Vừa học vừa phòng dịch: Để học trực tuyến hiệu quả

Thứ Bảy, 12/09/2020, 15:01
Đại dịch COVID-19 đã khiến việc dạy, học trực tuyến những tháng qua được áp dụng và triển khai rầm rộ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục nhanh hơn bao giờ hết. Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh trong cả nước đều trung bình đạt trên 80% học sinh được tiếp cận dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình.

Tuy nhiên, số liệu trên mới cho thấy sự thay đổi về lượng. Để có sự thay đổi về chất, cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề xung quanh việc dạy, học trực tuyến.

Đầu năm lớp 1 sẽ rất khó để dạy, học trực tuyến khi các em cần được cô giáo uốn nắn từng nét chữ.

Dạy, học trực tuyến - hiệu quả đến đâu?

Trong Dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy, học trực tuyến (DHTT) đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định DHTT phải đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kĩ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

Để làm tốt được nhiệm vụ DHTT, thầy cô giáo ngoài những kĩ năng truyền thống còn cần có thêm khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy học. Nếu như kỳ 2 năm học trước, việc DHTT chỉ mang tính chất thử nghiệm, lấy tinh thần xung phong, thì năm nay sẽ là bắt buộc ở tất cả các môn học thuộc các cấp học. Như thế có nghĩa tất cả giáo viên không phân biệt tuổi tác, thâm niên đứng lớp đều phải tiến hành DHTT. Vì vậy mà có muôn kiểu tâm trạng của các thầy cô giáo trước nhiệm vụ mới mẻ này. Những giáo viên trẻ, thạo CNTT, hào hứng với những đổi mới trong phương pháp giảng dạy sẽ chủ động tìm hiểu, thực hành soạn bài, giảng bài trực tuyến. Nhưng còn không ít giáo viên hạn chế về CNTT thì lúng túng, dẫn đến lo ngại việc dạy theo cách này. Khi kĩ năng sử dụng CNTT của các giáo viên không đồng đều sẽ dẫn đến hiệu quả dạy học giữa các lớp có sự chênh lệch và người thiệt thòi chính là các em học sinh.

Chất lượng của việc DHTT còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi của học sinh. Học sinh cấp 1, đặc biệt là lớp 1 xem ra là đối tượng ít phù hợp nhất với việc DHTT. Cô Hồng Vân - một giáo viên dạy lớp 1 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ rất thật rằng kỳ 2 năm học trước cô đã dạy trực tuyến nhưng rất may là lúc ấy các con đã biết đọc, biết viết nên phần nào học được từ xa. Còn năm học này, giả sử ngay từ đầu năm đã phải DHTT do dịch bệnh diễn biến xấu thì không biết sẽ dạy thế nào. Bởi các con vừa từ mẫu giáo lên, chưa biết đọc biết viết, mọi kĩ năng học tập và nền nếp kỉ luật còn là con số 0. Đây là nỗi lo không chỉ của cô Vân mà của rất nhiều giáo viên ở Hà Nội, nhất là năm nay các cô còn phải làm quen với chương trình và sách giáo khoa lớp 1 mới.

Nhiều phụ huynh kéo đến trường phản đối việc thu học phí mùa dịch của Trường Dân lập Quốc tế Việt - Úc (TP Hồ Chí Minh) ngày 5-5-2020.

Một vấn đề nữa cần được tính đến: Dạy trực tiếp và dạy trực tuyến cần được kết hợp, phân chia tỉ lệ thế nào để phát huy hiệu quả? Không ít thầy cô hiểu rằng những đơn vị kiến thức không quan trọng, bài đọc thêm sẽ được chuyển sang dạy trực tuyến để giảm gánh nặng trên lớp. Việc đánh giá hiệu quả tiết dạy “vô thưởng vô phạt” này do đó thường không sát sao, vô hình trung đã không coi trọng tính hiệu quả của việc dạy trực tuyến.

Cần phải thấy rằng, DHTT hoàn toàn phù hợp đối với những bài chính, bài quan trọng. Bởi chính dạy trực tuyến mới có nhiều không gian và công cụ để thầy cô sáng tạo, đầu tư cả về nội dung và hình thức khiến bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn học sinh. Thực tế cho thấy, trong nhiều tiết học, học sinh chỉ cần được xem một clip ngắn, một mô hình minh hoạ cũng khiến các em hiểu bài nhanh hơn, nhớ lâu hơn so với việc thầy cô giảng giải bằng lời đơn thuần.

Băn khoăn về cơ sở vật chất, công nghệ, hạ tầng

Bây giờ thì Chảo A Thư - cậu học sinh lớp 12A4, Trường THPT số 1 Văn Bàn (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhưng, hình ảnh Thư dựng lều trên đỉnh đồi - nơi có thể kết nối được mạng Internet để học tập, ôn thi trực tuyến, bất chấp mưa gió, rét mướt dịp đầu năm nay thì vẫn nhiều người còn nhớ. Bố mẹ nghèo chẳng có tiền mua máy tính, điện thoại, Thư lặn lội từ nhà ở thôn Khâm (trên), xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn vượt quãng đường 8km xuống trung tâm xã, vào nhờ nhà dân để bắt sóng, học xong lại về nhà. Đi lại buổi tối nguy hiểm nên Thư quyết định dựng lều trên một quả đồi cách nhà 4km - nơi bắt được sóng tốt nhất và ngồi học ở đó. Ngày nào Thư cũng dậy sớm mang theo cơm lên đồi để học, đến chiều tối mới về, quyết không nghỉ buổi nào. Cảm phục tinh thần ham học của Thư, các thầy cô giáo đã tặng em gói sim miễn phí vào mạng 1 năm và sạc dự phòng để em có điều kiện học tập tốt hơn.

Em Lý Thị Giang - học sinh Trường THPT số 1 Văn Bàn (huyện Văn Bàn, Lào Cai)  ngồi học trực tuyến trên đường mòn để kết nối internet được ổn định.

Chẳng phải mình Chảo A Thư, mà còn rất nhiều học sinh vùng núi cao trên khắp cả nước phải khó khăn lắm mới không bị đứt đoạn việc học. Trong điều kiện như thế, việc học trực tuyến của các em đã thực sự hiệu quả chưa? Hoặc thậm chí ở nhiều vùng đa số học sinh thuộc diện nghèo, chưa được gia đình trang bị về máy tính hay điện thoại thông minh, nhiều thôn bản tới nay vẫn chưa có sóng điện thoại thì các em học sinh và thầy cô giáo đành phải ngậm ngùi nói không với DHTT.

Từ cao nguyên đá Đồng Văn, thầy giáo Hoàng Thế Đệ - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phó Bảng (thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nói với tôi rằng, các em học sinh của thầy ước ao được học một tiết học trực tuyến nhưng đến thời điểm này ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Để giúp các em theo con chữ, mùa dịch đầu năm nay, các thầy cô giáo đã chia nhau mỗi người một ngả đem tài liệu học đến tận nhà học sinh. Thầy Đệ bảo rằng, các thầy cô giáo thì có thể khắc phục khó khăn, ngày đêm gấp rút tiếp cận công nghệ để xây dựng bài học trực tuyến nhưng khó nhất chính là phương tiện học tập của học sinh. Khi các em chưa có các thiết bị đầu - cuối để học tham gia giờ học online thì các thầy cô cũng lực bất tòng tâm.

Thế mới thấy, khi DHTT được áp dụng đại trà thì khoảng cách số càng thêm rõ rệt. Chính điều này sẽ tạo ra khoảng cách về học tập ngày càng xa hơn khi giáo dục đòi hỏi người học phải làm chủ những kĩ năng số và công nghệ. Mục tiêu của việc DHTT nhằm tăng cơ hội được học cho người học. Nhưng nếu áp dụng đồng loạt mà không hỗ trợ về trang thiết bị dạy, học thì sẽ còn rất nhiều người học chịu thiệt thòi và bị tổn thương. Vết thương này sẽ ngày càng loang rộng khi những đứa trẻ ở vùng núi khi lớn lên vẫn tiếp tục tụt lại phía sau...

Tính học phí thế nào?

Để triển khai DHTT, từ nhà trường, thầy cô đến các bố mẹ đều phải bỏ chi phí lắp đặt mạng Internet, mua máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, bỏ tiền in tài liệu,... Chi phí này được các bên tự nguyện đảm nhiệm. Thế nhưng, khi đề cập đến học phí DHTT thì lại gây nhiều tranh cãi.

Thế mới có chuyện học kỳ 2 năm học trước, khi một số trường tư thục thông báo thu học phí DHTT thì một bộ phận phụ huynh đã kéo đến trường phản ứng gay gắt. Khi đó, giữa nhà trường và phụ huynh đã có những đánh giá khác nhau về hiệu quả DHTT. Nhà trường cho rằng đã đầu tư một khoản tiền lớn để trang bị cơ sở vật chất, mua phần mềm thiết kế bài giảng, đầu tư cho giáo viên tập huấn, những chi phí này có thể tính vào học phí. Do vậy, dù là mùa dịch thì học phí trường đã thu sẽ không được hoàn trả. Nhưng phụ huynh thì coi việc DHTT ở thời điểm đó chỉ là giải pháp tình thế, chưa có cơ sở pháp lý và chưa có sự kiểm soát chất lượng, con họ gần như không học được gì, do vậy học phí phải trả lại.

Đó là câu chuyện của năm học trước. Còn tới đây, khi thông tư quy định về quản lý DHTT được ban hành, khi việc DHTT là một phần trong hoạt động dạy học chính khóa theo quy định của Bộ thì các trường phải xây dựng kế hoạch, công bố mức thu học phí mỗi năm học để phụ huynh, học sinh nắm được.

Lớp học trực tuyến của học sinh Chảo A Thư (lớp 12A4, Trường THPT số 1 Văn Bàn, huyện Văn Bàn, Lào Cai) là một túp lều trên đỉnh đồi - nơi có thể kết nối được mạng internet.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND cấp tỉnh thống nhất việc thực hiện các khoản thu đầu năm 2020-2021. Về học phí, Bộ đề nghị các tỉnh thống nhất mức học phí cụ thể phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và tình hình dịch COVID-19. Bộ nhấn mạnh trong trường hợp tổ chức học trực tuyến (online), mức thu học phí không được vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Để việc DHTT được tiến hành lâu dài và thuận tiện, Dự thảo Thông tư về DHTT cũng cần đề cập đến chi phí và học phí cụ thể. Mức thu cần linh hoạt căn cứ vào tình hình của các địa phương, dựa trên sự chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm; đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên.

Kiểm tra, đánh giá sẽ khác trước

Cũng trong Dự thảo Thông tư, việc đánh giá học sinh có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến hay trực tiếp. Nhưng đánh giá định kỳ thì bắt buộc phải áp dụng bằng hình thức trực tiếp tại trường để có sự kiểm soát chặt chẽ.

Một câu hỏi đặt ra là trong tình huống dịch COVID diễn biến xấu, học sinh nghỉ học dài ngày, không thể đến trường để kiểm tra định kỳ trực tiếp thì sao? Do đó, phương án đánh giá định kỳ trực tuyến cũng cần được dự trù cụ thể. Trong trường hợp đã học trực tuyến toàn phần thì không có lý do gì lại không thể kiểm tra đánh giá trực tuyến. Vấn đề là đánh giá bằng cách nào, áp dụng đối với từng cấp học ra sao cho chính xác và phù hợp.

Khi kiểm tra trên lớp, học sinh làm theo dạng đề đóng có sự giám sát của giáo viên là phù hợp. Còn khi làm bài ở nhà thì dạng đề mở tạo cơ hội cho học sinh làm việc nhóm, tìm kiếm, khai thác dữ liệu trên mạng internet. Theo đó, cách đánh giá về sản phẩm do một nhóm làm sẽ khác với cách chấm điểm bài kiểm tra của từng học sinh làm bài độc lập. Do vậy, khâu này cũng cần được tập huấn và thực hành bài bản.

“Mục đích của việc dạy, học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi các em không thể đến trường vì những lí do khách quan. Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh. Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập.

Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá” - tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT.

(Còn tiếp)

Huyền Châm
.
.