Yếu tố “ngoại lai” và bản sắc điện ảnh

Thứ Sáu, 06/09/2019, 10:42
Nhiều năm trở lại đây, xu hướng remake (làm lại) những tác phẩm điện ảnh của nước ngoài, mời diễn viên nước ngoài tham gia vào phim hay lựa chọn bối cảnh phim ở nước ngoài được nhiều nhà sản xuất, đạo diễn lựa chọn. Có thể điều này đáp ứng một phần nào thị hiếu khán giả trong nước cũng như thực trạng thiếu kịch bản, song nó lại dấy lên những lo ngại về yếu tố ngoại lai và sự cẩu thả trong nghệ thuật.

Tràn ngập yếu tố “ngoại”

Ngày 24-8, Vàng – chú chó hai tuổi của một phụ nữ ở Hà Nội đã vượt qua hàng trăm chú chó khác ở vòng tuyển diễn viên cho bộ phim “Cậu Vàng” của đạo diễn Trần Vũ Thủy. Kịch bản phim từng được NSND Bùi Cường biên soạn, là tác phẩm điện ảnh phóng tác theo “Lão Hạc” của Nam Cao.

Sẽ không có quá nhiều tranh cãi khi “diễn viên khuyển” này lại là thuần giống Shiba Inu - loài chó đặc trưng của Nhật Bản. Phần đông khán giả cho rằng chú chó này có dáng dấp, ngoại hình không phù hợp.

Trên Mật Pet Family - fanpage của Vàng, nhiều khán giả nhận xét Shiba không giống một vật nuôi sống trong bối cảnh làng quê Việt Nam đầu thế kỷ 20. Theo nguyên tác, hoàn cảnh của lão Hạc rất nghèo khổ, cuối tác phẩm lão phải bán cậu Vàng đi. Còn Vàng - chú chó được tuyển chọn lại có dáng mập mạp, tròn trịa. 

Chưa kể, một chú chó giống Shiba được bán trên thị trường với mức giá dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy dáng hình, chủng loại. Điều này đi ngược với nguyên mẫu trong truyện Nam Cao khi Cậu Vàng là thú nuôi của một lão nông nghèo khổ.

Bên cạnh đó, việc để một chú chó thuần giống Nhật Bản đóng trong một tác phẩm về văn học Việt Nam thời kỳ những năm 1945 cũng gây tranh cãi. Cụ thể, theo cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử” của Giáo sư Nguyễn Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto công bố năm 1995, trong giai đoạn này, binh lính Nhật đã thu gom, tích trữ lúa gạo, ép người dân phá lúa, hoa màu để trồng cây đay... Cộng thêm nhiều lý do khác, phát xít Nhật bị lịch sử kết tội là nguyên nhân chính gây nên nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.

Trước những tranh cãi của dư luận, đạo diễn Trần Vũ Thuỷ đã lên tiếng giải thích rằng: “Cậu Vàng là vai đặc biệt khó và chiếm vị trí quan trọng trong tác phẩm, đòi hỏi phải có một chú chó thực sự thông minh, nhanh nhẹn, nhiều kỹ năng và biết thể hiện cảm xúc. Ở Việt Nam, việc tìm được một chú chó đảm bảo các tiêu chí như trên là không hề dễ dàng”.

“Cậu Vàng” không phải là bộ phim đầu tiên của Việt Nam có sử dụng các yếu tố ngoại lai như: diễn viên ngoại, bối cảnh ngoại, đề tài ngoại (dòng phim remake)…

Còn nhớ, năm 2018, võ sĩ quyền Anh Mike Tyson đã góp mặt trong bộ phim “Những cô gái và găng-tơ” của đạo diễn Trần Bảo Sơn. Việc nhà sản xuất Trần Bảo Sơn mời Mike Tyson đóng phim ở Việt Nam, diện những bộ trang phục đậm chất Nam Bộ cho thấy những cố gắng để thu hút khán giả qua yếu tố “lạ”. 

Hình ảnh Mike Tyson đội nón lá, mặc áo bà ba trong phim “Những cô gái và Găng-tơ”.

Bên cạnh đó, bộ phim có sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao nổi tiếng châu Á như: Trương Quân Ninh, Trần Ý Hàm, Tiết Khải Kỳ, Vương Thủy Lâm... Không riêng Trần Bảo Sơn, phim ảnh Việt cũng đã chứng kiến nhiều diễn viên ngoại quốc góp mặt như: Can Ðình Ðình trong “Hà Nội - Hà Nội” (2007); Cha Ye Ryeon, Hong So Hee trong “Mười” (2007); Roger Yuan trong “Lửa Phật” - bộ phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam…

Cùng với đó, càng ngày càng nhiều phim Việt có cảnh ngoại và không còn chỉ là “thêm nếm” gia vị cho phim mà trở thành bối cảnh chính như phim “Dạ cổ hoài lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng quay ở Mỹ; “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang quay ở châu Âu; “Khúc hát mặt trời” của đạo diễn Vũ Trường Khoa và “Người cộng sự” của đạo diễn Phạm Thanh Phong - Jun Muto quay tại Nhật...

Vài năm trở lại đây, xu hướng làm phim remake đã tạo nên “cơn sốt” trong giới yêu thích môn nghệ thuật thứ 7. Đặc biệt, trong bối cảnh khan hiếm nguồn kịch bản gốc chất lượng thì phim được mua kịch bản từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc được xem như một hướng đi an toàn. Theo thống kê, trong tổng số những bộ phim điện ảnh Việt Nam 2018, có đến một phần ba là các bộ phim remake, chưa kể các bộ phim truyền hình cũng “bắt trend” với trào lưu này. 

Có thể kể đến những tác phẩm điện ảnh remake tạo được tiếng vang như: “Em là bà nội của anh”; “Chạy trốn thanh xuân” – mảng phim điện ảnh; “Người phán xử”; “Gạo nếp gạo tẻ” – mảng phim truyền hình…

Giao lưu văn hoá hay tâm lý “sính ngoại”?

Từ những năm 1990, điện ảnh Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi và khởi sắc thông qua một số bộ phim mang hương vị “ngoại lai” của các đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim. Những vấn đề của xã hội đương đại được thể hiện qua các tác phẩm điện ảnh của các nhà sản xuất phim độc lập như “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di; “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên... 

Cùng với đó là dòng phim “mỳ ăn liền” được ra đời. Song, vì tính chất “ăn xổi” nên dòng phim này nhanh chóng chết yểu. Đó cũng là lời “cảnh báo” cho sự luân chuyển của dòng chảy điện ảnh trong thời gian tới và tương lai của dòng phim có yếu tố ngoại.

Bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân” được cho là một ví dụ điển hình cho sự thất bại của phim remake.

Thực tế chứng minh rằng không ít bộ phim được làm “ăn theo” trào lưu “sính ngoại” nhưng nhanh chóng “chết yểu” bởi sự hời hợt, “lai căng” không phù hợp. Đơn cử, có thể kể đến “Sắc đẹp ngàn cân” (2017) của đạo diễn Trương Ngọc Ánh được làm lại từ bộ phim nổi tiếng 200 Pounds Beauty của Hàn Quốc bị chê là kịch bản chuyển thể cứng nhắc, từ diễn xuất đến nội dung đều đơn điệu, nhạt nhoà. Bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” (2010) không được chiếu vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dù các nhà chức trách và đơn vị sản xuất đều không đưa ra lý do thuyết phục dư luận, song ai cũng hiểu rằng nguyên nhân chính ở việc bộ phim đã được “Việt hoá” một cách “thô bạo”

Cụ thể, đây là bộ phim lịch sử Việt Nam nhưng lại do người Trung Quốc thực hiện, từ khâu kịch bản đến đạo diễn, chuyên viên hóa trang, diễn viên đóng thế, diễn viên quần chúng… Toàn bộ cảnh quay được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Triết Giang, Trung Quốc)…

Không phải ngẫu nhiên mà cho đến bây giờ, dù cho dòng chảy gấp gáp của cuộc sống, sự tràn lan của phim ngoại, người yêu điện ảnh vẫn nhắc đến quá khứ vàng son của những bộ phim Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Những bộ phim như: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Em bé Hà Nội”; “Cánh đồng hoang”; “Bao giờ cho đến tháng Mười”, … vẫn là những tượng đài của điện ảnh Việt. Bởi, những bộ phim này đã hoàn thành sứ mệnh của nó khi đem lại cho công chúng những thước phim thực sự chất lượng, nghệ thuật cao và đặc biệt là chứa đựng bản sắc dân tộc đậm nét.

Đạo diễn Nhuệ Giang thừa nhận, một vài năm gần đây, dòng phim thị trường, đặc biệt phim có yếu tố ngoại khá phổ biến, trung bình khoảng hơn 40 phim một năm, số lượng này không ít so với các nước Đông Nam Á. Song, những bộ phim đó chưa đảm bảo được vai trò giáo dục văn hoá đối với khán giả. 

“Thực tế các nhà sản xuất muốn làm giàu vì điện ảnh chứ không làm điện ảnh vì yêu nghệ thuật. Bởi rõ ràng số lượng đang đi lên nhưng chất lượng lại đi xuống. Đặc biệt, phim của các đạo diễn Việt kiều, đôi khi câu chuyện, tình huống trong phim không gần gũi với tâm lý, văn hoá người Việt. Có thể phim đó doanh thu rất cao, nhưng vì sự lạ lẫm, người ta tò mò nên tới rạp xem. Điều này chứng minh nhà sản xuất đang để tâm đến vấn đề ăn khách chứ không đào sâu vào phần thẩm mỹ, văn hoá, con người, đặc biệt là đảm bảo chức năng giáo dục của nghệ thuật”, nữ đạo diễn nhấn mạnh.

Đi tìm bản sắc dân tộc

Khi sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia ngày càng cởi mở thì không có gì ngăn cản công chúng tiếp cận với những sản phẩm văn hóa “nhập khẩu”. Mời diễn viên ngoại tham gia, mời các đoàn phim đến Việt Nam quay phim, hay làm lại những bộ phim ăn khách trên thế giới là những xu hướng để kéo khán giả Việt ở lại với điện ảnh trong nước. Song, nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng đây không phải là bước đi an toàn và lâu dài, đặc biệt khi nền điện ảnh Việt đang bị “lũng đoạn” bởi các hãng phim tư nhân – ưu tiên dòng phim thị trường ăn khách, thiếu chiều sâu.

Mặt khác, việc nhập phim nước ngoài ồ ạt không những đè bẹp nền điện ảnh Việt mà còn tạo nên thị hiếu, khẩu vị một chiều không chỉ cho khán giả Việt mà còn áp đặt lên chính tư duy, tư tưởng của các nhà làm phim tư nhân hiện nay.

Còn nhớ, tại “Tọa đàm sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018” diễn ra vào tháng 4-2019, rất nhiều chuyên gia điện ảnh thừa nhận rằng, sau 10 năm xã hội hóa, có rất ít phim mang hơi hướng nghệ thuật, hướng tới xây dựng văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam mà chỉ chạy theo lợi nhuận, doanh thu, thậm chí đôi lúc còn vì những thị hiếu thấp kém của khán giả làm ra những phim “nhảm” quá lố, hoặc bạo lực quá mức cho phép…

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng, chúng ta không thể phủ nhận được lợi ích mà những bộ phim có yếu tố “ngoại” mang lại, đặc biệt là về doanh thu cho nhà sản xuất. Song, nam đạo diễn cho rằng, nếu tất cả các nhà sản xuất cùng bán một mặt hàng mà chất lượng gần giống nhau, thậm chí tệ hơn thì khán giả ăn nhiều sẽ chán. Không những vậy, hệ luỵ nghiêm trọng khi có các yếu tố ngoại lai xâm chiếm là khiến giới trẻ rất dễ nhầm lẫn về những chuẩn mực văn hóa.

Anh nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta có 3 loại hình chiếu phim, đó là: phim truyền hình, phim chiếu rạp, phim chiếu trên nền tảng OTT… hầu hết toàn chiếu phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Những phim đó trở thành làn sóng mạnh mẽ khiến khán giả, đặc biệt là giới trẻ quên đi gốc gác của mình. Giới trẻ cứ thế lớn lên trong môi trường điện ảnh đó, họ nghĩ rằng đó là những dòng văn hoá hay, đẹp và họ học theo, lấy đó làm tiêu chuẩn. Hãy cứ tưởng tượng tất cả các kênh chiếu toàn những phim nước ngoài hoặc phim remake thì sẽ rất nguy hiểm”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng những bộ phim remake, hay những bộ phim có nội dung “lai căng”, sai lệch với văn hoá truyền thống sẽ là mối đe doạ nghiêm trọng đối với truyền thống văn hoá của người Việt.

“Chúng ta cũng hiểu rằng, ngoài yếu tố giáo dục, yếu tố giải trí trong điện ảnh cũng rất quan trọng. Đó còn chưa kể ngày nay chúng ta làm phim thường lấy thu bù chi. Nhưng, cứ cái đà làm ảo ảo, tây – ta lẫn lộn thì khi xem phim Việt Nam cũng không biết đó là phim Việt Nam, hàn Quốc hay Thái Lan. Nếu cứ để văn hoá ngoại lai tràn ngập trong điện ảnh như vậy thì không khác gì văn hoá Việt đang ngồi trên ghế của chủ nhà lại phải xuống dưới đất”, nhà biên kịch Chu Thơm lo ngại.

Có thể nói, một nền điện ảnh cứ mải chạy theo việc nuông chiều khách hàng sẽ dần dẫn đến sự nghèo nàn trong nghệ thuật, tạo một lớp khán giả lười biếng khi chỉ thích cười khi xem phim, thay vì suy ngẫm về con người, cuộc sống, nguồn cội.

Sự vay mượn, làm phim theo các trào lưu có thể thỏa mãn thị hiếu của một bộ phận công chúng trong nhất thời, nhưng điều đó lại rất dễ trở thành lực cản đối với sáng tạo mới. Chỉ những tác phẩm điện ảnh thật sự có giá trị mới đủ sức tồn tại với thời gian, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng và không bị đè bẹp bởi phim ngoại ngay trên sân nhà.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng, để làm được điều đó, rất cần sự quan tâm của nhà nước cũng như chất lượng của đội ngũ biên kịch, làm phim. “Ở Hàn Quốc, Thái Lan… họ coi điện ảnh như một chiến lược quốc gia. Tức là, họ dùng ngân sách để đầu tư vào những dự án điện ảnh lớn, mang dấu ấn văn hoá, lịch sử… Và, những bộ phim đó cũng để xuất khẩu.

Ở Việt Nam cũng vậy, điện ảnh là một trong những con đường gìn giữ, quảng bá văn hoá Việt Nam. Thực tế, chúng ta từng được nhà nước đầu tư, nhưng không làm đến nơi đến chốn dẫn đến việc bị “cắt vốn” là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, ngày nay, chúng ta nên mở rộng cánh cửa để chào đón những đạo diễn trẻ, những con người mới – những người hiểu được nhu cầu khán giả. Cùng với đó là những đội ngũ cố vấn lão luyện, nhiều kinh nghiệm thì chúng ta sẽ có những bộ phim văn hoá lịch sử phù hợp với giới trẻ”, đạo diễn phim “Phượng khấu” cho hay.

Thảo Dung
.
.