền 1,05 triệu USD.
Ngày 20/5/2012, Eric Prokopi đưa mẫu khủng long hóa thạch Tarbosaurus bataar cao 2,4 mét và dài 7,3 mét ra đấu giá. Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj Tsakhia và vài nhà cổ sinh vật học chống đối, tuyên bố hóa thạch khủng long chắc chắn bị đánh cắp từ Mông Cổ. Nhưng, cuộc bán đấu giá của Heritage Auctions diễn ra êm xuôi và bộ xương khủng long gần như còn nguyên vẹn được bán cho một người mua vô danh với giá hơn 1 triệu USD. Nhưng Gregory Rohan, chủ Heritage Auctions, cho biết mẫu vật chỉ được giao cho bên mua sau khi tổ chức bán nhận được giấy phê chuẩn của tòa án Mỹ.
Sau một cuộc chiến pháp lý giúp giao trả hóa thạch khủng long cho Mông Cổ, Eric Prokopi, 38 tuổi, bị bắt giữ vào sáng ngày 17/10/2012 tại nhà riêng ở Gainesville, bang Florida. Vào tháng 9/2012, Cảnh sát liên bang Mỹ bắt giữ một mẫu hóa thạch khủng long Saurolophus angustirostris khác mà Prokopi bán cho một gallery ở California. Sau khi nhận tội buôn lậu, sử dụng hóa đơn giả khai báo với hải quan và buôn bán các hóa thạch mà biết rõ là bất hợp pháp, Prokopi có thể đối mặt với mức án tối đa là 17 năm tù và số tiền phạt 250.000 USD. Ngoài ra, Eric Prokopi cũng bị cáo buộc vận chuyển bất hợp pháp bộ xương hóa thạch khủng long Microraptor từ Trung Quốc vào Mỹ.
Theo luật pháp Mông Cổ, các hóa thạch động vật có xương sống khai quật được bên trong biên giới nước này được coi là tài sản quốc gia và hành vi buôn lậu các cổ vật có giá trị cao - bao gồm các hóa thạch - bị coi là một tội phạm. Tyrannosaurus baatar, hay Tarbosaurus, là loài sống ở Mông Cổ cách đây gần 70 triệu năm vào cuối kỷ Phấn trắng. Các hóa thạch của chúng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1946 trong cuộc khai quật phối hợp giữa Liên Xô và Mông Cổ trong sa mạc Gobi.
Các hóa thạch khủng long khác của Mông Cổ, cũng như các mẫu khác liên quan đến quốc gia giàu hóa thạch này, không khó tìm thấy trong catalogue của các nhà đấu giá và trên eBay. Trong cuộc đấu giá ngày 20/5/2012, Heritage Auctions cũng giới thiệu mẫu răng Tarbosaurus và bộ xương của một loài khủng long giáp sắt gọi là ankylosaurid mà các nhà cổ sinh vật học cho rằng có lẽ xuất xứ từ Mông Cổ. Xem qua catalogue của các nhà đấu giá, người ta dễ nhận thấy việc giới thiệu hóa thạch khủng long không là chuyện bất thường. Các nhà cổ sinh vật học cho biết Trung Quốc và các quốc gia khác đều có luật tương tự như Mông Cổ cấm xuất khẩu các hóa thạch. Tuy nhiên, các hóa thạch có nguồn gốc ở Trung Quốc cũng dễ tìm thấy trong các catalogue đấu giá và trên eBay.
Việc di chuyển hóa thạch ra khỏi biên giới từng là vấn đề đau đầu cho Mông Cổ trong suốt 15 đến 20 năm qua, giữa tình trạng hỗn loạn, nghèo đói và tham nhũng trong thời kỳ quá độ của đất nước sang nền kinh tế thị trường - theo Puntsag Tsagaan, cố vấn của Tổng thống Mông Cổ. Nhưng hiện nay Mông Cổ đã là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đất nước bắt đầu đặt vấn đề hóa thạch bị mất cắp là ưu tiên quốc gia. Nhà cổ sinh vật học Mark Norell ở Nhà bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ nhận định nạn cướp bóc các hóa thạch là vấn đề căng thẳng trên thế giới hiện nay