Xuất bản sách: Lỗi ngày một nhiều

Thứ Năm, 30/05/2013, 10:30

Qúy 1 năm 2013 trôi qua, hàng loạt những sai sót trong xuất bản sách được phanh phui vì lỏng lẻo khâu biên tập, xuất bản. có những cuốn động vào đề tài nhạy cảm, cấm kị vậy mà vẫn cứ chình ình, chễm chệ trên các quầy sách. Đến khi người đọc tá hỏa phát hiện, cơ quan quản lý có lệnh thu hồi, hủy bỏ thì độc giả cũng chẳng khó khăn gì khi ra hiệu sách tư nhân mua sách chui, sách lậu.

Theo thống kê số sách ngày càng tăng, bản in tăng, xuất bản rầm rộ nhưng thực trạng rất khan hiếm những sách hữu ích, sách hay mà nhìn chung là những cuốn bình bình, tàm tạm.  Đôi khi xuất bản sách lại phạm phải những điều ngớ ngẩn tối kị, thế mà chẳng thể hiểu bằng con đường nào nó vẫn được xuất hiện đàng hoàng một thời gian.

Để xảy ra lỗi lớn này do phát triển sách không phải vì chiến lược giáo dục tầm xa, cũng không xuất phát từ văn hóa đọc mà chẳng qua chỉ vì áp lực lỗ lãi, vì kinh doanh lợi nhuận của những người làm sách. Kể cả sự vô trách nhiệm của một số cá nhân ở những bên có thẩm quyền liên quan đến việc xuất bản sách.

Bắt lỗi xuất bản

Năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên, y như rằng có sai sót trong khâu duyệt biên tập, sách in ra phạm phải lỗi nhẹ, lỗi nặng, và cả lỗi ngớ ngẩn, ngô nghê. Một cuốn sách theo quy trình từ người viết, người đọc duyệt, người biên tập, in ấn, phát hành nâng lên hạ xuống qua bao nhiêu khâu, vậy mà vẫn xảy ra những sai sót, không thể bao biện, lý giải.

Đơn cử những cuốn sách được coi như người bạn song hành với các bé ở tuổi mẫu giáo mầm non và học sinh tiểu học: "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" (Công ty Văn hóa Hương Thủy và NXB Dân Trí), "Bé làm quen với chữ cái" (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1, Công ty Cổ phần Dịch vụ Văn hóa Sư phạm  và NXB Đại học Sư phạm) "10 phút trước giờ cho bé đi ngủ" (tập 2: Bồi dưỡng tình cảm) và "Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ" (Công ty Đinh Tỵ và NXB Mỹ thuật)…

Những sách này đã in cờ Trung Quốc trong phần minh họa. Sau khi những cuốn sách này tràn lan trên thị trường, độc giả nhanh chóng phát hiện, sai phạm trong xuất bản sách gây ra không ít hoang mang cho các bậc phụ huynh có con ở lứa tuổi nhi đồng.

Không chỉ những nhà xuất bản "tàng tàng" mà ngay cả nhà xuất bản uy tín vẫn phạm những lỗi rất sơ đẳng. NXB  Giáo dục, trong sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 in bản đồ đất nước lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tiến sĩ Ngô Trần Ái,  Giám đốc NXB cũng đã phải lên tiếng thừa nhận về việc sai sót những lỗi không đáng có…

Bức xúc trước thực trạng vừa qua, không ít phụ huynh đã không còn tin tưởng cái gọi là "Bồi dưỡng kiến thức cho trẻ" từ những quyển sách màu sắc ngự trên quầy bán sách, họ bức xúc với việc "tiền mất tật mang" và mất niềm tin với các đơn vị in ấn, phát hành sách cho trẻ nhỏ. Đúng là "con sâu làm rầu nồi canh". Cục Xuất bản đã phải nhanh chóng gửi công văn khẩn đề nghị các bên liên quan giải trình. Sách mang màu sắc bạo lực, khiêu dâm, mang tư tưởng không lành mạnh cũng không phải ít.

Một cuốn sách khá nhạy cảm sau một vài ngày bày bán trên quầy sách bị thu hồi sẽ có hấp lực gây tò mò, hiếu kỳ cho độc giả. Sách này bình thường vẫn ế chỏng chơ, thế mà, chỉ cần một hiệu lực thu hồi của cơ quan chức năng. Thế là bỗng dưng những cuốn sách đó lại bán chạy như tôm tươi, in lậu, nối bản liên tiếp đem lại không ít lợi nhuận cho các đầu nậu sách.

Dân buôn sách vẫn thích thú mấy trò tiêu khiển kiểu như "bỗng dưng bị cấm" hay  "khen hay chê ầm ĩ ở trên các phương tiện truyền thông". Nói tóm lại, sách xuất bản dù khen đến tận mây hay chê xuống tận đất nhưng cứ miễn được nhắc đến là y như rằng sẽ có lợi nhuận vượt trội.

Cả nước hiện nay có 64 nhà xuất bản, nhưng những nhà xuất bản có uy tín thì rất ít, NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục… Có nhà xuất bản trước đây rất uy tín, nơi quy tụ những anh tài  nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương nhưng trong mấy năm trở lại đây chẳng hiểu vì lý do gì bỗng dưng đâm trở chứng, xuất bản những cuốn sách kém chất lượng, và điều đáng nói hơn là phạm phải những vấn đề vô cùng nhạy cảm.

Cứ nhìn thực trạng tình hình sách xuất bản trong những năm trở lại đây khiến người ta không thể không băn khoăn, lo lắng: "Đấy, để xem cứ cái đà thả nổi thế này nếu chẳng may một cuốn sách mang nội dung tư tưởng không lành mạnh động đến những vấn đề sắc tộc, tôn giáo, chính trị lọt lưới, hậu họa sẽ khôn lường đến thế nào".

Đọc sách tạo cảm hứng đời sống tinh thần phong phú cho mọi lứa tuổi.

Xuất bản sách - bài toán hóc búa cho nhà quản lý

Chuyện về xuất bản sách cho đến giờ vẫn được coi là một bài toán hóc búa đối với các nhà quản lý, bằng chứng là  trong năm 2012  có đến 374 triệu xuất bản phẩm có mặt trên thị trường (tăng 4% so với năm 2011) nhưng cũng đừng vội mừng, những con số cũng chẳng nói lên được điều gì. Trớ trêu thay, sự gia tăng in ấn phát triển này lại kèm theo hệ lụy sai sót  trong xuất bản sách.

Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông) cũng băn khoăn trước thực trạng: Sách hay, sách hữu ích và chứa đựng giá trị  vượt trội vẫn còn bị lép vế trong khi sách xuất bản vướng phải lỗi xuất bản ngày một nhiều.

Điều đáng buồn là, dù gì đi chăng nữa thì việc lợi nhuận lớn cũng khiến người ta bị chi phối. Cụ thể là  các nhà xuất bản trước đây có nhiều nguồn thu có thể từ khâu sản xuất in lịch thì nay đã không còn độc quyền. Cả một cuộc cạnh tranh, nhu cầu bức bách về kinh tế thế nên người ta cũng ậm ờ làm cho qua quýt. Chưa kể đến một bộ phận những người làm biên tập  kiểm duyệt  của các nhà xuất bản tay nghề còn non yếu hoặc giả làm lơ, thiếu trách nhiệm.

Để bảo đảm nguồn thu nhập người ta nghĩ ra “cái bắt tay hữu hảo”. Cuộc hội ngộ liên kết, một là nhà xuất bản và hai là công ty truyền thông. Việc bán giấy phép cho tư nhân để kiếm lợi nhuận từ việc in sách vô tình để xảy ra việc lọt lưới sách có chất lượng kém, nội dung tiêu cực ngày một nhiều.  Nhìn chung, có những nhà xuất bản chiếm đến 90% là sách liên kết. Còn không thì các nhà xuất bản sách khác cũng chiếm từ 30  đến 35% sách liên kết. Việc bắt tay giữa nhà xuất bản và các công ty truyền thông hay các đơn vị ngoài quốc doanh cũng có mặt tích cực là làm cho thị trường sách phong phú và đa dạng, nhưng cũng có không ít bất cập.

Nhiều nhà xuất bản làm nhiệm vụ cấp giấy phép đơn thuần ít hoặc không chú trọng đến chủ đề, tư tưởng… khâu biên tập bản thảo bị bỏ bê. Người ta ỉ lại lẫn nhau, và thế là xảy ra chuyện "cha chung không ai khóc". Người biên tập của nhà xuất bản thì hoặc mắc bệnh "lười kinh niên" hay ngại động chạm vì nếu tác phẩm có tác giả là người nước ngoài cũng không "dám" biên tập, chỉnh sửa cho hợp  với văn hóa Việt.

Luật Xuất bản hiện hành đã được ghi rất rõ trong hoạt động liên kết chỉ được liên kết khâu in và phát hành không được liên kết khâu xuất bản, đặc biệt là khâu biên tập". Nhưng với thực trạng hiện nay, luật chưa thực sự đi vào đời sống một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận: "Trong thời gian vừa qua có một số giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản không thực hiện đủ quy trình này, dẫn đến việc có đối tác liên kết lấn sân vai trò trách nhiệm. Hoặc trình độ hạn chế của biên tập viên trước những vấn đề nhạy cảm không bóc tách được".

Việc cơ quan chủ quản của nhà xuất bản chưa nêu cao vai trò trách nhiệm, gần như khoán trắng cho các nhà xuất bản cũng được Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông thẳng thắn nhìn nhận.

Thị trường sách trôi nổi trong đó có cả sách “có vấn đề”.

Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản cũng không khỏi lo lắng, trăn trở đến sự thiếu nhạy bén chính trị, ẩu, chủ quan hay buông lỏng quản lý đang hoành hành trong giới làm sách. Ông hy vọng Luật Xuất bản sửa đổi sẽ sớm có hiệu lực để không xảy ra tình trạng đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, số lượng sách được coi là "có vấn đề" trong năm 2012 là 51 cuốn (chiếm 0,18%) của 27 nhà xuất bản. Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn cũng có ý kiến rằng: "Mỗi cuốn sách nội dung không tốt luôn gây nên những hệ lụy vô hình, tác động khó lường đến đời sống xã hội. Để xảy ra những sai sót trong thời gian qua là sự xấu hổ của toàn ngành xuất bản".

"Luật Xuất bản sửa đổi" được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2012. Luật đã chế tài nghĩa vụ pháp lý của các đối tác liên kết  và đòi hỏi đội ngũ biên tập viên của phía đối tác liên kết cũng phải đạt "chuẩn", chịu sự sát hạch của Cục Xuất bản và Bộ Thông tin - Truyền thông. 

Luật sửa đổi 2012 đã đưa ra một số điểm mới so với luật cũ là bổ sung hình phạt, như ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép,  chứng chỉ hành nghề đối với các tổ chức cá nhân khi có sai phạm trong hoạt động xuất bản và đưa ra những quy định chặt chẽ với mức cao hơn khi phát hiện những  hoạt động in lậu, in nối bản không đúng quy định pháp luật không chỉ xử phạt hành chính ở mức cao mà nếu nghiêm trọng thì xử lý hình sự.

Nhiều người vẫn đang hy vọng vào việc đưa luật ứng dụng linh hoạt vào đời sống, để nhanh chóng chấm dứt tình trạng xuất bản sách bất cập như hiện nay

Mỹ Trân (mytrantcsk@yahoo.com)
.
.