Bà tôi kể chuyện “ông ba mươi”

Thứ Hai, 31/01/2022, 11:45

Cha tôi là họa sĩ. Kỳ lạ là ông chẳng học qua một trường lớp hội họa nào nhưng đồng đội và cả các cấp trên của ông vẫn trân trọng gọi ông với danh nghĩa ấy và giao phụ trách phần việc liên quan đến mỹ thuật.

Cũng có lần, chú tôi thắc mắc hỏi ông điều đó, ông chỉ nói: “Chắc họ thấy giao mảng ấy anh làm được việc nhất, chứ việc khác, chắc gì anh hoàn thành! Và anh tin, phục các vị lãnh đạo tuyệt đối là ở chỗ này! Bằng cấp quan trọng thật, sau này cách mạng thành công, anh nhất định sẽ xin đi học, muốn cống hiến được nhiều, mình phải có cơ bản về chuyên môn chứ...”. Mặc dù ngày ấy còn bé nhưng lời nói của cha cũng khiến tôi hiểu thêm nhiều điều.

Goi_banh_chung_Tet_Anh_Binh_Gian-1642057946039.jpg
Gói bánh chưng Tết. Ảnh: Đặng Giang

Nhưng, câu chuyện tôi muốn kể lại bắt đầu từ những bức vẽ của ông. Những năm xưa, cha tôi có thói quen, cũng là một hứng thú, là cứ mỗi dịp xuân về, cho dù bận rộn thế nào, ông cũng vẽ một bức treo trên tường nhà. Tết năm con gì thì ông vẽ con ấy. Đủ cả gà, lợn, trâu, ngựa, rồng... Có bức vẽ tả chân nhưng phần nhiều là cách điệu, trừu tượng, thậm chí siêu thực, bạn bè khách khứa ai đến cũng khen “có hồn và ý nghĩa” rồi ngỏ lời “năm sau xin anh một bức trưng tết”. Thế là từ đấy, cứ độ xuân đến, chẳng riêng nhà tôi, mà nhiều nhà bạn hữu của cha tôi đều có tranh treo tết, dưới có ký tên tặng bạn. Với cha tôi, có lẽ đó cũng là một niềm vui mỗi dịp đón năm mới.

Nhưng rồi thời gian sau đấy, cha tôi đi công tác liên miên chẳng mấy khi được về nhà, kể cả dịp tết. Và tết ấy, lại đúng tết con hổ, vậy là nhà tôi không có tranh hổ treo. Bức tường trống dường như khiến không khí xuân trầm xuống, kém vui. Bà nội tôi, không biết từ lúc nào, treo lên khoảng trống ấy một bức “tranh lợn”, cũng là của cha tôi vẽ năm nào.

Tôi tò mò hỏi “sao năm nay năm hổ, bà lại treo tranh lợn?”. Bà tôi ậm ừ, rồi đáp: “Nghĩa là cúng ông hổ, cho dù ông ấy không ăn nhưng điều ấy tỏ sự trân trọng... Với nhiều người âm, cúng món gì chỉ là tâm tưởng, ý nguyện của người sống, chứ kẻ đã khuất nào ăn được gì đâu, nữa là ông hổ, vốn không ăn của dân bao giờ!... Còn vì sao ư? Chuyện dài lắm, đến giao thừa, bà sẽ kể nghe sau...”.

Cũng phải nói thêm, thời gian đó, cha tôi thoát ly đi theo đoàn thể, mẹ tôi buôn bán vặt con tép, mớ rau nuôi con qua ngày, nên tôi chủ yếu sống với bà. Và có thể nói, mọi hiểu biết sự vật, cuộc đời và thế giới xung quanh, tôi có được đều nhờ bà dạy bảo. Người già, bất luận học ít học nhiều nhưng những tích lũy năm tháng, dường như luôn là một kho tàng tri thức, kỳ lạ và vô giá!

Đêm giao thừa năm ấy, không có tiếng pháo và bất cứ âm thanh nào, vì phải giữ bí mật phòng giặc, không gian im lặng như tờ. Nằm bên bà nội, chợt nhớ chuyện bức tranh treo tường, tôi thầm thì hỏi: “Cháu nghe nói, con hổ dữ tợn lắm, người ta vẫn gọi là “ông ba mươi”, có thể ăn thịt mọi thú vật khác, mà bà “cúng” tranh lợn, lại nói “ông ấy” không ăn là sao?”.

Bà tôi cười, chậm rãi trở dậy với cái tráp đồng, cuốn miếng trầu vỏ, bỏm bẻm nhai, rồi chậm rãi nói, y như mọi lần bà kể chuyện cổ tích vậy.

"...Con người, có kẻ ác - người hiền, kẻ gian - người ngay, loài vật cũng vậy, cùng một giống, mà có con hung dữ, có con lại hiền lành. Riêng về ông hổ, được mệnh danh là “chúa sơn lâm”, nghĩa là vua của rừng núi, lại không ác như người ta tưởng. “Chúa sơn lâm” không bao giờ hại người, phá người, không nỡ ăn thú vật của người nuôi đâu...

- Vậy tại sao ở các thôn bản, dân phải làm nhà sàn để phòng hổ dữ trên ngàn về phá ạ?

Bà tôi kể chuyện “ông ba mươi” -0
Viết câu đối ngày Tết. Ảnh: Đặng Giang

- Hổ dữ là do quan niệm của người ta truyền đời này đời khác nên dân vùng cao khắp nơi tin vậy mà đề phòng thôi, chứ họa hoằn hổ có qua bản, không bị ai săn đuổi thì “ông ấy” cũng đâu có phá phách. Này nhé, bằng chứng là, dân làng làm nhà sàn để ở nhưng trâu bò gà lợn vẫn nuôi nhốt dưới gầm sàn đó mà có hề hấn gì đâu. Hổ chỉ kiếm ăn trong rừng, chứ không về hại người. Có lẽ ông ấy xứng danh “chúa sơn lâm” là vì thế. Làm vua, làm chúa phải biết bảo vệ dân, cốt nhất mong dân an, dân lành mới đáng được nể trọng...

...Còn vì sao người ta gọi hổ là “ông ba mươi” ư? Truyền thuyết kỳ quặc lắm và tựa như một triết lý, một bài học cuộc đời để lại cho dân gian khắp nơi, mà bà nghĩ rất bổ ích, thấm thía...

- Chuyện như nào, bà kể cháu nghe đi - Tôi giục.

- Truyền thuyết thế này: Ngày xưa trên thiên đình, có kẻ tên Phạm Nhĩ, rất giỏi võ nên hay gây sự đánh lộn. Hắn tự phụ không ai bằng mình nên đến một ngày tính chuyện làm phản hòng tiếm ngôi hoàng đế. Ngọc hoàng giận lắm, nhờ đức Phật thôn tính, bắt nhốt, rồi - theo ý của đức Phật - đày Nhĩ xuống hạ giới làm con hổ, phong là “chúa tể sơn lâm” cai quản núi rừng...

Kể đến đây, bà tôi gật gù như nghiệm ra điều gì:

- Mà nghĩ cũng oái oăm, dẫu chỉ là truyền thuyết, chẳng hiểu vì sao mọi kẻ sách nhiễu, hư hỏng, phản loạn trên thiên đình đều bị hình phạt đày xuống hạ giới sống với con người là sao nhỉ? Cứ cho là Ngọc hoàng và cả đức Phật, luôn bao dung, tha thứ, mở đường hiếu sinh với kẻ phản tặc, cứ cho là như thế nhưng không lẽ thiên đình không nghĩ đến cuộc sống an toàn và trật tự của cõi nhân sinh sao? Từ truyền thuyết này, lại nhớ đến thiên truyện “Tây du ký”, trong toàn bộ cuốn truyện, hầu hết con cái nhà trời mắc tội bị đày xuống trần gian đều trở thành yêu tinh, yêu quái lộng hành hại người cả! Tất nhiên, chỉ là câu chuyện hư cấu nhưng chắc chắn nó đã bị nhiễm xạ, ảnh hưởng bởi những truyền thuyết tương tự như chuyện Phạm Nhĩ hóa hổ này!

- Nhưng, tại sao lại gọi hổ là “ông ba mươi” ạ? - tôi hỏi bà.

- À, cách gọi này xuất phát từ nhiều truyền thuyết lắm, ở ta từ thời Văn Lang, dân gian truyền miệng trên rừng có  cây “chiên đàn” - một loài cây sống hàng ngàn năm, biến thành yêu tinh, được tôn thành Mộc tinh - nghĩa là thần cây cối, cũng gọi là thần hổ. Lưu truyền Mộc tinh biết biến hóa khôn lường, có thể ăn thịt người và động vật khác, nên mọi người coi Mộc tinh là tai họa của núi rừng. Cứ đến 30 tết, dân tình lập ban thờ, làm lễ cúng tiến Mộc tinh, cầu “ngài” không về phá phách, giết súc vật nuôi. Có lẽ vì tục cúng lễ vào 30 tết nên dân gian gọi Mộc tinh - thần hổ là “ông ba mươi”...

...Còn theo tích Phạm Nhĩ kể trên, từ sau khi Nhĩ bị lưu đày kiếp hổ, nhà vua treo lệnh ban thưởng 30 quan tiền cho ai săn được hổ nhưng đồng thời cũng phạt người ấy phải chịu 30 roi. Tích này cho rằng, làm như vậy để thỏa vong hồn Phạm Nhĩ - tức thần hổ - để “chúa sơn lâm” không tác quái gây hại nữa. Và, có lẽ cũng vì sợ “phạm húy”, người dân không dám gọi trực tiếp tên hổ, mà từ con số “30 quan tiền” và “30 roi”, người ta gọi hổ là “ông ba mươi” từ đấy!

Thì ra là như vậy, mọi tên gọi trên đời và quan niệm dân gian đều có lý do của nó. Tên gọi “ông ba mươi” là xuất phát từ truyền thuyết. Mà suy cho cùng, truyền thuyết cũng là fonklore - là tri thức của nhân dân, mà sao con người ta hình dung, tưởng tượng ra lắm điều kỳ quái đến thế? Cứ theo như bà tôi kể về “ông ba mươi” thì con người quả đã gán cho nhiều loài vật nói chung và con hổ nói riêng quá nhiều điều tiếng xấu xa mà dòng giống chúng oan gia phải mang cả cuộc đời!

Với riêng tôi, không chỉ vì đã nghe câu chuyện của bà nội, sau này lớn lên, tôi từng được xem những bộ phim nổi tiếng của thế giới như “Chuyến tàu chở hổ”, “Nữ tài tử dạy hổ”, “Cậu bé rừng xanh”, “Cuộc đời của Pi”... Tôi luôn coi hổ là loài vật thật oai phong, dũng mãnh, sống rất tình cảm và đáng yêu.

Bà nội tôi không còn nữa. Chuyện về “ông ba mươi” của bà, có lẽ chỉ là quan niệm cá nhân, cũng như mọi truyền thuyết, thực hư không biết thế nào. Nhưng, với tuổi thơ tôi, giống như bao lời ru của bà trên võng tre kẽo kẹt, đã thấm vào tâm hồn tôi như một cách nhìn khác về thế giới quan quanh ta. Tôi không tin vào mọi truyền thuyết, cũng chưa hẳn tin những lời bà kể nhưng tôi tin để có được cách nghĩ, cách nhìn sự vật ấy, bà tôi phải có một tâm thức, một vốn sống thực tế và nhân văn chừng nào.

Bất luận thế nào, ai nghĩ sao không biết nhưng với riêng bà, chưa bao giờ bà nghĩ ông hổ - “ông ba mươi” lại ác và dữ cả! Con người ta, nhiều khi cứ nghĩ ác cho người khác thì ngay trong bản thân suy nghĩ của mình, cũng đã chứa đựng điều ác rồi - người xưa chẳng từng dạy thế sao!

Tết con hổ - Nhâm Dần 2022

Lê Tấn Hiển
.
.