Afghanistan đóng cửa thẩm mỹ viện
Ngày 24/6/2023, Bộ Đạo đức thuộc chính quyền Taliban ở Afghanistan chính thức ra lệnh đóng cửa tất cả các thẩm mỹ viện tại quốc gia này với lý do “tôn trọng Luật Hồi giáo Sharia”. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực sau 1 tháng, kể từ ngày 24/7.
Theo các nhà quan sát địa chính trị, việc đóng cửa thẩm mỹ viện là“đòn đánh cuối cùng nhắm vào phụ nữ Afghanistan” sau lệnh cấm nữ giới không được đi học, không được làm việc cho các cơ quan phi chính phủ nước ngoài - kể cả của Liên h0ợp quốc, không được vào công viên, phòng tập thể dục, nhà tắm công cộng…
Tiếng sét giữa trời quang
Với Unami, 30 tuổi (tên đã thay đổi), chủ một thẩm mỹ viện ở thủ đô Kabul thì lệnh cấm của Taliban là “tiếng sét giữa trời quang”. Cô nói: “Dưới thời Chính phủ Kabul, thẩm mỹ viện của tôi là một trong những nơi được chị em ưa thích. Họ đến đây để gặp gỡ, tán chuyện, làm tóc, làm móng, trang điểm cùng các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Khi Taliban kiểm soát Afghanistan hồi tháng 4/2021, họ vẫn để chúng tôi hoạt động, chỉ cấm không cho đàn ông vào…”.
Unami bỏ lửng câu nói, đưa mắt nhìn dãy kệ màu trắng trước đây bày kín những hộp son phấn, nước hoa, dung dịch tẩy rửa…, nhưng bây giờ, nó chỉ còn vài chai sữa dưỡng da. Theo lời Unami, hồi đầu tháng 7, vợ, người nhà của các quan chức cao cấp trong chính quyền Taliban đã đến thẩm mỹ viện của cô và nhiều thẩm mỹ viện khác, vét sạch những loại hàng cao cấp nhập từ nước ngoài. Unami nói: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng thuế của các loại xa xỉ phẩm có thể sẽ tăng cao nhưng bây giờ tôi đã hiểu: Họ mua trước khi không còn mua được nữa”.
Với Roza, chủ một thẩm mỹ viện cũng ở Kabul thì mới vài ngày trước, khi những phụ nữ Afghanistan vén tấm rèm che cửa bước vào, họ lập tức chuyển sang một thế giới khác. Roza nói: “Họ cởi bỏ áo choàng, khăn trùm đầu cùng chàng mạng che mặt rồi thay vào đó là quần jeans, áo thun sặc sỡ. Họ đề nghị chúng tôi tô móng tay móng chân cho họ với màu vàng tươi, vàng chanh, đỏ, tím bạc… rồi cười đùa, chụp hình lẫn nhau bằng điện thoại. Sau khoảng 2 tiếng hoặc lâu hơn, họ trở lại với trang phục cố hữu trước khi ra về. Có người mang vớ để che giấu bàn chân, còn bàn tay thì nằm khuất trong tấm áo abayas màu đen nhưng cũng có người chùi sạch. Và dù giữ nguyên hay chùi rửa, họ vẫn tỏ ra vui sướng với tự do dù chỉ trong giây lát…”.
Kể từ khi Taliban kiểm soát đất nước Afghanistan 2 năm trước, những nhà lãnh đạo của tổ chức này nhận ra rằng không dễ gì một sớm một chiều có thể xóa sạch cái mà họ gọi là “căn bã của bọn ngoại giáo”. Vì thế xã hội Afghanistan nói chung và phụ nữ nói riêng tương đối vẫn còn dễ thở. Ngoại trừ những người đã làm việc cho chính phủ Kabul hoặc cho người Mỹ, kể cả dân sự lẫn quân sự bị đưa đi biệt tích, còn thì nữ giới vẫn chưa bắt buộc phải đeo chàng mạng khi ra đường hoặc phải mặc abayas dài từ cổ đến bàn chân. Một số quan sát viên nước ngoài ở lại Kabul lúc ấy đã ngộ nhận rằng chính sách quản lý xã hội của Taliban đã thay đổi qua việc nhiều thiếu nữ vẫn mặc y phục phương Tây, thậm chí là váy ngắn khi ra phố. Unami, chủ thẩm mỹ viện ở Kabul nói: “Thời gian ấy, những khách hàng quen vẫn đến chỗ chúng tôi bình thường, chỉ khác mỗi cái là vợ hoặc người nhà của các quan chức Taliban cũng tìm đến. Họ đến để nhờ làm lại bộ móng tay cong queo, sần sùi hoặc sửa lại mái tóc khô, gãy. Họ trầm trồ trước những gói mặt nạ gel chuyên dùng lột da mặt rồi cười hớn hở khi thấy làn da mịn màng của họ trong tấm gương…”.
Thế nhưng mọi chuyện dần thay đổi. Thoạt đầu là lệnh bắt buộc tất cả nữ giới khi ra đường phải mặc abayas, đội khăn burqua và phải đeo chàng mạng cũng như phải có đàn ông là chồng hoặc người thân đi kèm. Tiếp theo, các trường mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học không nhận học sinh nữ. Trước sự phản kháng yếu ớt của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là của Liên hợp quốc, Taliban dấn thêm một bước nữa bằng việc cấm nữ giới theo học trung học và đại học. Nó cực đoan đến nỗi ông Steiner, người đứng đầu Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Afghanistan đã phải thốt lên: “Công bằng mà nói, hiện tại chúng ta đang ở một nơi mà toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc phải thụt lùi một bước để đánh giá lại uy tín, khả năng hoạt động của mình”.
Sau những lệnh cấm nêu trên, ngày 12/4/2022, Taliban tuyên bố tất cả mọi phụ nữ Afghanistan đều không còn được phép làm việc cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế, kể cả Liên hợp quốc, đồng thời cấm họ không được vào công viên, nhà tắm, phòng tập thể dục công cộng. Theo số liệu của UNDP, có 3.300 người Afghanistan làm việc cho Liên hợp quốc, bao gồm 2.700 nam và 600 nữ đã phải ở nhà và khoảng 1.200 phụ nữ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ cũng chung số phận. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã cố gắng đàm phán với Taliban về việc cấm phụ nữ làm việc, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, nơi cần có nhân viên nữ để tiếp cận bệnh nhân nữ giới Afghanistan nhưng tất cả đều thất bại. Mohammad Sadiq Akif, người phát ngôn Bộ Tuyên truyền đạo đức và phòng chống tệ nạn Taliban tuyên bố: “Chúng tôi tôn trọng quyền phụ nữ Afghanistan nhưng phải phù hợp với luật Hồi giáo Sharia”. Khi được kênh truyền hình CBS hỏi lý do vì sao lại ban hành lệnh cấm này thì Mohammad Sadiq Akif trả lời: “Đó là lệnh miệng đến từ lãnh đạo tối cao”.
Tương lai bất định
Trong suốt 2 năm tính từ cuối tháng 4/2021, thời điểm mà Taliban kiểm soát Afghanistan, thẩm mỹ viện là một trong số ít nguồn thu nhập còn lại của phụ nữ ở quốc gia này để nuôi sống bản thân, gia đình. Jamila, nhà tạo mẫu tóc và trang điểm được đào tạo chuyên nghiệp ở Saudi Arabia, hiện có tiệm làm tóc ở tỉnh Herat phía tây Afghanistan nói: “Herat có hơn 25.000 phụ nữ làm nghề như tôi nhưng bây giờ tất cả đều thất nghiệp. Gội đầu, duỗi, uốn tóc, nhuộm tóc thì có tội gì mà họ cấm?”. Mena, người sở hữu ba thẩm mỹ viện và 50 nhân viên, tất cả đều là nữ giới ở Kabul nói với kênh truyền hình CBS rằng bà cảm thấy hoang mang, buồn bã vì một tương lai bất định: “Tôi dành nửa đời mình để xây dựng và nuôi dưỡng sự nghiệp. Làm việc tại thẩm mỹ viện vẫn là lựa chọn ưa thích của phụ nữ Afghanistan và là hy vọng duy nhất của họ để kiếm kế sinh nhai. Mỗi nhân viên của tôi đều giữ vai trò chủ lực trong gia đình nhưng kể từ khi thông báo ban hành, mỗi lần gặp tôi họ đều khóc”.
Với Khalida, 24 tuổi, cũng là chủ một tiệm làm móng ở thành phố Kandahar thì theo cô: “Tôi không thể nào quên được chỉ 1 ngày sau khi Taliban thông báo sẽ đóng cửa các thẩm mỹ viện. Ngay từ sáng sớm, người của Bộ Đạo đức đã đến từng thẩm mỹ viện rồi dùng sơn đen, xóa hết những áp phích quảng cáo. Mặt tiền cửa tiệm của tôi giờ rất nham nhở nhưng điều đáng nói là lô hàng mỹ phẩm nhập từ Pakistan sẽ không còn có thể đến nữa. Bộ Đạo đức sẽ tịch thu nó ngay khi nó vừa ra khỏi máy bay…”. Sahar, 19 tuổi, cư dân Kabul cứ vài tuần lại đến một tiệm làm tóc và làm móng thì bây giờ cho biết: “Con đường cuối cùng để giao tiếp với xã hội bên ngoài đã bị cắt đứt”.
Vẫn theo Sahar, vì phụ nữ không còn được phép vào công viên và nhà tắm công cộng nên thẩm mỹ viện là nơi duy nhất còn lại để gặp gỡ bạn bè: “Hiện tại chúng tôi không biết làm thế nào để nhìn thấy mặt nhau, làm thế nào để nói chuyện với nhau. Điều này sẽ có tác động rất lớn đối với chúng tôi và hầu hết nữ giới trên khắp đất nước”.
Ba ngày sau khi thông báo của Taliban về việc cấm các thẩm mỹ viện hoạt động, trên trang web của Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan đã xuất hiện lời nhắc nhở các nhà lãnh đạo Taliban: “Những hạn chế mới đối với quyền phụ nữ sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước và mâu thuẫn với việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Đáp lại, thủ lĩnh tối cao của Taliban là Haibatullah Akhundzada tuyên bố: “Afghanistan tự hào về việc thiết lập một hệ thống Hồi giáo thuần túy. Các cuộc biểu tình vì nhân quyền được tổ chức ở nước ngoài chỉ nhằm mục đích can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Afghanistan”. Torek Farhadi, nhà phân tích địa chính trị khu vực Trung Đông nói với kênh truyền hình CBS: “Trong khi ở phần còn lại của thế giới Hồi giáo, việc phụ nữ đến thẩm mỹ viện là việc rất bình thường thì ở Afghanistan, họ lại cấm. Vì họ có súng nên họ tin rằng họ có quyền áp đặt mọi mệnh lệnh lên người dân Afghanistan”.
Với ông Richard Bennet, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền ở Afghanistan, trong một bản tường trình trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc sau khi Taliban ban hành lệnh đóng cửa các thẩm mỹ viện đã nói rằng: “Sự phân biệt đối xử nghiêm trọng, có hệ thống và được thể chế hóa đối với phụ nữ, trẻ em gái là trung tâm của hệ tư tưởng và quy tắc của Taliban. Suốt 24 tháng qua, mọi khía cạnh trong cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái đều bị hạn chế. Họ bị cách ly khỏi xã hội về mọi mặt nhưng chúng ta đã chẳng thể làm gì. Việc cắt đứt hoặc giảm bớt viện trợ nhân đạo chỉ khiến đất nước này - trong đó có phụ nữ, rơi vào bi kịch…”.
Cuối cùng là những người thấp cổ bé họng, nhìn vào tương lai phía trước bằng con mắt u buồn. Helma, 40 tuổi, làm việc tại một thẩm mỹ viện ở Kabul đã 15 năm cho biết chồng bà là thợ bảo trì lưới điện, thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát do Taliban thực hiện dưới thời Chính phủ Kabul: “Trước khi Taliban chiếm Afghanistan, hàng tháng tôi vẫn nhận được tiền trợ cấp nhưng sau đó thì không. Nguồn sống duy nhất của tôi để nuôi 4 đứa con là thẩm mỹ viện. Trung bình hàng tháng tôi kiếm được khoảng 300 USD, chưa kể tiền “boa” của khách. Và mặc dù hơn 2 tuần nữa lệnh cấm mới có hiệu lực nhưng hiện tại, số người đến thẩm mỹ viện nơi tôi làm chỉ còn 1/5…”.
Cũng cùng tâm trạng như Helma, bà Alisa, nhân viên tạp dịch tại một tiệm làm tóc ở Khandahar than thở: “Vì không có nghề nên lương tôi rất thấp nhưng dẫu sao, hàng tháng vẫn có đồng ra đồng vào. Bây giờ tất cả đã chấm dứt vì dù chưa chính thức cấm, nhưng người của Bộ Đạo đức đã thường xuyên xuất hiện trước cửa tiệm nên chẳng còn ai dám vào”. Jali, chủ tiệm tóc nơi bà Alisa làm tạp dịch nói như khóc: “Cửa tiệm của tôi có 20 ghế, bây giờ biết bán lại cho ai, chưa kể nhiều loại vật tư như dụng cụ cắt, uốn, duỗi, sấy, cùng thuốc nhuộm, dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc… Tôi đã bỏ ra hàng chục nghìn USD vào đó để rồi tất cả chỉ còn là con số 0!”.
Về phía Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đã đưa ra một cảnh báo, rằng lệnh cấm các thẩm mỹ viện hoạt động sẽ dẫn đến viện trợ nhân đạo cho Afghanistan sẽ ngày càng ít hơn: “Chúng tôi nhắc nhở các nhà chức trách Afghanistan rằng trên thực tế, các tổ chức của Liên hợp quốc sẽ không thể vận hành và hỗ trợ mưu sinh cho người dân chừng nào mà quyền được sống, được làm việc của phụ nữ Afghanistan không được tôn trọng…”.
Vẫn chưa có một dấu hiệu nào chứng tỏ Taliban sẽ nhượng bộ nhưng trước mắt, chỉ riêng ở Kabul, 90% các thẩm mỹ viện đang tìm mọi cách để thanh lý đồ nghề với hy vọng lấy lại được chút gì từ những cái sắp sụp đổ…