Bơi lội Việt Nam sau SEA Games 32: Phía trước là đại dương xanh

Thứ Tư, 17/05/2023, 14:58

Không hoàn thành chỉ tiêu đề ra ở SEA Games 32, nhưng đội tuyển bơi Việt Nam đã có những màn trình diễn xuất thần đem lại nhiều hy vọng cho tương lai. Có lẽ chưa bao giờ bơi lội Việt Nam lại có dàn vận động viên giàu tiềm năng và đồng đều đến vậy, và phía trước tất cả là một đại dương xanh đầy chờ đợi, với mục tiêu lớn nhất sau SEA Games 32 là ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024.

Hy vọng nảy mầm từ khó khăn

Tại Olympic Tokyo 2020, bơi Việt Nam có hai tuyển thủ góp mặt là Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Thị Ánh Viên, nhưng cả hai đều không gây được bất ngờ tại đấu trường này. Đây là kết quả đã được dự báo từ trước. Không chỉ Việt Nam, mà các kình ngư châu Á cũng khó lòng chen chân vào nhóm tranh huy chương tại các kỳ Thế vận hội mùa hè.

Bơi lội Việt Nam sau SEA Games 32: Phía trước là đại dương xanh -0
Bơi lội Việt Nam vẫn chưa có “Ánh Viên mới”.

Đơn cử ở nội dung 800m và 1.500m sở trường của Nguyễn Huy Hoàng. Không có kình ngư nào ở châu Á sánh kịp thành tích của “Rái cá sông Gianh” ở Tokyo 2020, nhưng anh thậm chí không giành nổi một suất vào bơi chung kết.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Ánh Viên vốn xuống phong độ và chịu đựng áp lực lớn về tinh thần. Kình ngư có thể xem là nổi tiếng và thành công nhất lịch sử bơi lội Việt Nam này chỉ đến Tokyo với tinh thần “vượt qua chính mình”.

Giống như các môn thể thao Olympic khác, đạt chuẩn tham dự đã là một thành công lớn với các kỳ ngư Việt Nam. Tranh huy chương giống như nhiệm vụ bất khả thi. Bà Vũ Thị Sen - huy chương vàng  (HCV) Đại hội thể thao các quốc gia mới nổi châu Á (GANEFO) 1966, chuyên gia bơi lội cho rằng ngay cả Trung Quốc còn vất vả cạnh tranh thì các kình ngư Việt Nam còn còn phải đối đầu với những khó khăn lớn nhường nào.

Bà Vũ Thị Sen nhấn mạnh: “Tại Olympic Tokyo 2020, Ánh Viên không còn là chính mình, Huy Hoàng thì không đạt được kỷ lục cá nhân. Tất nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện tập luyện và phong độ của các kình ngư này. Điều quan trọng là từ các kết quả tại Tokyo, người ta đánh giá chính xác hơn điểm mạnh của các vận động viên. Ánh Viên thì không nói đến, bởi lẽ cô ấy đã giải nghệ. Nhưng Huy Hoàng thì vẫn còn trẻ, và cậu ấy cho thấy bản thân phù hợp với các cự ly dài hơn. Đó chính là hướng phát triển mà Huy Hoàng nên theo đuổi”.

Một năm sau Tokyo 2020, SEA Games 31 diễn ra tại Hà Nội đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của bơi lội Việt Nam. Nguyễn Thị Ánh Viên chính thức từ giã sự nghiệp, nhưng tuyển bơi Việt Nam vẫn xuất sắc giành 11 HCV - thành tích tốt nhất lịch sử của đội trong lịch sử tham dự SEA Games.

Việt Nam vẫn thua xa Singapore (21 HCV) nhưng bỏ xa phần còn lại. Điều đáng nói, 11 HCV của bơi Việt Nam đều đến từ các kình ngư nam, bao gồm Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Phạm Thanh Bảo…

Bơi lội Việt Nam sau SEA Games 32: Phía trước là đại dương xanh -0
Phạm Thanh Bảo thay đổi chiến thuật để hướng đến Olympic.

Kịch bản này lặp lại một lần nữa ở SEA Games 32 tại Campuchia. Không còn lợi thế sân nhà và bị cắt bớt một số nội dung sở trường - điển hình là bơi 800m tự do mà Nguyễn Huy Hoàng vốn “vô đối”, tuyển bơi Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu đề ra khi chỉ giành 7 HCV (kém chỉ tiêu 1 HCV). 100% HCV của Việt Nam đến từ các nội dung dành cho nam. Đặc biệt, các kình ngư dính chấn thương ở Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc cuối năm 2022 như Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo đều hồi phục mạnh mẽ và giành các chiến thắng vang dội tại Campuchia.

Trên bảng tổng sắp bơi lội toàn đoàn, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore nhưng vẫn tạo ra khoảng cách đáng kể với Thái Lan và Indonesia. Hơn nữa, tuyển bơi Việt Nam thua xa tổng số HCV của Singapore (7 so với 22), nhưng nếu chỉ tính các nội dung nam, chúng ta chỉ kém Singapore đúng 1 HCV (7 so với 8). Sự chênh lệch giữa đội nam và đội nữ bơi lội Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi lẽ hầu hết các kình ngư nữ đều còn rất trẻ và đang trong giai đoạn “ươm mầm”.

Phía trước là đại dương xanh

Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để tìm kiếm một Nguyễn Thị Ánh Viên mới, nhưng các kình ngư nam đã có bước tiến vượt bậc để khẳng định vị thế ở đấu trường khu vực. 7 huy chương vàng của tuyển bơi Việt Nam do công của Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo (mỗi người 2 HCV cá nhân), cùng 1 HCV tiếp sức 4x200m tự do (Hưng Nguyên, Kim Sơn, Huy Hoàng, Quý Phước).

Bơi lội Việt Nam sau SEA Games 32: Phía trước là đại dương xanh -0
Huy Hoàng tính điểm rơi phong độ cho các giải đấu lớn.

Trong đó, Phạm Thanh Bảo gây ấn tượng mạnh khi phá kỷ lục SEA Games ở cả 2 nội dung 100m và 200m bơi ếch. Cho dù lỡ hẹn hat-trick khi sa sút phong độ ở nội dung cuối cùng - 50m bơi ếch, nhưng kình ngư 22 tuổi này đã có bước tiến lớn để hướng đến đấu trường châu lục và Olympic. Theo tiết lộ của Phạm Thanh Bảo, ban huấn luyện đã yêu cầu anh chuyển hướng tập trung dồn sức vào 2 nội dung 100m và 200m bơi ếch để tiến xa hơn.

Câu chuyện của Nguyễn Huy Hoàng lại hoàn toàn khác. Kình ngư số 1 Việt Nam hiện tại đã giảm một nửa HCV so với 1 năm trước vì các lý do cả khách quan lẫn chủ quan. Về mặt khách quan, Huy Hoàng đã thua nội dung sở trường 200m bơi bướm vì lịch thi đấu liền kề sau nội dung 400m tự do. Không rõ vì lý do gì, ban tổ chức môn bơi SEA Games 32 đã xếp chung kết hai nội dung này cách nhau đúng 10 phút. Sau khi giành HCV 400m tự do, Huy Hoàng chỉ có hơn 5 phút để hồi phục, chuẩn bị cho nội dung 200m bơi bướm và như thế là không đủ để anh tạo ra kỳ tích như Nguyễn Thị Oanh ở môn điền kinh.

Về mặt chủ quan, thành tích của Nguyễn Huy Hoàng đều giảm sút so với chính anh. Giải thích về điều này, huấn luyện viên Hoàng Vũ cho biết Huy Hoàng chọn điểm rơi phong độ cho ASIAD 19 diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc và SEA Games 32 chỉ giống như bước khởi động của kình ngư này. Ông khẳng định đây không phải điều đáng ngại, bởi lẽ các tay bơi ở độ tuổi như Nguyễn Huy Hoàng hay Phạm Thanh Bảo đều chưa phát triển kịch trần.

Bơi lội Việt Nam sau SEA Games 32: Phía trước là đại dương xanh -0
Nguyễn Thúy Hiền là một niềm hy vọng khác của bơi Việt Nam.

Tương tự như vậy, niềm vui của Trần Hưng Nguyên cũng không trọn vẹn cho dù anh là người duy nhất của tuyển Việt Nam lập hat-trick HCV. Lý do vì Hưng Nguyên bất ngờ mất chức vô địch nội dung 200m bơi ngửa vào tay thần đồng Thái Lan, Kanteemool Tonnam cho dù cải thiện thành tích so với SEA Games 31. Kình ngư 20 tuổi của Việt Nam về đích sau 2 phút 01,34 giây, nhanh hơn năm ngoái (2 phút 01,58 giây), nhưng kém Kanteemool Tonnam (2 phút 01,29 giây) vài tích tắc. Tuy nhiên, đây không phải thất bại khiến ban huấn luyện tuyển bơi Việt Nam quá lo lắng, bởi lẽ Hưng Nguyên vốn dính chấn thương trước thềm SEA Games 32. Nếu giữ được đà tiến bộ hiện tại, chàng trai quê Quảng Bình hoàn toàn có thể nghĩ về tấm vé thông hành đến Olympic Paris 2024.

Ngoài ra, bơi lội Việt Nam còn một nhân tài khác đầy hứa hẹn, đó là Nguyễn Quang Thuấn. Cho dù không giành HCV nào ở SEA Games 32 vì các đàn anh quá xuất sắc, nhưng em trai của Ánh Viên cũng có màn trình diễn đáp ứng kỳ vọng của ban huấn luyện, đặc biệt ở nội dung 400m hỗn hợp mà anh chỉ thua Hưng Nguyên. Ở tuổi 17, Quang Thuấn vẫn còn chặng đường dài phía trước để tỏa sáng, nhất là khi anh nằm trong danh sách được đầu tư trọng điểm.

Đó chính là lý do tại sao tuyển bơi Việt Nam có thể ngẩng cao đầu về nước dù không hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Cần biết rằng chỉ có khoảng 25% số HCV của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đến từ các môn thể thao tuyến một Olympic, và trong đó, có đến 35% thuộc về môn bơi. Các kình ngư nam của Việt Nam không chỉ tiến gần đến chuẩn Olympic mà còn tranh tài ở nhiều nội dung khác nhau. Những yếu tố này hứa hẹn sẽ giúp bơi Việt Nam đạt các cột mốc lịch sử ở ASIAD sắp tới cũng như Olympic Paris vào năm sau.

Chờ đợi Nguyễn Thúy Hiền và Võ Thị Mỹ Tiên

Các nữ kình ngư Việt Nam chỉ giành vỏn vẹn 2 tấm HCĐ ở SEA Games 32, nhưng đó đều là những điểm sáng đáng chờ đợi cho tương lai. Ở nội dung 100m bơi tự do nữ, Nguyễn Thúy Hiền đã về đích thứ 3 với thành tích 56 giây 42, chỉ kém huyền thoại Singapore Quah Ting Wen chưa đến 0,6 giây.

Cần biết rằng Nguyễn Thúy Hiền mới 14 tuổi. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX diễn ra vào cuối năm ngoái, Thúy Hiền đã khiến giới chuyên môn sửng sốt khi vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ để giành 4 HCV và 5 HCB. Cùng với Lê Quỳnh Như (15 tuổi), Thúy Hiền là một trong 2 kình ngư nữ hiếm hoi được tham gia chuyến tập huấn dài ngày ở Hungary vào đầu năm nay.

Trong khi đó, Võ Thị Mỹ Tiên ghi dấu ấn với tấm HCĐ nội dung 800m bơi tự do nữ. Tại giải bơi Vô địch quốc gia bể 25m 2023, kình ngư 17 tuổi này đã giành tổng cộng 9 HCV cá nhân giúp đoàn Long An xếp hạng nhì. Với việc các tuyển bơi nữ trẻ hóa mạnh mẽ, Mỹ Tiên sẽ trở thành “đàn chị” để những cái tên như Thúy Hiền, Quỳnh Như lấy làm điểm tựa trong những năm tới.

Đơn Ca
.
.