Anheuser-Busch: Câu chuyện một đế chế

Thứ Hai, 25/10/2021, 22:10

Cái tên Anheuser-Busch nghe có phần lạ lẫm. Nhưng đối với những người yêu thích uống bia thì những thương hiệu mà nó sở hữu lại khác: Budweiser, Michelob, Rolling Rock, Busch,… Anheuser-Busch là câu chuyện của đỉnh cao quyền lực và sự lụi tàn. Đó là một giấc mơ dài mà cho tới bây giờ nhiều người mới bắt đầu thật sự tỉnh giấc.

Gây dựng

Eberhard Anheuser (1806 -1880) là con trai một gia đình chuyên trồng nho tại nước Đức. Thời trẻ ông di cư sang Mỹ làm nhiều nghề khác nhau trước khi mua lại một nhà máy bia. Con gái của Eberhard lấy Aldophus Busch (1839 -1913) chuyên làm nghề cung cấp thiết bị nấu bia. Khi Eberhard về hưu, ông giao mọi việc kinh doanh cho chàng rể. Không phụ lòng, Aldophus một tay gây dựng cơ đồ để tạo nên đế chế bia lớn nhất nước Mỹ và sau này là lớn nhất thế giới.

Anheuser-Busch: Câu chuyện một đế chế -0
August Busch (trái) cùng luật sư ra tòa để làm chứng về cái chết của người tình.

Quyền lực của Anheuser-Busch còn vượt qua cả bia và những loại đồ uống khác. Họ sở hữu Busch Entertainment Corporation, công ty kinh doanh công viên giải trí lớn thứ  9 trên thế giới. Các đội thể thao chuyên nghiệp “sống” bằng tiền tài trợ của Anheuser-Busch. Và chơi trên sân do Anheuser-Busch xây như đội bóng đá Juventus, đội bóng chày St. Louis Cardinals,… Ngay cả St. Louis, một trong những thành phố giàu có nhất ở Mỹ, cũng “nằm trong túi” của Anheuser-Busch.

“Chìa khoá” cho sự thành công của Anheuser-Busch, như lời của Aldophus Busch, là: “Khắc khổ với bản thân, rộng rãi với người ngoài!” Ba đời nhà Busch cầm quyền tại tập đoàn đều là những cá nhân xuất sắc trong kinh doanh do được đào tạo từ nhỏ. Mặt khác họ sẵn sàng chi những khoản tiền cho từ thiện, văn hóa, chính trị,… đến mức cả các đối thủ cạnh tranh cũng phải lắc đầu, nhưng bao giờ cũng đem lại lợi nhuận lâu dài cho Anheuser-Busch.

Tất nhiên là có những tiếng thì thầm về quyền lực của Anheuser-Busch. Gia đình Busch gây dựng quan hệ với những “tay chơi” lớn nhất trong nền chính trị -  kinh tế Mỹ như dòng họ Pulitzer (chủ của nhiều tập đoàn truyền thông quốc tế); dòng họ Bush/Walker (hai đời tổng thống Mỹ và các chức vụ quan trọng khác), dòng họ Edison...”

Và sụp đổ...

August Busch IV là cháu đời thứ tư của Aldophus Busch. Nhà báo William Knoedelseder viết trong cuốn sách về nhà Busch “Bitter Brew” rằng: “Các nhà hàng, quán bar, vũ trường quanh trường Đại học Arizona coi August Busch như khách quen của mình. Mỗi lần cậu “công tử” nhà Busch xuất hiện là sẽ bỏ tiền mua bia miễn phí cho tất cả các khách trong quán. Khi anh ta rời quầy bar, không lúc nào mà Busch lại không quàng tay một cô gái trẻ đẹp nào đó”.

Một trong những cô gái trẻ đẹp ấy là Michele Frederick, một người mẫu và phục vụ bàn. August Busch cùng Michele rời quán rượu lúc sáng sớm trên chiếc siêu xe của mình. Vì say rượu mà August gây ra tai nạn xe khiến cho Michele tử vong, còn anh thì bỏ chạy mà không báo cho ai hay. Khi cảnh sát tìm thấy August Busch, anh ta vẫn còn ở trong trạng thái mơ muội, một mình cầm khẩu súng săn ngồi trong căn hộ.

Báo chí lẫn các nhà chức trách địa phương tin rằng August Busch sẽ bị buộc tội gây tai nạn vì sử dụng đồ uống có cồn. Vậy nhưng một loạt sự việc đáng nghi liên tiếp xảy ra giúp cho August thoát tội. Trước hết, bệnh viện St. John Mercy, nơi chịu trách nhiệm xét nghiệm nồng độ cồn trong người August, làm mất mẫu máu và nước tiểu của anh ta. Nhiều thành viên trong đại gia đình Busch từng đóng góp những khoản tiền kếch sù cho Bệnh viện St. John Mercy.

Thứ hai, toà án tuyên bố rằng, vào thời điểm tai nạn xảy ra, xe của August đạt tốc độ 70 km/h, vừa dưới ngưỡng 71 km/h trên đoạn đường nơi sự cố diễn ra. Gia đình của nữ nạn nhân sau đó không hề kháng cáo khi họ hoàn toàn có thể làm vậy (do tốc độ xe quá gần mức cấm). Nhà báo William Knoedelseder sau đó đã khám phá ra một sự trùng hợp khả nghi: Cả vị quan toà ra phán quyết lẫn gia đình Michele đều mua những chiếc xe Porsche mới cứng và lắp bể bơi trong nhà mình sau khi vụ án kết thúc.

Một sự việc không kém phần tai họa khác là việc August Busch và vợ lái máy bay trực thăng đáp xuống giữa một bãi đậu xe tại làng Swansea, bang Illinois. Keith Padgett, một người địa phương chứng kiến sự việc trên kể lại: “Tôi nhìn cảnh máy bay trực thăng đáp xuống mà run cầm cập. Không những trong bãi vẫn còn xe đậu mà có cả mấy cái cột đèn đường nữa. Cánh quạt chỉ cần chạm vào một thứ gì đấy là máy bay sẽ rơi ngay. May mà cái trực thăng cũng hạ cánh an toàn!”.

Tuy rằng cảnh sát tìm thấy trên người August Busch và vợ hàng chục loại thuốc khác nhau, trong đó có cả thuốc kích thích. Nhưng cuối cùng họ lại viết trong báo cáo rằng: trong máu cả hai người đều không có dấu vết ma tuý. Điều này trái hẳn với lời khai của Keith Padgett và những nhân chứng khác cho biết August có những hành động không khác gì con nghiện đang ngáo đá. Hai nhân chứng còn cho biết ông chủ hãng bia còn vẫy súng lục trước mặt cảnh sát, một hành vi hoàn toàn khép vào khung hình sự được.

August Busch có thể không phải chịu trách nhiệm vì tất cả những hành vi nói trên, nhưng chắc chắn chịu trách nhiệm do làm sụp đổ đế chế của ông cha mình. Chỉ sau một năm nhận chức CEO, August Busch đã đẩy công ty đến bờ vực sụp đổ. Cha August, vị cựu chủ tịch tập đoàn, phải dàn xếp để công ty bia InBev (Bỉ) mua lại Anheuser-Busch. Sau 156 năm, nhà Busch không còn nắm quyền điều hành Anheuser-Busch.

Ngày nay August Busch và những người họ hàng gần gũi vẫn đang sống trên số tiền bán Anheuser-Busch. Họ vẫn giàu có - ước tính tổng khối tài sản của tổng gia đình lên tới 17,6 tỷ USD. Nhưng theo lời nhà báo William Knoedelseder: “Tương lai đã cùng tài năng và quyền lực đã rời khỏi dòng họ này. Con cháu họ chắc chắn sẽ tiếp tục giàu có, nhưng tôi nghĩ rằng, sẽ không xuất hiện một nhân vật Busch kiệt xuất nữa để gây dựng nên một đế chế mới!”.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.