Bài toán tài chính: Cơ hội bứt phá cho Bóng chuyền

Thứ Tư, 02/10/2024, 15:28

Bóng chuyền Việt Nam tiếp đà thăng hoa trên đấu trường quốc tế. Đây là cơ hội tốt để bộ môn này bứt phá về mọi mặt, đặc biệt về mảng tài chính. Sau cùng, bất cứ môn thể thao nào muốn phổ biến và thành công hơn đều cần những nguồn đầu tư lớn từ xã hội.

Tiếng vọng từ quá khứ

Bóng chuyền là một trong những môn thể thao được yêu thích nhất tại Việt Nam, có lẽ chỉ sau bóng đá. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng và thành công của các đội tuyển, đặc biệt là bóng chuyền nữ vẫn còn hạn chế trong những năm qua. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, bóng chuyền nữ Việt Nam không thể vượt qua Thái Lan suốt 3 thập kỷ đã qua.

anh 1.jpg -0
Bóng chuyền nữ Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công.

Chính vì vậy, việc các CLB, các đội tuyển nữ của Việt Nam liên tục giành danh hiệu và giành vé tham dự các đấu trường lớn ở tầm châu lục, thế giới trong thời gian gần đây tạo ra tiếng vang lớn. Bên cạnh đó, việc giải vô địch quốc gia mở cửa trở lại cho các ngoại binh cũng giúp đời sống bóng chuyền trong nước trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là lúc giới mộ điệu nhìn thấy rõ hơn các khó khăn của bóng chuyền Việt Nam.

Năm ngoái, đội tuyển nữ Việt Nam vừa vui mừng, vừa lo lắng khi giành vé tham dự giải thế giới tại Paris, Pháp. Vui mừng vì lần đầu được dự giải thế giới, nhưng lo lắng vì không có kinh phí di chuyển, ăn ở tại Pháp. Đây không phải câu chuyện riêng của bóng chuyền mà của nhiều bộ môn khác với nguồn ngân sách không quá lớn.

Một số tin đồn thậm chí cho rằng đội tuyển bóng chuyền nữ không đủ tiền dự giải và có thể phải bỏ cuộc. Nỗ lo này có cơ sở vì năm 2019, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) gây xôn xao dư luận khi từ chối cử đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia tham dự giải Vô địch bóng chuyền châu Á 2019, diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 17/8 đến ngày 25/8. Tuy nhiên, đó là thông tin không chính xác. Cũng không có “đại gia” nào chi tiền giải cứu đội bóng vào phút chót. Thay vào đó, Cục Thể dục thể thao và Liên đoàn bóng đá thế giới cùng hỗ trợ kinh phí cho thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt.

Vẫn trong năm 2019, hai đội tuyển bóng chuyền U23 nam và U23 nữ Việt Nam hội quân tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm Nhổn) để chuẩn bị cho giải vô địch U23 châu Á. Thế nhưng, họ trải qua thời gian dài tập luyện trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, từ bóng tiêu chuẩn (bóng theo tiêu chuẩn Liên đoàn bóng chuyền châu Á và thế giới) và trang phục cơ bản như quần áo, giày, tất. Chưa kể việc phải tập luyện trong nhà thi đấu không có quạt gió hay điều hòa.

anh 2.jpg -1
Câu lạc bộ Ninh Bình giành ngôi á quân tại Giải các câu lạc bộ châu Á 2024.

Ở thời điểm đó, hai đội tuyển U23 nam và U23 nữ Việt Nam được tuyển chọn để hướng đến SEA Games 31 trên sân nhà. Họ vốn được đầu tư trọng điểm, nhưng vẫn chịu khó khăn bất khả kháng. Thậm chí, đội ngũ y tế chăm sóc cho hai đội cũng không đầy đủ.

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn thừa nhận: “Trung tâm Nhổn hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu cao nhất về cơ sở vật chất đối với các đội tuyển quốc gia, trong đó có môn bóng chuyền. Trước tình trạng các VĐV tập luyện trong điều kiện thời tiết nắng nóng, oi bức như vừa rồi, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm mua quạt làm lạnh, để giúp các VĐV tập luyện dễ chịu hơn. Còn bóng tiêu chuẩn, với khoảng 14-18 VĐV thì cần tới 40 quả bóng, và hiện giờ số lượng bóng đá đủ. Về đội ngũ y bác sỹ, kể từ khi làm trưởng đoàn đến giờ tôi cũng đã yêu cầu thành lập tiểu ban y tế. Dĩ nhiên chưa thể đủ nhân lực cho các đội tuyển, nhưng phần nào cũng giải quyết được vấn đề chuyên môn kỹ thuật và cả tâm lý cho các VĐV”.

Cơ hội bứt phá

Cuộc họp thường vụ VFV được tổ chức ngày 12/9 vừa qua tại Hà Nội. Các ủy viên tham dự đưa ra nhiều vấn đề quan trọng để sớm giải quyết, đặc biệt là câu chuyện về tài chính. VFV sẽ tìm thêm các nguồn tài trợ hơn nữa, cũng như giải quyết được các nguồn tài trợ đang bị chậm trả theo tiến độ cho Liên đoàn (từ đó khiến quỹ tiền của Liên đoàn bị ảnh hưởng) là vấn đề thực tại.

anh 3.jpg -2
Bóng chuyền là môn thể thao được yêu thích thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bóng đá.

VFV đang có quỹ tài chính ổn định, với con số tỷ đồng, được đảm bảo công khai, minh bạch từ ban tài chính. Do khó khăn chung của nền kinh tế hiện tại, một số nhà tài trợ chưa giải ngân theo đúng kế hoạch. Điều này ảnh hưởng đến sự chủ động trong các nguồn thu, chi của Liên đoàn. Dù vậy, Liên đoàn vẫn đảm bảo ngân quỹ dương qua từng năm, qua đó luôn chi trả các chế độ và tiền thưởng của các đội tuyển bóng chuyền quốc gia đầy đủ, đúng quyền lợi của vận động viên.

Vấn đề nằm ở chỗ, quỹ tài chính của Liên đoàn hiện tại chỉ dừng ở mức “đủ dùng”. Muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, “con số tỷ đồng” rõ ràng thiếu rất nhiều. Đừng quên bóng chuyền Việt Nam gặp khó khăn ngay từ nền tảng là cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập và điều này không được cải thiện quá nhiều trong vòng 5 năm qua. Muốn thay đổi, VFV cần các nguồn đầu tư lớn hơn các nguồn tài trợ thông thường. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn phải đi theo từng bước, từ nhỏ đến lớn.

Trong phiên họp thường vụ trên, việc tìm được nhà tài trợ ký hợp đồng chuyên biệt với các đội tuyển bóng chuyền quốc gia được trao đổi. Đội tuyển bóng chuyền nữ đạt được kết quả tích cực trong 2 năm trở lại đây nhưng vào thời điểm hiện tại chưa có đơn vị nào đồng hành ký hợp đồng tài trợ dài hạn. Hiện áo đấu của đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam chưa xuất hiện nhà tài trợ. Đội tuyển nữ đã được thưởng tiền tỉ nhờ thành tích tốt, nhưng đó chỉ là con số bề nổi và mang tính chất “nước chảy chỗ trũng”.

Tổng thư kí VFV, ông Lê Trí Trường cho biết: “Chúng tôi đánh giá, với những giải đấu có chuyên môn cao như SEA V.League khi tổ chức ở Việt Nam, hình ảnh bóng chuyền Việt Nam của chúng ta gia tăng hơn. Thêm nữa, khi chúng ta có uy tín, có chất lượng giải, nhiều thương hiệu sẽ tham gia tài trợ, đồng hành giải”.

“Việc tìm nhà tài trợ không dễ, chúng tôi vẫn đang tích cực làm điều này. Có nhiều nguyên nhân được phân tích khi công tác tìm kiếm tài trợ triển khai. Một trong những điều chúng ta thấy là một đơn vị muốn tài trợ, họ sẽ tính toán rất kĩ mới có quyết định cuối cùng”.

Đây rõ ràng là bài toán khó. Ngay cả khi đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vừa giành vé tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà tài trợ lớn vẫn chưa tìm đến. Dù vậy, nó cũng không phải vấn đề nan giải hay là nhiệm vụ bất khả thi.

anh 4.jpg -3
Fanpage Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - VFV không hoạt động từ tháng 3/2021.

Một trong những chuyện VFV đã nhắc đến nhưng chưa đẩy mạnh như kỳ vọng: đó là sức mạnh truyền thông. Bóng chuyền nữ Việt Nam đang gặt hái vô số thành công, nhưng sự bùng nổ trên các nền tảng truyền thông vẫn còn hạn chế. Muốn có nhà tài trợ lớn, bóng chuyền phải tìm cách trở thành môn thể thao “số 2” tại Việt Nam đúng nghĩa, không chỉ ở sân đấu. Độ phủ sóng của bộ môn này trên truyền hình, báo chí và đặc biệt mạng xã hội cần nhân rộng hơn nhiều lần.

Năm 2024, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam dự 2 giải AVC Challenge Cup 2024 và SEA V.League 2024 nhưng không có kết quả khả quan. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết chắc chắn sẽ làm việc kỹ với đội tuyển bóng chuyền nam bởi năm 2025 chúng ta có trọng điểm là SEA Games 33 nên thành tích huy chương rất quan trọng. Với đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, SEA Games 33 là trọng tâm. Việt Nam lần đầu dự giải vô địch thế giới 2025 nên đó sẽ là bước đệm cho bóng chuyền nữ Việt Nam xây dựng hình ảnh ở ngoài châu lục. Đây cũng là đề tài mà VFV cần khai thác nhiều hơn nếu muốn tìm kiếm nhà tài trợ xứng tầm.

Fanpage của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam bị “bỏ hoang”

Bất chấp sức hút cực lớn của bóng chuyền Việt Nam - đặc biệt là bóng chuyền nữ, fanpage Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - VFV vẫn bị “bỏ hoang” một cách khó hiểu. Bài đăng gần nhất của fanpage này là vào ngày 12/3/2021, tức cách đây 3 năm rưỡi.

Trước đó, fanpage Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - VFV cũng hoạt động rất hạn chế, nhiều tháng không cập nhật tin tức là chuyện bình thường. Đây rõ ràng là vấn đề nhức nhối mà lẽ ra VFV có thể cải thiện nhanh chóng.

Không dừng hoạt động như fanpage, nhưng trang web của VFV cũng thiếu sự đổi mới cần thiết để thu hút người dùng. Thông tin cập nhật chậm, hình ảnh video gần như không có. Các nhà tài trợ đương nhiên không thể mặn mà với một môn thể thao mà fanpage chính thức bị bỏ hoang trong khi website hoạt động kém hiệu quả, thiếu tương tác với người hâm mộ. Họ không thể đánh đổi hàng tỷ đồng chỉ để lấy quãng thời gian ngắn ngủi trên truyền hình ở các giải đấu lớn.

Thành công của Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Bích Tuyền… trong thời gian qua hoàn toàn có thể trở thành “xu hướng” trên Internet nếu như được khai thác đúng cách. Khi đó, câu chuyện nhà nhà, người người bàn tán về bóng chuyền như bóng đá không phải chuyện “ảo tưởng”. Và VFF sẽ có thêm cơ sở tốt khi đi đàm phán, tìm kiếm nhà tài trợ tâm huyết.

Đơn Ca
.
.