Vụ "tăng giá nước": Sawaco vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng

Thứ Sáu, 03/04/2009, 07:35
Chuyên đề ANTG đã có bài viết “Xung quanh việc kiến nghị tăng giá nước của Sawaco”, theo đó nội dung bài báo phản ánh những mâu thuẫn trong kiến nghị đề xuất tăng giá nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã trình lên Sở Tài chính TP HCM.

Tại cuộc đối thoại cùng đại diện chính quyền thành phố diễn ra vào hồi cuối tuần qua, ông Lý Chung Dân - Phó TGĐ Sawaco tiếp tục khẳng định tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng tại TP HCM. Theo đó công suất phát nước hiện nay khoảng 1,25 triệu m3/ngày đêm, với khoảng 700.000 khách hàng được gắn đồng hồ nước, tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hiện nay là 81,5% (chỉ tính diện thường trú, KT3)...

Một trong những giải pháp cấp thiết mà theo lời Phó TGĐ Sawaco khẳng định để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch là việc Nhà máy nước BOO Thủ Đức và Nhà máy nước Kênh Đông phải nhanh chóng đi vào vận hành. Cũng theo phát biểu của ông Lý Chung Dân tại buổi đối thoại thì “Trách nhiệm đó thuộc về các đơn vị khác, chúng tôi không dám có ý kiến”.

Rõ ràng, một trong những lý giải cơ bản nhất của kiến nghị tăng giá nước mà Sawaco đã đệ trình lên Sở Tài chính là việc hai nhà máy nước với công suất gần 500.000m3 chậm tiến độ thi công.

Biểu đồ thất thoát nước sạch tại TP HCM từ năm 1999 - 2008. Ảnh: T.T.O.

Tuy nhiên, khi mà Phó TGĐ Nhà máy BOO Trương Khắc Hoành tái khẳng định với PV Chuyên đề ANTG nhiều lần rằng, Nhà máy nước BOO Thủ Đức sẽ đi vào vận hành giai đoạn 1 vào giữa tháng 4/2009. Và nếu Sawaco yêu cầu, Nhà máy nước BOO Thủ Đức vẫn có thể cung cấp 300.000m3 nước/ngày với giá thành hợp đồng mua bán nước giữa Nhà máy nước BOO Thủ Đức và Sawaco không có gì thay đổi, nghĩa là 2.284đồng/m3 trong năm thứ nhất và năm thứ hai.

Không hiểu vô tình hay cố ý mà lãnh đạo Sawaco liên tiếp “né” lời khẳng định này từ phía lãnh đạo của Nhà máy nước BOO Thủ Đức để đề xuất phương án tăng giá nước sinh hoạt từ 2.700đồng/m3 lên đến 4.500đồng/m3.

Một trong những điều khó hiểu khác trong văn bản của Sawaco gửi PV Chuyên đề ANTG là việc tính khối lượng nước sử dụng tối thiểu đối với từng hộ gia đình trong một tháng.

Theo phía Sawaco thì “Khách hàng sử dụng nước là các hộ gia đình đã thỏa thuận đấu nối vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước mà không sử dụng nước hoặc sử dụng ít hơn 4m3/hộ gia đình/tháng thì hộ gia đình có nghĩa vụ thanh toán và đơn vị cấp nước được phép thu tiền nước theo khối lượng sử dụng tối thiểu theo quy định là 4m3/hộ gia đình/tháng”.

Nghĩa là với quy định này, hộ gia đình nào ký kết hợp đồng với Sawaco thì dẫu có sử dụng nước hay không vẫn phải chấp nhận cái chuyện tiền nước cơ bản cho mỗi tháng là 4m3. Giả dụ đặt trường hợp, hộ gia đình chỉ có 1 nhân khẩu, đi làm và công tác liên tục, mỗi tháng chưa sử dụng đến 2m3 nước, nhưng vẫn phải đóng tiền theo quy định là 4m3 nước. Đây là điều hết sức phi lý mà phía Sawaco kiên quyết “ép” khách hàng phải đồng ý.

heo tính toán của phía Sawaco, hiện nay có khoảng 50 nghìn khách hàng tiêu thụ nước sạch trong mức từ 1m3/tháng đến dưới 4m3/tháng trên địa bàn toàn thành phố. Nếu như tính toán này là chính xác và các hợp đồng cam kết về quy chuẩn nước mỗi tháng tối thiểu là 4m3 được ký kết, thì mỗi tháng, phía Sawaco bỗng nhiên “lời” cả chục nghìn mét khối nước không được bán ra nhưng vẫn có quyền tính tiền theo tiêu chuẩn 4m3/hộ gia đình/tháng.

Bất thường hơn nữa chính là dự đoán của Sawaco về việc, số khách hàng sử dụng nước dưới 4m3/tháng sẽ giảm, vì những khách hàng có nhu cầu sử dụng nước sạch nhưng sử dụng ít trước đây sẽ có xu hướng sử dụng trên 4m3/hộ gia đình/tháng (!?). Đây quả là điều mà chúng tôi không thể nào hiểu nổi đối với cách lập luận của Sawaco.

Bên cạnh đó, phía Sawaco đồng thuận cho khách hàng lối thoát bằng việc “những khách hàng hoàn toàn không có nhu cầu sử dụng nước có thể yêu cầu các đơn vị cấp nước tạm dừng dịch vụ cấp nước trong một khoảng thời gian nhưng không chấm dứt hợp đồng dịch vụ cấp nước. Trong thời gian này sẽ không tính khối lượng nước tối thiểu là 4m3/hộ gia đình/tháng”.

Nói sòng phẳng ra, Sawaco đang thực hiện việc tính khối lượng nước tối thiểu của mình theo cách “đã chấp nhận sử dụng nước, thì phải chịu 4m3/tháng, còn không chịu thì đừng sử dụng nước nữa”.

Lẽ đương nhiên là khi sinh sống và làm việc tại TP HCM, nếu không sử dụng nước của Sawaco thì không lẽ đi mua nước đóng chai về để sinh hoạt (?). Mà muốn sử dụng nước của Sawaco, khách hàng buộc phải chấp nhận quy định tính khối lượng nước tối thiểu phi lý này của Sawaco. Và hiện nay, đã có gần 22 nghìn khách hàng chấp nhận ký hợp đồng về việc tính khối lượng nước tối thiểu do Sawaco đề ra.

Vậy là song song với kiến nghị tăng gần 75% giá nước sinh hoạt, khách hàng của Sawaco còn phải hứng chịu “điều luật 4m3/tháng” do Tổng công ty này đề ra. Dẫu rằng, theo ông Lý Chung Dân thì tình trạng thất thoát nước sạch năm sau vẫn tăng hơn năm trước, và chính lý do này khiến Sawaco bị thua lỗ.

Ông Dân cũng đồng ý rằng nguyên nhân thất thoát nước sạch này là do công tác quản lý yếu kém của Sawaco. Nguyên nhân dẫn đến thất thoát là do Sawaco tiếp nhận một công trình ngầm cấp nước thiếu sót hồ sơ. Hệ thống cấp nước hiện có hơn 4.000km đường ống, trong đó hơn 1.000km cũ trên 20 năm, chưa kể không xác định được vị trí và hiện trạng của nó như thế nào.

Và cho đến giờ, Chuyên đề ANTG vẫn chưa có câu trả lời cho những câu hỏi mà phóng viên đã soạn gửi qua số fax đến Chánh văn phòng của Sawaco vào chiều ngày 20/3/2009. Thay vào đó, Chuyên đề ANTG lại nhận được văn bản phản hồi “một chuyện khác” của Sawaco là: “Cung cấp thông tin liên quan đến việc triển khai ký kết hợp đồng dịch vụ cấp nước và nội dung tính khối lượng nước tối thiểu".

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong văn bản này, ông Lý Chung Dân khẳng định: “Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn hy vọng các báo, đài hợp tác, phối hợp cùng Tổng công ty để việc phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”. Nhưng, dẫu rất mong muốn, chúng tôi vẫn không thể hợp tác được với Sawaco. Bởi đơn giản, Sawaco vẫn đang sử dụng chiêu thức “im lặng để đối phó với dư luận”

Kinh Hữu
.
.