Bài toán kinh tế vượt đại dịch của tân Thủ tướng Nhật Bản
Nhật Bản hiện là quốc gia có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất nhì Đông Á, trong khi nền kinh tế suy thoái ngày càng nghiêm trọng, phục hồi ngày càng yếu. Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida đang phải đối mặt với “bài toán” vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi kinh tế - thách thức đã khiến chính quyền của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gặp nhiều chật vật.
Ngay khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, ông Fumio Kishida đã tuyên bố lấy chính sách kinh tế làm cam kết tranh cử chủ yếu. Trong các bài phát biểu, ông Kishida luôn quan tâm đến các vấn đề kinh tế và coi trọng các chính sách kinh tế.
Tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã đưa ra chủ trương về chính sách kinh tế tuần hoàn giữa tăng trưởng và phân phối thu nhập. Ý tưởng của ông Kishida là thúc đẩy thu nhập cho tầng lớp trung lưu, từ đó kích thích tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Câu hỏi đặt ra là chính sách kinh tế của ông có gì khác so với chính sách của những người tiền nhiệm và làm thế nào để hiện thực hóa các chính sách này?
Nền kinh tế nhiều vấn đề
Vào đầu thế kỷ 21, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã thực hiện “cải cách Koizumi” và giới thiệu “chủ nghĩa tự do mới” bắt nguồn từ Mỹ và thịnh hành trên thế giới tại Nhật Bản. Tuy nhiên, “chủ nghĩa tự do mới” lại làm cho khoảng cách giàu nghèo ở Nhật Bản ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu, và “bóp nghẹt” nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây được coi là bối cảnh chính của tình trạng suy thoái kinh tế lâu dài của Nhật Bản.
Sau khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền lần thứ hai vào năm 2012, ông đã đưa ra học thuyết kinh tế Abenomics - một tập hợp các chính sách nhằm chấn hưng kinh tế Nhật Bản. Cốt lõi của Abenomics là “ba mũi tên” gồm chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa linh hoạt và cải cách cơ cấu để kích thích tăng trưởng kinh tế. Sau khi ra mắt, các biện pháp đã giúp cải thiện nhiều vấn đề tồn đọng trong nền kinh tế Nhật Bản như hệ thống tài chính được cải thiện nhất định, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp kỷ lục trong lịch sử.
Tuy nhiên, Abenomics ngày càng cho thấy các biện pháp không đủ mạnh, hiệu quả ngày càng giảm sút. Abenomics đã nhấn mạnh đến cải cách cơ cấu, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, song sự phát triển của thị trường chứng khoán và tình trạng giá tài sản tăng vọt lại ngày càng dẫn đến sự khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn, điều này trở thành nguyên nhân cơ bản gây ra suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và sự phục hồi kinh tế chậm chạp.
Trong năm tài khóa 2020, kết thúc vào cuối tháng 3-2021, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 4,6% so với năm tài khóa trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu về GDP từ năm tài khóa 1955 và là năm thứ hai liên tiếp Nhật Bản rơi vào suy thoái. Các công ty công nghệ lớn của Nhật Bản ngày càng “lép vế” so với những cái tên mới nổi. Theo bảng xếp hạng Fortune Global 500 (Mỹ), chỉ còn Hitachi trong top 10 toàn cầu nhưng có doanh thu và lợi nhuận không đáng kể.
Ngoài những vấn đề tồn tại kéo dài trong nền kinh tế, những ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 đang khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kép, với tiêu dùng cá nhân suy giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Bài toán nan giải thời đại dịch
Ngay khi lên nắm quyền, cựu Thủ tướng Suga đã phải đối mặt với ba nhiệm vụ gian nan mà cựu Thủ tướng Abe để lại, đó là ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế.
Trên thực tế, nội các của ông Suga đã đưa ra một số biện pháp kinh tế thiết thực, trong đó có đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Ông Suga kêu gọi Quốc hội thông qua Luật cải cách kỹ thuật số và thành lập Văn phòng kỹ thuật số trực thuộc nội các để điều phối và nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính và hiệu quả quản lý xã hội. Đồng thời, nội các của ông Suga còn có ý thông qua các biện pháp giảm chi phí sử dụng điện thoại để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ cũng tăng cường các biện pháp đối phó với tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số, ban hành các chính sách như thúc đẩy việc tái tổ chức các ngân hàng địa phương, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tối ưu hóa việc bố trí các cơ sở sản xuất.
Đây đều là những giải pháp nhắm vào các vấn đề tồn đọng và nhức nhối của kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi hiệu quả của những quyết sách này chưa thể đánh giá, những biện pháp ứng phó thiếu hiệu quả đối với đại dịch COVID-19 đã tiếp tục “giáng” các đòn đánh mạnh vào kinh tế nước này.
Có thời điểm chính quyền của ông Suga quá tập trung vào công tác phòng chống dịch, liên tục ban bố tình trạng khẩn cấp, siết chặt hạn chế đi lại của người dân, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Nhưng lại có lúc Nhật Bản đẩy mạnh khôi phục kinh tế quá nhanh, tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, nới lỏng hạn chế đi lại của người dân, thậm chí ban hành các khoản trợ cấp du lịch nội địa, với hy vọng thông qua du lịch để kích thích nền kinh tế, nhưng vì thế mà dịch bệnh ngày càng diễn biến nghiêm trọng.
Kỳ vọng nền kinh tế khởi sắc nhờ Olympic Tokyo 2020, nhưng những trận đấu “không khán giả” gần như không có tác dụng kích thích kinh tế, ngược lại còn khiến cho dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn. Vào hôm khai mạc Olympic 23-7, Thủ đô Tokyo chỉ có 1.566 ca nhiễm COVID-19 mới, nhưng vào hôm bế mạc 8-8, số ca nhiễm mới đã tăng lên 4.066 ca. Hơn nữa số ca mắc mới còn duy trì ở mức trên 4.000 ca trong 5 ngày liên tiếp. Do đó, chính quyền của Thủ tướng Suga đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Hướng đi của nội các mới
Từ những tuyên bố của Thủ tướng Kishida, giới chuyên gia đã bước đầu chỉ ra những xu hướng cơ bản trong chính sách kinh tế của nội các mới.
Nhiều ý kiến cho rằng nội các của ông Kishida sẽ tiếp nối các khuyến nghị chính sách của ông Abe, bao gồm cả việc tiếp tục thực hiện Abenomics. Chính ông Kishida đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách tài khóa linh hoạt để kích thích tăng trưởng kinh tế, dù ông cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Abenomics.
Cùng với việc kế thừa Abenomics, ông Kishida cũng cố gắng xây dựng Học thuyết kinh tế Kishida. Sự đổi mới đáng chú ý nhất là việc ông đưa ra khái niệm “chủ nghĩa tư bản mới”, nhấn mạnh rằng “sẽ thay đổi các chính sách chủ nghĩa tự do mới từ cải cách của Koizumi”.
Cụ thể, ông sẽ coi trọng cải cách phương thức phân phối nghiêng về “lao động” chứ không phải “tiền”; tăng lương, đặc biệt là tăng thu nhập tiền lương của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (tối thiểu tăng cao 3%); tăng trợ cấp sinh con, giáo dục và nhà ở cho các gia đình có thu nhập thấp; thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp; thông qua kích thích nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp có thu nhập thấp, thực hiện “tuần hoàn tốt của tăng trưởng và phân phối”.
Để đạt được mục tiêu này, nội các của ông Kishida dự kiến sẽ thành lập hội nghị đặc biệt về khái niệm “Chủ nghĩa tư bản mới kiểu Nhật Bản”, xây dựng và triển khai “Kế hoạch bội tăng thu nhập của phiên bản Lệnh Hòa”, hy vọng rằng kế hoạch sau này sẽ giống như “Kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân” của những năm 1960, phát huy vai trò kích thích và hỗ trợ quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.
Ông Kishida cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng một hệ thống kinh tế và xã hội “cùng tồn tại với đại dịch COVID-19”, và theo đuổi “không phạm sai lầm” trong cả phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, ông đề xuất tăng cường hệ thống xét nghiệm, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, trong năm nay phải có thuốc điều trị COVID-19, sử dụng linh hoạt giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử. Ngoài ra, chính quyền của ông Kishida có thể sửa đổi các luật liên quan để trao thêm quyền cho chính quyền trung ương và năng lực cung cấp nguồn lực y tế, đồng thời tăng cường trợ cấp kinh tế cho những người gặp khó khăn do dịch bệnh.
Thách thức ngổn ngang
Một trong những bước đi đầu tiên để xây dựng “chủ nghĩa tư bản mới” và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo là việc Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 8-10 chỉ thị cho các bộ trưởng phụ trách kinh tế và tài chính trong nội các soạn thảo gói kích thích kinh tế mà ông đã cam kết thực hiện để giúp nền kinh tế nước này vượt qua khó khăn vì dịch COVID-19.
Trong tháng 11, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu các cuộc thảo luận về gói kích thích kinh tế ước tính hơn 30.000 tỷ yên (265 tỷ USD). Hội đồng do chính Thủ tướng Kishida đứng đầu và những nhà chức trách cấp cao trong chính phủ của ông đã đưa ra các khuyến nghị dùng gói kích thích khổng lồ này để hỗ trợ cho 4 lĩnh vực chủ yếu, bao gồm: đổi mới, khởi nghiệp, xã hội kỹ thuật số và an ninh kinh tế.
Nhưng ngay cả khi nội dung của gói chi tiêu vẫn còn đang được tranh luận trong chính phủ và liên minh cầm quyền, đã có những tiếng nói nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp kích thích. Ủy ban Kiểm toán của Nhật Bản cho biết 22.000 tỷ yên, tương đương hơn 30% của khoảng 65.000 tỷ yên được dùng để làm ngân sách thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch vẫn chưa được chi tiêu.
Nhà kinh tế Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura nhận định: “Thay vì cố gắng tạo ra một gói hỗ trợ trị giá hàng chục nghìn tỷ yên, chính phủ cần tập trung vào việc đảm bảo rằng sự hỗ trợ cần thiết đến được với những người cần nó”. Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng trong thời kỳ COVID-19, bắt đầu xuất hiện xu hướng điều chỉnh lại sự tập trung quá mức ở khu vực thủ đô Tokyo. Nếu thực hiện được chiến lược tăng trưởng phát huy được hiệu quả nguồn tài nguyên ở địa phương, sức mạnh kinh tế Nhật Bản sẽ được nâng cao.
Một số chuyên gia khác chỉ ra rằng các chính sách trong thời điểm COVID-19 diễn ra không quan trọng ở quy mô. Theo ông Ryutaro Kono thuộc Trung tâm chứng khoán BNP Paribas Japan, ông Kishida đã nêu ra các chính sách kinh tế bổ sung có quy mô hàng nghìn tỷ yen để đối phó với dịch Covid-19, nhưng có một thực tế là đôi khi có ngân sách nhưng gặp vấn đề về năng lực triển khai, đơn cử như hệ thống y tế bị quá tải trong đại dịch. Nếu chỉ là chi trả tiền, ông Kishida sẽ đi theo lối mòn của chính quyền Thủ tướng Suga.
Trong bối cảnh việc kiểm soát dịch COVID-19 vẫn chưa chắc chắn, nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách kinh tế sẽ vẫn phụ thuộc vào các khoản vay, đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ phát hành thêm nợ mới. Nếu cứ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ phát hành trái phiếu chính phủ, sự bất bình đẳng có thể gia tăng ở thế hệ tương lai khi họ phải “gánh” các khoản nợ của thế hệ trước. Ngoài ra, nếu các khoản nợ tài chính của thế hệ tương lai tăng lên, kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn cũng giảm xuống khi nhu cầu sụt giảm và điều này sẽ cản trở kế hoạch đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng, tăng lương của các doanh nghiệp.