Xây dựng công trình văn hóa: Phải có kiến thức!

Thứ Ba, 27/04/2021, 13:50
3 năm trước, dư luận được phen dậy sóng với vườn tượng 12 con giáp khỏa thân được trưng bày tại Hòn Dáu, Hải Phòng. 3 năm sau, bức tượng Nữ thần Tự do phiên bản “quỷ sứ” ở Sapa tiếp tục tốn giấy mực của truyền thông. Có thể thấy, chưa bao giờ điêu khắc ngoài trời ở nước ta lại xây dựng theo phong trào rầm rộ nhưng lắm ồn ào như những năm gần đây. Do trào lưu muốn gây sự chú ý hay là sự xuống cấp báo động về kiến thức văn hóa, nghệ thuật?


Từ 12 con giáp khỏa thân đến Nữ thần tự do phiên bản “quỷ sứ”

Ngày 20-4, xác nhận với truyền thông, ông Lê Mạnh Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sapa, cho biết chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND thị xã Vương Trinh Quốc đã ký quyết định thành lập đoàn liên ngành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các điểm check-in tại Sa Pa, trong đó có điểm check-in An Sa Pa.

Kết quả xác định, chủ đầu tư của khu check-in trên là của Công ty TNHH An Sa Pa, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Đông - Giám đốc, địa chỉ tại tổ 4, phường Phan Si Păng. Khu check-in có diện tích 1,7 ha (trong đó 300m2 đất thổ cư, còn lại là đất rừng sản xuất).

Tượng Nữ thần Tự do phiên bản “quỷ sứ” gây tranh cãi.

Các mô hình chụp ảnh bao gồm: Bức tượng bán thân Nữ thần tự do (kích cỡ 7x9m - bức tượng này còn bị đặt tên khác là tượng "Nữ thần tự do đột biến"), mô hình tháp Eiffel (cao 9m), tượng 4 vị Tổng thống Mỹ (phiên bản núi Rushmore), mô hình tháp nghiêng Pisa (cao 8m), dòng chữ biểu tượng “Hollywood”, mô hình hai bàn tay đang trong quá trình xây dựng (cao 2m), hai điểm riêng ngắm cảnh đang trong quá trình xây dựng, lối đi vào khu check in trang trí mô hình khu phố Nhật Bản thu nhỏ, đèn lồng, hoa anh đào, một số mô hình nhỏ khác như hai con chim thiên nga, đàn guitar, đường dạo vách núi đang trong quá trình xây dựng...

Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế tại điểm check-in An Sa Pa, đội liên ngành của UBND thị xã đã kết luận, điểm check-in An Sa Pa là điểm check-in tự phát, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo các điều kiện để đón khách du lịch tham quan và chụp ảnh. Các mô hình mỹ thuật đã xây dựng trong khu check-in không đảm bảo quy định của pháp luật cũng như tiêu chuẩn về mỹ thuật.

Từ đó, UBND thị xã Sapa đề nghị chủ cơ sở điểm check in An Sa Pa tạm dừng việc xây dựng các hạng mục của điểm check-in và không được đón khách tham quan, chụp ảnh cho đến khi có quyết định chính thức của UBND thị xã; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành đối chiếu, rà soát, xử lý điểm check-in An Sa Pa theo quy định của pháp luật.

Nhận xét về bức tượng Nữ thần tự do phiên bản “đột biến” ở Sapa, họa sĩ Bùi Trọng Dư cho rằng, đây chỉ là một trong số rất nhiều bức tượng xấu xí, kém thẩm mỹ đang được trưng bày ở nhiều nơi tại Việt Nam. “Đó là một bức tượng xấu, ảnh hưởng rất xấu tới thị hiếu thẩm mỹ. Một bức tượng được trưng bày ở nơi công cộng phải được mang một giá trị thẩm mỹ, tránh làm ô nhiễm cảnh quan và mỹ thuật cộng đồng”, họa sĩ nhận định.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận được phen dậy sóng bởi những bức tượng trưng bày tại nơi công cộng. Còn nhớ, năm 2018, vườn tượng 12 con giáp khỏa thân được trưng bày tại Hòn Dáu, Hải Phòng đã làm dấy lên tranh cãi dữ dội trong dư luận. Các cơ quan chức năng cũng liên tục tỏ ra lúng túng trước việc xử lý bộ tượng này.

Tượng 12 con giáp khỏa thân ở Hòn Dáu, Hải Phòng.

Đánh giá về bộ tượng 12 con giáp hồi đó, nhiều ý kiến nhìn nhận trên góc độ khác lạ, nghệ thuật nhưng đa số ý kiến đều cho rằng những bức tượng 12 con giáp đầu thú hình người khỏa thân trông rất phản cảm, thậm chí thô tục, không có tính thẩm mỹ, đặc biệt những bức tượng này lại đặt ở một khu vực vui chơi của resort, nơi có rất nhiều trẻ nhỏ. Không dừng lại ở đó, ngay sau khi thấy dư luận phản ứng gay gắt thì phía nhà quản lý resort lập tức cho chỉnh sửa bằng cách mặc đồ bơi hay đóng khố cho các bức tượng.

Thời điểm đó, theo họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thì bộ tượng 12 con giáp khỏa thân không những không có tính thẩm mỹ mà còn rất phản cảm. “Ở một số nước trên thế giới, người ta tạc tượng nhân sư tức đầu người - mình thú nhưng bộ tượng 12 con giáp ở Hải Phòng thì ngược lại là đầu thú - mình người. Họ làm tượng nhân sư để hướng đến giá trị nhân văn. Còn ở đây không hiểu theo triết lý gì mà lại làm ngược lại? Xét về tư duy là rất tùy tiện. Chính vì thế mà không có giá trị gì về mặt nhân văn cả”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói.

Ông Vi Kiến Thành - nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, xét về mặt nghệ thuật thì đây là những sản phẩm tùy tiện theo kiểu “đơn đặt hàng”, do đó dư luận mới phản ứng cho rằng tượng không những xấu mà còn chẳng bao hàm ý nghĩa tích cực nào cả. Đồng quan điểm, GS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) cũng cho rằng, những bức tượng mình người - đầu thú ở Hải Phòng không có giá trị về mặt nghệ thuật, cũng không mang ý nghĩa, biểu tượng cho 12 con giáp. Và những bức tượng này không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Lỗ hổng kiến thức trầm trọng

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã xác định mỹ thuật có vị trí quan trọng, đặt yêu cầu phải “xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng, phục vụ dân sinh, cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc dân tộc”. Không gian công cộng ngày nay được mở rộng trong các khu đô thị, các khu nghỉ dưỡng, du lịch... chứ không còn bó hẹp ở quảng trường, công viên, vườn hoa. Bằng chứng cho thấy, sự sáng tạo và nỗ lực của những nhà điêu khắc Việt xứng đáng được ghi nhận. 

Song, nếu áp đặt duy ý chí vào sáng tạo từ quan điểm không có chuyên môn nghệ thuật thì liệu tác phẩm đó có giữ nguyên giá trị? Tất nhiên, tự do sáng tạo không có nghĩa là tùy tiện, bởi rất dễ cho ra đời những sản phẩm điêu khắc phản cảm, dung tục như các con giáp ở Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) hay ngô nghê, gây cười như tượng Nữ thần tự do phiên bản “quỷ sứ” ở Sapa mới đây.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư.

Thực tế, việc tranh cãi không chỉ đến từ những không gian tư nhân và xã hội hóa, mà các công trình nhà nước cũng gặp phải không ít lần. Năm 2008, khi UBND TP Hà Nội trưng bày phác thảo tượng đài Thánh Gióng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân tại chùa Phúc Khánh để lấy ý kiến nhân dân, tranh cãi đã nổ ra kịch liệt, Rồi đến phác thảo tượng đài hơn 1.400 tỷ đồng ở Sơn La... đều có những tranh cãi quyết liệt. Trong các tranh cãi này, sự tốn kém chỉ là một khía cạnh, tính thẩm mỹ và sự hợp lý với không gian văn hóa, đời sống mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Trong câu chuyện bức tượng Nữ thần tự do phiên bản “quỷ sứ” ở Sapa, hay trước đó, khu vườn tượng 12 con giáp loã thể ở Đồ Sơn đúng là không chỉ ở chuyện thẩm mỹ, hay “quỷ sứ”. Nó đang cho thấy câu chuyện “bản sắc” của văn hóa du lịch. Nghiêm trọng hơn nữa, có thể là thực trạng về kiến thức văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của những người "sáng tác" ra nó, những người cho thực hiện nó.

Thậm chí, chính doanh nghiệp sở hữu bức tượng Nữ thần tự do ở Sapa vẫn chưa thực sự hài lòng với hình ảnh nên vẫn tiếp tục thay đổi để tượng mô phỏng giống nhất với bức tượng thật. Bằng chứng cho thấy, bức tượng hiện tại đã khác so với bức tượng đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, chụp từ hồi tháng 2-2021.

Theo khảo sát, phần đông giới chuyên môn đồng tình cho rằng nguyên nhân của hàng loạt tranh cãi liên quan đến ngành điêu khắc trong thời gian qua bắt nguồn từ kiến thức chuyên môn và thị hiếu thẩm mỹ. Quan trọng hơn, việc giáo dục, giới thiệu về tính thẩm mỹ và sự hợp lý cho tượng trưng bày nơi công cộng là việc cần làm khéo léo, dài lâu. Bởi, chỉ có mặt bằng thẩm mỹ mới đủ sức quyết định vẻ đẹp chung của công trình nơi công cộng. Có lẽ, như vậy người ta chẳng thôi viện cớ như câu thở dài của “ông chủ” bức tượng Nữ thần tự do ở Sapa: “Tôi như ông bố nghèo khó mãi không sinh được đứa con, đến khi sinh hạ thì có biết đâu nó là quỷ sứ”(!).

Núi Rushmore với hình ảnh 4 vị Tổng thống Mỹ phiên bản Việt gây cười (trên) vì khác xa với phiên bản tại Mỹ (dưới).

Họa sĩ Bùi Trọng Dư nhận định, nguyên nhân sâu xa của những tranh cãi tương tự như với bức tượng Nữ thần tự do phiên bản “quỷ sứ” ở Sapa là việc giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường vẫn còn hình thức. Do vậy, mặt bằng thẩm mỹ chung trong xã hội ta còn rất hạn chế. “Thậm chí những người đứng ra chịu trách nhiệm, người có quyền quyết định lại thiếu hiểu biết và không có gu thẩm mỹ thì việc họ quyết định và lựa chọn những sản phẩm gây tranh cãi là tất yếu”, nam họa sĩ bày tỏ.

Ở góc độ tích cực, họa sĩ Trần Thế Thực thừa nhận, điêu khắc Việt Nam có nhiều khởi sắc nhất định trong nhiều năm qua. Triển lãm cá nhân được tổ chức nhiều hơn, các nhà sưu tập cũng quan tâm nhiều hơn đến điêu khắc, bên cạnh hội họa. “Tuy nhiên, việc trưng bày nghệ thuật, quảng bá văn hóa nghệ thuật tối thiểu phải cần có kiến thức cơ bản và “có gu” thẩm mỹ nhất định. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm người có thẩm mỹ, chuyên môn tốt để có thể gánh vác được bộ mặt của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đừng để những chuyện như 12 con giáp đầu thú - mình người ở khu du lịch Hòn Dáu, hay tượng Nữ thần tự do phiên bản “quỷ sứ”, trở thành một thứ “rác” văn hóa”, họa sĩ nhấn mạnh.

Thảo Dung
.
.