An ninh lương thực vì một thế giới không đói nghèo

Thứ Năm, 21/10/2021, 12:01

Liệu thế giới có thể đạt được mục tiêu "không đói nghèo"? Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực của Liên Hiệp Quốc trong tháng 9 vừa qua đã thảo luận về Mục tiêu phát triển bền vững số 2 của Liên Hiệp Quốc: “Chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng cũng như thúc đẩy nông nghiệp bền vững”.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến này, được tổ chức bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hàng năm ở New York, giải quyết các vấn đề cấp bách và lâu dài về an ninh lương thực với sự tham gia của các tổ chức công-tư, đa phương và phi lợi nhuận đang giải quyết những thách thức này.

Lần gần đây nhất cộng đồng quốc tế tham gia một hội nghị thượng đỉnh tầm cỡ như vậy là Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực Thế giới năm 1996 tại Rome, cam kết “giảm một nửa số người thiếu dinh dưỡng kinh niên trên Trái đất vào năm 2015”.

An ninh lương thực vì một thế giới không đói nghèo -0
Khoảng 811 triệu người phải đối mặt với nạn đói trong năm 2020.

“Hệ thống thực phẩm” là một thuật ngữ chung bao gồm mọi người và quy trình liên quan đến việc trồng trọt, phân phối, chuẩn bị và tiêu thụ thực phẩm: từ nông dân và công nhân siêu thị đến đầu bếp và tài xế xe tải. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng hệ thống lương thực toàn cầu trị giá khoảng 8 nghìn tỷ USD - khoảng một phần mười nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, khoảng 3 tỷ người vẫn không đủ khả năng chi trả hoặc tiếp cận một chế độ ăn uống lành mạnh, và có tới 811 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm ngoái. Trong khi đó, khoảng một phần ba tổng số lương thực được sản xuất trên thế giới bị thất thoát hoặc lãng phí, và đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự thiếu hụt nghiêm trọng trong hệ thống lương thực.

Theo báo cáo “Hòa bình thông qua lương thực: Chấm dứt tình trạng đói kém bất ổn” của Viện Nghiên cứu Ngoại giao (SFS), hiện có bốn lý do cấp bách để chúng ta tăng cường hơn nữa nỗ lực giải quyết nạn đói toàn cầu, cả thông qua các hội nghị cấp Liên Hiệp Quốc và các nỗ lực có mục tiêu cấp địa phương.

Thứ nhất, tất cả các quốc gia đều có người nguy cơ đói nghèo. Hiện có nguy cơ hơn một tỷ người trên toàn thế giới bị suy dinh dưỡng hoặc phải hứng chịu nạn đói - trong khi thế giới lãng phí một phần ba lượng lương thực được sản xuất. Các nhà phân tích từ lâu đã cho rằng việc thiếu tiếp cận với lương thực và tình trạng mất an ninh lương thực là những nguyên nhân dẫn đến bất ổn và xung đột chính trị. Những gián đoạn về chính trị và kinh tế trong đại dịch COVID-19 - bao gồm cả các chính phủ bị rạn nứt và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng, đã khiến gần 120 triệu người có nguy cơ đối mặt với thực phẩm không an toàn và suy dinh dưỡng trên thế giới. Hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm toàn cầu đã không theo kịp với các mối đe dọa đáng kể do dịch bệnh, xung đột và biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ hai, biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu năm 2021 đã đề cập đến mối liên hệ giữa sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ qua, sự gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão, hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng với an ninh lương thực giảm.

Những tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo, ngô, lúa mì và đậu nành - bốn loại cây trồng thiết yếu mà thế giới phụ thuộc vào. Chẳng hạn, bất chấp những nỗ lực của nông dân để thích ứng với những điều kiện thay đổi, sản lượng lúa mì ở Ấn Độ đã giảm 5,2% từ năm 1981 đến năm 2009 - trong khi dân số tăng 66%.

Những trận mưa lớn bất thường trong những năm gần đây đã tạo ra những đàn châu chấu lớn trên khắp Đông Phi và Tây Nam Á, phá hủy mùa màng và làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm. Đồng thời, sản xuất lương thực cũng gây ra gần một phần tư tổng lượng phát thải khí nhà kính do phá rừng, vận chuyển và lưu trữ cũng như khí thải chăn nuôi cùng với các yếu tố khác.

Thứ ba, đại dịch làm trầm trọng thêm các thách thức hiện có của hệ thống lương thực. Sự phá vỡ chuỗi cung ứng và các hạn chế về nguồn cung cấp khiến giá tiêu dùng tăng và giá sản xuất đồng thời giảm, làm trầm trọng thêm an ninh lương thực cho người nghèo ở thành thị và nông thôn. Lệnh giới nghiêm của đại dịch ở nhiều quốc gia châu Phi đã vô tình dẫn đến thất thoát lương thực, vì những người lái xe thường vận chuyển nông sản tươi sống vào ban đêm có nhiệt độ mát hơn không thể làm như vậy.

Tuy nhiên, đại dịch cũng cho thấy rằng các quốc gia có thu nhập cao cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá và thiếu hụt. Vào thời kỳ đầu của đại dịch, người Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa, bao gồm cả các kệ thịt trống vào cuối mùa xuân năm 2020. Theo báo cáo mới nhất của chính phủ Mỹ, giá thịt, gia cầm, cá và trứng tăng 5,9% so với năm ngoái và tăng 15,7% so với mức độ của tháng 8-2019. Nhiều người Mỹ cảm thấy sự gia tăng giá này một cách sâu sắc, và 60 triệu người Mỹ dựa vào hỗ trợ lương thực của liên bang và tư nhân.

Thứ tư, việc thiếu tiếp cận với thực phẩm có thể thúc đẩy xung đột. Nguy cơ thực phẩm có thể là nguyên nhân dẫn đến xung đột có thể sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới. Nghiên cứu cho thấy rằng khi sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên khan hiếm ngày càng tăng, xung đột có nhiều khả năng xảy ra dọc theo các dòng tộc và tôn giáo. Những người đói khát có nhiều khả năng tham gia vào xung đột vũ trang hơn, có thể là do tuyệt vọng hay là một cách để những người thất nghiệp kiếm sống.

Trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu dự kiến sẽ tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới và đại dịch tiếp tục tạo ra những hạn chế ở các quốc gia trên thế giới trong tương lai gần, cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng có thể sẽ tiếp tục. Nhận thức này làm gia tăng nhu cầu cấp bách mới về việc thúc đẩy nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực - bao gồm các hội nghị thượng đỉnh quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực của Liên Hiệp Quốc.

Bích Vân (Tổng hợp)
.
.