Bất an giữa “ma trận” xả thải
Được ví là hồ điều hòa, cung cấp nước ngọt cho cả vùng thượng lưu từ Đức Thọ đến Can Lộc, Hồng Lĩnh nhưng trong những năm gần đây, hồ chứa nước Khe Lang (Hà Tĩnh) đang oằn mình “cõng” hàng chục trang trại chăn nuôi vây quanh. Trong số đó, có không ít cơ sở xả thải trực tiếp xuống hồ, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh trong vùng.
Hồ Khe Lang, hay còn gọi là hồ Bình Hà, là công trình kết nghĩa giữa hai tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh, được xây dựng ở vị trí nằm giáp ranh giữa 3 xã Thường Nga, Phú Lộc (huyện Can Lộc) và xã An Dũng (huyện Đức Thọ). Hồ có sức chứa hơn 9,6 triệu m3, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 100 ha lúa, hàng trăm ha hoa màu và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hồ chứa nằm trong quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn cho 4 xã thuộc các huyện Đức Thọ và Can Lộc.
Trang trại chăn nuôi bủa vây hồ Khe Lang
Từ một dự án biểu trưng cho sự kết nghĩa giữa hai địa phương, được lựa chọn ở vị trí thơ mộng, hiền hòa để xây dựng, thay vì trở thành điểm “check in” lý tưởng và là nơi dự trữ nước để cung cấp nước sạch, nước tưới tiêu cho cả một vùng hạ du rộng lớn, thì trong những năm gần đây, hồ Khe Lang đang oằn mình “cõng” hàng chục trang trại chăn nuôi, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh.
Theo phản ánh của người dân, sự bình yên của hồ Khe Lang bị phá vỡ sau hơn 30 năm, kể từ khoảng tháng 9/2015, khi đơn vị quản lý và vận hành hồ chứa này là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đã cho một hộ dân trên địa bàn kí hợp đồng bao thầu mặt nước hồ Khe Lang. Kể từ khi được giao quyền, người này đã cấm cản các hộ dân trong vùng đánh bắt thủy sản trong hồ, khiến hàng chục hộ dân trong nhiều năm qua mưu sinh chủ yếu trên mặt hồ, rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng thời gian này, tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận cho Công ty TNHH Khánh Giang đặt trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản, quy mô 500 con trên địa bàn xã An Dũng, cách vị trí hồ Khe Lang không xa. Thời điểm doanh nghiệp này mới tiến hành xây dựng, người dân thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng (Đức Thọ) đã phản đối vì lo ngại ô nhiễm môi trường.
Quả nhiên, sự quan ngại ấy đã biến thành sự thật khi vào tháng 8/2021, người dân các xã Thường Nga và An Dũng, cứ đêm đêm là bị tra tấn bởi mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ trang trại này. Nghi ngờ chủ cơ sở lén lút xả thải, người dân tập trung phản đối, chính quyền sau đó đã vào cuộc, kiểm tra thì phát hiện, trang trại được cấp phép chăn nuôi bò nhưng lại xây chuồng trại để nuôi lợn.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chỉ chăn nuôi 50 con bò, trong khi đó số lợn nuôi trái phép lên đến 1.646 con, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu vực bán kính khoảng 3km, khiến nhân dân hết sức bức xúc. Trong số 11 lỗi bị nhà chức trách chỉ ra để xử phạt với số tiền 1,25 tỉ đồng sau đó, có lỗi đơn vị này lắp đặt ống xả thải trái quy định, xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng đến nước trong lòng hồ Khe Lang.
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Đức Thọ, chỉ tính riêng trên địa bàn xã An Dũng, khu vực có hồ Khe Lang, ngoài trang trại chăn nuôi của Công ty Khánh Giang, tính đến thời điểm hiện nay còn có 8 trang trại chăn nuôi khác được cấp phép hoạt động, trong đó có 1 trang trại chăn nuôi gà và 7 trang trại chăn nuôi lợn. Tất cả các cơ sở này đều do huyện cấp phép và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
Cuối năm 2022, trước tình trạng ô nhiễm môi trường bủa vây trên địa bàn, cùng với đó chất lượng nước trong hồ Khe Lang bị ô nhiễm nặng nề, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các huyện Đức Thọ, Can Lộc tiến hành kiểm tra hoạt động của các trang trại này, phát hiện nhiều vi phạm trong đảm bảo môi trường. Đơn cử, 2 trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Văn Định và hộ ông Phan Văn Huynh, nằm trên địa bàn xã An Dũng, huyện Đức Thọ, thường xuyên phát sinh nước thải với lưu lượng trung bình khoảng 11 m3/ngày đêm, được xử lý qua bể biogas và các hồ lắng sinh học, nhưng sau đó chảy theo các con lạch dẫn về hồ Khe Lang.
Ngoài 9 cơ sở chăn nuôi được chấp thuận trên địa bàn xã An Dũng, tại xã Thường Nga, huyện Can Lộc là địa bàn giáp ranh với hồ Khe Lang, từ năm 2013 đến nay UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chấp thuận đầu tư cho nhiều trang trại chăn nuôi lợn khủng với quy mô hàng nghìn con. Cụ thể, từ năm 2013 công ty Đồng Minh Nguyên đã mở trang trại chăn nuôi quy mô gần 200 ha tại xóm 7 xã Thường Nga với số lượng hàng nghìn con lợn nái sinh sản. Cách vị trí này không xa, nằm trên địa bàn xã Phú Lộc là 2 trang trại có quy mô 5.000 con lợn và 2.500 con lợn của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) và Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có khoảng 10 trang trại chăn nuôi của các hộ dân, có quy mô nhỏ hơn, được huyện cấp phép hoạt động. Mẫu số chung của các cơ sở này là đều nằm ở khu vực thượng nguồn hoặc bủa vây quanh các hồ chứa nước sạch của người dân như các hồ Khe Lang, hồ Vực Trống… Mọi hoạt động của các trang trại này gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập, không chỉ người dân mà lực lượng chức năng cũng rất khó để tiếp cận, trừ khi các đoàn kiểm tra chuyên đề được thành lập, và phải báo trước với chủ trang trại.
Sống khổ giữa “ma trận” trang trại chăn nuôi
Trong những năm gần đây, từ phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm trong việc xả thải, các quy định chấp hành về bảo vệ môi trường. Tháng 8/2022, tại hồ chứa nước Khe Lang bất ngờ xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện quan trắc mẫu nước lòng hồ, mẫu cá và mẫu nước tại các dòng chảy về khu vực lòng hồ, đã xác định được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết là do nước trong lòng hồ bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cho rằng, chưa có cơ sở để khẳng định việc ô nhiễm này do nước thải của các trang trại chăn nuôi lợn xung quanh.
“Có thể do nước mặt hồ Khe Lang và các dòng chảy về khu vực hồ chịu sự tác động của nhiều hoạt động sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt dân cư, chăn thả trâu bò... và việc vệ sinh lòng hồ lâu ngày chưa được quan tâm”, trích văn bản kết luận của Sở TN&MT.
Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, chính quyền sở tại và ngành tài nguyên môi trường đã trực tiếp kiểm tra, xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường. Ngoài Công ty Khánh Giang, trang trại lợn của Công ty CP phát triển nông lâm Hà Tĩnh cũng bị xử phạt số tiền 60 triệu đồng vì qua kiểm tra mẫu nước thải tại vị trí cống thoát nước, xác định có thông số Coliform vượt 3,2 lần so với giới hạn cho phép. Trước đó, UBND huyện Can Lộc đã kiểm tra, xử phạt hai trang trại chăn nuôi quy mô hơn 1.000 con của các hộ dân Nguyễn Đình Thắng và Trần Tất Đạt trên địa bàn xã Phú Lộc, với tổng số tiền 55 triệu đồng về hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định.
Tuy vậy, theo phản ánh của người dân, sự vào cuộc này chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, chính quyền và cơ quan chức năng đang có dấu hiệu bao che, thờ ơ trong siết chặt hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ đến khi người dân chịu không thấu sự hôi thối, ô nhiễm, tập trung kéo đến trang trại gây sức ép thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, nhưng xong rồi đâu lại vào đấy, doanh nghiệp tiếp tục tra tấn người dân, bức tử môi trường sống.
Ông Nguyễn Sỹ Chương - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, huyện Can Lộc cho biết thêm, trên địa bàn có hồ chứa nước lớn, song phần lớn người dân lại thiếu nước sạch để sử dụng. Gần đây, trên địa bàn xã có thêm một số mỏ đất được cấp phép để phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam nên hằng ngày, bên cạnh mùi hôi thối từ các trang trại lợn mang lại, người dân còn phải chịu cảnh bụi mịt mù ngày nắng, đường sá nhão nhoẹt ngày mưa, khiến cho cuộc sống hết sức bất an, khốn đốn.
Trong khi đó, theo lãnh đạo công an huyện Đức Thọ, gần đây trên địa bàn có xảy ra tình trạng người dân tập trung đông người phản đối về việc một số trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm, phản đối việc quan ngại khi đặt nhà máy xử lý rác thải ở khu vực đầu nguồn hồ Khe Lang… nhưng chưa xảy ra vấn đề mất an ninh trật tự. Lực lượng công an đã có mặt kịp thời để hướng dẫn bà con khiếu nại đúng quy trình, tránh mất an ninh, trật tự; đồng thời tham mưu, phối hợp các cấp chính quyền kiểm tra, xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm để ổn định tình hình.
Trước tình trạng trang trại chăn nuôi bủa vây hồ đập và bức tử cuộc sống thường nhật của người dân ở khu vực hạ nguồn hồ Khe Lang, mới đây Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng đã có báo cáo và tham mưu UBND tỉnh này ban hành các văn bản về việc tăng cường công tác quản lý hồ đập, tài nguyên và môi trường nước mặt tại hồ chứa nước Khe Lang. Trong đó, yêu cầu các huyện Đức Thọ, Can Lộc tiếp tục theo dõi, rà soát kỹ các nguồn thải và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, chăn nuôi trong khu vực… có tác động trực tiếp, gián tiếp đến chất lượng nguồn nước hồ Khe Lang và kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trên địa bàn.
Đồng thời, tiến hành rà soát, yêu cầu chủ các trang trại chăn nuôi thực hiện hồ sơ môi trường, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi.