Bình Ngô khai quốc công thần Phạm Văn Liêu: Sống vì nước, thác trợ muôn dân

Thứ Ba, 30/11/2021, 20:35

Tại thôn Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) hiện có di tích quốc gia Phần mộ và đền thờ danh tướng Phạm Văn Liêu (bậc khai quốc công thần thời Lê). Để tưởng nhớ công lao của danh tướng với xã tắc, hằng năm, Hội đồng họ Phạm ở Bắc Giang tổ chức tưởng niệm ngày mất của ông và ôn lại những chiến công hiển hách của một vị tướng có công lớn trong cuộc chiến chống ngoại bang.

Di vật còn lại

Ở trên núi Cấm ven dòng sông Thương, còn di tích phần mộ và đền thờ lưu niệm danh tướng lịch sử Phạm Văn Liêu, là nơi hậu duệ của tướng quân vẫn thường ngày nhang khói phụng thờ ông. Di tích này đã được xếp hạng cấp quốc gia nhưng ít ai biết rằng, có thời kỳ nằm trong tình trạng xiêu vẹo vì xuống cấp nghiêm trọng và đến năm 2013 mới được dòng tộc hưng công trùng tu vững chãi như hiện nay.

10.jpg -0
Khu tiền tế đền thờ Phạm Văn Liêu.

Để lại ấn tượng với chúng tôi (lớp hậu duệ họ Phạm) là lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những hiện vật, tài liệu, cổ vật thâm trầm được cất giấu bao nhiêu năm qua như: Sổ Hội đồng, bia đá, đồ thờ, 27 đạo sắc phong và hoành phi, câu đối, tàn lọng, cờ xí, kiệu rước, hòm tráp đựng giấy tờ của danh tướng và bát biểu thời Lê vẫn còn khá nguyên trạng.

Đặc biệt là cầu vai của tướng quân, yếm đào và đôi hài của công chúa Thiều Dương - Lê Thị Ngọc Khanh (con gái Vua Lê Thánh Tông lấy Phạm Đức Hóa là con trai Phạm Văn Liêu) được thêu tay rất tinh xảo...

Với dáng vẻ chất phác, đầy khắc khổ của một nông dân, ông Phạm Văn Côn (64 tuổi) hậu duệ đời thứ 19 của dòng họ Phạm hiện sống tại thôn Chùa tay run run bưng chiếc hòm cũ kỹ ngả màu thời gian rồi nhanh nhảu giới thiệu: “Tôi được dòng họ giao trọng trách nhang khói, trông nom đền thờ và phần mộ tướng quân. Ngày ấy cha giao lại cho tôi hòm này rồi bảo rằng, đây là áo mũ của tướng quân Phạm Văn Liêu và công chúa Thiều Dương có cách đây chừng 600 năm.

Trước khi mất, bố tôi còn dặn: “Mất tiền, mất gạo còn kiếm được chứ mất sắc phong thì không bao giờ có được nữa. Các con phải hết sức giữ gìn, đó là báu vật của dòng họ Phạm ta, vì thế bằng mọi giá con không được để thất lạc”.

Sống vì nước, thác trợ muôn dân -0
Sống vì nước, thác trợ muôn dân -0
Những trang phục của danh tướng Phạm Văn Liêu.

Thấm nhuần lời dạy ấy của thân phụ, ông Côn đã gìn giữ báu vật gia truyền một cách thận trọng suốt ngần ấy năm và không phải ai cũng được ông mở cho xem hòm này. Trước đây, hòm quần áo, sắc phong để tại đền thờ, nhưng phần vì sợ mất, phần lo bảo quản không tốt nên từ năm 1960, ông Côn đưa về nhà riêng cất giữ ở nơi trang trọng.

Những năm chống Mỹ, đạn bom bắn phá dữ quá nên cả làng phải bỏ xứ chạy sơ tán khắp nơi và trong hành trình ấy ông Côn luôn giữ khư khư chiếc hòm bên mình như những báu vật gia bảo được truyền từ đời này sang đời khác.

Ở một chiếc thùng gỗ khác là 28 sắc phong niên đại sớm nhất từ thời Lê Lợi, trong đó ghi chép khá chi tiết về công lao của Phạm Văn Liêu. Tuy nhiên đáng tiếc là “lưỡi hái” thời gian đã làm cho một số sắc phong bị hoen ố, có sắc bị mối xông nham nhở.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm, trang phục của tướng quân tuy một số đã bị mục nhưng vẫn còn bộ khá nguyên vẹn với họa tiết, hoa văn cầu kỳ và quý hiếm, nhưng chỉ e rằng nếu không được quan tâm gìn giữ bằng những phương pháp khoa học, rất có thể những gia bảo này sẽ chỉ còn trong những bức hình và ký ức của nhiều người. 

Kể về cuộc đời tướng quân Phạm Văn Liêu, ông Côn thuộc vanh vách bởi trong nhà ông đang giữ cả những bộ hồ sơ, lý lịch mà cách đây hơn 20 năm các cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã về dịch thuật từ bia đá, sắc phong ra tiếng Việt. Tìm về quá khứ, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Bắc Giang đã tra cứu, tìm hiểu khá kỹ về Bình Ngô khai quốc công thần Phạm Văn Liêu.

Theo đó, ông là con Đô đốc đồng tri Phạm Văn Thánh, ở thôn Nguyên Xá, xã hương Lam Sơn, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoá. Ông là vị tướng tài, có công giúp Vua Lê Lợi đánh bại nhiều đợt tấn công xâm lược của nhà Minh (thế kỷ XV). Lê Lợi đã cử ông về Bắc Giang cùng với các tướng Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Lê Vấn… tổ chức vây đánh và hạ thành Xương Giang.

Trong đại chiến tiêu diệt viện binh nhà Minh trên chiến trường Xương Giang, Phạm Văn Liêu chỉ huy một đạo quân mật phục ven bờ sông Thương (vùng Xuân Hương, Mỹ Thái, huyện Lạng Giang ngày nay) rồi đồng loạt tổng công kích tiêu diệt và bắt sống hơn 7 vạn viện binh nhà Minh vào cuối năm 1427.

Tháng 10-1427, Lê Lợi đại phá quân Minh, phát truyền “Đại Cáo Bình Ngô”, mở tiệc khải hoàn phong thưởng cho quân sĩ và ghi trong Sổ Hội đồng để truyền lại muôn đời cho con cháu được hưởng lộc đất nước. Phạm Văn Liêu được phong Bình Ngô khai quốc công thần, chức vụ Tả sa kỵ Đại tướng quân và được nhà Lê chính thức đưa vào tập Sổ hội đồng.

Sổ Hội đồng cho biết: Phạm Văn Liêu đứng thứ 89 trong số 122 tướng lĩnh của Lê Lợi. Đến đời Vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 15), ông được tặng danh hiệu Đô đốc Khang ngũ hầu, Thái úy Khang quốc công và cấp nhiều thực ấp ở xứ Kinh Bắc (nay gồm Bắc Giang, Bắc Ninh) và sinh cư lạc nghiệp tại xóm Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang. Ngày 5 tháng 9 năm Diên Ninh thứ 4 (1457), Phạm Văn Liêu tạ thế, mộ phần đặt tại thôn Chùa. Ông được xem là thủy tổ họ Phạm tại vùng Lạng Giang ngày nay.

Trăm năm đá nát vàng phai

Theo các hồ sơ ghi chép về di tích đền thờ Phạm Văn Liêu thì ông có hai người con (một trai, một gái). Người con gái được tuyển vào cung sau được phong làm Minh Phi. Sách Đại Việt thông sử do Lê Quý Đôn cho biết: Phạm Minh Phi (vợ Vua Lê Thánh Tông). Bà được tuyển vào cung ngày Mậu Ngọ tháng 7 niên hiệu Quang Thuận thứ 2 (1461). Tháng 9 ngày Đinh Mùi được phong Tiệp dư. Ngày Nhâm Dần, niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1465) được thăng Tu viên.

Sống vì nước, thác trợ muôn dân -0
Đôi hài của công chúa Thiều Dương.

Ngày Quý Sửu tháng 6 năm Hồng Đức thứ 2 (năm 1471) thăng làm Chiêu viên. Ngày Bính Dần tháng 11 năm 1477 tiến phong là Minh Phi được ở cung Thụy Đức. Năm 1497, Vua Thánh Tông mất. Năm Cảnh Thống thứ nhất (1498) vì bà là cung phi triều trước nên phụng sự ở cung Thiên An không bao lâu thì bị bệnh. Ngày Giáp Ngọ tháng 9 bà mất, thọ 50 tuổi được vua ban số tiền an ủi là 27 vạn và sai người mang về an táng ở cánh đồng Linh Hòa thuộc huyện Lạng Giang.

Sống vì nước, thác trợ muôn dân -0
Yếm đào của công chúa.

Tỉnh Bắc Giang có 15 ngôi đình thờ cha con Phạm Văn Liêu và công chúa Thiều Dương làm Phúc thần hoặc Thành hoàng. Riêng tổng Tri Lễ, huyện Bảo Lộc xưa (nay thuộc 4 xã: Dương Đức, Xuân Hương, Tri Lễ, Tân Thanh của huyện Lạng Giang) có 8 làng/xã tôn thờ và vẫn lưu giữ sắc phong, bài vị tôn thờ ba vị, đó là các xã: Chuyên Mỹ, Chí Mỹ, Đại Mãn, Xuân Mãn, Hương Mãn…

Thành phố Bắc Giang nay đã có tên đường mang tên Phạm Văn Liêu chạy dọc giữa làng Thành - làng Vẽ (phường Thọ Xương và phường Xương Giang), nơi ghi dấu chiến công của danh tướng Phạm Văn Liêu trong trận công đồn Xương Giang oanh liệt mùa thu năm 1427.

Mỗi khi trở lại nơi đây, trong chúng tôi lại vang vọng câu: “Lạng Giang, Lạng Sơn thây chết đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước/ Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi/ Thảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ…” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)”.

Người con thứ hai của Phạm Văn Liêu là Phạm Đức Hóa, được vinh phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tư Đô kiểm điểm, tước Hoa Phong bá (sau được tặng Hoa Phong hầu) được kén làm Phò mã. Phạm Đức Hóa lấy con gái thứ 8 của Vua Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế là Thiều Dương công chúa. Như vậy, Phạm Đức Hóa vốn là em vợ, sau được kén làm con rể (phò mã) của đức vua Lê Thánh Tông.

Sống vì nước, thác trợ muôn dân -0
Ông Phạm Văn Côn bên sắc phong tại đền thờ Phạm Văn Liêu.

Còn người cha Phạm Văn Liêu vừa là bố vợ vừa là thông gia của vị hiền vương này. Khi an cư lạc nghiệp trên phần đất được phân phong gia đình họ Phạm đã trở thành một gia đình có thế lực ở xứ Kinh Bắc. Hiện cũng nằm trên địa phận xã Xuân Hương có đền Từ Mận là nơi thờ công chúa Thiều Dương (con gái Vua Lê Thánh Tông và là con dâu Phạm Văn Liêu).

Trong số các tướng lĩnh thời Lê Lợi còn không nhiều những nơi thờ và kỷ vật quý như ở đền Phạm Văn Liêu, bao nhiêu năm dường như bị quên lãng, đến nay hậu duệ họ Phạm tại vùng Kinh Bắc đã có nhiều hoạt động hướng về nơi đây để tri ân người anh hùng lịch sử, bậc tiền nhân cái thế.

Hồng Nguyễn
.
.