Vừa học vừa phòng dịch: Nhiều kịch bản cho năm học mới

Thứ Bảy, 05/09/2020, 17:33
Hôm nay, ngày 5-9, các cơ sở giáo dục trong cả nước chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Tuy năm học mới đã thực sự bắt đầu nhưng có lẽ chưa bao giờ các trường lại ngổn ngang nhiều nỗi lo và đề ra nhiều phương án dạy - học như năm nay. Đã đi qua một kỳ học trắc trở do dịch bệnh, năm học này các nhà trường tiếp tục xây dựng kịch bản vừa dạy học vừa phòng dịch.

Để đảm bảo đúng tinh thần “không ngừng việc dạy - học do COVID-19”, ngành giáo dục đang từng bước thiết lập “trạng thái dạy - học bình thường mới” với không ít băn khoăn...

Khó có phương án chung

Thời điểm đã chính thức bắt đầu nhưng để đưa ra một phương án thống nhất cho việc dạy - học trên cả nước lúc này là điều không tưởng. Giữa các tỉnh, thành phố không thể có chung kế hoạch dạy học vì dịch bệnh ở các địa phương diễn ra ở các mức độ khác nhau và có nhiều diễn biến mới. Với các tỉnh hiện không ca nhiễm bệnh, phương án học trực tiếp gắn với phòng dịch vẫn giữ nguyên. Với các địa phương đang còn trong tâm dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, việc triển khai nhiệm vụ năm học đã được cân nhắc từ nhiều ngày qua.

Theo một đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hải Dương, các trường học ở thành phố Hải Dương, trường hợp chưa ổn dịch kéo dài, chưa ổn định mà không tổ chức học tập trung được, các đơn vị sẽ tổ chức dạy học trực tuyến.

Học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng A thời điểm đi học trở lại vào tháng 5-2020 sau một thời gian dài không đến lớp do dịch bệnh.

Tương tự, ở Quảng Nam, do nhiều địa bàn trong tỉnh vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội nên Sở GD-ĐT Quảng Nam yêu cầu các trường, thầy cô giáo chủ động chuẩn bị kế hoạch để có thể triển khai giảng dạy trực tuyến trong một vài tuần đầu. Theo ông Trương Công Nên - Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thì các trường học trên địa bàn thị xã đã được chỉ đạo tùy theo diễn biến dịch bệnh mà có kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp, bởi Điện Bàn hiện vẫn còn nằm trong vùng cách ly.

Tình hình tại tâm dịch Đà Nẵng cũng tương tự. Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng thì tuần học đầu tiên từ ngày 7-9, các em học sinh có thể chưa đến trường được, vì vậy sẽ tổ chức học qua mạng Internet. Nếu tuần thứ hai cũng chưa đến trường được, thì sẽ tiếp tục học qua mạng Internet cho đến khi các em học sinh chính thức trở lại trường. Riêng trường hợp học sinh, học viên không tiếp cận được phương pháp dạy học trực tuyến, không nhận được bài giảng, bài tập, câu hỏi qua website, email, Facebook, Zalo, Viber thì nhà trường và giáo viên bộ môn sẽ cung cấp bài giảng, bài tập, câu hỏi qua tài liệu giấy để học sinh tiếp cận.

Không chỉ các địa phương, mà ngay giữa các cấp học cũng khó có kịch bản dạy học chung. Bởi chương trình ở mỗi cấp mang tính đặc thù, hơn nữa học sinh ở các độ tuổi khác nhau sẽ có kĩ năng và khả năng tiếp thu bài học trực tuyến không giống nhau. Học sinh THPT và đại học có thể bắt nhịp tốt với việc học trực tuyến. Cấp học nhỏ hơn sẽ khó khăn hơn nhiều, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6 có sự thay đổi bản về việc học, cần được chỉ dẫn cụ thể, chi tiết. Vì thế, ở cùng một địa phương nhưng các em học sinh lớp 1, lớp 6 được ưu tiên đi học trực tiếp, còn lại học sinh từ lớp 2 đến lớp 5, lớp 7 đến lớp 12 học trực tuyến để đảm bảo giãn cách xã hội.

Kế hoạch năm học này cũng không thể xây dựng dài hơi như các năm trước. Trao đổi với chúng tôi, thầy Hà Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên) cho biết từ năm học này, nhà trường phải có kế hoạch dạy học theo từng giai đoạn ngắn lựa theo diễn biến dịch bệnh. Song song với kế hoạch dạy học trực tiếp là kế hoạch dạy học trực tuyến để sẵn sàng chuyển trạng thái bất cứ lúc nào.

Rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi con em họ đến trường học tập trung khi dịch bệnh còn lây lan trong cộng đồng. Chị Đặng Phương Lan ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) tỏ ra hết sức lo lắng khi cậu con trai lớp 8 đi học ở trường thì phải phòng tránh lây nhiễm COVID-19 ra sao? Giả sử có học sinh hoặc thầy cô giáo bị lây nhiễm thì xử lý thế nào, các học sinh còn lại sẽ khoanh vùng, cách li thế nào? Theo chị Lan thì các trường nên diễn tập ứng phó với các tình huống này để không rơi vào tình trạng lúng túng, bị động nếu chẳng may dịch bệnh “chui” vào trường học.

Các trường học nên diễn tập ứng phó với tình huống khi có giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19, đề phòng dịch bệnh “chui” vào trường học.

Tinh giản chương trình 

Giảm tải chương trình và tăng thêm hình thức học - đó là chủ trương của Bộ GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay, vừa được coi là giải pháp giáo dục mùa COVID, vừa là xu hướng chuyển đổi của ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT vừa ban hành Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT. Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại, Bộ GD-ĐT yêu cầu tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5842 (năm 2011) về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), việc tinh giản này khác với tinh giản ở học kì 2 năm học trước chỉ mang giải pháp tình thế là giảm số bài, số tiết học. Lần này sẽ cắt giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học, cấp học để gọn nhẹ hơn, tuy nhiên vẫn đảm bảo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng.

Việc tinh giản, sắp xếp lại chương trình cũng phục vụ cho chiến lược đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học trong thời gian tới. Ví dụ, ở một môn học nào đó, các bài học trong sách giáo khoa sẽ được sắp xếp lại nội dung trong một chủ đề của chương trình. Hoặc cũng có thể xây dựng một chủ đề dạy học tích hợp kiến thức của các môn học liên quan. Khi những nội dung cần học trên lớp giảm đi, giáo viên sẽ có điều kiện tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt hơn.

Khi Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc tinh giản, sắp xếp lại chương trình là bước đi hợp lý. Không chỉ thế, việc sắp tới đây Bộ GD-ĐT ban hành thông tư công nhận phương thức dạy học trực tuyến và quy định việc quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên càng có ý nghĩa đặc biệt.

Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, việc dạy học trực tuyến sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc trong các nhà trường.

Học trực tuyến sẽ là bắt buộc?

Ngày 11-8-2020, Bộ GD-ĐT đăng mạng lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Nếu dự thảo được thông qua thì sẽ có thêm một hình thức dạy học chính được áp dụng trong nhà trường bên cạnh hình thức học truyền thống: đó là dạy học trực tuyến. Điều này là hoàn toàn cần thiết khi cần phải có hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các trường chuẩn bị sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến học sinh không thể đến trường.

Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuẩn bị các điều kiện áp dụng dạy học trực tuyến là nhiệm vụ thường xuyên của năm học, bắt buộc các cơ sở giáo dục phải chú ý thực hiện từ năm học tới.

Theo ông Tài, các cơ sở giáo dục, giáo viên cần hiểu đúng và nhất quán về dạy học trực tuyến để chuẩn bị tinh thần bước vào một giai đoạn dạy học có nhiều thay đổi thực sự. Chẳng hạn như việc giáo viên thu một video rồi cung cấp cho học sinh qua email, hay đưa lên YouTube không phải là dạy học trực tuyến. Đây chỉ là những khâu rất nhỏ để giáo viên có thể áp dụng CNTT vào dạy học như là giải pháp tình thế trong giai đoạn việc dạy học trực tiếp bị gián đoạn. Bản chất của việc dạy học trực tuyến phải dựa trên sự tương tác giữa học sinh - giáo viên ngay tại thời điểm dạy và học.

Việc áp dụng bắt buộc hình thức dạy học trực tuyến đã khiến không ít các nhà quản lý, giáo viên băn khoăn về tính khả dụng và hiệu quả lâu dài. Theo dự thảo Thông tư, sẽ có 3 hình thức dạy học trực tuyến gắn với hình thức học trực tiếp ở các mức độ khác nhau. Và việc áp dụng hình thức trực tuyến nào cũng không có quy định bất di bất dịch mà hoàn toàn dựa vào điều kiện thực tế ở các nhà trường trong các thời điểm cụ thể. Vậy dạy trực tuyến nội dung nào, dạy trực tiếp phần kiến thức nào, hay dạy kết hợp theo tỉ lệ như thế nào cho hợp lý? Vấn đề này một lần nữa thách thức các nhà quản lý giáo dục và các thầy cô giáo. Như vậy, bài toán chủ động áp dụng một cách linh hoạt vẫn được đưa ra.

Khi dạy học trực tuyến là bắt buộc, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết ngay ở thời điểm đầu năm học. Chẳng hạn như chất lượng dạy học trực tuyến sẽ được giám sát ra sao, những vùng kinh tế khó khăn, ít có điều kiện áp dụng CNTT thì sẽ học trực tuyến thế nào? Kiểm tra đánh giá bằng hình thức nào khi vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp? Học phí học trực tuyến liệu có thay đổi khi việc dạy học không giản đơn chỉ với bảng đen, phấn trắng như cách dạy truyền thống? Rõ ràng, để việc dạy học trực tuyến trở thành “trạng thái dạy - học bình thường mới” thì cần có sự đầu tư đồng bộ và giải quyết những bất cập ở nhiều khâu trong chuỗi các hoạt động dạy và học.

Dự thảo Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến:

- Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp: Theo đó, giáo viên cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.

- Dạy học trực tuyến thay thế một phần dạy học trực tiếp, tức là kết hợp dạy trực tiếp: Giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.

- Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động dạy học tổ chức thực hiện hoàn toàn qua môi trường internet. Hình thức này áp dụng khi học sinh không thể đến trường.

Thời gian nhận ý kiến góp ý Dự thảoThông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyênlà 2 tháng, tính  từ ngày 11-8 đến hết ngày 11-10-2020.

Huyền Châm
.
.