Bắc Kinh với cuộc chiến chống rửa tiền

Thứ Hai, 22/07/2024, 14:47

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, hai quốc gia vẫn chưa cắt hết tất cả những mối hợp tác. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Vương Nghị đã ký thỏa thuận về phối hợp chống tội phạm rửa tiền quốc tế.

Các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và Trung Quốc cũng vừa mới kết thúc cuộc đối thoại về chủ đề rửa tiền ở Bắc Kinh vào ngày 20/6. Vấn đề các mạng lưới rửa tiền quốc tế xuất phát từ Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng đến mức buộc các quốc gia vốn đối địch nhau phải gạt lợi ích riêng sang một bên.

Cuộc chiến sống còn

Trong năm 2023, có hơn 105.000 người Mỹ chết vì sốc ma túy, trong đó đa phần là các nạn nhân tử vong sau khi sử dụng fentanyl và các loại ma túy tổng hợp khác có xuất xứ từ Mexico. Mà ở Mexico thì các cartel đang càng ngày dựa vào những mạng lưới rửa tiền do tội phạm Trung Quốc nắm giữ.

Bà Virginia Kent, chuyên gia của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Tội phạm Trung Quốc đang nắm giữ gần như toàn bộ mạng lưới rửa tiền tại Mexico. Trước đây các cartel rửa tiền bằng cách chuyển đồng tiền qua tay những cá nhân gốc Mexico sống tại Mỹ. Cách làm này giới hạn số tiền “đổi trắng thay đen” được, mà càng nhiều người tham gia mạng lưới thì nguy cơ bại lộ càng tăng. Tội phạm Trung Quốc có thể rửa tiền nhiều hơn, nhanh hơn và an toàn hơn”.

Bắc Kinh với cuộc chiến chống rửa tiền -0
Trung Quốc đang rất cần đồng minh trong cuộc chiến chống rửa tiền.

Bắc Kinh đang áp dụng nhiều biện pháp chống rửa tiền khác nhau. Đơn cử như người Trung Quốc mỗi năm không được chuyển ra nước ngoài hơn 50.000 USD. Dự báo các biện pháp này sẽ còn trở nên khắt khe hơn nữa khi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình bước sang giai đoạn mới.

Nói vậy nhưng cảnh sát Trung Quốc hiện còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công cuộc chống rửa tiền. Trên hết là mạng lưới phi tiền (feiqian). Thời xưa người Hoa di cư đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Họ lập ra hệ thống phi tiền để thân nhân, bạn bè có thể chuyển tiền xuyên biên giới với nhau. “Phi tiền” tức là bên muốn chuyển tiền giao tiền cho trung gian thứ nhất, trung gian thứ nhất liên lạc với trung gian thứ hai, rồi trung gian thứ hai giao đúng số tiền đó cho bên nhận tiền.

Tuy Trung Quốc đang là thành viên của các mạng lưới thanh toán quốc tế nhưng dân họ vẫn sử dụng phi tiền vì tốc độ nhanh, không mất phí chuyển khoản quốc tế v.v... Chỉ cần người tại Trung Quốc chuyển tiền cho trung gian thông qua các ứng dụng trò chuyện như WeChat thì chưa đầy một tiếng sau người thân hay bạn bè họ ở nước ngoài đã nhận được tiền. Giữa lúc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, người lao động Trung Quốc làm ăn ở nước ngoài, quy mô mạng lưới phi tiền sẽ chắc chắn tăng theo dòng kiều hối đổ về quốc gia này.

Bắc Kinh với cuộc chiến chống rửa tiền -0
Hai đoàn đại biểu Mỹ - Trung quốc tham gia lễ ra mắt tổ chức hợp tác chống tội phạm ma túy.

Vậy tội phạm Trung Quốc rửa tiền qua mạng lưới “phi tiền” như thế nào? Chúng nhận tiền ma túy từ cartel Mexico, dùng tiền USD để mua nhân dân tệ qua dịch vụ phi tiền, dùng nhân dân tệ để mua hàng hóa xuất khẩu sang Mexico, rồi lấy lợi nhuận xuất khẩu bằng peso trả lại cho cartel. Theo cách này thì đồng tiền không phải gửi ra nước ngoài, tránh được sự chú ý của nhà chức trách. Mặc khác tội phạm Trung Quốc có thể rửa tiền với chi phí gần bằng không, trong khi những đối tượng rửa tiền theo kiểu truyền thống có thể đòi hỏi mức hoa hồng từ 8 đến 12%.

Tội phạm rửa tiền Trung Quốc không chỉ hoạt động ở Mỹ. Còn nhớ cách đây gần 3 năm EUROPOL đã lên tiếng về việc tội phạm Trung Quốc có tổ chức đang dần thế chân những băng đảng mafia tài chính địa phương. Vào tháng 10/2023, cảnh sát Ý đã bắt giữ được 33 đối tượng trong đường dây rửa tiền ma túy, trong đó có 7 đối tượng là công dân Trung Quốc. Số tiền cảnh sát Ý tịch thu được lên đến hơn 50 triệu euro. Đây là khoản tiền mà các băng đảng mafia Albani và Morocco kiếm được từ việc buôn lậu ma túy từ Trung Mỹ sang Tây Âu.

Tòa án Singapore vào trung tuần tháng 6 qua đã kết án 2 trong số 10 đối tượng người Trung Quốc bị bắt vì tội rửa tiền. Chúng là thành viên của một mạng lưới rửa tiền gồm toàn người Phúc Kiến. Hiện vẫn còn 17 trong số 27 đối tượng tham gia đường dây còn đang lẩn trốn ở các quốc gia khác. Số tiền bị nhà chức trách Singapore tịch thu lên đến hơn 120 triệu USD và được chia nhỏ ra rải rác khắp các ngân hàng Singapore, Indonesia và Malaysia. Số tiền này được cho là có nguồn gốc từ khu vực Tam Giác Vàng.

Văn phòng Chống tội phạm và ma túy của Liên hiệp quốc (UNODC) từng tuyên bố rằng Hội Tam Hoàng đang là thế lực lớn nhất cai quản khu vực Tam Giác Vàng. Từ hơn 20 năm trước chúng đã sớm biết lợi dụng tình hình bất ổn và nghèo đói ở khu vực phía bắc Đông Nam Á để gây dựng nên “vương quốc” riêng của mình. Ngày nay những địa bàn giáp ranh biên giới Thái Lan - Lào - Myanmar - Trung Quốc là điểm nóng của tội phạm ma túy, mại dâm và đánh bạc. Khoản lợi nhuận Hội Tam Hoàng thu về hằng tuần có thể vượt ngưỡng 200 triệu USD. Phần lớn số tiền trên được hợp pháp hóa thông qua mạng lưới phi tiền.

Bắc Kinh với cuộc chiến chống rửa tiền -0
Cảnh sát Trung Quốc áp giải một đối tượng tội phạm người Hoa tổ chức đánh bạc và rửa tiền ở Campuchia.

Các lực lượng cảnh sát, hải quan và bộ đội biên phòng của Trung Quốc đóng ở biên giới phía nam đều đã được bổ sung lực lượng và nhận lệnh tăng cường tuần tra, triệt phá các ổ nhóm tội phạm. Điều này vô hình chung khiến tội phạm vùng biên giới ngày càng hoạt động nhiều trên mạng. Những website đánh bạc đang nở rộ mặc cho sự truy bắt gắt gao của lực lượng cảnh sát tin học. Tội phạm rửa tiền (tiếng lóng là chedui) dùng những mạng xã hội như Facebook hay WeChat để tuyển người sẵn sàng dùng tài khoản của họ làm “cây cầu” cho tiền bẩn. Chúng đặc biệt chú ý tuyển mộ du học sinh Trung Quốc vì ít bị nhà chức trách chú ý hơn. Europol cho biết chỉ trong năm 2023 họ đã xác định được gần 500 chedui và 11.000 đối tượng làm trung gian rửa tiền ở 26 quốc gia khác nhau, trong đó đã có hơn 1.000 đối tượng bị bắt.

Đi tìm đồng minh

Vì công cuộc chống tham nhũng, tín dụng đen và đánh bạc xuyên biên giới mà Trung Quốc đang trong quá trình dự thảo sửa đổi luật chống rửa tiền năm 2007. Theo Tân Hoa Xã thì bộ luật mới sẽ tăng thêm quyền lực và trách nhiệm của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính, cơ quan chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trực thuộc Bộ An ninh. Bắc Kinh bắt tay vào việc chỉnh lý luật pháp sau khi tổ chức FATF (liên minh chống rửa tiền đa quốc gia) rà soát và kết luận vào năm 2019 rằng các cơ quan, tổ chức ở Trung Quốc chưa đủ tinh thần trung thực và hợp tác trong chống rửa tiền.

Hiện luật chống rửa tiền của Trung Quốc gồm 7 chương, 62 điều. Bộ luật mới không những dày hơn mà còn thắt chặt những quy định liên quan đến việc quản lý nội bộ, quan hệ với khách hàng và lưu giữ thông tin giao dịch của các tổ chức tài chính. Các tổ chức phi tài chính như quỹ từ thiện cũng bị kiểm soát chặt hơn.

Bắc Kinh với cuộc chiến chống rửa tiền -0
Tang vật được cảnh sát Trung Quốc thu giữ trong một cuộc đột kích vào cơ sở rửa tiền.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa Phan Công Thắng tuyên bố: “Chúng ta đang đứng trước việc tham gia một số định chế tài chính quốc tế mới. Đây là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta thay đổi luật chống rửa tiền nhằm vừa đạt được yêu cầu của các đối tác nước ngoài, vừa loại trừ các phần tử xấu đang làm tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và danh tiếng của Trung Quốc”.

Cảnh sát Trung Quốc mở chiến dịch chống rửa tiền toàn quốc vào năm 2022. Chiến dịch này vẫn đang diễn ra và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025. Tính đến thời điểm này cảnh sát đã bắt và đưa ra tòa hơn 2.300 đối tượng phạm tội rửa tiền. Chuyên án lớn nhất là vụ bắt giữ 74 đối tượng ở 17 tỉnh. Chúng rửa tiền qua 1.000 tài khoản ngân hàng khác nhau tham gia mạng lưới phi tiền, trung bình mỗi ngày hợp pháp hóa được 3 triệu nhân dân tệ. Cảnh sát hiện đang tiếp tục điều tra truy lùng số tiền hơn 16 tỷ nhân dân tệ từng qua tay mạng lưới này.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết tội phạm rửa tiền tại Trung Quốc hợp pháp hóa được trung bình 150 tỷ USD mỗi năm. Mỹ và nhiều chính phủ khác đang gây sức ép lên Bắc Kinh có những biện pháp chống rửa tiền mạnh tay hơn. Báo cáo của công ty tư vấn chính sách Oliver Wyman (Mỹ) chỉ ra rằng: “FATF sẽ tiến hành thanh tra Trung Quốc một lần nữa vào năm 2025. Đợt thanh tra này có ý nghĩa rất quan trọng đối với uy tín của ngành tài chính Trung Quốc. Trong lần thanh tra trước, FATF tập trung vào các vấn đề mang tính kỹ thuật trong quy trình chống rửa tiền. Lần này họ sẽ tập trung đến việc bộ máy tư pháp Trung Quốc liệu đã đưa ra những hình phạt thích đáng, đủ tính răn đe đối với tội phạm rửa tiền hay chưa”.

Bắc Kinh đang gấp rút tìm kiếm đồng minh mới trong cuộc chiến phòng chống tội phạm rửa tiền. Kể từ đầu năm đến nay cảnh sát và ngành tư pháp Trung Quốc đã nhiều lần hợp tác với những đồng nghiệp nước ngoài để triệt phá các mạng lưới rửa tiền. Đáng kể nhất là vụ tòa án thành phố Luân Đôn (Anh) tuyên án Ôn Giản 6 năm 8 tháng tù vì tội rửa tiền qua Bitcoin. Ôn Giản và một đối tượng khác tên là Trương Á trong 6 năm sống ở Hampstead, Luân Đôn đã chuyển đổi thành công hơn 3 tỷ bảng Anh sang 61.000 Bitcoin. Trương Á cũng đang bị cảnh sát Trung Quốc truy nã vì tội lừa đảo tài chính với tổng mức thiệt hại lên đến 5 tỷ bảng Anh.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen tuyên bố trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu năm nay rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể đứng một mình trong cuộc chiến chống rửa tiền. Chuyến thăm của bà Yellen nhằm “mở đường” cho hai nước tiến đến việc tổ chức diễn đàn chống rửa tiền song phương hằng năm. Dự báo diễn đàn này sẽ được chính thức công bố vào cuối năm nay, và buổi họp đầu tiên có thể diễn ra sớm nhất là trong năm 2025. Đây là bước đi quan trọng để hai “đầu tầu kinh tế” thế giới xây dựng lòng tin với nhau để đồng lòng giải quyết vấn đề tội phạm rửa tiền hiện đang vô cùng cấp bách.

Lê Công Vũ
.
.