Vụ trộm tranh táo bạo gây chấn động Hà Lan
Bọn trộm đột nhập Nhà bảo tàng Kunsthal ở thành phố Rotterdam, Hà Lan, vào lúc 3 giờ sáng ngày 16/10 vừa qua đã lấy đi 7 bức tranh, trị giá ước tính 100 triệu USD nếu được đem ra đấu giá của 6 danh họa lớn Picasso, Monet, Gauguin, Matisse, Meyer de Haan và Lucian Freud, chúng chắc chắn biết rất rõ hệ thống an ninh của bảo tàng hoàn toàn tự động không có người trực tiếp canh gác của tòa nhà, cũng như biết cách né tránh những thiết bị ghi hình an ninh.
Khi tiếng chuông báo động vang lên và các sĩ quan an ninh mất đúng 5 phút để triển khai đội hình thì bấy nhiêu thời gian cũng đủ để bọn trộm vác ra khỏi nhà bảo tàng số tranh quý một cách an toàn! Rõ ràng bọn trộm biết sự kiểm soát an ninh trong Nhà bảo tàng Kunsthal chỉ là hệ thống tự động không người giám sát cũng như không có bất kỳ nhân viên nào gác cổng tòa nhà vào thời điểm sáng sớm.
Roland Ekkers, thanh tra cảnh sát Rotterdam, nhận xét trong cuộc họp báo rằng hệ thống báo động ở Kunsthal rất hiện đại song không hiểu sao bọn trộm có thể dễ dàng vào - ra như chỗ không người, đồng thời có đủ thời gian để tìm đúng 7 bức tranh giá trị cao. Số tranh bị mất cắp là một phần trong cuộc triển lãm bao gồm 150 tác phẩm hội họa trong bộ sưu tập tư nhân của Triton Foundation cho Nhà bảo tàng Kunsthal mượn từ ngày 7/10/2012.
7 bức tranh quý bị trộm ở nhà bảo tàng Kunsthal. |
Tất cả 7 bức tranh bị trộm thuộc loại quý giá nhất trong số 150 tác phẩm của Triton Foundation cho nên cảnh sát cho rằng bọn tội phạm rất am hiểu về nghệ thuật. Sau vụ việc, cảnh sát quốc tế Interpol đưa số tranh bị mất vào bản danh sách các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp để điều tra tìm lại tài sản cho nhà bảo tàng.
Cảnh sát Hà Lan cho biết, không có nghi can nào trong vụ trộm táo bạo nhất trong hơn một thập niên ở nước này, mặc dù có nhiều nhân chứng cung cấp thông tin cho các nhà điều tra. Trong một cuộc họp báo, Emily Ansenk, nữ Giám đốc nhà bảo tàng Kunsthal nhấn mạnh hệ thống an ninh của Kunsthal "cực kỳ hiện đại" cho nên đã có được sự tin tưởng của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, bà từ chối tiết lộ bất cứ chi tiết nào về vụ trộm hay nhà bảo tàng được bảo vệ như thế nào.
Trong khi đó, các chuyên gia an ninh cho rằng cấu trúc và địa điểm xây dựng của nhà bảo tàng - công trình thiết kế của kiến trúc sư Rem Koolhaas nổi tiếng của Hà Lan - có lẽ đã thu hút sự chú ý của bọn tội phạm. Ton Cremers - chuyên gia về an ninh nhà bảo tàng và người thành lập Mạng An ninh Bảo tàng (MSN) - cho biết, Kunsthal nằm dọc theo con đường lớn dẫn đến một ngõ tắt cách đó chừng 100 mét đi ra xa lộ có thể rẽ theo 3 hướng khác nhau. Còn không gian triển lãm nơi treo các bức tranh bị mất cắp nằm dưới đất và có thể nhìn thấy rõ từ bên ngoài qua lớp tường bằng kính.
Các nhà điều tra chú ý một lối thoát hiểm ở đằng sau tòa nhà bảo tàng kết nối trực tiếp với sảnh chính triển lãm. Henk van der Velde, người phát ngôn của cảnh sát, cho biết 25 sĩ quan có mặt tại hiện trường trong vòng 5 phút sau khi có tiếng chuông báo động và họ còn nhìn thấy rõ những vết bánh xe ô tô trên bãi cỏ phía sau.
Mặt tường bằng kính bên ngoài nhà bảo tàng Kunsthal có thể nhìn thấy rõ những bức tranh trên tường. |
Ông Ton Cremers cho rằng, nhà bảo tàng nên treo tranh trên bức tường sau nhiều lớp cửa tạo thành hệ thống "hộp lồng trong hộp" và lập một rào chắn hay tường rào nhằm ngăn không cho ôtô từ bên ngoài có thể chạy thẳng đến cánh cửa thoát hiểm. Bất chấp việc Kunsthal được ca ngợi là "viên ngọc quý", Cremers nói với tờ De Volkskrant của Hà Lan rằng tòa nhà bảo tàng "rất cần được bảo vệ" chặt chẽ hơn nữa bằng con người thay vì chỉ trông cậy quá nhiều vào các thiết bị điện tử như camera và máy dò sự chuyển động.
Được hoàn thành vào năm 1992, Kunsthal được coi là một trong những dự án quan trọng của kiến trúc sư Rem Koolhaas, cung cấp không gian linh hoạt thích hợp cho những cuộc triển lãm khác nhau trong 3 sảnh lớn và 2 phòng trưng bày.
Theo nhận định của Chris Marinello, bọn trộm biết rõ không thể bán 7 bức tranh đắt tiền một cách dễ dàng bởi vì hiện thời mọi nhà bảo tàng trên thế giới đều nhận được báo động về vụ việc. Tuy nhiên, bọn chúng có thể bán số tranh trên thị trường đen hoặc moi tiền từ các công ty bảo hiểm để chuộc lại tranh. Sandy Nairne, Giám đốc Nhà bảo tàng National Portrait Gallery ở London (Anh), nhận xét bất cứ ai lập kế hoạch trộm tranh đều biết cách tiêu thụ chúng.
Bản thân Sandy Nairne cũng từng đau đầu với một vụ trộm tranh vào năm 1994 khi ông làm giám đốc chương trình của Tate Gallery ở London. Nhà bảo tàng bị mất 2 bức tranh của J.M.W. Turner khi chúng được triển lãm tại thành phố Frankfurt thuộc bang Hessen, miền Tây nước Đức. Hai bức tranh "bốc hơi" suốt hơn 8 năm và chỉ thu hồi lại được sau nhiều cuộc thương lượng trung gian với thế giới ngầm. Sandy Nairne hợp tác trong những nỗ lực lấy lại hai bức tranh này và ông kể lại câu chuyện trong cuốn hồi ký mới xuất bản tựa đề "Art Theft"