Bàn về các giải thưởng nhiếp ảnh: Riêng cho flycam, tại sao không?
Tham dự một vài triển lãm và trao thưởng nhiếp ảnh dễ thấy một sự ưu ái lớn của ban tổ chức dành cho những bức ảnh chụp từ flycam. Đã có nhiều tranh cãi về tính nghệ thuật, song ảnh flycam vẫn giành được chỗ đứng trong các cuộc thi. Tuy vậy, cũng cần có sự điều chỉnh để thể loại ảnh chụp từ flycam phát huy thế mạnh của riêng mình.
Công nghệ xóa nhòa kỹ thuật
Rút cuộc thì bản chất của nghệ thuật nhiếp ảnh chính là “cuộc chơi của ánh sáng”. Mà nói đến ánh sáng thì là nói đến tốc độ và khoảnh khắc. Còn nhớ thầy Phan Ái dạy bộ môn nhiếp ảnh ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền từng rất hào hứng truyền nghề cho học trò về nguyên tắc tâm đắc, để đời của mình, đó là: nguyên tắc “một phần sáu nụ” cười. Nguyên tắc này đòi hỏi người cầm máy phải thực sự “cảm” được nhân vật để có cú bấm máy chuẩn xác lúc nụ cười vừa hé rạng, không được mím quá mà cũng không được to quá…
Ấy là nói về máy ảnh chụp bằng phim truyền thống. Với máy ảnh kỹ thuật số việc này lại chở nên quá đơn giản bởi một giây máy móc có thể cho ra đến hàng chục khuôn hình. Việc còn lại chỉ là chọn bức ảnh rơi vào góc độ đẹp nhất mà thôi. Nói như vậy để thấy máy móc đã làm thay đổi kỹ năng nhiếp ảnh rất nhiều.
Một ví dụ khác về độ nhạy sáng của phim. Từ trị số DIN, ASA, ISO của phim tráng bạc dẫn đến những thủ thuật buồng tối, hiệu ứng phơi sáng, lọc sáng… giờ cũng mất ý nghĩa vì đã có thể mô phỏng trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy vậy người chụp vẫn phải có những sáng tạo để hiệu quả ánh sáng được thể hiện đẹp nhất. Tác phẩm “Tam giác vĩnh cửu” của nhiếp ảnh gia người Mỹ Joshua Hermann giành chiến thắng chung cuộc giải Nhiếp ảnh Toàn cảnh Quốc tế Epson 2021. Anh chụp lại cảnh vật hoang sơ của vùng đầm lầy ở Louisiana trong khoảnh khắc sáng tối giao thời.
Các giám khảo gần như kinh ngạc và bị chinh phục hoàn toàn trước vẻ đẹp nguyên khối như có từ thời cổ đại trong bức ảnh. Điểm sáng tạo ở đây chính là sự kết hợp giữa tốc độ cửa chập và độ nhạy sáng khiến cho bức ảnh như dệt bằng những tấm lụa và ánh sáng. Không khó để thấy sự kỳ công trong việc chọn thời điểm sáng thích hợp và khoảnh khắc bấm máy của tác giả. Điều đó cho thấy dù công nghệ đã thay đổi rất nhiều nhưng kỹ thuật và rung động nghệ thuật vẫn được tôn trọng trong từng khoảnh khắc.
Hoàng Tuấn, phóng viên báo Nam Định, người có thâm niên “chơi ảnh” trên 20 năm, bộ sưu tập máy ảnh theo đó mà cũng chiếm một gia tài rất lớn. Gần đây, Tuấn chuyển hẳn qua dùng flycam khi tác nghiệp, bởi theo anh ảnh báo chí không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật nhiếp ảnh, chỉ cần rõ nét, đủ sáng. Mà những yêu cầu đó thì flycam hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ. Nếu như trước đây, chăm chút nhiều mới có được bức ảnh ưng ý, đơn cử như việc thay ống kính, đeo bám đối tượng chớp thời cơ bấm máy mất rất nhiều thời gian, thì Flycam có thể phụ trách tất cả các công đoạn này. Việc còn lại của người "lái" chỉ là điều khiển drone bay đúng vị trí, khoảng cách rồi thao tác chụp trên điện thoại.
Trong thực tế Hoàng Tuấn cũng có rất nhiều bức ảnh dùng flycam giả góc máy ảnh thông thường như chụp chân dung, chụp góc thấp. Flycam có ưu điểm là giúp người chụp vượt qua những địa hình khó ví dụ như ruộng, mương, vùng sình lầy… tất cả giờ không còn là vấn đề. Thậm chí muốn có những bức ảnh xóa phông, đặc tả chi tiết, lấy ánh sáng ven, chụp ngược sáng cũng có thể làm được, miễn sao bức ảnh gốc đạt dung lượng điểm ảnh lớn.
Công bằng với flycam
Thường thì khi khoác lên mình tấm áo quá rộng người đời cảm thấy bỡ ngỡ. Sẽ có hai xu hướng xảy ra, một là hoàn thiện bản thể để “y phục xứng với kỳ đức”, hai là thu vén xiêm áo cho vừa với tấm thân, làm vậy cũng khó tránh khỏi luộm thuộm, hài hước.
Những bức “không ảnh” chụp từ flycam nếu làm đúng sẽ tôn vinh nghệ thuật, làm sai sẽ là một sự bỉ bôi. Đối với ảnh báo chí, yêu cầu cao nhất là sự khác lạ, thông tin và thông điệp rõ ràng, điều này flycam làm rất tốt. Ví như vừa rồi xem trên trang mạng xã hội của một anh đồng nghiệp chụp hai bức ảnh, một tấm từ flycam, một tấm từ máy ảnh thông thường. Tấm ảnh trên không thể hiện những chiếc xe ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn, tấm dưới đất là chụp xuyên qua gần một chiếc xe tải miêu tả bữa vạ vật của tài xế.
Quả là nếu không có bức ảnh trên không thì tác giả khó lòng miêu tả toàn cảnh về tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn; nhưng nếu không có bức ảnh dưới đất thì cũng không thể dẫn dắt người xem vào chi tiết câu chuyện. Đó là ảnh báo chí đặt nặng miêu tả sự kiện. Đối với ảnh nghệ thuật yêu cầu bắt buộc phải có sự sáng tạo. Bởi bản chất của nghệ thuật là vậy. Đối với nhiếp ảnh đó là sáng tạo của đường nét ánh sáng mang lại cảm xúc thẩm mỹ cho người xem. Vậy nên nếu cứ quá vội vàng khoác tấm áo nghệ thuật lên bất cứ tấm “không ảnh” nào đều sẽ dẫn đến sự kệch cỡm.
Tôi rất đồng tình với ông Hồ Sĩ Minh, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, khi nhận xét về bức ảnh “Xóm biển Tuy Phong” của Từ Thế Duy đoạt giải nhất trong cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tổ quốc bên bờ sóng”. Ông Minh nhận xét đây là bức ảnh thực sự nổi trội. Đạt các yếu tố bố cục đường nét, ánh sáng, tạo hình và các thủ pháp nghệ thuật.
Ông nói: “Tác giả hiểu về vùng đất này có sự lựa chọn về khoảnh khắc, thời gian. Đặc biệt là ánh sáng đập vào những con thuyền tạo ra hình khối giống như 3D trông rất chân thật”. Tác phẩm “Xóm biển Tuy Phong” là ảnh đơn nhưng đã lột tả được hình ảnh thú vị một làng chài cổ đang trên đà phát triển. Bên cạnh nét hoang sơ thường thấy còn những tua-bin điện gió phía xa xa hậu cảnh làm tăng thêm sức diễn đạt cho bức ảnh.
Bên cạnh “Xóm biển Tuy Phong” còn bộ ảnh “Phong cảnh dọc bờ biển Phú Yên” của Lê Châu Đạo cũng đoạt giải nhất cuộc thi này. Bộ ảnh này được nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, miêu tả là “khiến người xem muốn đến thăm quan ngay”. Nhiều người cho rằng bộ ảnh này không thật sự đặc sắc, nếu so với những bức ảnh chụp từ flycam miêu cảnh ghềnh đá đĩa, hay mũi Đại Lãnh của nhiều tác giả khác.
Cái “được” có lẽ là sự tập hợp đầy đủ những địa danh nổi tiếng của Phú Yên. Điều đáng nói là hai giải nhất này đều là những bức ảnh chụp từ flycam cho thấy Ban Tổ chức giải thưởng có nhiều ưu ái cho “không ảnh” khiến không ít người dự giải cảm thấy “tâm tư” làm dấy lên câu hỏi về tính nghệ thuật của các bức ảnh hay dấu ấn sáng tạo của tác giả. Và khi đấy sẽ là nguồn cơn của một màn tranh đấu không hồi kết. Vậy nên có nhiều ý kiến cho rằng nên công bằng hơn với “không ảnh”, đừng bắt chúng khoác nên mình tấm áo nghệ thuật quá rộng, quá khả năng thể hiện.
Nên có giải riêng
Câu chuyện của flycam hôm nay cũng đã từng xảy ra trong quá khứ khi ban tổ chức các giải thưởng nhiếp ảnh quá ưu ái chụp từ ống kính mắt cá (fish-eye). Những bức ảnh này thường có độ cong tạo lên sức hấp dẫn thị giác, tạo nên “cơn sốt” một thời. Xu hướng chụp ảnh cong cũng khiến không ít nghệ sĩ nhiếp ảnh lao tâm khổ tứ, tốn kém tiền bạc để đầu tư nâng cấp ống kính. Nên biết rằng ống càng cong thì càng đắt, càng có độ mở chế quang rộng càng đắt. Rồi bỗng bẵng đi, chẳng ai chụp ảnh cong nữa. Có thuyết âm mưu cho rằng các nhà sản xuất ống kính cố tình tạo ra trào lưu để thổi giá sản phẩm. Chuyện này thực đến mức nào thì không ai rõ, chỉ biết hện tại ảnh cong dần vắng bóng trong các cuộc thi nhiếp ảnh.
Nhắc đến ảnh cong mà không nhắc đến máy ảnh kỹ thuật số thì lại là một sai sót. Thực tế thì máy ảnh kỹ thuật số mới chỉ phổ biến chừng khoảng 20 năm trở lại đây. Vào những năm 2000, một thân máy DSLR xịn xò giá bằng mảnh đất ở trung tâm đô thị lớn là có thật. Thời máy ảnh kỹ thuật số ra đời và phổ biến, giới nhiếp ảnh cũng có nhiều tranh cãi về tính nghệ thuật. Trong thực tế máy ảnh kỹ thuật số làm đảo lộn rất nhiều “giá trị” của ảnh phim truyền thống.
Bao nhiêu kiến thức về độ mở chế quang, tốc độ cửa chập, độ nhạy sáng, kỹ thuật buồng tối…gần như đều trở nên vô dụng. Nói một cách đơn giản, máy ảnh kỹ thuật số đã làm “bình dân hóa” những nghề nhiếp ảnh vốn được coi là “nghệ thuật” và những người chụp ảnh là “nghệ sĩ”. Người ta cũng nhắc đến việc trao giải riêng cho ảnh kỹ thuật số. Đến giờ, chuyện cũ lặp lại với flycam.
Ảnh chụp từ ở flycam rất khác với ảnh kỹ thuật số hay ảnh phim truyền thống, nó như cắt từ các đoạn phim. Người “chụp” gần như không thể sử dụng bất cứ kỹ thuật nhiếp ảnh nào vào bức ảnh. Có chăng chỉ là bố cục, mà thực tế với photoshop thì bố cục cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Điểm lưu ý duy nhất là dung lượng điểm ảnh trên bức ảnh. Điểm ảnh càng lớn nghĩa là càng chi tiết. Với việc loại bỏ gần như tất cả kỹ thuật nhiếp ảnh này lằn ranh mờ nhạt nghệ sĩ nhiếp ảnh và người chụp ảnh đã không còn.
Một câu hỏi sẽ được đặt ra là: Liệu ảnh flycam có phải là một tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh hay không? Trong thực tế đã từng có khá nhiều hội thảo liên quan đến câu hỏi này. Đáng kể nhất là tại liên hoan nghệ thuật nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016, cả giải nhất và giải nhì đều là ảnh chụp từ flycam làm dấy lên một làn sóng “bất phục”. Năm năm qua, theo dõi nhiều cuộc thi dành riêng cho ảnh chụp từ flycam dễ thấy một sự phát triển đáng kể của các “tay máy drone” Việt Nam so với quốc tế. Gần như năm nào cũng có ảnh lọt vào vòng top các ảnh đẹp. Ở khía cạnh này, ảnh flycam đã làm tốt việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Kỷ nguyên công nghệ thay đổi con người và lối sống từng ngày từng giờ, rõ nhất là trong nhiếp ảnh. Giờ không chỉ có máy ảnh kỹ thuật số mà flycam cũng nằm trong khả năng mua sắm của bất cứ người dân nào. Đương nhiên sự phổ biến của phương tiện ghi hình sẽ làm tăng thêm số lượng của những bức ảnh và cả những người chụp ảnh. Trong bối cảnh đó việc lựa chọn những bức ảnh đẹp, có tính nghệ thuật cao để “làm mẫu” như cánh chim đầu đàn cho những người có đam mê yêu thích là việc làm quan trọng, cần thiết. Điều này lại càng đúng với tinh thần các nghị quyết của Đảng đối với văn hóa nước nhà là dân tộc, khoa học, đại chúng. Mà ở đó, nhiếp ảnh cũng cần hòa mình vào dòng chảy của thời đại.