Bàn chuyện “mua vé vào chùa”

Thứ Ba, 11/07/2023, 08:30

Những công trình tôn giáo đồ sộ, những khu du lịch tâm linh quy mô hàng ngàn héc ta đang mọc lên ở nhiều nơi ở Việt Nam. Ở những công trình mang danh tâm linh này hầu như đều có bóng dáng doanh nghiệp.

Chúng tôi đã trao đổi với tiến sĩ Hoàng Văn Chung, Trưởng phòng Nghiên cứu Lý luận và Chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo về câu chuyện này.

1.jpg -0
Tiến sĩ Hoàng Văn Chung

- Xưa nay trong văn hóa Việt Nam, người ta vẫn hay nói đùa câu “tiền chùa”, theo cách hiểu “của chùa”, tức là của chung, ai cũng đến được, ai cũng tiếp cận được. Nhưng gần đây có hiện tượng ở một số nơi, người ta phải mua vé mới được vào chùa. Với góc độ là nhà nghiên cứu, ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

- Ở đây chúng ta phải phân loại không gian tôn giáo. Xưa nay không gian tôn giáo có hai loại chính.

Loại thứ nhất là không gian tôn giáo công cộng, loại thứ hai là không gian tôn giáo riêng tư, có thể thuộc về một dòng họ hoặc là một gia đình hoặc một cá nhân. Gần đây bắt đầu xuất hiện một loại không gian riêng tư nhưng mà lại là riêng tư liên quan đến việc một doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư. Vì thế chúng tôi cũng đang có chút vướng mắc trong việc phân loại. Nhà đầu tư phải bỏ tiền ra, phải lo các thủ tục pháp luật để người ta có quyền tùy chỉnh và làm những điều người ta muốn. Người ta cũng có quyền cho hay không cho ai vào (không gian tôn giáo), với chi phí nào đó. Đây là phục vụ có điều kiện và hình thức này cũng là mới có ở Việt Nam.

Bàn chuyện “mua vé vào chùa” -0
Chùa lớn, tượng Phật lớn và nhiều kỷ lục khác liên tục được thiết lập.

Ở một số nước, có những không gian tôn giáo thực sự riêng tư không ai có thể vào được (nếu không được cho phép) hoặc có những nơi liên quan đến tôn giáo nhưng ở dạng di sản văn hóa thì sẽ có câu chuyện thu tiền và tiền đấy là phục vụ việc tái tạo, bảo tồn di sản.

Trên thế giới lại có một phân loại nữa là kinh doanh cảnh quan kết hợp đáp ứng nhu cầu tâm linh, tôn giáo và thờ cúng của người dân.

Ví dụ như khu Bái Đính, ngoại trừ ngôi chùa nhỏ ở trên cao là cái cớ, toàn bộ quần thể bên dưới với tất cả những kỷ lục khu vực và thế giới chỉ là những thứ được tạo ra để thu hút khách du lịch, phục vụ khách du lịch. Nhiều người phản đối, nhưng có một luồng ý kiến cho rằng việc người ta kết hợp kinh doanh cảnh quan và đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân thì việc thu tiền ấy cũng là chuyện bình thường. Ở khu vực hoặc trên thế giới, nhiều nơi còn hoành tráng hơn ở Việt Nam nhiều và điều này có vẻ như cũng không có gì sai cả.

Nếu như ta làm tốt, đất đai ấy giao cho doanh nghiệp có tâm, có kỹ năng, có nhân sự, được đào tạo bài bản, chuyên môn, có kế hoạch, quy hoạch đàng hoàng thì mới có thể bảo vệ tốt di sản thiên nhiên được tích hợp ở trong đấy. Còn nếu để cho các chính quyền địa phương băm nát những vùng đất ấy ra phân lô bán nền thì cảnh quan sẽ bị hủy hoại rất nhanh.

Ví dụ ở Phú Quốc, những bãi biển đẹp như vậy nhưng không quản lý được, ai cũng nhảy vào xâu xé và cuối cùng là nát vụn.

- Bản thân ông nói là giao cho doanh nghiệp thì rõ ràng là tốt hơn là để di sản hay thắng cảnh ở dạng “năm cha, ba mẹ” rồi bị băm nát, có nghĩa là ông ủng hộ phương án giao cho tư nhân quản lý?

- Không hẳn. Bây giờ tôi nói ở góc độ một danh lam thắng cảnh. Thắng cảnh là một di sản tự nhiên. Di sản tự nhiên tức là ông cha ta đã đổ xương máu để giữ và trao truyền cho các thế hệ sau theo nghĩa là mọi người không phân biệt sang giàu, khỏe mạnh hay ốm đau đều có quyền tiếp cận miễn phí. Thế mới đúng. Nhưng bây giờ bất cứ hành vi nào, nhân danh cái gì khiến người dân bị hạn chế hoặc phải bỏ tiền ra để được tiếp cận những di sản ấy thì đều không công bằng, không nhân văn và cũng không tôn trọng lịch sử, truyền thống cha ông.

Hồi tôi sang Úc, có những bãi biển trông rất vớ vẩn, tôi nghĩ nếu ở Việt Nam thì đã xây khách sạn long lanh, làm đường ven biển rồi nhạc rồi đèn, chứ không để hoang sơ như người ta.

Thế nhưng khi tôi tìm hiểu sâu, thì mới hiểu rằng họ tuyệt đối giữ nguyên trạng để các đời con cháu vẫn được hưởng thụ đúng cái hoang sơ như vậy. Không được nhân danh bất cứ cái gì, kể cả là việc kiếm tiền để làm mất đi tính nguyên bản. Lấy cái gì đảm bảo ông xây khách sạn ở đấy thì ai cũng thích, cái gì đảm bảo ông đầu tư vào thì sẽ sạch đẹp hơn, đảm bảo an ninh hay vệ sinh thì đã bảo tồn được cảnh quan?

Đúng ra, chúng ta phải phân vùng để bảo tồn. Ví dụ một vùng bãi biển thì phân ra vùng lõi, vùng đệm, phải bảo vệ từ bên ngoài.  Phân lô bán nền khắp xung quanh thì còn bảo tồn cái gì nữa?

1234.jpg -0
Nhiều du khách vẫn muốn tìm đến những không gian văn hóa nguyên sơ.

- Dường như từ khi có bàn tay doanh nghiệp, các công trình tôn giáo ở ta ngày càng to lớn nguy nga, có những ngôi chùa phá kỷ lục về độ hoành tráng ở cấp thế giới. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

- Những công trình siêu lớn về kiến trúc ấy không đi theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Truyền thống Phật giáo của chúng ta là chùa làng, chùa nằm ở dưới tầng cây, thể hiện triết lý sống hài hòa với tự nhiên, khiêm tốn, dung dị. Chùa ở miền Bắc là chùa có một tầng dễ vào, dễ ra. Kích cỡ siêu lớn như bây giờ là đã không còn đi theo truyền thống nữa rồi.

Xây một cái chùa lên chỉ để đáp ứng mỗi câu chuyện người ta chụp ảnh khoe với nhau rằng tôi đã đến đây, tôi đã ăn uống ở đây, tôi đã chơi bời ở đây, tôi đã check-in ở đây. Rồi nhiều người cứ thấy chùa to tượng lớn, cứ thấy tượng là chắp tay vái lạy, những cái đấy chỉ nhân cái gọi là mê tín lên. Bây giờ nhìn từ Nam ra Bắc, những nơi danh lam thắng cảnh đẹp nhất phần lớn có những ngôi chùa ngoại cỡ.

Lúc nãy tôi nói vấn đề rằng có những người lý luận, họ e ngại trình độ quản lý ở các địa phương không tốt dẫn đến việc chia năm xẻ bảy, người ta nhảy vào xâu xé thì cũng phá nát di sản hay thắng cảnh, nhưng theo tôi đấy chỉ là biện minh thôi, ông quản lý chưa tốt thì ông phải tự rút kinh nghiệm, ông phải học hỏi để quản lý tốt. Tại sao nước ngoài người ta quản lý được, giữ được danh lam, thắng cảnh cho con cháu, mà mình lại không làm được?

- Có nghĩa là giao danh lam, thắng cảnh cho doanh nghiệp chỉ là phương án tốt hơn, chứ không phải là tốt nhất? Và giao hàng ngàn ha để phát triển du lịch tâm linh là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ?

Bàn chuyện “mua vé vào chùa” -0
Toàn cảnh khu du lịch Phú Quốc nhìn từ trên cao.

- Nguồn tài nguyên đất đai là hữu hạn và sẽ chỉ càng ngày càng khan hiếm, đắt đỏ lên thôi và trong cơ chế như bây giờ lại càng không được phân chia đồng đều. Nguồn tài nguyên đất đai hữu hạn như vậy thì phải làm thế nào để đạt được hiệu suất về mặt kinh tế, đất đai phải liên quan đến sản xuất, phải tạo ra hàng hóa. Nguồn tài nguyên đất đai chỉ để cho người ta mua đi bán lại thì không mang lại cái lợi ích chung cho cộng đồng. Đấy là một câu chuyện. Thứ hai là giao đất quy mô lớn để xây dựng những công trình tâm linh hoành tráng, đến lúc đất nước có nhu cầu về nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất thì ta lấy ở đâu?

Việc sử dụng đất đai như vậy thứ nhất là lãng phí và thứ hai là không hiệu quả.

Có người sẽ bảo tôi mở khu du lịch tâm linh, khách du lịch quốc tế đến thì tôi thu tiền cũng là phát triển kinh tế.

Tôi không nghĩ là như vậy! Khách du lịch nước ngoài chỉ quan tâm những thứ thuộc về văn hóa truyền thống đậm bản sắc, còn nếu không thì phải là di sản thiên nhiên. Họ biết thừa những ngôi chùa ấy mới xây, họ đến đấy làm gì? Ở chỗ họ thiếu gì những công trình hoành tráng? Những người nước ngoài có văn hóa một chút, tôi biết là họ chẳng bao giờ thấy sợ sệt, hoặc cảm thấy là trong đời họ phải một lần đến đây xem những bức tượng Phật khổng lồ này đâu.

Việt Nam đang chứng kiến những tỷ phú đô la giàu lên chủ yếu do đầu cơ đất đai hơn là nhờ vào phát minh, sáng chế, hay có ý tưởng kinh doanh xuất chúng. Nhưng đất đai là nguồn tài nguyên rất quý và sẽ cạn kiệt. Quá nhiều đất đai được thu gom và dành cho các dự án tâm linh, tôn giáo là một sự lãng phí nghiêm trọng. 

TS Hoàng Văn Chung

Nguyễn Xuân Thủy (Thực hiện)
.
.