Bỏ cọc đấu giá: Cần chế tài đủ sức răn đe
Trả giá hàng chục tỉ đồng rồi bỏ cọc, các đại gia kín tiếng đang khiến cho nhiều người lắc đầu ngán ngẩm vì trò đấu giá ảo, lấy mác tự đánh bóng tên tuổi nhưng thực chất giàu có cỡ nào thì không ai biết. Thế nhưng hành vi bỏ cọc không chỉ gây tốn kém về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội của người thực sự có nhu cầu, bởi vậy cần có chế tài đủ mạnh để răn đe.
Liên tiếp bỏ cọc
Thời gian qua, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá biển số xe định danh số đẹp, thu về nguồn lợi lớn cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là cơ hội để người dân sở hữu được biển số đẹp theo nhu cầu, sở thích của mình.
Thế nhưng bên cạnh những người thực sự có nhu cầu đã đấu giá thành công biển số mình yêu thích thì không ít những kẻ tận dụng các cuộc đấu giá này làm trò vui chơi, giải trí, đánh bóng tên tuổi. Trong phiên đấu giá ngày 15/9/2023, nhiều người choáng váng vì mức độ chịu chơi của một đại gia khi trả giá biển số 51K - 888.88 với giá cao nhất 32,34 tỉ đồng và biển số 30K-567.89 trị giá 13,075 tỉ đồng.
Ngay trong ngày hôm đó, thông tin về vị đại gia được tìm kiếm khắp các diễn đàn, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Thế nhưng không ai biết vị đại gia này là ai, kinh doanh lĩnh vực gì, chỉ biết là người Thanh Hóa. Trên facebook cá nhân của vị này cũng không có thông tin gì nổi bật. Thi thoảng, vị đại gia này đăng hình ảnh khoe tiền, khoe vàng và hình ảnh cá nhân, thế nhưng tuyệt nhiên không ai biết gì về vị đại gia này. Và sau rất nhiều ngày tìm kiếm trong vô vọng, nhiều người bắt đầu nghi ngờ vị đại gia này chỉ trả giá ảo vì 32,34 tỷ đồng là con số khủng khiếp và là một mức giá vượt ra khỏi mọi dự đoán. Việc bỏ ra gần 1,5 triệu USD chỉ để sở hữu một biển số xe đẹp cũng khiến những dân chơi biển số xe thứ thiệt phải “ngả nón” thán phục.
Trước đó, dựa vào giá thị trường của biển số ngũ quý hiện tại, một số người tham gia đấu giá dự đoán biển số 51K-888.88 có giá khoảng 20 tỷ đồng nên với việc trúng giá 32,34 tỷ đồng, nhiều cư dân mạng đã bắt đầu đặt ra nghi vấn khả năng vị đại gia này bỏ cọc rất cao, nhất là khi thông tin chủ nhân của biển số 51K - 888.88 và 30K-567.89 vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính được lan truyền. Quả thật, ngày 11/10/2023, trên trang đấu giá của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam niêm yết các biển số xe ôtô chuẩn bị được đưa ra đấu giá thì xuất hiện cả hai biển số này, và như vậy đủ thấy, vị đại gia ẩn danh kia đã bỏ cọc. Không chỉ hai biển số này bị bỏ cọc mà có thêm 4 biển số khác cũng bị các đại gia “ảo” bỏ cọc là 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng), 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỉ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỉ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỉ đồng).
Trước đó, vào ngày 22/7/2023, Công an thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) phối hợp với Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh (có trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh) tổ chức phiên bán đấu giá 32 chiếc xe máy cũ đã qua sử dụng, là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
32 chiếc xe máy cũ được đưa ra bán đấu giá đa phần là những dòng xe như: Ducati 999S (được sản xuất tại Ý vào năm 2003); Suzuki RGV120 (mẫu xe máy côn tay ra mắt tại Việt Nam năm 1997, nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản); Suzuki Satria 120 (mẫu xe máy mang động cơ 2 thì của Nhật Bản, sản xuất tại Indonesia lần đầu năm 1998)…
Giá khởi điểm 32 chiếc xe máy cũ là 68,3 triệu đồng và tiền đặt cọc là 10 triệu đồng. Người tham gia đấu giá sẽ trả mỗi bước giá là 500 nghìn đồng bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp.
Trải qua 3 vòng đấu với 122 người đứng đơn tham gia, lô xe máy cũ bất ngờ được một người ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đấu lên tới 6,8 tỉ đồng, gấp 100 lần giá khởi điểm và trúng đấu giá. Đây cũng là mức giá đã gây choáng váng cho những người tham dự phiên đấu giá và khiến dư luận ở Hà Tĩnh xôn xao. Nhiều người đặt câu hỏi, không hiểu vì sao chủ nhân của 32 chiếc xe này có thể trả giá mạnh mẽ như thế bởi thực tế, 32 chiếc xe máy cũ không có gì đặc biệt, thậm chí nhiều chiếc xe chỉ thuộc hàng “đồng nát” vì đã hư hỏng gần như toàn bộ, dù là những loại xe thuộc hàng “đồ cổ” được săn lùng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Thế nhưng đó cũng chỉ là cách làm màu, đánh bóng tên tuổi của vị đại gia này, bởi đến thời điểm hiện tại, người này đã bỏ cọc vì cho rằng số tiền quá lớn so với giá trị thực tế của lô xe máy cũ được định giá vài chục triệu đồng. Hiện Công an thị xã Hồng Lĩnh đang làm thủ tục để đưa ra đấu giá lại 32 chiếc xe cũ này.
Cần chế tài xử phạt
Theo quy chế, giá khởi điểm của một biển số là 40 triệu đồng, mỗi bước giá 5 triệu đồng. Người tham gia đấu giá cần đặt trước 40 triệu đồng cho mỗi biển số muốn tham gia và 100.000 đồng phí hồ sơ.
Nghị định số 39/2023/NĐ-CP quy định, trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển số ô tô của người tham gia.
Đồng thời, những trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Số tiền này được trừ số tiền đặt cọc trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả tiền đặt trước 40 triệu đồng trong vòng 3 ngày.
Sau khi đã nộp đủ tiền trúng đấu giá, người trúng đấu giá biển số xe sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình.
Cũng theo Nghị định số 39/2023/NĐ-CP, nếu người trúng đấu giá biển số xe không thanh toán số tiền còn lại trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử phạt đối với những trường hợp trúng đấu giá biển số xe nhưng không nộp tiền.
Tuy nhiên có thể thấy, bỏ cọc đấu giá biển số xe xảy ra sẽ kéo theo không ít hệ lụy, gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc cho những người có nhu cầu thực lẫn cơ quan chức năng và tổ chức liên quan. Bởi để tổ chức một phiên đấu giá biển số xe ô tô được diễn ra một cách nghiêm túc thì cần chuẩn bị rất nhiều khâu và đầu tư về cả nhân lực lẫn chi phí. Từ việc bố trí lực lượng để giám sát quá trình đấu giá đến đầu tư chi phí vận hành phần mềm, đường truyền và hạ tầng liên quan.
Do đó, nếu người trúng đấu giá biển số xe ô tô bỏ cọc thì đồng nghĩa với việc phải tổ chức lại phiên khác để đấu giá lại biển số đó. Và số tiền đặt cọc liệu có bù được những chi phí đã bỏ ra cho một lượt đấu giá hay không? Bên cạnh đó, việc đẩy giá lên thật cao, chốt được giá, được biển rồi “bùng” cọc còn gây mất thời gian, công sức và lấy mất cơ hội của những người thực sự có nhu cầu cũng tham gia trong phiên đấu giá đó, thậm chí sẽ khiến họ chán nản không muốn tham gia những lần sau.
Nếu ai cũng tham gia đấu giá biển số xe và trúng đấu giá rồi bỏ cọc, sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, gây tác động tiêu cực và làm méo mó, nhiễu loạn hoạt động đấu giá. Bài học nhãn tiền về vụ bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn còn đó: “hét giá” thật cao và chốt giá “vô tội vạ” nhằm đẩy giá đất trong khu vực để bán thu lời từ những khu đất đã mua. Việc bỏ cọc biển số xe đấu giá chẳng khác các vụ bỏ cọc đất, bởi giá biển số xe được chốt ở mức không tưởng sẽ làm “mồi” cho biển số xe khác tăng giá hoặc rao bán với mức giá chênh so với giá trúng từ đơn vị tổ chức.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), mặc dù Luật đấu giá tài sản năm 2016 ra đời đã góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản trong thời gian trước, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, giúp hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Về quy trình, thủ tục tổ chức đấu giá đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ, song vẫn còn những kẽ hở khiến một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Nổi bật trong số đó là tình trạng người đấu giá trả giá rất cao nhưng sau đó bỏ cọc, điều này gây nhiễu loạn thị trường.
Thực trạng này đã tồn tại trong hoạt động đấu giá từ trước đến nay, trong các loại tài sản được đưa ra đấu giá theo quy định tại Điều 4 Luật đấu giá tài sản năm 2016. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, do giá trị tiền cọc không cao, do không muốn người khác mua được tài sản, do các đối tượng cố tình phá cuộc đấu giá, đôi khi nguyên nhân cũng có thể là từ phía công ty đấu giá như cố tình muốn cuộc đấu giá có tỷ lệ chênh giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm cao để làm tiêu chí cạnh tranh với các tổ chức đấu giá khác trong hồ sơ năng lực của mình. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên vẫn diễn ra liên tục. Theo quy định, tiền đặt trước được tổ chức đấu giá tài sản thu, khoản tiền này do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Trong trường hợp khách bỏ cọc thì chế tài cho hành vi này là đối tượng sẽ mất cọc, tiền cọc này sẽ thuộc về chủ tài sản hoặc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, chỉ trông chờ vào ý thức của người tham gia đấu giá là chưa đủ, mà cần có những biện pháp mang tính cứng rắn hơn, bổ sung thêm các chế tài xử phạt mạnh hơn, răn đe hơn, sửa đổi Luật đấu giá phù hợp với thực tại như: Thứ nhất, các địa phương, các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Thứ hai, cần phải rà soát và hoàn thiện hơn nữa các quy định về đấu giá tài sản. Theo đó, các quy định pháp luật cần phải đảm bảo được việc xác định giá khởi điểm sát hơn với giá thị trường, điều kiện về năng lực, đặc biệt là các điều kiện về uy tín và năng lực tài chính, trách nhiệm đối với việc thực hiện dự án của chủ đầu tư cần phải được quy định chặt chẽ hơn. Tăng khoản tiền đặt trước đối với những tài sản có giá trị nhỏ.
Thứ ba, bổ sung chế tài cấm các đối tượng có hành vi bỏ cọc tham gia đấu giá hoặc tham gia đấu giá tài sản đã bỏ cọc trong khoảng thời gian nhất định. Từ đây sẽ hạn chế được tình trạng nhất định ở những cuộc đấu giá tiếp theo.
Thứ tư, bổ sung thêm chế tài phạt đối với các đối tượng có hành vi bỏ cọc. Bởi khi tổ chức đấu giá, tổ chức đấu giá và chủ tài sản sẽ phải bỏ ra khoản chi phí nhất định để tiến hành cuộc đấu giá. Theo đó, ngoài khoản tiền cọc đã nộp, cần bổ sung thêm chế tài phạt đối với những đối tượng này để hạn chế gây tổn thất cho chủ tài sản và tổ chức đấu giá;
Thứ năm, việc bỏ cọc cũng có thể do nhiều nguyên nhân, đôi khi là từ phía các tổ chức đấu giá đã dàn xếp để nhằm cho mục đích của mình như cố tình muốn cuộc đấu giá có tỷ lệ chênh giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm cao để làm tiêu chí cạnh tranh với các tổ chức đấu giá khác trong hồ sơ năng lực của mình. Trong trường hợp phát hiện hoặc có dấu hiệu của hành vi này, cần xử lý mạnh đối với các tổ chức đấu giá, tạm đình chỉ hoạt động để làm gương cho các tổ chức đấu giá khác.