“Bão ngầm” - Thay lời tri ân người chiến sĩ Công an nhân dân
Sau nhiều mong đợi, cuối cùng bộ phim “Bão ngầm” với 75 tập đã sẵn sàng đến với khán giả cả nước tại khung sóng giờ vàng (21h – 21h30’), từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.
Trải qua hơn 2 năm sản xuất trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, vượt qua bao khó khăn, trở ngại do tình hình dịch bệnh, bộ phim với nhiều đại cảnh hoành tráng về hoạt động nghiệp vụ của lực lượng bài trừ ma túy và tội phạm hình sự, thực sự là bản hùng ca tôn vinh những chiến công hào hùng, sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ bảo vệ bình yên cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy (chủ đầu tư bộ phim) xúc động cho biết, bộ phim là lời tri ân của gia đình bà, của ê kíp làm phim và đông đảo người dân gửi đến lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam bên thềm lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống.
Từ một kịch bản tốt...
Đó là lời nhận xét mới đây của Hội đồng thẩm định phim – Đài Truyền hình Việt Nam khi duyệt tổng thể bộ phim về Cảnh sát hình sự tựa đề “Bão ngầm”. Kịch bản phim được TS - nhà văn Đào Trung Hiếu chuyển thể và phát triển từ chính tiểu thuyết cùng tên của mình. Từ thực tiễn gần 20 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu với tội phạm về ma túy, điều tra trọng án, phòng chống tội phạm công nghệ cao, trong vai trò trinh sát hình sự, điều tra viên, với tình yêu nghề nghiệp và nặng lòng tri ân quê hương, đồng đội, anh Hiếu đã viết nên tiểu thuyết “Bão ngầm”.
Tại cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài: “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”, do Bộ Công an và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, giai đoạn 2012-2015, tiểu thuyết “Bão ngầm” đã vượt qua hơn 600 tác phẩm và đoạt giải cao nhất. Nối tiếp thành công ấy, được sự động viên khích lệ của độc giả và đồng đội, tác giả đã miệt mài gần 2 năm “trốn ngủ” để viết nên một “Bão ngầm” với hình hài khác – kịch bản văn học cho một series phim truyền hình trinh thám hình sự nhiều tập.
Kể về hành trình sáng tác kịch bản và tham gia làm phim, tác giả cho biết anh vốn là “kẻ” tay ngang, kể cả trong nghề văn, nghề báo, càng xa lạ với nghệ thuật điện ảnh, vì chỉ được đào tạo chuyên sâu về luật và nghiệp vụ điều tra tội phạm. Thế nhưng ký ức về thời hoa lửa tung hoành trên các dặm đường tầm nã tội phạm, cùng nỗi nhớ đồng đội xưa bên nhau trong những trận đánh khốc liệt… vẫn như một nỗi ám ảnh, nên anh đã “liều”, cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân để dấn thân, thử sức với những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, đó là viết tiểu thuyết và kịch bản phim.
Từng có gần 20 năm làm lính trận nên anh may mắn có được nhiều trải nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực khu biệt đó là đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, điều tra trọng án, tội phạm công nghệ cao. “Tôi viết khá “nhàn”, bởi không phải tưởng tượng nhiều, chỉ cần có mạch truyện là chữ gọi chữ, câu gọi câu. Có thể thứ tôi viết ra chưa thực sự “tới” hay mang tính nhà nghề, nhưng sự chân thực đến tận cùng là điều tôi có thể dám chắc” – anh Hiếu bộc bạch.
Được biết, sau khi phim được bấm máy, anh đã bám sát hoạt động của đoàn làm phim, tham gia công tác phó đạo diễn về nghiệp vụ, tác chiến và ngoại giao. Trong hành trình hơn 2 năm làm phim trên địa bàn cả nước, anh Hiếu luôn đi “tiền trạm”, thiết lập các liên hệ với các bộ, ban ngành và chính quyền các địa phương, để đoàn phim có được sự hỗ trợ tốt nhất về bối cảnh, cũng như con người, phương tiện phục vụ diễn xuất.
...đến trong tay người đạo diễn tài hoa
Nhận xét về công tác đạo diễn phim, Hội đồng thẩm định phim của VTV viết: “Đinh Thái Thụy là đạo diễn có nhiều tác phẩm đoạt giải điện ảnh, truyền hình. Trong phim này, đạo diễn rất chắc tay khi dẫn dắt được truyện phim dài hấp dẫn, ly kỳ với những mảng đời sống rất đa dạng, tạo nên sức hấp dẫn của hiện thực: một bức tranh xã hội rộng lớn với nhiều lớp lang phong phú từ thấp đến cao: tập trung vào hai lực lượng tương phản, một bên là lực lượng bảo vệ pháp luật, những người công an từ chiến sỹ cho đến cấp tướng; một bên là thế giới tội phạm, từ những ông trùm buôn ma túy cho đến những kẻ đâm thuê chém mướn, những kẻ thừa hành mệnh lệnh của ông chủ, cho đến những kẻ cặn bã dưới đáy xã hội. Trong sự tương phản ấy, tác giả đã dựng lên được cả một thiết chế cung cách điều hành, nêu lên được đặc trưng phương thức hành động, không chỉ riêng lực lượng công an mà cả thế giới tội phạm khiến cho toàn bộ câu chuyện có sức lôi cuốn mạnh mẽ”.
Bản nhận xét đánh giá về tổng thể: Tiết tấu phim nhanh, hiện đại, lôi cuốn. Quay phim khá tốt, bối cảnh phim đẹp, khuôn hình và ánh sáng được chăm chút cẩn thận. Phim có nhiều đại cảnh, đặc biệt là các phân đoạn dàn trận của Công an truy bắt tội phạm được thực hiện hoành tráng, hấp dẫn. Các cảnh võ thuật, hành động khá tốt. Nhạc phim hay, ca khúc trong phim đặc sắc. Tiếng động chân thực qua phương thức thu âm hiện trường. Về diễn xuất: Các diễn viên chính trong phim khá nổi tiếng như Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà, NSND Trần Nhượng, NSND Nguyễn Văn Hải, NSƯT Nguyễn Trọng Hải, NSƯT Tạ Minh Thảo, Đinh Y Nhung, Công Dũng... nhìn chung diễn xuất tốt, có hồn, lời thoại tự nhiên, chân thực, gần gũi với cuộc sống.
Được biết, trải qua hành trình hơn 2 năm sản xuất, vượt qua bao khó khăn, trở ngại do tình hình dịch bệnh, biến động nhân sự, quay tiền kỳ trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ miền núi Yên Bái xa xôi đến sông nước Cần Thơ, từ duyên hải Bắc Bộ đến Tây Nguyên hùng vĩ… đạo diễn Đinh Thái Thụy đã dành mọi tâm huyết, đồng hành cùng ê kíp sáng tạo để hoàn thành một khối lượng công việc khá đồ sộ. Những thước phim như ý đã được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, sức lực của anh.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy tâm sự: “Bão ngầm” là một kịch bản hay nhưng yêu cầu rất cao về nghiệp vụ điện ảnh. Về nội dung phim, đòi hỏi phải “kể” bằng hình ảnh một cách ấn tượng về 3 cuộc chiến đấu trong một câu chuyện. Đó là cuộc chiến đấu với tội phạm, cuộc chiến làm trong sạch tổ chức và cuộc đấu tranh tư tưởng của nhân vật. Phải kết cấu tuyến truyện sao cho lôgic và hấp dẫn là những thử thách không nhỏ. Bên cạnh đó, phim có rất nhiều đại cảnh đánh bắt tội phạm trong rừng sâu, trên cao nguyên, trên sông nước, biển khơi, vũ trường, khách sạn… với sự tham gia của hàng trăm diễn viên quần chúng. Để có những cảnh quay hoành tráng, lột tả được sự khốc liệt của cuộc chiến, đã rất nhiều đêm tôi không ngủ, trăn trở tính toán, trao đổi với ê kíp sáng tạo, các cố vấn nghiệp vụ… về từng góc máy, hành động của từng nhân vật trong cụm cảnh, đại cảnh, sao cho ra được những thước phim như ý, chạm được vào trái tim khán giả”.
“Bão ngầm” là câu chuyện kể về hành trình điều tra khám phá ra một tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, miêu tả cuộc đấu tranh khốc liệt, đầy gay cấn, mưu lược với bọn tội phạm của lực lượng Công an nhân dân; miêu tả chân thực sự hiểm ác của cuộc sống trong thế giới tội phạm. Bộ phim khoanh trọn trong một chuyên án ma túy. Bắt đầu là một vụ truy bắt ma túy nhỏ lẻ, không ngờ dắt dây rồi bùng nổ thành một vụ án lớn xuyên quốc gia. Hệ lụy kéo theo là những “ung nhọt” nằm trong cơ quan, tổ chức được phát giác, với những kẻ cơ hội chính trị. Dù “mũ cao áo dài” nhưng đã tự diễn biến, tự chuyển hóa, vì chức quyền mà tha hóa, để rồi đồng lõa với tội ác. Trên nền của cuộc chiến đó, bộ phim đi sâu khai thác, diễn tả cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập trong nội bộ cơ quan, đơn vị, giữa cái tích cực và cái tiêu cực, giữa những người lính trung thực, nhiệt huyết vì công việc, với những phần tử thoái hóa biến chất, đầu hàng gục ngã trước tiền và tham vọng quyền lực.
Bộ phim còn khai thác những diễn biến xảy ra ở đáy sâu tâm lý nội tâm người lính, khi họ đứng trước những sự lựa chọn. Đó là cuộc đấu tranh tư tưởng, dày vò giằng xé giữa tốt và xấu, tử tế và tha hóa, trung thực hay đểu giả, âm thầm nhưng khốc liệt... như những cơn bão ngầm không nhìn thấy được bằng mắt thường. Tất cả những xung đột được đẩy tới cùng, khốc liệt và chân thực. Xuyên suốt bộ phim là tư tưởng nhân văn, nhấn mạnh: những gì là giả tạo sẽ bị nghiền nát trong vòng quay luật đời, mọi tráo trở, lừa lọc và bội phản sẽ bị đào thải, đồng thời tôn vinh những giá trị chân – thiện – mỹ, những mầm thiện trồi lên từ thực địa cuộc xung đột chính – tà. Bộ phim bám sát và cổ vũ chủ trương của Đảng và lãnh đạo ngành Công an trong đấu tranh bài trừ tiêu cực để làm trong sạch bộ máy, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm.
Lồng ghép trong những trường đoạn phim xoay quanh câu chuyện phá án, là đời sống thường nhật của cán bộ chiến sĩ Công an, được miêu tả dung dị, mộc mạc, ở những góc khuất ít người biết tới. Qua đó, để người dân thêm tin yêu, ủng hộ những người lính trinh sát trên mặt trận thầm lặng. Bộ phim còn truyền tải, quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người ở nhiều miền quê Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của các địa phương; tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của các di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào việc quảng bá, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân bản của con người Việt Nam.
Thay lời tri ân
Xúc động kể về lý do đầu tư số tiền hàng triệu USD để làm bộ phim này, bà Nguyễn Thị Diễm Thúy (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Trà My tỉnh Bình Dương) cho biết: “Thông qua bộ phim, chúng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân những hy sinh lớn lao và thầm lặng của những người lính quên mình vì bình yên cuộc sống, là món quà vợ chồng tôi muốn dành tặng cho lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Hy vọng bộ phim sẽ chạm đến trái tim khán giả, để có cái nhìn thiện cảm, ủng hộ ngành Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giữ vững an ninh chính trị và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội”.
Vẫn theo bà Thúy, nếu không có sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, sự hỗ trợ tuyệt vời của Công an các đơn vị, địa phương, cùng các đơn vị quân đội, chính quyền, các sở ban ngành địa phương tại 10 tỉnh nơi đoàn làm phim tác nghiệp, chắc chắn phim “Bão ngầm” sẽ không thể đến với khán giả với quy mô, tầm vóc như thế. Gia đình bà trân trọng ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình ấy.
“Theo kế hoạch phát sóng, phim “Bão ngầm” dự kiến sẽ đến với khán giả xem truyền hình cả nước vào ngày mùng 10 tết nguyên đán Nhâm Dần, hy vọng đó là món quà xuân ý nghĩa trân trọng dành tặng mọi người, mọi nhà” – bà Thuý chia sẻ.