Bát nháo các giải chạy phong trào
Trong những năm gần đây, giải chạy phong trào bỗng nhiên trở thành trào lưu phổ biến tại nhiều địa phương trên khắp cả nước. Hàng loạt sự kiện chạy bộ mọc lên, thu hút đông đảo người tham gia, từ những người đam mê thể thao cho đến những người đơn thuần chạy theo phong trào.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ về số lượng, những vấn đề bất cập và hệ lụy xã hội mà các giải chạy phong trào này mang lại ngày càng trở nên rõ ràng.
Giải chạy như nấm mọc sau mưa
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và nhu cầu thể thao ngày càng cao, các giải chạy không chuyên dần trở thành một loại “trend” mới. Các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp, và thậm chí cả những cá nhân cũng tranh thủ tổ chức các giải chạy với nhiều mục đích khác nhau, từ gây quỹ từ thiện, quảng bá thương hiệu, thậm chí đơn giản chỉ là để giải trí.
Không thể phủ nhận lợi ích về sức khỏe và tinh thần mà chạy bộ mang lại. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ phong trào là việc thiếu kiểm soát chặt chẽ trong khâu tổ chức. Nhiều giải chạy bộ mọc lên một cách tự phát, không tuân thủ quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và cơ sở hạ tầng địa phương. Điều này không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân. Một số người tham gia chạy không tuân thủ quy định, lấn làn, vượt đèn đỏ, khiến tình hình giao thông trở nên hỗn loạn. Bên cạnh đó, tiếng hò reo, âm nhạc quá to trong các sự kiện chạy bộ cũng gây phiền nhiễu cho người dân sống gần khu vực diễn ra giải chạy.
Nếu như ngược trở lại 10 năm về trước, nói đến các cuộc thi marathon phong trào, người ta chỉ biết đến hai cuộc thi truyền thống là giải chạy báo Hà Nội Mới và giải việt dã báo Tiền Phong. Nhưng những năm gần đây, hầu như tháng nào cũng có một vài giải chạy.
Người người tham gia chạy, nhà nhà tổ chức giải chạy. Các tờ báo, các tờ tạp chí tổ chức giải vì có cơ hội tìm kiếm tài trợ, các ngân hàng tổ chức giải chạy để quảng bá thương hiệu và tăng số lượng người sử dụng ứng dụng (thông qua việc đăng ký tham dự).
Khi các giải chạy được tổ chức nhiều hơn, việc tham gia dễ dàng với đủ mọi cự ly, số lượng người dân tham gia nhiều hơn, thì nguồn thu từ phí tham dự cũng là một nguồn lợi đáng kể, đủ sức hấp dẫn các đơn vị tổ chức. Cơn sốt marathon cứ tăng nhiệt dần dần theo năm tháng.
Cho đến thời điểm này chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng các giải chạy bộ được tổ chức tại Việt Nam nhưng theo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, năm 2023 chỉ tính riêng các giải bán marathon, marathon, siêu marathon được tổ chức trên toàn quốc đã lên tới hơn 60 giải; gồm chạy đường bằng (road) cự ly thông thường từ 5km đến 42km và chạy điều kiện tự nhiên (trail) cự ly từ 15km đến 100km, các giải phong trào với cự ly ngắn hơn trong phạm vi nội đô, do các cơ quan, đoàn thể hoặc doanh nghiệp tổ chức nhân các sự kiện chính trị, xã hội. Riêng ba tháng đầu năm 2024 đã có trên 20 giải chạy được diễn ra. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh - thành phố lớn nhất cả nước với những giải chạy quy mô, một năm tổ chức trung bình 50 - 60 giải đấu ở các cấp độ khác nhau.
Tần suất dày đặc các giải chạy diễn ra liên tiếp từ tháng 9 đến tháng 12, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Đa phần giải chạy quy mô lớn sẽ tập trung ở những thành phố đông đúc dân cư. Những giải chạy thu hút hàng nghìn, đến hàng chục nghìn người tham gia, buộc các thành phố phải ngăn đường bảo vệ vận động viên.
Việc ngăn cấm hàng loạt các tuyến đường lớn trong vài tiếng đồng hồ ảnh hưởng đến phương tiện tham gia giao thông. Như gần đây nhất, tại Hà Nội, một giải chạy diễn ra vào rạng sáng 13/10, Ban Tổ chức đã phân luồng, ngăn xe hàng loạt các tuyến đường trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên..., khiến cho một số tuyến xe bus phải đổi đường, người dân tham gia giao thông trong sáng sớm liên tục quay xe, chật vật tìm các cung đường khác. Có những tuyến đường cấm xe 4, 5 giờ liên tiếp đến tận giờ cao điểm, gây ra ùn tắc giao thông trên diện rộng.
Ngày 28/7, tình hình giao thông ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình) cũng bị đảo lộn, gây bức xúc cho các tài xế, du khách bởi sự bất cập trong tổ chức phân luồng giao thông của giải chạy “Quang Binh International Marathon 2024”.
Ngày 13/4/2024, Giải chạy bộ đêm âm nhạc tại Cần Thơ gây bức xúc khi hơn 7.000 vận động viên tham dự giải phải chạy len lỏi giữa dòng xe cộ trong khung giờ tan tầm 18h-19h. Sự việc gây mất an toàn cho người thi đấu, cản trở việc tham gia giao thông của người dân địa phương - nơi diễn ra giải đấu.
Ngày 14/4, tại giải bán marathon Tây Hồ (Hà Nội), người dân thủ đô cũng không khỏi phiền lòng vì giao thông bị cản trở trên một số tuyến phố, trong đó có con đường huyết mạch Thanh Niên. Một người đàn ông bị đột quỵ khi tham dự giải chạy này.
Nhiều hệ lụy phía sau
Một trong những vấn đề nhức nhối của phong trào chạy bộ là hiện tượng lừa đảo. Nhiều giải chạy tự phát, không được cấp phép, không đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nhưng vẫn thu phí với giá cao. Nhiều người đăng ký nhưng không nhận được áo, huy chương, hoặc thậm chí sự kiện bị hủy mà không có thông báo và hoàn tiền.
Một số nhóm tổ chức đã lợi dụng lòng tin của những người yêu thích chạy bộ, lập các giải chạy ảo hoặc sự kiện không rõ ràng để trục lợi. Họ thu tiền từ việc bán vé, bán đồ lưu niệm nhưng lại không tổ chức sự kiện thực sự. Điều này khiến nhiều người mất niềm tin vào các sự kiện chạy bộ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến các phong trào thể thao chân chính.
Nhiều đối tượng đã thành lập các trang mạng xã hội mạo danh những giải marathon uy tín để lừa đảo như giải “Run For love” của Vietnam Airlines, giải chạy “Kids Run - Marathon”... Sau khi người dân đăng ký tham gia các giải chạy thường bị dẫn dụ lừa đảo bằng đường link hoặc qua ứng dụng Telegram. Đã có hàng trăm người bị mất từ vài chục cho đến vài tỷ đồng. Dù cơ quan Công an đã nhiều lần cảnh báo, nhưng hành vi lừa đảo bằng các giải chạy đang ngày càng tinh vi khiến nhiều người “tiền mất, tật mang”.
Mới đây, Công an TP Hà Nội đang điều tra, xác minh làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng dưới hình thức làm nhiệm vụ đăng ký giải chạy cho trẻ em.
Cụ thể, chị T. (trú tại Hà Nội) truy cập trang quảng cáo trên trang Facebook “Kids Run - Marathon” về giải chạy cho các bạn nhỏ từ 4 - 15 tuổi và gia đình.
Trang Facebook này thường xuyên đăng tải bài viết về cơ cấu giải thưởng cuộc thi với nội dung “toàn bộ chi phí quà tặng cho vận động viên xuất sắc sẽ được sử dụng để thêm vào chi phí cho chuyến đi từ thiện sau khi giải chạy kết thúc, là giải chạy vì đồng bào, chạy vì rừng xanh…”
Thấy đây là sân chơi hay, bổ ích cho con, chị T. đã nhắn tin đăng ký tham gia và được “Ban tổ chức” yêu cầu tham gia hoạt động khảo sát cho phụ huynh thì sẽ được tham gia xét duyệt chính thức vào nhóm hoạt động chung của phụ huynh để giao lưu, trao đổi.
Khi vào nhóm, chị được một “phụ huynh” nhờ thực hiện nhiệm vụ để giúp các nhà tài trợ giải chạy đẩy lượt bán sản phẩm. Sau 2 lần chuyển khoản với số tiền 850 nghìn đồng và 3 triệu đồng, chị nhận lại được đủ số tiền.
Tuy nhiên, ở các mức tiền cao hơn thì chị T. không nhận lại được và được các “phụ huynh” trong nhóm nhắn tin hỏi và trao đổi “cũng không nhận lại được tiền, nhưng sau khi thực hiện thêm nhiệm vụ thì được nhận lại đủ số tiền của cả 2 lần”.
Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chị T yêu cầu các phụ huynh kia gửi ảnh căn cước. Do thấy ảnh căn cước đáng tin cậy, chị tiếp tục chuyển 7 lần với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Lúc này chị không rút được tiền nên mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Không chỉ xuất hiện tình trạng lợi dụng các giải chạy để lừa đảo, tại nhiều giải chạy, việc nhiều vận động viên phải nhập viện cấp cứu vì sốc nhiệt, thậm chí bị đột quỵ, tử vong cũng là điều đáng lo ngại.
Chạy marathon là một môn thể thao đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật và sức bền ở mức cao. Dù vậy, môn thể thao này đang được truyền thông như một lối sống. Điều đó ít nhiều dẫn đến ngộ nhận ở nhiều người là chỉ cần thích chạy là tham gia. Nếu đã chạy được 5km thì đăng ký thử sức ở 10km và cao hơn. Với không ít người, tham gia các giải chạy marathon không hẳn là thể thao, mà là các cuộc chơi có thành tích, để kết nối cộng đồng, để giải trí…
Những mục đích đó đều là mục đích tốt, nhưng điều đáng tiếc là nhiều người vì vui mà quên mất những nguy cơ có thể gặp phải nếu bỏ qua các yếu tố an toàn cần thiết để theo một môn thể thao thành tích cao.
Những vụ đột quỵ lấy đi tính mạng của các “vận động viên” ở các giải marathon trong thời gian gần đây là những tiếng chuông cảnh báo.
Sáng 14/10, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tiếp nhận 3 người (gồm 2 nam 46 tuổi, 38 tuổi và 1 nữ, 19 tuổi) với chẩn đoán là bị ngất do gắng sức khi tham gia một giải chạy được diễn ra vào ban đêm tại TP. Hồ Chí Minh. Sáng 13/10, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 6 bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiệt rối loạn ý thức: lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu; xét nghiệm có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận. Qua khai thác nhanh, được biết 6 bệnh nhân đang tham gia giải chạy marathon.
Trước đó hình ảnh một thai phụ 29 tuần tuổi hoàn thành 5km trong một cuộc thi giải chạy bộ đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều người ca ngợi như một hình ảnh đẹp cho sự nỗ lực và tinh thần vượt qua mọi thử thách, tích cực vận động, luyện rèn của thai phụ, nhưng không ít người cho đó là sự truyền thông quá mức, vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ và thai nhi trong bụng. Hay vụ việc nam thanh niên sinh năm 1990 đột quỵ khi chạy gần đến vạch đích ở một giải chạy tại Hà Nội hồi tháng 4 cũng đã thu hút sự quan tâm và ý kiến của nhiều chuyên gia. Theo đó, nam thanh niên tham gia giải chạy có tiền sử mắc bệnh tim, rối loạn nhịp và việc quá sức trên đường đua đã khiến vận động viên này bị đột quỵ và tử vong.
Để các giải chạy phong trào thực sự mang lại giá trị tích cực, cần có sự quản lý và quy hoạch hợp lý từ phía cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ số lượng và quy mô của các giải chạy, đảm bảo việc tổ chức không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và giao thông đô thị. Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân tổ chức giải chạy cần nâng cao chất lượng tổ chức, đảm bảo an toàn cho người tham gia và đảm bảo mục tiêu của giải chạy được truyền tải một cách đúng đắn và ý nghĩa.
Người tham gia giải chạy cũng cần có ý thức hơn về sức khỏe của mình, tham gia một cách có chuẩn bị và khoa học, thay vì chạy theo phong trào một cách mù quáng. Các tổ chức có thể cung cấp thêm các buổi tư vấn về dinh dưỡng, tập luyện và cách phòng tránh chấn thương trước khi tham gia giải chạy.
Giải chạy phong trào, nếu được tổ chức và tham gia một cách khoa học, có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng và góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát và tổ chức đúng cách, những giải chạy này sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy không mong muốn cho xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và làm giảm đi giá trị thực sự của phong trào thể thao này.