“Bong bóng” thể thao điện tử Việt Nam

Thứ Tư, 27/03/2024, 12:24

Trong hơn 1 thập kỷ qua, thể thao điện tử Việt Nam vẫn đang mải miết tìm kiếm sự chính danh, sự công nhận và cái nhìn tích cực từ xã hội. Tuy nhiên, vụ bán độ và dàn xếp tỷ số tại “VCS 2024 mùa Xuân” đang hủy hoại hình ảnh của môn Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) nói riêng và cả nền thể thao điện tử Việt Nam nói chung.

“Bóng ma” bán độ và dàn xếp tỷ số

Cách đây 2 năm, thể thao điện tử Việt Nam đã có sự hiện diện chính thức, khi mang về 4 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc tại SEA Games 31. Ở đó, Esports Việt Nam đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc với lực lượng vận động viên đẳng cấp cao, đồng thời chứng minh khả năng tổ chức chuyên nghiệp với quy mô quốc tế. Không dừng lại ở đó, Esports cũng là môn có tổng số lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội đứng thứ 2 tại SEA Games 31 và chỉ xếp sau bóng đá.

“Bong bóng” thể thao điện tử Việt Nam -0
“VCS 2024 mùa Xuân” vẫn chưa hẹn ngày trở lại.

Sự phát triển của Esports Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ hơn sau kỳ SEA Games 32 và mới đây là ASIAD 19. Bên cạnh đó, Esports cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn tại Việt Nam, được coi là bộ môn thể thao mới và mang hơi thở của thời đại. Thậm chí, Esports đã và đang đặt mục tiêu soán ngôi các môn thể thao truyền thống để chiếm lấy vị trí hàng đầu trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, khi Esports ở Việt Nam đang từng bước trở thành lối thoát điển hình cho thể thao chuyên nghiệp, thì thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Suốt những năm qua, nền Esports Việt Nam liên tục đối mặt với vấn nạn bán độ và dàn xếp tỷ số. Trong khi Esports Việt Nam loay hoay tìm cách ngăn chặn, các tuyển thủ, đội tuyển vẫn cố ý lách luật, tìm đủ mọi cách bán độ và cá độ trực tiếp vào những trận đấu của mình. Mới đây, Esports Việt Nam đã đón nhận tin tức không thể tồi tệ hơn, khi nhà phát hành Riot Games hủy lịch thi đấu “VCS 2024 mùa Xuân” để điều tra bán độ và dàn xếp tỷ số với tất cả 8 đội tuyển.

Trên thực tế, tỷ lệ bán độ và dàn xếp tỷ số với LMHT khu vực Việt Nam đang dần trở nên phổ biến, nhất là sau khi các nhà cái lớn trên thế giới nhảy vào việc tổ chức cá độ Esports. Thậm chí, các tuyển thủ cũng như nhiều đội tuyển LMHT ở Việt Nam đã và đang bắt tay với các nhà cái qua đầu mối trung gian để “làm kèo”. Ngoài ra, nhiều tuyển thủ cũng đã chọn cách cá độ trực tiếp vào các trận đấu của mình, qua đó dễ dàng xóa dấu vết.

anh_2-1711514159962.JPG
Liên Minh Huyền Thoại từng là niềm tự hào của Esports Việt Nam.

Lúc này, Esports vẫn là ngành công nghiệp non trẻ tại Việt Nam. Mặc dù, sự phát triển của LMHT đang đi tới giai đoạn thoái trào, Riot Games và ban tổ chức giải vô địch quốc gia Vietnam Championship Series (VCS) vẫn không thể kiểm soát được vấn nạn bán độ và dàn xếp tỷ số, bất chấp việc đã đổi nhà phát hành từ Garena sang VNG Games. Nạn bán độ và dàn xếp tỷ số tại VCS được coi là “căn bệnh ung thư” đang hủy hoại Esports Việt Nam từng ngày. Bởi lẽ, nhiều tuyển thủ lựa chọn bán độ và dàn xếp tỷ số để đổi đời thay vì theo đuổi đam mê. Nếu thành công và kín kẽ, họ không chỉ có tiền mà còn có sự nghiệp lâu dài để “làm độ”.

Cách đây 10 năm, Esports Việt Nam từng rúng động vì những vụ bán độ của Aces Gaming (Dota 2) và Legends.GO (CS:GO). Theo đó, vụ việc Riot Games điều tra bán độ và dàn xếp tỷ số với tất cả 8 đội tuyển tại “VCS 2024 mùa Xuân” càng làm chồng chất thêm những tồn đọng của LMHT lẫn Esports Việt Nam. Thậm chí, đây còn là mùa giải thứ hai liên tiếp mà Riot Games và ban tổ chức VCS “đóng băng” giải đấu giữa chừng. Hệ quả là VCS đang tự biến mình thành “giải cỏ” so với các khu vực LMHT khác trên thế giới, đồng thời đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ. Bên cạnh đó, đại diện của Việt Nam tại giải đấu quốc tế MSI 2024 tới đây cũng sẽ chịu ảnh hưởng về lịch trình tập luyện cũng như gặp áp lực tâm lý.

“Sống chung” với bán độ?

Tại Việt Nam, Esports nói chung và LMHT nói riêng vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán quản lý về mặt thể thao. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc VCS chưa thể dứt điểm được vấn nạn bán độ và dàn xếp tỷ số.

“Bong bóng” thể thao điện tử Việt Nam -0
“VCS 2024 mùa Xuân” đang là giải đấu duy nhất trên thế giới bị hoãn giữa chừng.

Esports đã tự đặt mình vào vị trí tiệm cận các môn thể thao truyền thống. Tuy nhiên, các giải đấu của Esports lại vận hành theo cách rất riêng biệt và không thuộc bất kỳ tổ chức xã hội nghề nghiệp nào. Ví dụ dễ nhất có thể lấy từ LMHT, với giải đấu VCS không hoạt động dưới bất kỳ tổ chức nào ngoài Riot Games. Đến khi xảy ra những vụ bán độ và dàn xếp tỷ số như ở “VCS 2024 mùa Xuân”, ban tổ chức VCS chỉ xử lý trong nội bộ giải đấu.

Theo đó, hành vi bán độ và dàn xếp tỷ số dường như vô tình bị ban tổ chức giải đấu VCS và Riot Games biến thành “vấn đề dân sự”. Ngoài ra, những vụ bán độ và dàn xếp tỷ số ở VCS thường xuyên để lại những vết gợn, khi Riot Games không giải thích thỏa đáng và đưa ra quyết định có phần một chiều. Đây là điều dễ hiểu bởi Riot Games luôn muốn bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, giữ hình ảnh công ty và áp dụng luật riêng cho giải đấu VCS.

Song, cơ chế hoạt động của giải đấu VCS chính là thứ cần xem lại khi quyền hạn nhà phát hành quá nhiều. Ngoài ra, Riot Games không đủ các bộ luật, chế tài để trừng phạt nghiêm khắc tuyển thủ bán độ và dàn xếp tỷ số. Do đó, họ vừa không có giải pháp hình sự hóa nạn bán độ và dàn xếp tỷ số, vừa khiến các cơ quan quản lý không có tiếng nói và trọng lượng.

Nói theo cách khác, nạn bán độ và dàn xếp tỷ số ở VCS diễn ra từ năm này sang năm khác là hệ quả của sự bất cập về mặt quản lý thể thao. Ở đó, các tuyển thủ đều hiểu với nhau rằng sẽ chỉ bị Riot Games cấm thi đấu vài năm nếu bị phát hiện vì chưa có trường hợp nào được hình sự hóa. Trong khi đó, với các môn thể thao truyền thống, lực lượng chức năng luôn biết cách xử lý khi có tiêu cực xảy ra, đồng thời đưa ra án phạt đủ sức răn đe với những hành vi ảnh hưởng tới sự công bằng trong thi đấu.

“Bong bóng” thể thao điện tử Việt Nam -0
Việt Nam vẫn sẽ có 1 đại diện tham dự MSI 2024.

Mặc dù chỉ mới được nhắc tới bên cạnh các môn thể thao truyền thống ở vài năm gần đây, song LMHT cũng đã kịp có cho mình những vụ cá cược, bán độ tai tiếng trong suốt lịch sử phát triển. Lúc này, các trận đấu ở VCS đã đủ lớn để bán độ và dàn xếp tỷ số xuất hiện theo từng ngày, đem lại lợi ích cho những người thậm chí không cần quan tâm tới LMHT là gì.

Esports Việt Nam nguy cơ trở thành tụ điểm đánh bạc bất hợp pháp ở châu Á, bên cạnh Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có những chế tài riêng với những trường hợp bán độ và dàn xếp tỷ số dù cá cược có mặt đầy rẫy khắp nơi. Tại Trung Quốc, những tuyển thủ LMHT “nhúng chàm” sẽ bị phạt tiền, nhận văn bản cảnh cáo và bị tổ chức trừ lương bên cạnh việc bị cấm thi đấu. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, những trường hợp bán độ và dàn xếp tỷ số có thể bị khởi tố, phạt tiền và nhận án tù. Thậm chí, Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc (KeSPA) xem còn xét tố tụng dân sự, nghiên cứu các hình phạt bổ sung với tuyển thủ bán độ và dàn xếp tỷ số. Đây được xem là cách để KeSPA tăng tính răn đe và làm trong sạch nền thể thao điện tử Hàn Quốc.

Bán độ và dàn xếp tỷ số là mối đe dọa lớn nhất mà Esports Việt Nam phải xử lý triệt để. Nếu tìm ra con đường đúng đắn về mặt quản lý thể thao, ban tổ chức VCS cũng như nền Esports Việt Nam sẽ tránh được cơn khủng hoảng đang đợi phía trước. Song, nếu chọn “sống chung” với bán độ và dàn xếp tỷ số, ban tổ chức VCS hay Riot Games sẽ chẳng bao giờ kiểm soát được lòng tham từ con người.

Riot Games cấm nhân viên kiếm tiền từ chính trò chơi của mình?

Theo thông tin từ tài khoản Spideraxe30 trên mạng xã hội X, các nhân viên Riot Games không được phép bật kiếm tiền nếu chơi các trò chơi của công ty. Dù vậy, các nhân viên này vẫn được phép bật kiếm tiền khi phát trực tuyến các loại nội dung khác không liên quan tới các trò chơi của Riot Games. Bên cạnh đó, Spideraxe30 cũng nhấn mạnh các nhân viên vẫn được phát trực tiếp các trò chơi của Riot Games.

Thay đổi này được cho là nhắm thẳng tới August và Mortdog. Trong đó, Mortdog được coi như “cha đẻ” của chế độ Đấu Trường Chân Lý còn August là Trưởng bộ phận thiết kế của LMHT. Bên cạnh giờ làm việc, cả hai thường xuyên phát trực tiếp trên nền tảng Twitch với hàng trăm nghìn người theo dõi. Các buổi phát sóng có thể giúp họ kiếm thêm thu nhập bên cạnh công việc chính, đồng thời giao lưu với người hâm mộ.

Nguyên nhân khiến Riot Games cấm nhân viên không được phép bật kiếm tiền nếu chơi các trò chơi của công ty có thể là do xung đột lợi ích. Bởi, khi bật kiếm tiền, những quảng cáo khác có thể xuất hiện trên luồng trực tiếp của nhân viên Riot Games. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ đang chỉ trích quy định mới của Riot Games, thể hiện sự khó hiểu khi không cho nhân viên bật kiếm tiền trên chính trò chơi mà họ sáng tạo và phát triển. Đồng thời, người hâm mộ cho rằng các nhân viên đang quảng bá miễn phí cho trò chơi và thu hút những người chơi mới qua hình thức phát trực tiếp.

An Khánh
.
.