Xây dựng trái phép tại TP HCM: Chưa có thuốc đặc trị

Thứ Sáu, 04/04/2014, 18:30

Tưởng chừng bài học từ việc phải đồng loạt tiến hành đập bỏ trên 200 căn nhà xây dựng trái phép tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cách đây mấy năm sẽ không bao giờ được phép lặp lại. Nhưng lần thứ 2 liên tiếp tại TP HCM lại có hàng trăm căn nhà vi phạm xây cất trái phép trên đất nông nghiệp bị đập bỏ. Người dân chịu thiệt hại không biết kêu ai trong khi việc xử lý của chính quyền không nghiêm khắc; không truy cứu được đối tượng cán bộ địa phương và đầu nậu bảo kê cho xây dựng. Tình trạng này khiến vi phạm về xây cất nhà trái phép vẫn âm ỉ tồn tại và luôn chực chờ bùng phát.

Còn đầu nậu và bảo kê, còn xây cất trái phép

Nếu như từ đầu năm đến giữa tháng 5/2013, số trường hợp vi phạm về xây dựng không phép, trái phép tại TP HCM là 1.117 căn nhà. Thì chỉ trong vòng một tháng rưỡi, từ ngày 15/5 đến 30/6 tại TP HCM tiếp tục có thêm 1.509 trường hợp xây dựng không phép và sai phép. Trước thực trạng nhà xây không phép, trái phép bùng phát chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền thành phố đã quyết liệt chỉ đạo xử lý. Đến nay phần lớn số căn hộ xây cất trái phép trên đất nông nghiệp đã và đang tiếp tục bị buộc tháo dỡ, đập bỏ.

Tại địa bàn nóng về xây cất trái phép là huyện Bình Chánh, chỉ trong hơn 1 tháng đã có tới 680 căn nhà không phép kịp mọc lên. Trong đó xã Vĩnh Lộc A có 303 căn xây cất trái phép nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 264 căn bị đập bỏ; 34 căn hiện vẫn đang được chính quyền xã trình huyện phương án xử lý. Thực trạng nhà thì bị đập phá dỡ, nhà thì không càng khiến những người dân lỡ mua hoặc thuê đầu nậu bao xây cất nhà trái phép vừa bị đập bỏ hoang mang, bức xúc. 

Để xảy ra tình trạng trên, dư luận người dân và nhiều đại biểu HĐND thành phố đã thẳng thắn lên tiếng quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương. Đồng thời yêu cầu làm rõ tình trạng chung chi; cố tình làm ngơ, thậm chí là bảo kê của một số cán bộ địa phương để cò xây dựng hoành hành. Đến nay, tại 4 xã nóng về xây nhà trái phép của huyện Bình Chánh là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên và Bình Hưng đã có 21 cán bộ, công chức trong đó có 4 chủ tịch, phó chủ tịch xã và cán bộ địa chính, quản lý đô thị bị kỷ luật. Song chỉ ở mức nhẹ hều là… khiển trách hoặc cảnh cáo, tạm đình chỉ chức vụ chứ chưa làm rõ có chuyện cán bộ địa phương bảo kê xây dựng trái phép hay không.

Để có thể xuất hiện đến vài trăm căn nhà trên địa bàn huyện Bình Chánh, người dân cũng không thể tự làm bởi trên địa bàn huyện này đã có tới 52 đầu nậu chuyên phân lô bán nền, bảo kê, bao thầu xây dựng trái phép bị chính quyền điểm mặt, chỉ tên.

Lãnh đạo TP HCM cũng đã nhiều lần chỉ đạo kiên quyết điều tra, truy cứu trách nhiệm các đối tượng này với lý do: cả tang chứng, vật chứng và hậu quả đều đã rõ ràng ngay cả khi nhà đã bị đập bỏ… Nhưng đến nay mới chỉ có một đầu nậu là Trần Quốc Thạnh, 35 tuổi, trú tại xã Bình Hưng, là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Kiến Quốc bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi "vi phạm các quy định về quản lý nhà ở" khi ngang nhiên bao thầu, tiến hành xây cất cả dãy phòng trọ trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Bình Hưng.

Một căn nhà quây tôn kín mít để xây cất lụi bên trong vừa hoàn thành.

Tại một điểm nóng về xây cất trái phép là địa bàn xã Vĩnh Lộc A, theo ông Phan Bửu Thọ, Phó chủ tịch xã thì từ ngày 21/6/2013 đến cuối năm 2013 tại địa phương này đã tiếp tục có thêm 113 trường hợp xây cất không phép, trái phép. Điểm nóng khác cạnh đó là xã Vĩnh Lộc B, tình trạng xây cất trái phép trên đất nông nghiệp cũng liên tục diễn ra tại nhiều khu vực. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được thể hiện qua việc Công an huyện Bình Chánh bắt quả tang 2 cán bộ địa chính trật tự đô thị ngang nhiên nhận 10 triệu đồng tiền chung chi của người dân giữa ban ngày ban mặt để "bảo kê" việc xây nhà trái phép trên địa bàn xã vào ngày 11/2 vừa qua.

Sự việc trên càng thể hiện rõ một điều: cũng là đất nông nghiệp nhưng chỗ này được xây, được xem xét cho tồn tại; nơi kia lại phải kiên quyết đập bỏ đã khiến người dân càng bức xúc nên đã đứng ra tố cáo những "ông kẹ" chuyên bảo kê cho xây dựng trái phép khoác áo cán bộ địa phương!   

Bưng bít thông tin về quy hoạch và tách thửa, cấp sổ?

Kết quả xử lý với 680 trường hợp xây cất nhà không phép, trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh cho thấy: Có 423 căn bị cưỡng chế tháo dỡ; người dân tự tháo dỡ 150 trường hợp và còn có khoảng 100 căn nhà được các xã cho tạm tồn tại để thực hiện các thủ tục xin phép xây dựng vì nhà xây trên đất phù hợp quy hoạch hoặc sửa chữa nhà cũ không phép.

Trong số 113 căn nhà được người dân xây dựng không phép, trái phép tại xã Vĩnh Lộc A trong nửa cuối năm 2013, sau thời điểm nóng về xây dựng trái phép, theo ông Phan Bửu Thọ, thì điều bất thường ở chỗ: lại tiếp tục có đến 31 căn bị phát hiện xây cất trái phép được chính quyền xã cho phép lập thủ tục xin cấp phép xây dựng để được tiếp tục tồn tại với lý do đất phù hợp quy hoạch. Trong số này, hiện đã có 4 căn được cấp giấy phép xây dựng đàng hoàng. Việc này một lần nữa thể hiện rằng, quy hoạch chi tiết tại những khu đất được phép xây cất đã không được địa phương thông báo rộng rãi đến người dân để họ được biết mà chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng.

Tình trạng giám sát xây dựng trái phép thì triển khai xuống tận khu dân cư, xóm ấp. Còn  quy hoạch chi tiết, thông tin xóa treo lại không công bố khiến  người dân rất bất bình vì làm vậy chỉ để gây khó cho người dân; tạo đất sống cho cò, đầu nậu bảo kê xây dựng.

Giải trình trước HĐND thành phố về tình trạng xây cất trái phép ồ ạt diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, sở dĩ xây cất trái phép bùng phát mạnh vào thời điểm trên là do thanh tra xây dựng cấp phường, xã, quận, huyện được giải tán để thành lập lại các đội thanh tra phụ trách địa bàn; việc này khiến địa bàn bị bỏ trống, tạo cơ hội cho xây cất trái phép hoành hành. Song thực tế thì không phải vậy.

Theo lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A, để kiểm soát chặt chẽ tình trạng chia đất nông nghiệp ra bán nền và xây cất trái phép, một loạt biện pháp đã được địa phương đặt ra như giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ xóm ấp; xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, giám sát; huy động các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở cùng vào cuộc giám sát, ngăn chặn ngay từ đầu vi phạm về đất đai, xây dựng; thường xuyên luân chuyển cán bộ phụ trách địa bàn, đề xuất luân chuyển đối với những cán bộ không nhiệt tình, lơ là nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm… Vì thế không thể có chuyện để lọt hay không thể phát hiện cả trăm căn nhà to đùng được xây cất trái phép trên địa bàn.

Dù vậy, sau thời điểm nóng về xây dựng trái phép bùng phát tại địa phương này vào giữa năm ngoái, từ đó đến cuối năm tiếp tục có trên trăm căn nhà xây cất không phép, trái phép trên đất nông nghiệp lọt lưới, qua mặt được cả hệ thống giám sát từ trên xuống dưới. Vậy, liệu có hay không có tình trạng cán bộ bảo kê cho đầu nậu nhảy vào xây cất trái phép tại địa phương này? Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc TP HCM chưa có thuốc đặc trị cho vấn nạn xây cất nhà trái phép trên địa bàn trong thời gian qua

Nguyễn Đức
.
.