Vương miện không kết từ vòng gai

Thứ Tư, 19/09/2018, 16:11
Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2018 đã gọi tên người đẹp Trần Tiểu Vy ở vị trí cao nhất. Một đêm chung kết mãn nhãn nhưng vẫn có không ít điều đáng suy ngẫm khi chặng đường của cuộc thi đã chạm mốc 30 năm.


Những điểm nhấn cho đêm hào quang

Khởi động từ tháng 3-2018, năm nay cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần đầu được tổ chức kéo dài 6 tháng. Địa điểm thi được tổ chức ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, diễn ra tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Nhiều phần thi phụ mới ra đời như “Người đẹp thời trang”, “Người đẹp du lịch”, “Người đẹp thể thao”. Đặc biệt, vòng thi “Người đẹp biển” được dàn dựng thành một đêm thi quy mô, hoành tráng không kém vòng chung khảo.

Các phần thi phụ đã diễn ra sôi nổi, quy mô hoành tráng, nâng tầm thành đêm diễn với sự theo dõi của hàng ngàn khán giả tại chỗ cũng như hàng triệu khán giả theo dõi qua livestream, truyền hình trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên vòng chung kết chia làm hai chặng, diễn ra ở nhiều địa điểm và kéo dài trong một tháng. Quy mô của cuộc thi cũng nâng tầm khi đêm chung kết được truyền hình trực tiếp trên 16 đài truyền hình trung ương và địa phương – con số “khủng”  hơn nhiều so với mọi năm.

Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy.

Đây cũng là năm thứ 2 phần thi “Người đẹp nhân ái” được chú trọng. Các thí sinh nhan sắc có điều kiện thực hiện nghiêm túc dự án nhân ái của mình, trải nghiệm với những mảnh đời bất hạnh. Thí sinh giành danh hiệu “Người đẹp nhân ái” được đặc cách vào top 5 để trả lời ứng xử. Tạo một điểm nhấn tinh thần là cách Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam muốn học hỏi và tiến sát tiêu chí cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Tân Hoa hậu sẽ bớt bị bỡ ngỡ khi tham gia sân chơi quốc tế sau này.

Nếu trước đây, phần thi quen thuộc như trang phục áo dài, áo tắm, dạ hội của các thí sinh thường lặp đi lặp lại với những bộ áo dài, áo tắm đơn điệu nhàm mắt trên nền nhạc thì năm nay, các phần thi đã được làm mới. Cụ thể, phần thi trang phục áo dài được chia làm nhiều phần nhỏ với các bộ sưu tập đa dạng thể hiện bản sắc từng vùng miền dân tộc như Tây Bắc, Hà Nội, Huế, Tây Nguyên, Nam Bộ, biển đảo… ứng với âm nhạc đặc trưng mỗi vùng.

Các thí sinh vừa thi nhan sắc, vừa như đang tham gia một đêm trình diễn thời trang, ca nhạc. Phần thi áo tắm được biến thành màn thí sinh đồng diễn sôi động và lồng MV ca nhạc nóng bỏng của ca sĩ. Phần dạ hội có sự tham gia của nghệ sĩ violin nổi tiếng làm nổi bật không gian lâu đài nguy nga tráng lệ đón những nàng công chúa yêu kiều. Hiệu ứng màn hình led thực sự khiến đêm chung kết lung linh, hút mắt và kỳ diệu như chủ đề “Ánh sáng” mà tổng đạo diễn dàn dựng.

Thị phi nhan sắc

Vương miện Hoa hậu đã được trao cho Trần Tiểu Vy đến từ Quảng Nam, vừa tròn 18 tuổi. Cô là thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi. Vẻ đẹp lai Tây của cô được đánh giá cao, từ gương mặt đến hình thể. Tuy nhiên phần thi ứng xử của Tiểu Vy lại gây thất vọng, tỏ ra kém hơn nhiều so với sự gãy gọn, tự tin trong phần trả lời của thí sinh Bùi Phương Nga – Á hậu 1.

Cuộc thi Hoa hậu Việt nam đã chạm mốc 30 năm.

Trong cuộc phỏng vấn nhanh sau đăng quang, Tiểu Vy cho biết bản thân mình khá rụt rè và yếu nhất là khoản giao tiếp. Đặc biệt, ngay khi đăng quang, đối mặt với rừng câu hỏi của giới truyền thông, Tiểu Vy đã mất bình tĩnh. Cô phải mất một lúc mới tìm được câu trả lời.

Phần thi ứng xử của Tiểu Vy đã có không ít hạt sạn. Nhận được câu hỏi về Cách mạng công nghệ 4.0, nhưng câu trả lời của Tiểu Vy lại cho biết cô không biết gì lắm về công nghệ thông tin. Ngay cả trang facebook của cô cũng chỉ là sản phẩm “lập từ hồi trẻ trâu”, chỉ đăng hình ảnh nhí nhố và đã đóng từ lâu, quên mất cả từ khóa. Trang mới là do bạn bè hay người hâm mộ lập cho, thậm chí cô cũng không biết, vì nhiều tháng nay, cô tập trung cho cuộc thi, không giao tiếp trên mạng xã hội, không biết dư luận nói gì về mình.

Cô cho biết, phần lớn thời gian tập trung  cho việc học. Thế nhưng, kết quả học tập của cô lại “dưới trung bình”. Nếu không có những điểm cộng ưu tiên, gần như chắc chắn cô đã rớt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Trước câu hỏi của phóng viên về chuyện này, Tiểu Vy đã lúng túng và im lặng vì không tìm ra cách giải thích phù hợp.

Sự lúng túng cũng dễ hiểu, vì Tiểu Vy còn quá trẻ. Mới tốt nghiệp THPT vài tháng, cô đã lên đường đi “chinh chiến” trong cuộc thi nhan sắc. Mẹ Tiểu Vy cho biết, gia đình đưa con từ Hội An vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống và học tập khi cô học lớp 11 vì muốn con đi du học. Thế nhưng Tiểu Vy đã gác lại việc du học để thực hiện giấc mơ thi hoa hậu.

Vương miện, ghế và giày đăng quang của hoa hậu.

Sau cuộc thi, có hai luồng dư luận trái chiều được đặt ra. Một bên cho rằng, khả năng trí tuệ, kiến thức  phải được xem như một quy chuẩn cần thiết trong cuộc thi hoa hậu. Muốn dự thi, thí sinh buộc phải đạt mức độ nhất định trong kết quả học tập và khả năng học vấn. Bảng điểm THPT cho mọi môn, kể cả ngoại ngữ đều phải trên 6.0 chẳng hạn. Bên độ lượng và dễ dãi hơn lại cho rằng nên thể tất, không nên áp thêm tiêu chuẩn kỳ thi đại học vào một cuộc thi nhan sắc. Dẫu sao, trí tuệ hay nhan sắc thì cũng đều có ý nghĩa đóng góp làm đẹp cho đời.

Đừng gắn gai lên vòng nguyệt quế

Tất nhiên, danh hiệu trao cho một cô gái không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, nhất là với dư luận lắm điều và giới truyền thông nhiều ý kiến. Nhan sắc lên ngôi thường bị soi vô cùng kỹ về nhan sắc, học vấn, đạo đức…

 Chỉ sau 12 giờ sau đăng quang, vô số thông tin cá nhân, cuộc sống riêng tư của tân hoa hậu lẫn gia đình cô tràn lan trên mạng. Khen không ít, chê cũng nhiều. Những người đồng hương xứ Quảng nhắc tên cô như một niềm vui ngưỡng mộ. Bạn đồng môn, đồng lứa với hoa hậu thì hãnh diện hết cỡ.

Khi tạm hài lòng với khuôn mặt mộc hoàn hảo của Tiểu Vy thì người ta lại xăm soi hành động không hay, phát ngôn không đẹp của hoa hậu. Chẳng có gì cả. Phần đông những bình luận trên mạng xã hội, từ người hâm mộ, đều mang tính dò xét. Thành công của người này là cơ hội xuất hiện ồn ào của kẻ khác. Họ bỉ bai chuyện nhan sắc của cô Hoa hậu kém hơn Á hậu.

Rất dung tục, họ đưa ra cái giá so sánh với scandal cũng của một Hoa hậu, một MC nào đó gần đây. Rất hoài nghi, họ tung hê bảng điểm “trung bình yếu” mà hoa hậu vừa thủ đắc trong kỳ thi tốt nghiệp cách đây mấy tháng. Rất lo lắng và tỏ ra đầy trách nhiệm với nhan sắc quốc gia, họ sợ rằng Hoa hậu Việt Nam sẽ không thể đạt vương miện Hoa hậu Thế giới 2018 trong cuộc thi diễn ra trong vài tháng tới. Họ viện dẫn tiếng Anh của cô rất yếu, điểm thi chỉ đạt 4,6, chắc không qua nổi phần ứng xử…

Vương miện nhan sắc lâu nay được coi như kết bằng vòng gai, như một vòng kim cô. Khi đã đội vào là bắt đầu đau đầu nhức buốt vì muôn vàn câu niệm chú của dư luận trong hình hài khích bác, hoài nghi, đố kỵ. Sau các cuộc thi hoa hậu, cứ cô nào đăng quang là chỉ vài giờ sau tất tần tật thông tin xấu đẹp gì của cô từ thuở tắm mưa cũng được tung lên các mặt báo. Bây giờ, độ phổ cập của mạng xã hội càng khiến những điều đó lan tỏa với tốc độ ánh sáng. Bao nhiêu là tiêu chuẩn, bao nhiêu là trọng trách, bao nhiêu so sánh… Không ai chịu nhớ cho rằng tất cả đều đang nói về một cô bé mới 18 tuổi, mới rời ghế trung học có mỗi một mùa hè.

Tân Hoa hậu có thể sẽ sốc khi đọc những bình luận của mọi người. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, nhiều cô đi thi hoa hậu buộc phải có thừa khôn ngoan để đối đầu với những điều đó. Bởi trong mắt thiên hạ, danh hiệu hoa hậu như một viên kim cương quý giá mà muôn kẻ thèm khát. Thiếu nữ đạt được danh hiệu ấy sẽ được gắn cho những mỹ từ to tát như: trọn sắc vẹn tài, đại diện cho nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam...

Công bằng mà nói, dư luận có quyền bình phẩm khen chê. Nhưng thật kinh khủng khi một cô bé xinh đẹp 18 tuổi đột nhiên phải mang bao nhiêu gánh nặng mà cộng đồng, dư luận đang chất lên vai. Không lẽ tương lai là cứ phải gồng mình lên cho vừa lòng tất cả? Bằng cách nào đây. Dư luận quên rằng, điều cô ấy – cũng như bất kỳ người đẹp, bất kỳ cô gái nào khác - muốn và có quyền là sống với cuộc đời, tương lai của mình, không phải bằng và với đòi hỏi hay mong muốn của bất kỳ ai khác.

Chắc chắn, Hoa hậu không phải là cô gái đẹp nhất nước. Hiểu cho đúng, đó là một cô gái đi thi, được ban tổ chức, ban giám khảo của một cuộc thi nào đó đánh giá cao nhất, trao danh hiệu. Giật giải hoa hậu hay quán quân trong một cuộc thi nào đó, xem như một chiến thắng thì đúng, nhưng khoan coi đó là thành công, là tài năng, càng không thể lấy đó để đánh giá phẩm chất hay toàn bộ nhân cách một con người.

Cũng đừng lấy một danh hiệu nhất thời để buộc ai đó phải gánh trách nhiệm cho cả cuộc đời, cho xã hội. Nếu vui, cứ chia vui, nhưng khoan vội khoan cắt tương lai của cá nhân hay xã hội bằng những bài toán định tính hay định lượng. Hãy để cô gái 18 tuổi được vui cho trọn một ngày đi.

Đạt vương miện hoa hậu, giành quán quân trong một cuộc thi, lẽ ra nên được xem như là cơ hội, bệ phóng để một cô gái, một nhan sắc, một tài năng chớm nở bắt đầu những bước đi đầu tiên đến tương lai và thành công. Với nhan sắc, hình như dư luận xã hội không nhìn nhận bao dung như thế. Đạt vương miện chỉ là bước đầu tiên của mùa khổ ải, chưa chắc đã kịp vui sướng gì.

Tất nhiên, khi đã đạt một danh hiệu thì cũng đồng nghĩa đã được đặt vào một vị trí xã hội nhất định, đi kèm với trách nhiệm xã hội, dưới rất nhiều sự dõi theo, giám sát và cả tò mò. Biết chịu đựng và bình thản đi qua thời gian gánh nặng ấy, mà không oằn vai, không khom lưng, không cảm thấy nặng nhẹ gì, thể hiện tốt vai trò đi kèm danh hiệu, đó mới thật sự là bản lĩnh. Nó như một thử thách sau danh vọng. Tin và mong cô Hoa hậu của hôm nay sẽ là người như thế, để khẳng định cô hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu và sự ngưỡng mộ. Cũng để chắc rằng không cứ vương miện nhan sắc lấp lánh là phải kết bằng những vòng gai.

Dù sao, đó cũng chỉ là một cô gái 18 tuổi. Người của công chúng cần phải chuẩn bị, rèn luyện đạt những quy chuẩn cao hơn trước khi tham gia một cuộc thi với kỳ vọng danh vọng. Nhưng xã hội và dư luận cũng cần công tâm và bao dung hơn, bớt bỏ phần vô tâm và khắc nghiệt. Dẫu sao, nhan sắc cũng làm đẹp cho đời, nào có lỗi gì?

Mai Quỳnh Nga
.
.