An ninh lương thực trong một thế giới phụ thuộc năng lượng

Thứ Hai, 16/12/2024, 14:45

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kép về an ninh lương thực và năng lượng đang thách thức các ưu tiên toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng tái cấu trúc ngành nông nghiệp trong năm 2025.

Trong báo cáo mới nhất về phát triển và khí hậu, Ngân hàng Thế giới cảnh báo: “Giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và thiếu năng lượng là trọng tâm để đạt được sự ổn định toàn cầu, nhưng giải quyết những vấn đề này một cách riêng rẽ là không đủ”. Các cuộc khủng hoảng đan xen về an ninh lương thực và an ninh năng lượng đang định hình quỹ đạo thế kỷ XXI, phủ bóng đen lên sự ổn định toàn cầu. Cả hai hệ thống đều đang bị bao vây - sản xuất lương thực gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số và bất bình đẳng, trong khi hệ thống năng lượng phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị, cơ sở hạ tầng lạc hậu và quá trình chuyển đổi chậm chạp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.

Tuy nhiên, sự liên quan và phụ thuộc lẫn nhau của hai vấn đề này đặt ra thách thức thậm chí còn lớn hơn: nông nghiệp -“huyết mạch” duy trì sự sống của nhân loại- vừa là ngành tiêu thụ năng lượng đáng kể vừa là tác nhân gây biến đổi khí hậu.

Phụ thuộc vào năng lượng thải nhiều carbon

Nông nghiệp tiêu thụ gần 70% nguồn tài nguyên nước ngọt toàn cầu và chịu trách nhiệm cho hơn 20% lượng khí thải nhà kính. Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (để cơ giới hóa, tưới tiêu, sản xuất phân bón và vận tải) đã tạo ra một vòng luẩn quẩn của suy thoái môi trường. Sự phụ thuộc này cũng khiến hệ thống lương thực phải chịu những cú sốc về giá năng lượng, đe dọa sự ổn định toàn cầu. Nhiệt độ tăng cao và thời tiết cực đoan càng làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp, khiến cuộc sống của 2,5 tỷ người trên Trái Đất gặp nguy hiểm. Từ năm 2020 đến 2023, gần 11,8% dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 956 triệu vào năm 2028.

1.jpg -0
Nông dân Ấn Độ đang phải chịu gánh nặng ngày càng lớn do nhu cầu cạnh tranh đô thị hóa, thu hẹp đất canh tác và tàn phá môi trường.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt 500 tỷ USD trong năm 2022, nhưng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vẫn cao do sức ép kinh tế và địa chính trị ngắn hạn. Việc tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng thải nhiều carbon càng làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương của các hệ thống lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở những nơi mà khả năng tiếp cận nguồn năng lượng đáng tin cậy bị hạn chế. Tình trạng thiếu hụt năng lượng cho thấy sự bất bình đẳng toàn cầu nghiêm trọng.

Các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm một phần nhỏ nhu cầu năng lượng nhưng lại chịu ảnh hưởng không cân xứng do gián đoạn nguồn cung. Các hiện tượng thời tiết cực đoan thường gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng ở những khu vực mà lưới điện vốn đã không đáng tin cậy. Ở vùng nông thôn, thiếu hụt năng lượng cản trở năng suất nông nghiệp, đẩy giá lương thực tăng cao và khiến tình trạng nghèo đói thêm trầm trọng.

Sự phụ thuộc của nông nghiệp vào nhiên liệu hóa thạch càng làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của ngành này. Khí đốt tự nhiên, vốn cần thiết đối với sản xuất phân bón, vừa là nguyên liệu đầu vào vừa là nguồn năng lượng, với 80% số đó được sử dụng để tổng hợp amoniac và 20% để cung cấp năng lượng cho quá trình này. Biến động giá khí đốt tự nhiên tác động trực tiếp đến chi phí phân bón và giá lương thực toàn cầu. Các động thái địa chính trị, chẳng hạn như lệnh cấm xuất khẩu phân lân của Trung Quốc năm 2021, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp. Sự chậm trễ trong khâu cung ứng đã gây cản trở nghiêm trọng cho hoạt động thu hoạch mùa vụ của Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu 60% lượng phân bón DAP, khiến nước này dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài.

Năng lượng tái tạo mang đến một tia hy vọng nhưng việc triển khai vẫn chưa đồng đều. Tính đến năm 2022, các quốc gia có thu nhập cao đã lắp đặt 83% công suất năng lượng tái tạo mới, khiến các quốc gia có thu nhập thấp phụ thuộc vào các hệ thống lạc hậu, thải ra nhiều khí carbon. Các giải pháp tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối có thể chuyển đổi ngành nông nghiệp, nhưng chi phí cao và cơ sở hạ tầng không đầy đủ đã hạn chế phạm vi tiếp cận của chúng. Quá trình chuyển đổi có nguy cơ bỏ rơi những người cần nó nhất.

Những yêu cầu đối với nông nghiệp

Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang chịu gánh nặng lớn do nhu cầu cạnh tranh. Ngoài việc cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng, ngành nông nghiệp còn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu bằng cách sản xuất nhiên liệu sinh học. Vai trò kép này thường đặt an ninh lương thực lên trước nhu cầu về năng lượng, vì sản xuất nhiên liệu sinh học đòi hỏi nguồn tài nguyên đất và nước khổng lồ. Trong một thế giới mà gần 12% dân số phải đối mặt với nạn đói, liệu ưu tiên năng lượng hơn lương thực có hợp lý về mặt đạo đức? Chi phí tài chính để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực-năng lượng là rất lớn nhưng không phải là bất khả thi. Báo cáo về triển vọng an ninh lương thực thế giới ước tính cần 90 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu calo cơ bản cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, đối với các quốc gia thu nhập thấp, những chi phí này là rất lớn, trong đó chi phí giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trong một số trường hợp vượt quá 95% GDP.

Mặc dù đã đầu tư kỷ lục vào năng lượng tái tạo, khai thác nhiên liệu hóa thạch vẫn không suy giảm. Mỗi sự chậm trễ đều làm gia tăng chi phí về con người, môi trường và kinh tế, làm giảm cơ hội cho tương lai phát triển bền vững. Các giải pháp năng lượng sạch phải giải quyết các rào cản về cấu trúc, đảm bảo các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau.

Chi Anh
.
.