Xã hội hóa sân khấu với thách thức nghiệp dư
- Tự sự cuối năm của Thành Lộc và tương lai xã hội hóa sân khấu
- Xã hội hóa sân khấu
- Đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu: Lo ngại mất bản sắc, nghiệp dư hóa nghệ thuật
PV: Thưa đạo diễn Lê Quý Dương! Năm 2020 vừa qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống cộng đồng và sân khấu cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực. Dù biết khó khăn bủa vây những nghệ sĩ biểu diễn nhưng tôi thực sự ái ngại khi một nhân vật lừng lẫy như diễn viên Thành Lộc thú nhận đã nhiều lần phải bán bớt đồ trong nhà để duy trì cuộc sống.
Đạo diễn Lê Quý Dương. |
- Tôi cũng ngậm ngùi khi biết chuyện này. Một nghệ sĩ tài danh hàng đầu như Thành Lộc mà phải lâm hoàn cảnh như vậy thì những diễn viên trẻ gần như cầm chắc sự chật vật và thiếu thốn. Ngay cả sinh kế cũng thành mối lo thường trực thì giấc mơ về sàn diễn sáng đèn càng mờ xa. Trong những ngày chống dịch COVID-19, chính tôi cũng luôn tự hỏi: thời hậu đại dịch toàn cầu thì đời sống văn hóa sẽ lụn bại như thế nào, khi nghệ sĩ không chỉ mất việc làm mà còn có nguy cơ mất luôn cả sự nghiệp.
PV: Hệ lụy COVID-19 không phải câu chuyện riêng của Việt Nam chúng ta. Một quốc gia có thị trường văn hóa cực kỳ nhộn nhịp như Mỹ cũng thúc thủ trước SARS-CoV-2.
- Mỗi năm, ngành văn hóa - giải trí của Mỹ mang lại doanh thu 878 tỷ USD và tạo việc làm cho 5,1 triệu người. Thế nhưng, COVID-19 đã khiến con số thất nghiệp trong lĩnh vực này tăng vọt. Tính đến tháng 9-2020 thì ở Mỹ đã có 52% diễn viên thất nghiệp, 55% vũ công thất nghiệp, 27% ca sĩ thất nghiệp...
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi trong vở “Rặng trâm bầu” do mình đầu tư. |
Nhìn vào con số thống kế ấy thì chúng ta có thể hình dung những người không xuất hiện trước công chúng như quản lý, trang điểm, thợ tóc, quay phim, chuyên gia âm thanh hoặc thiết kế sân khấu... cũng bẽ bàng như thế nào. Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng phê duyệt gói hỗ trợ 15 tỷ USD cho các hoạt động văn hóa nhưng chỉ như muối bỏ biển và họ đang lo lắng về một cuộc đại suy thoái văn hóa.
Tôi thấy đáng tiếc, khi các gói hỗ trợ chống COVID-19 của Chính phủ chúng ta lại chưa tính đến giới nghệ sĩ. Có lẽ những nhà hoạch định ngân sách vẫn nghĩ rằng hệ thống những nhà hát và những hãng phim vẫn được bao cấp nên nghệ sĩ vẫn có lương hằng tháng đều đặn. Thực tế, show biz Việt đang có đến 80% là nghệ sĩ tự do và họ cũng chới với trong đại dịch. Rất nhiều nghệ sĩ không có vai diễn, đã phải bán hàng online, tự làm trà sữa để bán hoặc phải đi lao động chân tay như phụ hồ, chạy bàn.
Mỗi ngày, tôi vẫn nhận được hàng chục cú điện thoại của các nghệ sĩ trẻ khẩn thiết: “Anh ơi, có show nào không, cho em làm với. Nhớ nghề quá và túng quẫn quá”. Nhiều khi tôi rơi nước mắt, không nén được nghẹn ngào. Cho nên, với Lễ hội Tết Việt Tân Sửu, tôi nói với ban tổ chức rằng tôi sẵn sàng làm miễn phí vì biết kinh phí eo hẹp nhưng phải cân đối để trả thù lao cho các nghệ sĩ trẻ. Ít nhất, họ phải có chút tiền ăn tết với gia đình.
PV: Để phòng chống COVID-19 thì tụ điểm nghệ thuật là nơi phải đóng cửa đầu tiên và chắc chắn là nơi được mở cửa lại cuối cùng. Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tích khống chế COVID-19 hiệu quả nhất nhưng để phục hồi đời sống biểu diễn vẫn đầy nan giải. Đặc biệt là sân khấu xã hội hóa. Gần 2 thập niên qua, TP Hồ Chí Minh đã có những tín hiệu khích lệ về xã hội hóa sân khấu. Nhưng sau COVID-19 thì mọi chuyện đã khác.
- Câu chuyện của nghệ sĩ Thành Lộc chính là một ví dụ để suy nghĩ lại về xã hội hóa sân khấu. Không thể phủ nhận, khi nghệ sĩ Thành Lộc phối hợp với bầu show Huỳnh Anh Tuấn thì sân khấu IDECAF đã thành một thương hiệu. Thế nhưng, khi nghệ sĩ Thành Lộc qua một năm chống COVID-19 đã phải bán bớt đồ trong nhà để sống thì chứng tỏ phong trào xã hội hóa sân khấu cũng có bất cập.
Poster vở kịch “Bàn tay của trời” trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. |
PV: Anh gọi là phong trào xã hội hóa sân khấu ư?
- Đúng. Tôi xin nhấn mạnh là “phong trào” chứ chưa có “con đường” nào cả.
PV: Nghĩa là chúng ta chỉ mới dừng ở mức kêu gọi xã hội hóa sân khấu chung chung chứ chưa có chiến lược gì?
- Đúng vậy! Xã hội hóa sân khấu không phải mạnh ai nấy làm kiểu tùy hứng và sống chết mặc bay. Xã hội hóa sân khấu hoàn toàn không phải mô hình gánh hát rong, gom góp diễn viên rồi mượn rạp nọ diễn vở này, mượn rạp kia diễn vở khác.
PV: Trước khi nổi danh dàn dựng những lễ hội hoành tráng tại Việt Nam, anh là một đạo diễn từng thành công ở sân khấu quốc tế. Những năm hoạt động ở Úc, anh từng được giải thưởng của bang New South Wales cho vở kịch “Tiệc thịt” (Meat Party) giải thưởng của tổ chức Asianlink cho vở kịch “Lời thì thầm từ thế giới bí mật” (Whispers From the Secret World) hoặc giải thưởng của bang Queensland cho vở kịch “Đất mẹ” (Motherland). Vậy, xin được nghe trải nghiệm của anh về xã hội hóa sân khấu đích thực...
- Trước hết, tôi phải khẳng định ngay, muốn xã hội hóa sân khấu thì câu hỏi đầu tiên là tiền đâu? Mỗi tổ chức xã hội hóa sân khấu ở các nước đều có 4 nguồn thu. Thứ nhất, là tài trợ từ ngân sách dành cho văn hóa. Thứ hai, là tài trợ từ các nhà hảo tâm. Thứ ba, là nguồn thu từ các dịch vụ và quảng cáo. Thứ tư, là bán vé từng vở diễn. Muốn đảm bảo 4 nguồn thu ấy thì tổ chức xã hội hóa sân khấu phải thiết lập một khung nhân sự bài bản mà 3 nhân vật không thể thiếu là người quản lý chung, để điều phối tất cả, kế tiếp là giám đốc nghệ thuật và sau nữa là giám đốc marketing dự án. Như vậy, rõ ràng xã hội hóa sân khấu ở nước ta chỉ mới dừng ở mức độ nghiệp dư. Những người lập ra sân khấu tư nhân được tiếng năng động như Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân hoặc Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi chỉ duy trì tụ điểm biểu diễn bằng chính uy tín nghệ thuật của họ nên chuyện thua lỗ và bù lỗ thường xuyên không thể tránh khỏi.
PV: Nghĩa là xã hội hóa sân khấu ở Việt Nam tạm thời chỉ mới có giám đốc nghệ thuật mà không có người quản lý chung lẫn giám đốc marketing dự án...
- Ở TP Hồ Chí Minh, sân khấu Hoàng Thái Thanh chưa từng bị đánh giá thấp về chất lượng nhưng vì sao vẫn hoạt động phập phù? Rất đơn giản, vì họ chưa giải quyết được bài toán tài chính. Thử hỏi, cặp nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội có tài ba không? Tài ba quá chứ. Thế nhưng, Ái Như - Thành Hội chỉ dùng tiền túi cá nhân tích cóp để dựng vở như một canh bạc rủi ro. Xã hội hóa sân khấu không phải như thế, không thể làm như thế và không nên làm như thế.
Vở kịch “Cậu đồng” - một sản phẩm xã hội hóa sân khấu. |
PV: Cái khó khăn nhất của xã hội hóa sân khấu vẫn là địa điểm biểu diễn. Những nhà hát được bao cấp thì gần như hoạt động cầm chừng nhưng cũng không dám cho tư nhân thuê sân khấu dài hạn. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều rạp chiếu bóng trước kia như rạp Cầu Bông, rạp Đống Đa đều đã chuyển đổi công năng nhưng lại không cho tư nhân thuê giá ưu đãi để theo đuổi xã hội hóa sân khấu. Vì vậy, nhiều nghệ sĩ trẻ thèm có vở diễn như ý mình, chẳng hạn Nghệ sĩ ưu tú Cát Tường, thỉnh thoảng dư dả chút ít thì thuê rạp nào đó và tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ được diễn vài buổi.
- Bên cạnh sự thiếu vắng CEO cho xã hội hóa sân khấu thì ngay cả giám đốc nghệ thuật cũng không thể làm việc kiểu được chăng hay chớ. Giám đốc nghệ thuật phải có kế hoạch dài hạn 3 năm hoặc 5 năm. Ví dụ, dựa theo thị hiếu và tâm lý công chúng thì năm nay sẽ làm những vở gì, sẽ đặt hàng nhà viết kịch nào, sẽ nhắm vào lứa tuổi nào, sẽ mời ngôi sao nào... Và phải có kế hoạch cụ thể thì mới có chiến lược tiếp thị hoặc phương án xin tài trợ.
PV: Hình như sân khấu xã hội hóa hiện nay không dễ xin tài trợ. Có phải chúng ta đang thiếu vắng những “Mạnh Thường Quân” cho nghệ thuật không?
- Những đại gia có lòng với văn hóa vẫn rất nhiều đấy chứ. Quan trọng là hoạt động xã hội hóa sân khấu có thuyết phục được người ta hay không mà thôi. Ngoài những doanh nghiệp trong nước, còn có nhiều quỹ văn hóa khác. Nếu có ý tưởng hay và có phương án hữu hiệu thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ. Tôi đã từng xin được tài trợ 200 nghìn USD từ quỹ Ford để đào tạo diễn viên kịch hình thể.
PV: Với những gì anh phân tích, tôi thấy sau COIVD-19 có quá nhiều việc cần phải làm cho xã hội hóa sân khấu, kể cả cấp quản lý và những nghệ sĩ. Bằng quan sát của mình, anh có tin vào tương lai xã hội hóa sân khấu không?
- Tin chứ. Hiện nay, tôi nhìn ra một thế hệ nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng. Hơn nữa, người Việt Nam vốn thích khám phá và chia sẻ, chính là tiền đề cơ bản “có tích mới dịch nên tuồng” cho sân khấu phát triển. Thế nhưng, tôi vẫn phải nhắc lại, xã hội hóa sân khấu luôn luôn là phép cộng của tài chính, cơ chế và nhân lực.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn Lê Quý Dương.