Xu hướng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào một vở diễn: Cứ đi rồi mới thành đường...

Thứ Ba, 15/09/2020, 14:43
Kết hợp cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật, kể cả những loại hình vốn được cho là khó hòa trộn với nhau trong một tác phẩm nghệ thuật sân khấu nhằm tạo sự mới lạ, thu hút khán giả đến rạp ngày càng thịnh hành hơn.

Việc hàng loạt dự án đã, đang hoặc chuẩn bị được triển khai được kỳ vọng mang lại sinh khí mới cho đời sống sân khấu, giúp sân khấu truyền thống cạnh tranh với các loại hình giải trí mới, hiện đại chứ không hẳn chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh” theo quan niệm thường thấy lâu nay.

Không mới, nhưng...

Từ hơn một thập niên trước, vở cải lương “Kim Vân Kiều” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra mắt tại sân vận động Quân khu 7 đã tạo nên cơn địa chấn cho sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương đang khủng hoảng về khán giả.

Chuyển thể từ danh tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, vở cải lương “Kim Vân Kiều” không chỉ “gây sốc” khi được đầu tư tiền tỷ mà còn bởi những thể nghiệm táo bạo vào thời điểm ấy. Khán giả cải lương vốn quen với không gian sân khấu ấm cúng, giàu tính ước lệ có dịp bất ngờ bởi hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại và “mãn nhãn” bởi đại sân khấu lộng lẫy, sang trọng, với đủ sông, suối, núi, đình chùa, sơn trang, tửu điếm...

Phóng chiếu hình ảnh thực tế trên màn hình led lớn, tạo bối cảnh cho vở diễn “Gặp lại người đã chết”.

Vở diễn còn tạo sự tò mò lớn khi có đến hơn 500 nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Trong đó có những thể loại tưởng chừng khó kết hợp ăn ý trên sân khấu: cải lương, nhạc trẻ, giao hưởng.

Đổi lại, người mộ điệu cải lương đến với “Kim Vân Kiều” có dịp xem một loạt các nghệ sĩ tài danh nhiều thế hệ cùng biểu diễn như nghệ sĩ Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy, Vũ Linh, Vũ Luân, Trọng Phúc, Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Tú Sương, Thanh Ngân, Mỹ Hằng...

Các khán giả trẻ, thích tân nhạc cũng không thể không tò mò khi vở diễn hội tụ một loạt các ca sĩ nổi tiếng như Giao Linh, Duy Quang, Phương Thanh, Minh Thuận, Ái Vân, Thanh Thúy, Thu Minh, Đức Tuấn, Anh Bằng...

Thời điểm công bố vở diễn, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ngày ấy, ông Phan Quốc Hùng thẳng thắn bày tỏ hy vọng “Kim Vân Kiều” sẽ tạo được sự chú ý của số đông công chúng với sân khấu cải lương. Việc mời các nghệ sĩ nổi tiếng của tân nhạc tham gia vở diễn cũng là cách để cải lương thu hút thêm khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Từ chỗ đến vì tò mò, họ sẽ quan tâm, hiểu hơn, yêu hơn loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Thực tế, với hàng nghìn vé được bán ra, vở “Kim Vân Kiều” đã lập nên kỷ lục mới về số lượng khán giả mua vé xem biểu diễn cải lương. Nhưng, “Kim Vân Kiều” cũng gây nhiều tranh cãi sau đấy. Nhiều khán giả trung thành với sân khấu cải lương truyền thống không hẳn hài lòng với chất lượng ca, diễn. Khán giả “ngoại đạo” thì thỏa mãn trí tò mò về việc thần tượng của họ diễn cải lương.

Cách tân và đương đại

Hơn chục năm sau, sân khấu nghệ thuật truyền thống tiếp tục tạo chú ý với nhiều thể nghiệm mới mẻ khác. Vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” do Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam là một thể nghiệm thú vị trong số đó.

Cảnh trong vở “Duyên định”.

Khai thác tích truyện nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng, nội dung vở diễn là câu chuyện khá quen thuộc với số đông người Việt. Nhưng, “Ngàn năm mây trắng” khiến sân khấu nghệ thuật truyền thống trở nên lạ hơn khi hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc trong một tác phẩm: Cải lương, chèo, hát xẩm, ca Huế.

Trước đó, đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cũng tạo nhiều bất ngờ với vở kịch về đề tài lịch sử “Hừng đông”. Vở diễn khai thác về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Phan Đăng Lưu.

Dù không gây tò mò bởi sân khấu hoành tráng kiểu tả thực truyền thống như vở “Kim Vân Kiều” nhưng “Hừng đông” thỏa mãn phần nhìn của người xem nhờ tận dụng được ưu thế của công nghệ. Màn LED lớn với các thước phim tư liệu được chuẩn bị trước đó để tạo cảnh trí, hỗ trợ diễn xuất của diễn viên, giúp sân khấu cải lương vừa sang trọng, vừa mới mẻ, hiện đại hơn.

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, việc tận dụng các màn hình LED, sử dụng ngôn ngữ của điện ảnh trong các tác phẩm sân khấu đã trở nên khá phổ biến. Trên sân khấu kịch nói, những video quay sẵn, các thước phim tư liệu tạo nên những hiệu ứng đặc biệt hơn cho người xem.

Vở kịch “Gặp lại người đã chết” và “Duyên định” của Nhà hát CAND là 2 trong số vở diễn đó. Khai thác về đề tài chiến tranh cách mạng, vở diễn sử dụng nhiều thước phim tư liệu, chiếu qua màn hình LED lớn, giúp khán giả cảm nhận trực diện về những khốc liệt của chiến trường năm nào...

Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cũng đã phát huy rất hiệu quả màn hình LED trong vở diễn “Bộ cảnh phục”.

Vở diễn ngợi ca người chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy nhưng đạo diễn không lạm dụng công nghệ để thiết kế các đại cảnh hoành tráng đến mức “nuốt” cả diễn viên trên sân khấu như nhiều vở diễn khác. Việc sử dụng màn hình LED trong “Bộ cảnh phục” được tiết chế mà vẫn hỗ trợ hiệu quả cho diễn xuất của diễn viên.

Đó là cảnh chiến sĩ Lê Thanh thâm nhập giữa trung tâm ổ buôn bán ma túy, suýt bị hãm hại. Màn hình LED chỉ là 2 ô cửa nhỏ tít tắp trên cao với ánh sáng yếu ớt. Hình ảnh nữ chiến sĩ trẻ lẻ loi, cô độc, run rẩy ngồi bó gối giữa 4 bức tường ở bên dưới khiến người xem xót xa, cảm phục.

Màn hình LED cũng được phát huy tối đa khi đạo diễn đồng hiện cảnh Lê Thanh rạng rỡ lướt những bước chân trên bãi cỏ xanh mướt mát. Trong khi ở dưới góc sân khấu, người chồng sắp cưới đứng chết lặng ôm bó hoa chờ trao cho cô dâu. Phía còn lại là những người đồng đội thông báo mà như thì thầm truyền tai nhau điệp khúc: Chuyên án đã thành công...

Góc nhìn mới, hướng đi mới

Thực tế, con đường thử nghiệm kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào một tác phẩm nhằm tạo sự mới lạ cho sân khấu, hấp dẫn khán giả hơn đang ngày càng được nối dài. Tại Rạp xiếc Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có “Phù thủy đại chiến”.

Kịch hát “Ngàn năm mây trắng” có sự hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.

Đây là lần đầu tiên Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng chương trình quy mô lớn, “kể” thành một câu chuyện hấp dẫn và hoàn chỉnh với sự kết hợp của nghệ sĩ nổi tiếng của cả hai bộ môn nghệ thuật xiếc và ảo thuật: Ảo thuật gia Nguyễn Việt Hoàng (ảo thuật gia J - Quán quân Ảo thuật siêu phàm của VTV3 năm 2018), các nghệ sĩ xiếc đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Thanh Tuấn, Thu Hương, Hải Quân, Hà Bình... Nhằm tạo không gian mới lạ và đa dạng trò diễn, ê-kíp dàn dựng sử dụng sân khấu nổi 4D, kết hợp sử dụng 3 loại sân khấu khác nhau, thay vì chỉ có sân khấu tròn của rạp xiếc xưa nay.

Hiện nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang tích cực triển khai một dự án phối hợp “dài hơi” là “Huyền sử Việt”. Dự án bao gồm nhiều vở diễn, khai thác những huyền thoại về tứ bất tử (4 vị thánh) trong đời sống tín ngưỡng của người Việt là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh.Trong đó, mở đầu dự án sẽ là vở diễn về Chử Đồng Tử - Tiên Dung...

Những ngày này, Trung tá, đạo diễn Phạm Lê Nam và các cộng sự cũng đang miệt mài với dự án kịch phim “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” ngoại truyện. Dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 10, tác phẩm được kỳ vọng sẽ tạo thêm những thử nghiệm mới khác cho đời sống sân khấu và cả điện ảnh.

Đạo diễn Phạm Lê Nam cho hay, vở diễn sẽ kể một một câu chuyện mới dựa trên cốt truyện dân gian quen thuộc với người Việt. Trên sân khấu kịch nhưng điện ảnh có vai trò quan trọng. Điện ảnh không chỉ được sử dụng như một công cụ minh họa mà được tham gia để kết hợp kể câu chuyện bằng chính ngôn ngữ của điện ảnh.

Vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, chủ đạo là kịch nói nhưng đạo diễn và ê-kíp còn thể nghiệm đưa cả hát xẩm vào. Ở chiều ngược lại, anh sẽ thể nghiệm chuyển kịch thành phim. Cách kể chuyện cũng không giống như truyền thống. Thông điệp chuyển tải cũng mới mẻ, đậm triết lý nhân sinh.

Hy vọng

Chia sẻ về việc kết hợp nghệ thuật xiếc với nhiều nghệ thuật khác trong dàn dựng các chương trình, vở diễn, đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: Lâu nay, các nghệ sĩ xiếc và khán giả chỉ quen với các tiết mục mang tính chất đơn lẻ. Việc kết hợp nhiều loại hình để xây dựng chương trình, vở diễn được kỳ vọng không chỉ tạo được sự mới mẻ hơn cho sân khấu, thu hút khán giả mà qua đó còn góp phần tạo điều kiện để nghệ sĩ nâng cao nghệ thuật diễn xuất.

Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thì cho rằng, anh và các nghệ sĩ cải lương không ngại thể nghiệm, đổi mới. Ngay từ đầu, cải lương ra đời là do “cải cách hát ca theo tiến bộ”. Bản chất của cải lương là phải luôn canh tân, đổi mới. Thể nghiệm kết hợp nhiều nghệ thuật trên sân khấu cũng là cách cải lương vận động, đổi mới. Làm sao kết hợp một cách hợp lý các loại hình nghệ thuật ấy trong mỗi tác phẩm mới là vấn đề, là thách thức đối với người nghệ sĩ.

Trao đổi quanh việc thể nghiệm hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật từng gây tranh cãi và sẽ còn nhiều băn khoăn về hiệu quả nghệ thuật thực sự cho tác phẩm, đạo diễn Phạm Lê Nam chia sẻ: Công việc của người đạo diễn, nếu nói một cách đơn giản nhất là làm sao kể câu chuyện một cách thuyết phục nhất, hấp dẫn nhất với khán giả.

Việc có chuyển tải được nội dung đúng như mong muốn của người nghệ sĩ và có hấp dẫn, thuyết phục được người xem hay không vẫn là thước đo chính xác nhất về mức độ thành công của tác phẩm.  Nếu làm tốt có nghĩa là đạo diễn thành công, ngược lại là thất bại, bất kể hình thức chuyển tải câu chuyện là một hay nhiều loại hình nghệ thuật.

Minh Hải
.
.