Ấn Độ muốn trở thành “công xưởng thế giới”
Ấn Độ, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang đứng trước cơ hội lịch sử để tái định hình vai trò của mình trên bản đồ sản xuất toàn cầu. Với những nỗ lực mạnh mẽ trong việc xây dựng và mở rộng các bến cảng, quốc gia này có những nỗ lực mạnh mẽ với hy vọng trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu mới, thay thế các “cường quốc” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhận thức được cơ hội nổi lên như điểm đến thay thế cho trung tâm sản xuất và vận tải toàn cầu, Ấn Độ đã đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng cảng để tăng cường khả năng tiếp nhận hàng hóa và cải thiện hiệu quả vận chuyển. Nhiều dự án và chiến lược hoạt động phản ánh rõ nét không chỉ là nỗ lực lớn nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc tại các cảng hiện tại mà còn phản ánh tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi nhằm đưa Ấn Độ thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế này trên thị trường quốc tế.
Một trong những dự án quan trọng nhất là cảng Vadhvan, với công suất dự kiến lên đến 23 triệu container (TEU) mỗi năm, đưa tổ hợp này vào top 10 cảng lớn nhất thế giới. Với chi phí đầu tư xây dựng khoảng 9 tỷ USD, được chia thành hai giai đoạn, cảng Vadhavan sẽ được xây dựng trên bờ biển phía Tây của Ấn Độ, cách Mumbai khoảng 150 km, và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Độ sâu tự nhiên 20 m của Vadhvan cho phép cảng này đón tiếp tàu container cỡ lớn, điều lâu nay vẫn nằm ngoài tầm với của Ấn Độ do hạ tầng hạn chế của các cảng biển hiện tại. Giới chức Ấn Độ cũng cho rằng sự hiện diện của Vadhvan sẽ giúp giảm chi phí kho vận và vận tải cho các hãng vận tải Ấn Độ tới 100-200 USD/container. Cảng sẽ bao gồm các bến cảng để tiếp nhận các tàu lớn và các bến cảng xăng dầu, ôtô và các mặt hàng nhập khẩu khác.
Nhiều người kỳ vọng khi đi vào hoạt động cảng Vadhvan sẽ tạo ra 1,2 triệu việc làm và giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa đường dài. Mục tiêu của dự án khi được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9/2023 là xây dựng một hành lang hậu cần liền mạch nối Ấn Độ với Nam Âu thông qua các cảng, đường sắt và đường bộ ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia Jordan và Israel. Với hạ tầng, giá trị lợi ích mang lại và nhất là vị trí địa lý quan trọng, giới chuyên gia đánh giá dự án được đánh giá là một phần không thể thiếu của Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC).
Ấn Độ đã ký thỏa thuận thương mại tự do với UAE và đang đàm phán một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh New Delhi đặt mục tiêu đưa xuất khẩu hàng năm lên mức 1.000 tỉ USD vào năm 2030, những dự án cảng biển quy mô và IMEC với tiềm năng tích hợp chuỗi cung ứng để thúc đẩy sản xuất, xây dựng hệ thống cáp dữ liệu dưới biển và đường ống hydro như giải pháp hiệu quả của sử dụng nhiên liệu bền vững đặc biệt phù hợp với xu hướng đa dạng hóa kinh tế của các quốc gia Vùng Vịnh. Sự thiếu vắng các cảng nước sâu và công suất lớn lâu nay vẫn là rào cản kìm chân Ấn Độ trước các mục tiêu thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ này. Đặt trong bối cảnh ấy càng dễ hiểu những kỳ vọng đặt ra cho dự án Vadhvan.
Trước đó, từ năm 2022, cảng Jawaharlal Nehru ở Mumbai đã mở rộng công suất lên 6 triệu TEU, và các kế hoạch khác tiếp tục được triển khai để đáp ứng nhu cầu gia tăng từ các nhà sản xuất và xuất khẩu. Thay đổi này mở rộng này không chỉ giúp giảm thời gian xử lý hàng hóa mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trong việc thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.
Một dự án đáng chú ý khác là cảng Kerala, với vốn đầu tư từ tập đoàn Adani Group, gồm kế hoạch xây dựng một cảng tự động hóa có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới. Dự kiến được hoàn thành vào năm 2025, cơ sở này sẽ nâng cao đáng kể khả năng tiếp nhận và xử lý hàng hóa của Ấn Độ, không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của ngành cảng biển.
Một trong những vấn đề lớn là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại các cảng ở bờ Tây Ấn Độ. Hàng hóa xuất khẩu bị ùn tắc do các tàu container lớn bị chuyển hướng để tránh kênh đào Suez vì lý do an ninh và chọn đi vòng quanh châu Phi, khiến quãng đường dài hơn và các công ty vận tải cần thêm tàu để duy trì lịch trình hàng tuần. Một số tàu thông thường do đó chọn cập cảng Ấn Độ. Ùn tắc và năng lực không đủ đáp ứng làm giảm khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trong thị trường toàn cầu và đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
Thực tế, việc mở rộng và xây dựng các cảng mới là một quá trình tốn kém và phức tạp. Các doanh nghiệp kêu gọi cần có những hành động quyết liệt hơn để đảm bảo rằng các cảng hiện có được mở rộng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Nhìn vào những nỗ lực và định hướng của chính phủ Ấn Độ, với hàng loạt cam kết tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy chi tiêu cho các dự án xây dựng cảng và đường sắt là thực tế cho thấy các kỳ vọng vẫn hoàn toàn có cơ sở. Việc hoàn thiện hành lang đường sắt chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa giữa Mumbai và New Delhi cũng là một trong những biện pháp mang tính xúc tác hiệu quả để giúp cải thiện khả năng kết nối và giảm thời gian vận chuyển. Nếu có thể vượt qua các thách thức hiện tại và hoàn thiện các dự án mở rộng một cách kịp thời, Ấn Độ có thể nổi lên như một lựa chọn khả thi thay thế cho chuỗi sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc. Việc gia tăng số lượng nhà máy và cơ sở sản xuất quốc tế tại Ấn Độ sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới, giúp cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người dân.
Nói một cách ngắn gọn, Ấn Độ đang đứng trước cơ hội lớn để tái định vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu thông qua các nỗ lực xây dựng và mở rộng hạ tầng vận tải, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế. Dù thách thức là khó tránh, con đường phía trước vẫn nhiều hứa hẹn cho mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu và tạo ra những cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế của quốc gia Nam Á này.