Xét tuyển đại học: Nhiều phương án - nhiều lựa chọn

Thứ Sáu, 01/05/2020, 12:18
Một kỳ thi chung để xét tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), trả quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường đại học (ĐH), cho đến nay vẫn “nóng” trên các diễn đàn. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang cố gắng tăng tốc để kịp làm dự thảo quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, kịp xây dựng và công bố đề minh họa nhưng phụ huynh thì vô cùng lo lắng, còn thí sinh thì như ngồi trên đống lửa...

Rối bời tổ hợp thi mới - cũ

Trần Quỳnh Vy, ở quận Hà Đông (Hà Nội), khuôn mặt hốc hác, kể: Từ hôm phương án thi mới được công bố (22-4), cuộc sống của em và các bạn cùng lớp nhìn chung đều đảo lộn. Thay vì miệt mài, ôn luyện online như những ngày ở nhà tránh dịch COVID-19, tối nào Vy cùng nhóm bạn cũng lên các diễn đàn để nghe ngóng.

Vy đã rất lo lắng vì bài vở bị trì trệ, lịch trình làm hồ sơ và ôn thi đều bị xáo trộn. Việc học online thực sự có rất nhiều bất cập nhưng vì có nhiều thời gian hơn nên Vy vẫn có thể tự học và thầy cô luôn tạo điều kiện giải đáp mọi thắc mắc và gửi bài chữa chi tiết cho các em.

Thêm nữa, ngày 3-4 (khi vẫn còn kỳ thi THPT quốc gia mục đích “2 trong 1”), Bộ GD&ĐT đã đưa ra đề minh họa với kiến thức giảm tải nên Vy cũng tạm yên tâm, ôn luyện theo dạng đề minh họa. Vy quyết tâm thi tổ hợp Toán, Văn, Anh và dự định đăng kí xét tuyển vào Khoa Marketing - Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Khoa Giáo dục tiểu học - Sư phạm Anh. Tuy nhiên, khi kỳ thi thay đổi đột ngột, không còn kỳ thi THPT quốc gia nữa thì Vy sẽ phải thay đổi cách học và cách luyện tư duy rất nhiều.

“Các trường ĐH thông báo hình thức tuyển sinh quá chậm khiến em lo lắng em sẽ thi, xét tuyển như thế nào đây? Em mong Bộ GD&ĐT thúc đẩy các trường ĐH chốt phương án tuyển sinh sớm nhất cho chúng em không bị động”, Trần Quỳnh Vy chia sẻ.

Mọi sự thay đổi về thi cử, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là thí sinh.

Chung nỗi lo lắng như Trần Quỳnh Vy, Nguyễn Ngọc Anh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chia sẻ, hiện đang theo học theo tổ hợp A và tổ hợp D7 nên Ngọc Anh thực sự rất sốc khi nghe có kỳ thi mới. Môn Văn và môn Sinh trước đây em chỉ học đủ thi tốt nghiệp THPT. Nếu giờ trường ĐH em đăng kí xét tuyển lấy tất cả điểm tốt nghiệp (theo cơ cấu môn thi vừa công bố) để xét thì em chỉ có 2 tháng để học thêm 2 môn nữa.

Trong tổ hợp khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT có cả môn Sinh thì em bắt buộc phải học kĩ môn Sinh nếu không sẽ kéo điểm tổng xuống mà môn Sinh thực sự rất khó để học sâu trong khi em vẫn phải luyện đề Toán, Lý, Hóa, Anh (đây là những môn em xác định học từ 3 năm qua).

“Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Bách khoa em sẽ đăng ký thi nhưng cả hai trường này thi riêng với hình thức bài thi khác nhau, nghĩa là em sẽ phải học theo form đề của từng trường, trong khi em vẫn phải học cả dạng đề để thi tốt nghiệp. Vì thế, em rất mông lung về hình thức xét tuyển và khối thi của các trường. Cô dạy Văn thì khuyên em học Văn để có nhiều sự lựa chọn. Thầy dạy Sinh thì khuyên em học Sinh để không lãng phí Lý, Hóa. Em cảm thấy rất bối rối.

Bố mẹ cập nhật tình hình trên báo chí rồi trở nên sốt sắng, bắt em đi học thêm chỗ này chỗ kia trong khi lịch học trong tuần của em gần như đã kín hết mà chưa chắc đó đã là sự lựa chọn đúng đắn. Đến giờ em vẫn chưa biết nên đặt nguyện vọng như thế nào cho phù hợp với năng lực và nên học như thế nào với hình thức làm bài thay đổi như thế này”, Nguyễn Ngọc Anh phân trần.

Trong khi thí sinh rối bời thì phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Chị Đào Thị Thúy Ngân, ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể, con chị có nguyện vọng thi vào 3 trường thì cả 3 trường này đều chưa có phương án tuyển sinh. Dù cố gắng bình tĩnh nhưng nhìn thấy con đã bạc mặt với việc học online, giờ thay đổi hình thức thi khiến con mất ăn mất ngủ, nên chị Thúy Ngân cảm thấy bế tắc và áp lực.

“Tôi tha thiết mong các trường chốt nhanh phương án tuyển sinh để con tôi có thể điều chỉnh cách học phù hợp. Cô chủ nhiệm thì khuyên con tôi học thêm Toán, Anh để điểm tốt nghiệp không quá thấp. Nhưng, thời gian còn quá ít. Con tôi không biết phải bắt đầu từ đâu”, chị Thúy Ngân phàn nàn.

Hàng chục ngàn thí sinh sẽ vẫn phải “lều chõng”, gây tốn kém

Về phía các trường ĐH, tuy không quá bất ngờ với phương án thi mới nhưng để công bố ngay kế hoạch tuyển sinh mới thì nhiều trường cũng bị động, trừ một vài trường đã dự trù sẵn phương thức tuyển sinh riêng được vạch ra trong đề án tự chủ. Chia sẻ với những khó khăn của thí sinh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã không chọn phương thức tuyển sinh riêng dự kiến tổ chức vào tháng 8 với 8 môn thi (được áp dụng trong trường hợp Bộ không tổ chức thi THPT quốc gia), mà chọn lấy luôn kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Vì sao một trường thuộc tốp đầu, điểm trúng tuyển hằng năm rất cao, lại chọn phương án xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay: “Chúng tôi nghĩ nhiều về quyền lợi của thí sinh. Không nên bắt các em phải khăn gói một lần nữa lên thành phố để thi 2 lần cùng một nội dung, một dạng đề. Vì nếu làm đề dạng mới thì cũng không kịp nữa!” Trường ĐH Thương mại sau khi tính toán, cũng đã chọn phương án “an toàn” là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại - GS. Đinh Văn Sơn cho rằng, nếu tổ chức một kỳ thi riêng thì các trường phải tính toán chi phí tổ chức một kỳ thi, rủi ro kỹ thuật trong tổ chức do thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tương đối gấp; một trường tổ chức bao nhiêu môn thi; thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi của các trường (vì thí sinh có nhiều nguyện vọng), như vậy hồ sơ “ảo” sẽ được giải quyết như thế nào?

Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phải đầu tư lớn về máy móc, công nghệ, hỗ trợ thí sinh làm bài tốt nhất.

Ở mức độ thận trọng hơn, Trường ĐH Ngoại thương đã đưa ra 5 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ dự kiến tuyển 20% chỉ tiêu, với điều kiện thí sinh tham gia xét tuyển phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên. Trường ĐH Bách khoa trước đó xác định dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Nay kỳ thi THPT quốc gia không còn nữa, ĐH Bách khoa sẽ chỉ dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, 70% chỉ tiêu từ kỳ thi riêng do trường tự tổ chức và 10% chỉ tiêu dành xét tuyển tài năng.

Những trường tự thi riêng cũng có phương thức tổ chức thi khá thận trọng: ĐH Quốc gia Hà Nội ngoài việc thi trắc nghiệm thì năm nay sẽ có thêm bài thi “viết luận”, với đề thi mở để thí sinh thỏa sức sáng tạo. Đề thi riêng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được xây dựng theo phương pháp tiếp cận tiên tiến trên thế giới tương tự như kỳ thi SAT, ACT, phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Các bài thi chú trọng đánh giá khả năng đọc và tự học, tư duy phân tích và giải quyết vấn đề của học sinh, thí sinh không cần luyện các “mẹo” làm bài và nhất là không được học tủ.

Như vậy, khi không còn kỳ thi THPT quốc gia với đề thi phân hóa cao thì những trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (đề thi tốt nghiệp THPT thường có độ phân hóa thấp hơn nhiều) thì chất lượng nguồn tuyển đầu vào của các trường ĐH có bị ảnh hưởng? Hiệu trưởng một trường ĐH lớn khu vực phía Bắc cho hay, “điều đó là không thể tránh khỏi, một phương án thi tốt cho thí sinh thì sẽ tốt cho các trường ĐH hoặc ngược lại, trường ĐH tuyển tốt tức là thí sinh có cơ hội trúng tuyển tốt, đó là quan hệ hữu cơ. Nhưng, giờ thời gian ít quá nên đành chọn phương án tránh được nhiều rủi ro nhất”.

Trước băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%. Còn lại là các phương thức khác (từ thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế...) khoảng 10%. Con số này cho thấy kết quả tuyển sinh ĐH ngày càng có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào sử dụng kết quả thi THPT, tỷ lệ tuyển sinh từ các phương thức khác ngày càng tăng lên.

Xu hướng thay đổi này cũng thể hiện rõ trong các đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH. Trong đó, phương án tự tổ chức thi riêng cũng đã được một số trường tốp trên xác định và chuẩn bị từ nhiều năm trước. Việc sử dụng kết quả thi THPT không phải là phương thức duy nhất để tuyển sinh ĐH.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, số trường thi tuyển sinh riêng rất ít, chủ yếu là một số trường tốp trên, những trường ĐH thuộc nhóm ngành đào tạo đặc thù như y dược, công an, quân đội, hoặc nhóm trường, nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật; một số trường ĐH có mức độ cạnh tranh cao, có những yêu cầu riêng về chất lượng đầu vào có nhu cầu tự tổ chức kỳ thi. Ước tính sẽ có khoảng từ 10-20% học sinh THPT sẽ lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng này nên không xảy ra tình trạng thí sinh đổ dồn về các khu đô thị lớn để dự thi.

Một năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, nếu có khoảng 20% thí sinh trong số này tham dự các kỳ tuyển sinh riêng như lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói thì sẽ có gần 200.000 thí sinh phải đến các tỉnh, thành phố để đi thi, trở về cách thức thi ĐH của 19 năm trở về trước. Điều này chắc chắn sẽ gây tốn kém, mệt mỏi hơn là thí sinh được thi tại trường THPT nơi mình theo học (như kỳ thi THPT quốc gia).

Ngày 26-4, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH tại 3 tỉnh, thành phía Bắc là Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La mà theo lí giải của lãnh đạo nhà trường, Hà Nội là nơi có đông thí sinh dự thi đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa nhất, Thanh Hóa chỉ đứng sau Hà Nội về số lượng sinh viên trúng tuyển vào ĐH Bách khoa. Tổ chức ở Thanh Hóa sẽ thuận tiện cho các thí sinh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, dự kiến chiếm 1/3 số lượng thí sinh dự thi.

Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở xa trong việc di chuyển đến điểm thi. Về phía ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kì thi tuyển sinh tại Hà Nội trong 1 ngày, các trường ĐH phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sẽ tổ chức thi tại một số cơ sở đặt tại các tỉnh, thành...

Chiều 27-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; một số ban, ngành liên quan để nghe báo cáo về phương hướng tổ chức xét tuyển ĐH.

Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, các trường mong muốn năm nay vẫn giữ nguyên 3 đầu điểm trong tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, dư luận xã hội cũng băn khoăn vấn đề này do năm nay thí sinh đã học ôn từ đầu theo hướng như năm ngoái.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ quyết định kỳ thi năm nay sẽ giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp (trước đó Bộ dự kiến bài thi tổ hợp sẽ lấy thành 1 đầu điểm). Đối với một số trường ĐH tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, Bộ tôn trọng tinh thần tự chủ nhưng các trường chỉ tổ chức thi khi thật sự cần thiết.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện và ban hành sớm quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế xét tuyển và đề thi tham khảo. Phải đảm bảo kỳ thi an toàn, trung thực, chất lượng, không quá phức tạp và đảm bảo công tác xét tuyển diễn ra thuận lợi nhất cho các học sinh, các nhà trường và các trường ĐH.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, chậm nhất là mùng 10-5 sẽ công bố quy chế thi tốt nghiệp.

Thu Phương
.
.