Bất bình đẳng giới: Nút thắt của thị trường lao động Hàn Quốc

Thứ Hai, 14/11/2022, 12:53

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải vật lộn với bài toán tìm nhân lực, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đang ở mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, có một nhóm lực lượng lao động mà nước này chưa khai thác hết do những vấn đề về bất bình đẳng giới: lao động nữ.

Từ giữa năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc duy trì ở mức thấp kỷ lục. Tình trạng thiếu lao động đã dẫn đến gia tăng tỷ lệ người cao tuổi - từ 60 tuổi trở lên - trong lực lượng lao động ở Hàn Quốc lên 58%. Khoảng 33,1% số người trong độ tuổi 70-74 vẫn đang làm việc, đứng đầu Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỷ lệ làm việc ở nhóm tuổi này và cao hơn nhiều so với mức trung bình 15,2% của tổ chức này. Nhưng cho dù như vậy cũng chưa đủ để giảm bớt tình trạng thiếu nhân công trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Bất bình đẳng giới: Nút thắt của thị trường lao động Hàn Quốc -0
Bất bình đẳng giới có thể cản trở tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Nguồn nhân lực bị quên lãng

Hàn Quốc hiện phải đối mặt cuộc khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh thấp kéo dài và tốc độ già hóa dân số nhanh. Tổng cục Thống kê Hàn Quốc dự báo dân số nước này sẽ giảm từ 51,8 triệu người năm 2020 xuống còn 37,7 triệu người vào năm 2070, trong đó số lao động sẽ giảm xuống còn 17 triệu người từ 37 triệu người hiện tại. Lao động nhập cư ngày càng đóng một vai trò quan trọng nhưng lại đang giảm sâu kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy kể từ đầu năm 2020, lượng lao động nước ngoài mới nhập cư hằng tháng ở nước này ở mức khoảng 35% mức của năm 2019.

Để đối phó với tình trạng khan hiếm lao động, nhiều công ty đã sử dụng tự động hóa để lấp đầy khoảng trống lao động. Ở một số nhà hàng, robot đã xuất hiện để chiên gà và giao thức ăn đến bàn cho khách, trong khi một số khác sẽ làm việc ở các nhà kho hay vận chuyển hàng hóa.

Thế nhưng, Hàn Quốc đang có trong tay một lực lượng lao động mà nước này chưa khai thác hết, đó là lao động nữ giới. Tính đến tháng 9/2022, chỉ có 55,1% phụ nữ Hàn Quốc trưởng thành tham gia lực lượng lao động, so với mức 73,7% của nam giới.

Một nguyên nhân của tình trạng này là do tình trạng bất bình đẳng đãi ngộ giữa hai giới trên thị trường lao động. Hàn Quốc ghi nhận sự khác biệt lên tới 31,1% giữa mức lương của nam giới và nữ giới, mặc dù có rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc được giáo dục tốt và năng động. Đây là khoảng cách lớn nhất trong số 38 quốc gia OECD.

Căn nguyên của vấn đề nằm ở việc phụ nữ Hàn Quốc vẫn bị hạn chế bởi các giá trị truyền thống sâu sắc trong chính sách, văn hóa doanh nghiệp và xã hội, khiến phụ nữ khó được hưởng mức lương phù hợp với trình độ học vấn và kỹ năng của mình. Văn hóa doanh nghiệp do nam giới thống trị đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước này.

Việc châu Á chú trọng nhiều đến các lĩnh vực chuyên sâu về sản xuất cũng là một nguyên nhân chính. Khoảng cách về việc làm do nam giới và nữ giới nắm giữ ở Hàn Quốc hiện nay tương đương với mức được thấy ở Mỹ trong những năm 1960 và 1970. Sự tham gia của lực lượng lao động nữ chỉ diễn ra ở Mỹ khi nền kinh tế của nước này chuyển sang định hướng đến các ngành dịch vụ và tri thức.

Gánh nặng gia đình cũng là một rào cản. Chuyên gia cho biết phụ nữ Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng gián đoạn sự nghiệp do gánh nặng chăm sóc con cái. Theo báo cáo về hoạt động kinh tế năm 2021, tỷ lệ phụ nữ độ tổi 35-39 có việc làm giảm từ 59,9% năm 2019 xuống 57,7% trong năm ngoái.

Thách thức chuyển đổi thị trường lao động

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ và các ngành công nghiệp cao cấp. Phụ nữ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển này. Họ đảm nhận vai trò cấp cao trong các lĩnh vực ngày càng thiết yếu như mỹ phẩm, dịch vụ trực tuyến, bán lẻ, giải trí và du lịch.

Thậm chí, nhiều công ty trong những lĩnh vực này được lãnh đạo bởi các nhà sáng lập nữ, trái ngược hoàn toàn với các ngành công nghiệp truyền thống. Một ví dụ điển hình là Sophie Kim, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ giao thực phẩm tươi sống trực tuyến Market Kurly, hiện đang chuẩn bị cho đợt Phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO), hoặc Kim So-hee, người thành lập thương hiệu mỹ phẩm và thời trang Stylenanda, sau đó bán doanh nghiệp này cho L’Oreal vào năm 2018.

Các công ty Hàn Quốc cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhiều nhân sự nữ hơn. Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lực lượng lao động, các công ty cần phải sẵn sàng điều chỉnh các chiến lược dài hạn về lao động và năng suất. Song song với đó, văn hóa doanh nghiệp cứng nhắc cũng cần được nới lỏng để tạo điều kiện việc làm linh hoạt hơn. Các sáng kiến về làm việc từ xa, được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, nếu được tiếp tục duy trì ngay cả sau đại dịch, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những phụ nữ có con nhỏ.

Sự sụt giảm nhanh chóng về nhân khẩu học của Hàn Quốc khiến bình đẳng giới giờ đây không chỉ là một vấn đề mang tính xã hội, mà còn là một thách thức nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn và năng suất lao động quốc gia. Nếu chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol có thể thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, đặc biệt trong bối cảnh các mô hình kinh tế công nghiệp của nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức cơ cấu cấp bách, cơ hội để Hàn Quốc chuyển đổi thị trường lao động vẫn rộng mở.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.