Xây dựng Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội: Đừng để… “thả gà ra đuổi”

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:50
Sau nhiều năm liên tiếp gây tranh cãi và bị phản ánh vì tình trạng lộn xộn và những hiện tượng phản cảm xảy ra trong quá trình tổ chức nhiều lễ hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Mới đây, Tổ chức Động vật châu Á cũng có văn bản đề nghị Hải Phòng dừng tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vì cho rằng lễ hội có những tác động tiêu cực tới cộng đồng. Một mùa lễ hội nữa đã, đang đến gần, thế nhưng, bài toán về quản lý và tổ chức lễ hội như thế nào thì vẫn chưa có “đáp án” cuối cùng.

Vào chung một rọ, có nên?

Mặc dù đã 2 lần tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa, dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo và câu chuyện quản lý lễ hội vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Nhà nghiên cứu Phạm Cao Quý, người gắn bó lâu năm với công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa cũng cho hay, lễ hội truyền thống là di sản văn hóa vô cùng quý báu mà chúng ta chưa hiểu, chưa phát huy giá trị của nó. Cơ quan quản lý cứ nghĩ cấm cái này hay cái kia mà chưa nghĩ làm sao biến di sản văn hóa ấy thành tài sản, những giá trị cho đời sống hôm nay và con cháu mai sau.

Sự quá tải là hình ảnh thường thấy mỗi mùa lễ hội.

Cũng phải nhìn nhận, mỗi năm Việt Nam có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức nhưng không ít lễ hội đang vặn mình theo đời sống xã hội hiện đại. Vì sự tác động của kinh tế xã hội, đôi khi có những cộng đồng đánh mất bản chất lễ hội của mình. Thế nên, nhiều người đang nhìn lễ hội với cái nhìn tiêu cực. Hiện nay, chúng ta lại đang có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau về lễ hội và các văn bản có khi chồng chéo. Sự chồng chéo bắt đầu từ việc không rõ ràng về khái niệm lễ hội, đôi khi đánh đồng các loại lễ hội.

Trong khi đó chúng ta có lễ hội truyền thống, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội mới, thậm chí bây giờ có các festival, event - sự kiện. Lễ hội tôn giáo tín ngưỡng được quy định rất chi tiết tại Luật Tôn giáo tín ngưỡng. Lễ hội truyền thống được quy định tương đối cụ thể tại Luật Di sản văn hóa. Các lễ hội khác được quy định rải rác ở một số văn bản. Gộp tất cả thành lễ hội nói chung sẽ rất khó quản lý, việc xác định đối tượng của Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội bị rối.

Thực tế vài năm trước, báo cáo đánh giá công tác tổ chức lễ hội nhưng hầu hết là đánh giá về tổ chức trông xe, ăn xin hay vệ sinh môi trường. Đây là việc của địa phương và các cơ quan, ban, ngành khác, không phải là việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhiệm vụ chính của Bộ phải là làm thế nào để người dân thực hành lễ hội đúng như bản chất của nó, là tạo điều kiện về chính sách để cộng đồng đưa ra cách thực hiện tốt nhất lễ hội mà không làm sai lệch truyền thống. Tuy nhiên, người quản lý chưa thực sự đặt mình vào tâm thế này mà vẫn còn cách đặt vấn đề theo kiểu Nhà nước quản lý cái này, cái kia, cho anh làm việc này hay cho anh làm việc kia. Tâm thế này trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã lỗi thời. 

Quản lý là cần, nhưng...

Tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn của khoa học quản lý, TS Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng việc xây dựng, ban hành Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội thời điểm này là vô cùng cần thiết. 

Khi nhiều lễ hội gây bức xúc hoặc hiểu nhầm, lễ hội bị đánh giá sai lệch, thay vì được tôn vinh lại bị coi là nhạy cảm, gây trở ngại cho hoạt động kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cần tăng cường quản lý lễ hội nhưng cũng phải xác định, quản lý lễ hội phải dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, đồng hành để bảo tồn, giữ gìn và phát huy, không phải trên cơ sở kiểm soát và khống chế.

TS Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng khoa Quản lý Nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính quốc gia.

Trong quản lý, cần phân định rõ ràng các khái niệm về lễ hội truyền thống và phi truyền thống. Chính sách dành cho lễ hội nên chú trọng đảm bảo môi trường tổ chức lễ hội. Lễ hội chỉ sống được trong môi trường văn hóa phù hợp. Nếu môi trường văn hóa thay đổi thì bản thân lễ hội sẽ bị điều chỉnh bởi môi trường ấy. Môi trường bị biến dạng sẽ rất khó đảm bảo được giá trị văn hóa tồn tại trong nó.

“Trước đây, khi khảo sát thực tế và tổ chức hội thảo về lễ hội trên Sapa, chúng tôi nghe người dân phản ánh, lễ hội truyền thống của người Mông trên Sapa tổ chức trong 3 ngày, cơ quan chức năng cho tổ chức trong 1 ngày, các phần hay nhất nằm ở ngày 2, ngày 3 nên họ không đồng tình. Thời điểm dư luận ồn ào về lễ hội đâm trâu của đồng bào ở Quảng Ngãi, địa phương này từng tính thay thế tục đâm trâu thật bằng hình thức biểu diễn, thay trâu trật bằng trâu giả. Lễ hội diễn ra được ít phút thì người dân bỏ về, cho là mình bị lừa”, TS Hường chia sẻ.

GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cũng bày tỏ rằng với lễ hội truyền thống, trừ các lễ hội lớn như lễ hội đền Hùng, Kiếp Bạc..., Nhà nước nên để cho cộng đồng tự quản. Nhưng lâu nay, ứng xử của những người làm quản lý với cộng đồng - chủ thể lễ hội - vẫn tạo cảm giác áp đặt còn cách làm, cách tuyên truyền về lễ hội truyền thống thì đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Cụ thể và gần nhất là những tranh cãi quanh tục chém lợn, đâm trâu. Mới đây, một đài truyền hình đã mời ông đối thoại trực tiếp với một tổ chức bảo vệ động vật thế giới về những lễ hội truyền thống của Việt Nam vì họ rằng đây là lễ hội có tính chất bạo lực, tác động tiêu cực đến cộng đồng. Cách thông tin về lễ hội này trong thời gian qua cũng khiến không ít người Việt thấy phản cảm, chưa nói đến người nước ngoài.

Nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ phong tục tập quán, di sản văn hóa truyền thống thì sẽ lý giải được căn cốt của lễ hội, bản chất lễ hội không như thế và nếu áp đặt cách nhìn của phương Tây, của người ngoài vào thì sẽ thành phiến diện. Thế nên, có những trường hợp, người làm quản lý nhà nước về địa phương nói lễ hội này, tập tục kia không phù hợp, người dân đồng ý cho xong chuyện nhưng trong lòng họ không thích, thậm chí không cho làm thì họ vẫn lén lút làm...

Bắt đầu từ cách đặt vấn đề

TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cũng cho hay, việc xây dựng văn bản quản lý với ý định làm sao để giá trị văn hóa, giá trị lễ hội được phát huy trong đời sống là rất tốt nhưng cách đặt vấn đề, các thể hiện hay bị hiểu ngược lại.

Chưa kể, dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, có nội dung là định hướng, có nội dung là quy định. Trong văn bản quản lý nhà nước, định hướng và quy định khác nhau. Một nghị định thì không thể bao hàm hết được. Thực tế, nếu không tách hội làng, lễ hội truyền thống ra để quản lý thì rất khó. Đây là việc của cộng đồng, không phải của Nhà nước.

Lễ hội truyền thống thuộc về di sản, được quản lý bởi Luật Di sản văn hóa. Lễ hội này vẫn được cộng đồng địa phương tổ chức xưa nay, không phải xin phép. Tất nhiên, trường hợp lễ hội truyền từ đời này qua đời khác, có khi ngắt quãng rồi phục hồi, có những nội dung bị biến dạng thì cần phải xem xét.

Trường hợp các bên tổ chức liên kết với nhau, dựa trên văn hóa di sản để ra một loại hình mới thì cần phải tính toán quản lý cho phù hợp. Phải xác định rõ ràng như thế và người quản lý phải nắm được, hiểu được bản chất lễ hội thì mới đối thoại được với cộng đồng, phản biện được với cơ quan báo chí, thuyết phục được người dân.

Cũng theo TS Lê Thị Minh Lý, việc đặt ra các quy định như loại bỏ, thay thế các tập tục kích động, bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập, tàn bạo, rùng rợn, kinh dị, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái rất không phù hợp.

Như thế nào là bạo lực trong một lễ hội truyền thống, tập tục lâu đời? Ai được quyền loại bỏ, thay thế những lễ hội lâu đời của cộng đồng? Tại sao Nhà nước có thể thay thế vai trò của cộng đồng, chỉ ra cái này là làm được, cái kia là không làm được?... Có rất nhiều nội dung mà người xây dựng văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội đang “tự trói” chính mình.

Ngay quy định không lợi dụng tổ chức lễ hội để thương mại hóa cũng cần xem xét lại vì trong lễ hội phải có tính thương mại. Nếu quy kết tất cả vào thương mại hóa thì rất khó cho người làm. Chúng ta đang kêu gọi tự chủ kinh phí tổ chức, hoạt động trong lễ hội. Nếu loại bỏ yếu tố thương mại thì không có dịch vụ đi kèm, không xã hội hóa thì lấy đâu ra tự chủ kinh phí?

Chúng ta xây dựng nghị định, xây dựng “cái khung” chung cho quản lý lễ hội, đưa ra định hướng nhưng lại quy định tất cả từ nhà vệ sinh đến chuyện đặt lễ, trong khi tất cả chuyện như thế này là trách nhiệm của cộng đồng...

Bà Ninh Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở.

Trao đổi quanh các vấn đề mà những người làm nghiên cứu văn hóa đặt ra, bà Ninh Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho rằng những trăn trở về lễ hội thì rất nhiều nhưng biến trăn trở đó thành những tham mưu, xây dựng cụ thể mới khó.

Vì vậy, cần phải có sự phối hợp với nhau. Bà Hương khẳng định, không phải dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội chưa xác định được đối tượng điều chỉnh mà được đưa vào nội dung điều chỉnh.

Trong dự thảo lần thứ nhất, ban soạn thảo có xác định rõ ràng từng loại hình lễ hội phải quản lý nhưng có những lễ hội đã bị chi phối bởi các văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Có những quy định bị xác định là chưa phù hợp. Thực tiễn quản lý lễ hội thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Vì thế Chính phủ mới  cân nhắc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nghị định quản lý các loại hình lễ hội.

Với nghị định này, địa phương sẽ được giao quyền nhiều hơn trong quản lý lễ hội truyền thống. Đây là vấn đề rất mới so với các văn bản về quản lý lễ hội trước đây. Riêng về quy định không thương mại hóa lễ hội, bà Hương thừa nhận, thông thường, phần nghi lễ sẽ không có hoạt động thương mại mà hoạt động thương mại diễn ra ở các phần bổ trợ.

 Nếu thương mại để nhằm mục đích xã hội hóa để đầu tư cho phần lễ hội được đảm bảo và người dân được hưởng lợi thì phải cân nhắc. Nhưng với những lễ hội mà mục tiêu của nó không đặt ra cho người dân được hưởng lợi từ đời sống tinh thần của cộng đồng, lễ hội của chính họ mà chỉ nặng về mục tiêu thương mại thì cần ngăn chặn.

Ví dụ cũng là chọi trâu nhưng nếu là lễ hội truyền thống do cộng đồng tổ chức thì không có vấn đề gì còn do một công ty sự kiện đứng ra làm đúng như một lễ hội nhưng bán vé, thu tiền, người dân đến dự cảm thấy như tham gia một trò chơi chứ không còn là lễ hội thì phải cân nhắc. Khái niệm thương mại hóa trong lễ hội cần phải tập trung điều chỉnh vào phần mà chúng ta hạn chế và làm rõ hơn.

Minh Hải
.
.