B3W và BRI: Hai đường thẳng song song?

Thứ Ba, 07/09/2021, 22:34

Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - G7  gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy, và Nhật Bản công bố sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) như một "cam kết đầu tiên trên thế giới" nhằm đầu tư 40 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Nhiều nước phương Tây vốn cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc thúc đẩy là thiếu minh bạch, một nguyên nhân chính khiến BRI có dấu hiệu chững lại trong những năm qua. Điều này vô hình chung là động lực để G7 và các đối tác tìm cách thúc đẩy thiết lập một cơ chế thay thế.

Nếu được triển khai, B3W có thể đóng vai trò là công cụ đầu tư then chốt của Washington để tác động đến các quốc gia vốn xem Trung Quốc hoặc Nga là các đối tác ngoại giao, thương mại và đầu tư quan trọng.

Tuy nhiên, B3W được cho là đang đối mặt với nhiều thách thức không hề đơn giản. B3W không phải là sáng kiến từ thời Tổng thống Joe Biden, mà bắt nguồn từ chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, với mục tiêu ban đầu là một nỗ lực chiến lược để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.

B3W và BRI: Hai đường thẳng song song? -0
Lãnh đạo G7 khởi động sáng kiến B3W.

Thông qua B3W, Washington có thể giảm các nguồn chi phí dành cho phát triển, đồng thời tăng đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án phát triển toàn cầu. B3W thậm chí còn được ví như một BRI “xanh” với tham vọng tạo ra sự chuyển đổi xã hội trên toàn cầu. Các thành viên thúc đẩy B3W kỳ vọng có thể kết hợp và tận dụng nguồn vốn của khu vực tư nhân để giúp các quốc gia phục hồi sau đại dịch, tái khẳng định các cam kết với đồng minh, khôi phục và cải thiện năng lực nội địa, cũng như xây dựng ác dự án chia sẻ nhiều giá trị chung trên toàn cầu. B3W được trông đợi là có thể thay thế những “tuyên ngôn” trước đây về dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường tân tự do.

B3W chưa được chính thức khởi động, song nhiều người đặt ra vấn đề rằng việc giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng hoặc thu nhập sẽ khó hơn nhiều bởi những nút thắt này đôi khi đòi hỏi cả các chuyển biến quan trọng về chuyển đổi xã hội nhất định.

Một trong những vấn đề quan trọng khác chính là nguồn vốn. Các nhà lãnh đạo G7 xác định nhu cầu cơ sở hạ tầng toàn cầu hiện cần khoảng 40 nghìn tỷ USD và có kế hoạch thông qua B3W để vận dụng các kinh nghiệm song phương và đa phương của mình. B3W kỳ vọng huy động nguồn vốn từ các kênh song phương, đa phương và khu vực tư nhân để thu hút hàng tỷ USD đầu tư. Tuy nhiên, chu kỳ thu hồi vốn dài trong khi lãi suất lại thấp của các dự án cơ sở hạ tầng công cộng có thể sẽ không mấy hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.

B3W và BRI: Hai đường thẳng song song? -0
Mỹ và Trung Quốc không chỉ có đối đầu.

Hơn thế nữa, thực tế là các nền kinh tế G7 vẫn đang cố gắng phục hồi sau cuộc khủng hoảng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc nhiều quốc gia quyết định cắt giảm khoản viện trợ nước ngoài đã phản ánh rõ những khó khăn mà họ phải đối mặt, đồng thời cho thấy những lo ngại tiềm tàng về khả năng các nước huy động đủ vốn để duy trì sáng kiến này. Các dự án về cơ sở hạ tầng yêu cầu lượng vốn lớn đến từ khu vực tư nhân của các nước thành viên. Bản thân các quốc gia này vẫn đang tìm cách thu hút nguồn vốn từ Trung Quốc để củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng trên chính nước mình. Điều này sẽ làm tình hình thêm phức tạp và có thể nảy sinh nhiều vấn đề khi các cuộc thảo luận thực chất bắt đầu diễn ra.

B3W dựa vào nguồn vốn tư nhân vì vậy sẽ phức tạp hơn để huy động so với mô hình đàm phán song phương và tài trợ nhà nước như của BRI. Sự khác biệt trong cách tiếp cận tài trợ là yếu tố làm nổi bật sự khác biệt của 2 sáng kiến này.

BRI góp phần truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc một cách hiệu quả bởi các dự án trong khuôn khổ sáng kiến này dựa vào các khoản vay song phương mang cả tính ưu đãi, hoặc các khoản cho vay của ngân hàng quốc doanh. Cách tiếp cận kiểu quốc doanh này cho phép việc cấp vốn trực tiếp và nhanh chóng, đồng thời tránh được những nguy cơ cạnh tranh hoặc mánh khóe hậu trường khi tìm nguồn vốn tư nhân.

Các dự án BRI có tổng trị giá từ 4-8 nghìn tỷ USD và đi kèm với trái phiếu BRI. Trong khi đó, B3W đề xuất hạ mức thuế doanh nghiệp toàn cầu xuống tối thiểu 15% để hạn chế ảnh hưởng và sự thao túng của các ông lớn như Google và Amazon. Tuy nhiên, điều này có khả năng hạn chế nguồn vốn cho B3W, vô hình chung làm giảm khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn.

Một điểm khác biệt đáng kể giữa B3W và BRI là việc nhiều nước G7 thực tế đang đối mặt với vấn đề bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng và thiếu hụt cơ sở hạ tầng ngay ở trong nước, trong khi tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc ngày càng phát triển và mở rộng. Bất bình đẳng thu nhập của phương Tây có thể là yếu tố cản trở sự ủng hộ của bên ngoài đối với B3W. Hơn thế nữa, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia BRI khiến cho Mỹ càng thêm e ngại, bởi các sáng kiến của Washington chưa thể trở thành những dự án thực tế.

Trung Quốc cũng có những hạn chế trong việc sử dụng vốn tư nhân cho BRI, song quốc gia này có thể bù đắp thách thức này thông qua các nguồn tài trợ khác, như các thỏa thuận tài trợ song phương giữa các ngân hàng Trung Quốc và các nước đang phát triển, với chính các dự án cơ sở hạ tầng được dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Các cơ chế tài trợ trực tiếp, cho phép Bắc Kinh tài trợ cho các dự án “không thể vay vốn từ ngân hàng”, khó có thể được áp dụng tương tự trong B3W, do sự phân tách rõ ràng giữa kinh doanh nhà nước và tư nhân ở các nước phương Tây.

Thái Hân  (Tổng hợp)
.
.