Binance trong cơn dông tố

Thứ Tư, 07/06/2023, 22:47

Sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance đang trải qua những ngày giông bão. Vừa mới đây thôi mức chênh lệch giữa giá trị Bitcoin và BUSD (đồng tiền stablecoin do Binance và Paxos Trust đồng phát hành) đã nhảy lên mức $650.

Mức chênh lệch này chỉ có $20 tại thời điểm cuối tháng 4 vừa rồi. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang hùa nhau thoái vốn khỏi Binance, khiến cho giá trị BNB giảm đi trông thấy. Nhưng điều gì đã dẫn đến cuộc “tháo chạy” này?

Mập mờ

Hãng tin Reuters mới đây đã cho đăng tải một bài điều tra tố cáo Binance đã có hành vi mập mờ giữa doanh thu và quỹ tiền gửi của khách hàng. Người đứng ra tố cáo là một lãnh đạo cấp cao giấu tên của Binance. Người này cung cấp cho Reuters một số tài liệu cho thấy vào ngày 10-2-2021, Binance đã tráo đổi đổi 20 triệu USD từ tài khoảnh doanh thu với 15 triệu USD từ tài khoản tiền gửi của khách hàng.

Binance trong cơn dông tố -0
CEO Triệu Trường Bằng của Binance.

Hành động của Binance không chỉ phạm pháp mà còn đặc biệt nguy hiểm. Còn nhớ sàn tiền ảo lớn thứ hai thế giới FTX sụp đổ vì lấy tiền gửi của khách hàng đem cho vào tài khoản đầu tư của Alameda Research, một công ty kinh doanh vốn do CEO của FTX Sam Bankman-Fried thành lập. Ước tính khoảng 8 tỷ USD tiền gửi khách hàng FTX đã “bặt vô âm tín”. Sam Bankman-Fried đã thú nhận hành vi phạm pháp của mình, nhưng phiên tòa xét xử ban lãnh đạo FTX vẫn đang diễn ra.

Chưa hết, Binance thực hiện giao dịch này qua ngân hàng Silvergate. Silvergate từng là một trong những ngân hàng đầu tiên và thành công nhất trong việc cung cấp dịch vụ cho các sàn giao dịch tiền ảo. Vậy nhưng sự sụp đổ của FTX đã đẩy Silvergate đến chỗ phải tuyên bố giải thể và thanh lý tài sản vào tháng 3 vừa qua. Trong bối cảnh đó nhiều khả năng việc điều tra và thu hồi tài sản cho khách hàng của FTX sẽ gặp phải nhiều khó khăn.

Các phóng viên Reuters đã “lần ngược” từ những bằng chứng họ nhận được đến quỹ Binance Holdings, một công ty con của Binance đặt trụ sở ở quần đảo Cayman. Binance Holdings sở hữu tài khoản doanh thu xảy ra gian lận tại ngân hàng Silvergate. Thế nhưng trước khi tiền gửi khách hàng “chảy” vào tài khoản này, nó còn đi qua hai công ty khác: một ở Cayman mang tên Merit Peak, và một tại tại quốc đảo Seychelle tên là Key Vision Development. Ông chủ hai doanh nghiệp này không ai khác ngoài Triệu Trường Bằng, nhà sáng lập và là  CEO của Binance. Nói theo một cách khác, Key Vision Development và Merit Peak là công ty “ma” lập ra nhằm mục đích rửa tiền.

Ông John Reed Stark, nguyên Trưởng bộ phận giám sát tài chính trên Internet của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), nhận xét: “Khách hàng Binance chỉ có cách tìm đến kế toán viên chuyên về điều tra để tìm xem tiền của họ đã đi đâu... Binance tráo đổi tiền giữa các tài khoản nhiều khả năng để nhằm trốn thuế nước sở tại. Một động cơ khác có thể là Binance sợ rằng nếu để tiền trong tài khoản ngân hàng như bình thường thì khi có chuyện gì xảy ra, nhà chức trách có thể dễ dàng “đóng băng” tài sản của họ”.

Khi Binance mới thành lập vào năm 2017, tập đoàn này không hề làm ăn với bất kỳ ngân hàng nào. Theo Triệu Trường Bằng thì: “Tất cả các khách hàng của chúng tôi đều ký gửi bằng tiền ảo... Bạn càng có nhiều tiền truyền thống thì họ (chính quyền) lại càng dễ thao túng bạn”. Tuy nhiên sau khi Binance mở rộng phạm vi giao dịch ra thế giới, họ buộc phải cộng tác với các ngân hàng nhằm cho phép khách hàng ngoại quốc thanh toán bằng tài khoản ngân hàng của họ. Hầu hết các ngân hàng lớn từ chối làm ăn với Binance do các vướng mắc pháp lý liên quan đến crypto. Silvergate là một trong số ít ngân hàng làm điều ngược lại.

Binance thông qua công ty con Binance Holdings mở tài khoản tại Silvergate. Không lâu sau đó cả Key Vision Development lẫn Merit Peak cũng mở tài khoản tại Silvergate. Theo tài liệu mà hãng tin Reuters nhận được, chỉ có hơn một chục lãnh đạo cao cấp của Binance có thẩm quyền truy suất các tài khoản ở Silvergate của Binance, Merit Peak và Key Vision. Một cái tên đáng chú ý trong bản danh sách đó là Trần Quang Ấn, nhà đồng sáng lập BijieTech (tiền thân của Binance) cùng với Triệu Trường Bằng và người được cho là đang đứng đầu bộ phận quản lý nội bộ của Binance.

Samuel Lim, nguyên giám đốc bộ phận tư pháp của Binance và một trong các nhân chứng được hãng tin Reuters phỏng vấn, cho biết rằng ngay từ năm 2020 ban lãnh đạo Binance đã có động thái “đánh lạc hướng” các cuộc điều tra của giới chức Mỹ: “Mục tiêu lâu dài của Binance là giảm sự phụ thuộc vào các ngân hàng Mỹ... Tiền USD thừa (nghĩa là không có mục đích sử dụng ngay lập tức) trong những tài khoản của Binance Holdings và Key Vision sẽ được chuyển sang tài khoản của Merit Peak. Số tiền này sau đó lại được dùng để mua BUSD và các đồng tiền stablecoin khác. Chỉ trong vòng hai năm 2020-2021, Paxos Trust (nhà phát hành BUSD) đã chuyển cho Binance tổng cộng 18 tỷ USD đồng BUSD. Ước tính trong số BUSD trị giá 23 tỷ USD đang lưu hành trên thị trường toàn cầu, 90% nằm trong trong các ví điện tử do Binance quản lý. Nhà chức trách thành phố New York-nơi đặt trụ sở Paxos Trust-đã phải ra lệnh cho tổ chức tài chính này ngừng phát hành BUSD vì thiếu trách nhiệm trong việc quản lý rủi ro.

Tranh cãi và giằng co

Phóng sự điều tra của Reuters đến đúng lúc Binance đang phải đối mặt với cuộc điều tra do SEC tiến hành. Nhà chức trách Mỹ buộc tội Binance “cố ý làm sai lệch sổ sách” và “tìm cách lách luật công bằng tài chính”. Việc họ không làm rõ đâu là vốn của công ty, đâu là tiền gửi của khách hàng đang đặt các chủ tài khoản Binance vào tình thế cực kỳ nguy hiểm nếu như Binance gặp bất kỳ rủi ro kinh doanh nào.

Binance trong cơn dông tố -0
Nếu Binance bị xử lý theo luật pháp, ảnh hưởng đến thị trường Bitcoin toàn cầu khó mà ước lượng được hết.

Chủ tịch SEC Gary Gensler phát biểu: “Đa số các sàn giao dịch crypto làm ăn tại Mỹ không tuân thủ những quy định liên quan đến rạch ròi tài chính và bảo toàn tiền gửi của khách hàng. Mô hình hoạt động của họ dựa vào việc làm điều ngược lại”. Tuyên bố này đến sau khi SEC điều tra và cho tạm ngừng hoạt động một số sàn giao dịch crypto ở Mỹ sau sự sụp đổ của FTX.

Về phần mình, Triệu Trường Bằng phủ nhận tất cả các cáo buộc và gọi cuộc điều tra của SEC là “rất đáng đáng thất vọng”. Brad Jaffe, phát ngôn viên của Binance, có cùng quan điểm trên: “Các tài khoản tại Silvergate không phải là tài khoản nhận tiền gửi của khách hàng. Chúng tôi chỉ dùng chúng để làm trung gian mua bán crypto hộ khách hàng. 100% số tiền trong các tài khoản này là vốn của Binance. Tiền gửi của khách hàng chỉ được dùng để mua BUSD”.

Theo John Reed Stark thì lời giải thích của Binance không hợp lý: “Trong giai đoạn 2020-2021, Binance luôn nói rằng tuy tiền gửi của khách hàng sẽ được chuyển đổi thành BUSD để giao dịch trên thị trường, khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản ngược lại và rút tiền USD ra khỏi tài khoản. Điều này khiến khách hàng nhầm tưởng là tài sản của họ sẽ được bảo đảm như khi gửi tiền vào ngân hàng. Luật tài chính ở bất kỳ quốc gia nào cũng có những hình phạt đối với cách làm ăn “mập mờ” như thế”.

Ông John Stark cũng đề cập một vấn đề khác, đó là Binance đang hoạt động không khác gì một ngân hàng, nhưng lại không phải chịu các quy định như các ngân hàng. Nói theo một cách nào đó thì Binance và các sàn giao dịch tiền ảo khác đã “xuất khẩu” rủi ro sang các ngân hàng cộng tác với họ như Silvergate và Signature.

Binance trong cơn dông tố -0
Tòa nhà được cho là trụ sở của Binance tại thủ đô Vilnius của Litva.

“Câu chuyện” Binance không chỉ gói gọi tại Mỹ. Công ty con Bifinity (trước đây có tên là Binance UAB) đặt tại Litva cũng đang vướng vào rắc rối pháp lý. Nhà chức trách phát hiện ra trong khoản doanh thu 680 triệu euro của Bifinity vào năm 2021, họ chuyển cho Binance Holdings đến 420 triệu euro. Chưa hết, Litva cũng từng cảnh cáo Bifinity về việc cung cấp dịch vụ giao dịch trong khi chưa được cấp phép.

Tuy là sàn giao dịch tiền ảo hàng đầu thế giới nhưng Binance gần như không đóng một đồng thuế nào. Ví dụ như ở Pháp và Dubai, Binance vẫn chưa nộp thuế sau gần một năm mở chi nhánh tại các nước nào. Họ hoạt động tại Malta đã được hơn 5 năm nhưng cũng chưa nộp thuế. Nơi duy nhất mà Binance nộp thuế đáng kể là Litva trong năm 2022 Bifinity đã nộp vào kho bạc Litva 42,5 triệu euro.

Cách đây hơn một năm, quốc hội Litva bàn thảo dự luật thắt chặt quy định kiểm soát các sàn giao dịch tiền ảo tại nước này. Ông Saulius Galatiltis, nguyên giám đốc bộ phận đầu tư của Ngân hàng Trung ương Litva và nay là CEO Bifinity, đã lên tiếng phản đối dự luật trên: “Bifinity đang là một trong những công ty nộp nhiều thuế nhất ở Litva... Binance là tập đoàn đa quốc gia. Bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ muốn có các tập đoàn đa quốc gia nộp thuế địa phương nào”. Sau lời “cảnh cáo” này, dự luật nói trên đã được sửa đổi theo hướng “nhẹ nhàng” hơn.

Triệu Trường Bằng từng “úp mở” trên Twitter rằng nếu như Washington DC. tiếp tục thắt chặt các quy định tài chính và điều tra Binance, Binance sẽ có thể rời bỏ hoàn toàn thị trường Mỹ và tìm những “bến đỗ” khác an toàn hơn. Một bến đỗ tiềm năng vào thời điểm này là Anh quốc. Khi đương kim thủ tướng Anh Rishi Sunak còn là giám đốc Ngân khố Anh, ông đã cố gắng rất nhiều để ngân khố được phép phát hành đồng tiền ảo của riêng họ. Tuy ý tưởng này đã bị bác đi, nhưng Thủ tướng Sunak vẫn không từ bỏ tham vọng đưa crypto vào hệ thống tài chính London.

Nói vậy nhưng không có nghĩa là mọi chuyện đã an bài. Chỉ mới cách đây hơn hai tháng Binance đã phải ngừng mọi hoạt động rút và gửi tiền đối với khách hàng sống tại Anh. Lý do là bởi vì công ty thanh toán trung gian xử lý các hoạt động trên là Paysafe đang bị điều tra. Binance chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ động thái của London và chính phủ các quốc gia khác. Họ đang chịu tổn thất quá lớn do khách hàng lo lắng trước khả năng Binance bị đưa ra xử lý trước pháp luật. Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 3 vừa qua đã có hơn 2 tỷ USD các loại tiền ảo khác nhau trên nền tảng Ethereum được khách hàng Binance rút khỏi hệ thống. Sau đó trong cả tháng tư khách hàng lại rút ra tiếp tổng cộng 1 tỷ USD. Binance sẽ tìm mọi cách để chặn lại cuộc “chảy máu” khách hàng này.

Lê Công Vũ
.
.