Từ “Tiến Quân ca” đến “Quốc ca”

Thứ Năm, 19/02/2015, 09:35
Đầu tháng 10/1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quí tại ga Hàng Cỏ. Anh là người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao trong những năm tháng hoạt động tại Hải Phòng và thường xuyên khuyến khích Văn Cao sáng tác những bài hát yêu nước như: “Hò kéo gỗ trên sông Bạch Đằng” (1941), “Gò Đống Đa” (1942), “Thăng Long hành khúc” (1943)… Hai người đưa nhau vào tiệm cơm Văn Phú ở đầu phố Hàng Lọng (đường Lê Duẩn), Văn Cao linh cảm thấy cuộc đời của mình bắt đầu bước sang một bước ngoặt mới.

- Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?

- Được!

- Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng.

Ngày hôm sau Vũ Quí đưa Văn Cao đến nhà một người thợ đóng giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên.

- Văn sẽ ăn cơm tháng tại đây, trường hợp đặc biệt thì có thể đến tiệm cơm Văn Phú, người chủ quán đó cũng là một cơ sở của ta.

Vũ Quí tháo đôi giày cho người thợ đánh xi. Hai người ngồi vào một góc bàn uống nước. Vũ Quí giao công tác:

- Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, phải dùng những bài hát của Hướng đạo sinh. Khóa  quân chính kháng Nhật sắp mở. Văn hãy soạn một bài hát cho đội quân Cánh mạng của chúng ta.

Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh tư liệu.

Văn Cao nhìn Vũ Quí ngỡ ngàng, anh đang chờ một công việc khác, anh muốn được hành động… Thấu hiểu nỗi lòng của Văn Cao, Vũ Quí nói:

- Mình hiểu rõ khả năng của Văn. Đây  chỉ là công việc ban đầu, tuy nhiên cũng vô cùng cần thiết. Đội quân Cách mạng của chúng ta cần có bài hát để động viên tinh thần. Bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân. Mình tin ở khả năng của Văn, cố gắng hoàn thành sớm, còn nhiều công việc quan trọng Văn sẽ phải đảm nhiệm đấy.

“Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen, tôi cố tìm một cái gì đó để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên. Những phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi  đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới khi đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng, những bộ xương khô đét loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một ống sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái, nó khoảng lên ba, tôi ngờ như đã gặp cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ lạc, cũng không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định, Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về căn gác, tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”.

Bài hát được làm ra trong thời gian không biết bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp ở số 45 Nguyễn Thượng Hiền bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy làn cây và một khoảng trời xám…

Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập một đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy. Và tôi biết họ đang hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ hát được.

Đoàn quân Việt Minh đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.

Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng.

Đoàn quân Việt Minh đi
Sao vàng phất phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than

Không! Không phải chỉ có những học sinh khóa quân chính kháng Nhật đang hành quân, không phải chỉ có những chiến sĩ áo chàm đang dồn bước, mà cả một đất nước đang chuyển mình. Tên bài hát và lời ca của nó.

Là một sự tiếp tục từ Thăng Long hành khúc ca

Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng… hay trong Đống Đa Tiến quân hành khúc ca/ Thét vang rừng núi xa.

Lời trên đã rút ngắn lại thành tên bài hát “Tiến quân ca” và tiếng thét ấy đã ở đoạn cao trào của bài hát

Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền…”.

(Trích hồi ký của Văn Cao)

Mấy ngày sau, gặp lại Vũ Quí, Văn Cao lấy cây đàn ghi ta vừa đệm vừa hát cho anh nghe. Vũ Quí cười hài lòng, da mặt anh đen sạm, đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh.

- Mình đã không lầm khi giao công tác cho Văn, Văn hãy chép ngay cho mình một số bản để chuyển lên chiến khu.

Chiều hôm đó, Vũ Quí chính thức giao nhiệm vụ cho Văn Cao cùng với Nguyễn Đình Thi sang hoạt động bên đảng Dân chủ. Văn Cao chịu trách nhiệm phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, trình bày báo Độc Lập và in tài liệu cho mặt trận Việt Minh. Nguyễn Đình Thi lo phần nội dung của tờ báo. Do người thợ viết chữ không viết được nhạc, Văn Cao phải trực tiếp xuống cơ sở in bí mật tại làng Bát Tràng tự tay viết và in bài “Tiến quân ca” trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập số đầu tiên.

Bài “Tiến quân ca” ra đời và đã được chuyển đi khắp mọi nơi trên toàn quốc.

Tháng 8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Quốc dân đại hội tại Tân Trào vào trung tuần tháng 8. Nguyễn Đình Thi được Bác giao nhiệm vụ  tham khảo ý kiến các đại biểu, chọn một số bài hát mang lên để Bác chọn làm Quốc ca.

Sáng ngày 15/8/1945, sau khi nghe tin chính thức, phát xít Nhật đã đầu hàng, Bác quyết định mở Quốc dân đại hội vào chiều ngày 16/8/1945 sớm hơn dự kiến, mặc dù còn một số đoàn đại biểu miền Nam chưa ra kịp.

Buổi sáng ngày 16/8, Nguyễn Đình Thi mang lên trình Bác 3 bài hát: “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)- “Chiến sĩ Việt Minh” (Văn Cao) - “Tiến quân ca” (Văn Cao) để Bác chọn. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hát, Bác nhận xét:

- Bài “Diệt Phát xít” của chú Thi rất hay, ngắn gọn dễ hát. Nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi nên không phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Bác rất thích bài “Chiến sĩ Việt Minh”, đặc biệt là đoạn kết: Thề phục quốc/ tiến lên Việt Nam/ Lập quyền dân/Tiến lên Việt Nam/ Đài hạnh phúc, đắp xây tự do/ Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm. Nhưng bài này dài lại khó hát, nếu lấy làm Quốc ca nhân dân đứng chào cờ sẽ mỏi chân. Theo  Bác bài “Tiến quân ca” của Nhạc sĩ Văn Cao ngắn gọn, hùng tráng, dễ hát, dễ phổ cập. Bác quyết định lấy bài này làm Quốc ca. Chú chuẩn bị ngay cho đội đồng ca tập để chiều nay báo cáo trước Đại hội.

Quốc dân đại hội đã thành lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc do Bác làm Chủ tịch. (Chính phủ nhân dân lâm thời). Đại hội nhất trí lấy lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Lấy bài “Tiến quân ca” làm bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh (Quốc ca). Ủy ban khởi nghĩa được thành lập và ra lời hiệu triệu kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành độc lập.

Ngày 19/8 tại Nhà hát Lớn, trước hàng ngàn quần chúng nhân dân, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, Văn Cao đã chỉ huy đội đồng ca thiếu niên tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca”.

“Tiến quân ca” như một hồi kèn xung trận, đồng hành cùng quần chúng nhân dân nổi dậy cướp chính quyền góp phần làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, hàng chục vạn người dân thủ đô đã hát vang bài “Tiến quân ca”, trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay dưới bầu trời xanh lộng gió. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 6/1/1946 tổng tuyển cử trên cả nước thành công. 333 đại biểu thuộc đủ mọi thành phần và các đảng phái đã trúng cử vào Quốc hội khóa đầu tiên của Nước Việt Nam DCCH.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội họp phiên toàn thể đầu tiên tại Nhà hát Lớn bầu ra chính phủ mới do Bác làm Chủ tịch. Nguyễn Hải Thần của Quốc dân đảng làm Phó chủ tịch, ngoài ra hai đảng đối lập là Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội giành 4 bộ: Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội, Canh nông. Trong phiên họp bàn về chọn Quốc ca, những đại biểu của Quốc dân đảng  đưa ra bài “Việt Nam minh châu trời đông” của nhạc sĩ Hùng Lân, đòi thay thế bài “Tiến quân ca”, lập tức một đại biểu Quốc hội là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đứng lên bắt nhịp và hát vang bài “Tiến quân ca”, cả hội trường đều đứng  dậy hát theo, chỉ còn lại một vài đại biểu của Quốc dân đảng thuỗn mặt ngồi. Và “Tiến quân ca” đã được Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn làm Quốc ca.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử “Tiến quân ca” vẫn đồng hành cùng dân tộc. “Tiến Quân Ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác khi ông mới 21 tuổi, đến nay “Tiến quân ca” đã ở tuổi “Xưa nay hiếm”. “Tiến quân Ca” mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta, vững bền.

Văn Thao
.
.