Bóng chuyền nữ Việt Nam loay hoay vượt “ao làng”

Thứ Năm, 09/06/2022, 14:38

SEA Games 31 kết thúc, đội tuyển nữ Việt Nam có thêm một chiếc Huy chương bạc (HCB) trong bản thành tích ở các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Đây là lần thứ 10 các cô gái Việt Nam về nhì trong 11 kỳ SEA Games gần nhất. Tấm Huy chương vàng (HCV) với chúng ta ngày càng xa khỏi tầm tay, bởi bóng chuyền nữ Thái Lan lúc này đã tiến rất xa.

Sức mạnh vượt trội

Kết thúc kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam, đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan chỉ thua đúng 1 hiệp đấu. Hiệp thua đó diễn ra ở lượt trận áp chót vòng bảng, khi Thái Lan gặp Việt Nam trong trận đấu quyết định ngôi nhất, nhì. Đó cũng là khoảnh khắc hiếm hoi bóng chuyền nữ Thái Lan để lộ ra vài điểm yếu cho đối phương khai thác.

Trước một đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hừng hực khí thế thi đấu trên sân nhà, lại được hàng ngàn khán giả tại Quảng Ninh cổ vũ, Thái Lan có thời điểm mất quyền chủ động kiểm soát trận đấu. Họ thua 14-25 ở hiệp 2 sau khi có hiệp đầu thắng 25-18 khá dễ dàng, qua đó khiến không ít cổ động viên chủ nhà nghĩ Việt Nam có thể lật ngược thế cờ.

Tuy nhiên, đội tuyển Thái Lan không mất nhiều thời gian lấy lại thế trận. Công bằng mà nói, Thái Lan thi đấu giữ sức ở các lượt trận vòng ngoài. Ở trận chung kết diễn ra sau đó ít ngày, người Thái mới thực sự chơi với 100% khả năng của họ. Bước vào trận đấu tranh HCV với Việt Nam, Thái Lan giành chiến thắng nhẹ nhàng 3-0 với tỷ số các hiệp có cách biệt rất lớn: 25-20, 25-14 và 25-14.

Bóng chuyền nữ Việt Nam loay hoay vượt “ao làng” -0
Đội Bóng chuyền nữ Việt Nam (áo trắng) trong trận đấu với đội tuyển Thái Lan.

Những ai xem trận chung kết bóng chuyền nữ SEA Games 31 giữa Việt Nam và Thái Lan đều thấy đẳng cấp chênh lệch được 2 đội thể hiện trên sân. Đội tuyển của nước chủ nhà không hề thua kém về chiều cao, sức bật hay lực đập, nhưng mọi miếng đánh Việt Nam thể hiện đều bị Thái Lan dễ dàng hóa giải. Ngược lại, đội bạn khiến chúng ta như lạc vào mê trận với cách chơi biến ảo khó lường.

Nhưng không chỉ đội Việt Nam, ngay cả Philippines và Indonesia, những đội tuyển bóng chuyền nữ thi đấu rất tiến bộ thời gian qua cũng không thể hiện được nhiều trước Thái Lan.

Tấm HCV giành được ở SEA Games 31 giúp bóng chuyền nữ Thái Lan vô địch lần thứ 13 liên tiếp tại đấu trường Đông Nam Á. Gần 3 thập niên trôi qua, họ vẫn không có đối thủ. Việt Nam, Philippines hay Indonesia không hề yếu, nhưng trước đội tuyển Thái Lan thì vẫn như ngọn nến đứng trước gió.

Tầm thế giới ở "ao làng"

Những người làm công tác chuyên môn đều nhận định thất bại 0-3 của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trước Thái Lan trong trận chung kết là điều không lạ. Trong tình cảnh những đội tuyển Đông Nam Á vẫn đang gặp vô vàn khó khăn trên hành trình vươn tầm châu lục, bóng chuyền nữ Thái Lan đã đi rất xa, vươn đến đỉnh cao ở cấp độ... thế giới.

Bóng chuyền nữ Việt Nam loay hoay vượt “ao làng” -0
Bóng chuyền nữ Thái Lan hiện ở đẳng cấp thế giới.

Năm 2009, khi phong trào bóng chuyền đang phát triển mạnh tại Việt Nam, chúng ta trở thành nước đăng cai giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á. Đội vô địch năm đó là Thái Lan, với chiến thắng thuyết phục 3-1 trong trận chung kết trước đội tuyển Trung Quốc. 4 năm sau, người Thái tiếp tục lên ngôi một lần nữa. Ở 2 lần gần nhất giải được tổ chức, họ cũng giành vị trí Á quân.

Cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, Thái Lan là 1 trong 3 quốc gia từng chiếm vị trí cao nhất ở một giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á. Tại đấu trường ASIAD, các cô gái Thái Lan cũng giành được huy chương ở 2 kỳ Á vận hội gần nhất: Huy chương đồng Incheon 2014 và HCB Jakarta 2018, qua đó đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc xuống "chiếu dưới".

Trong trường hợp màn trình diễn của đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan tại các kỳ SEA Games và ASIAD chưa đủ thuyết phục những khán giả khó tính, họ có thể theo dõi giải bóng chuyền Nations League (VNL) đang diễn ra. Với một đội hình thuộc thế hệ vàng, đội tuyển Thái Lan trở thành ẩn số lớn nhất tại giải đấu với những chiến thắng không tưởng.

Sau 4 vòng đấu đầu tiên của VNL 2022, Thái Lan tạm xếp thứ 7 với thành tích 3 thắng, 1 thua. Điều đáng chú ý là 2 trong 3 trận thắng của họ diễn ra trước những siêu cường bóng chuyền: Đó là Serbia, nhà đương kim vô địch thế giới và Trung Quốc, đội bóng đang đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB).

Ở cả 2 trận thắng trước Serbia và Trung Quốc, Thái Lan đều cho thấy họ vượt qua đối thủ nhờ chơi hay hơn đội hình chính của đối phương. Serbia và Trung Quốc đã tung những cầu thủ tốt nhất vào sân, nhưng đội Thái Lan đã khiến những ngôi sao thuộc 2 đội tuyển nói trên phải lúng túng. Ngay cả khi nhận thất bại trước Bỉ, Thái Lan cũng chỉ thua sát nút trong hiệp đấu thứ 5.

Nếu ví sự chuyển mình của bóng chuyền Việt Nam là người đi từng bước, thì Thái Lan giống như một vận động viên nhảy ba bước trên hành trình đó. Họ đã tiến rất xa để tạo một khoảng cách quá lớn với phần còn lại của Đông Nam Á. Đó là lý do khiến ông bầu Đào Hữu Huyền, người tài trợ Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2022 nhận xét thẳng thắn: Khoảng cách giữa HCV và HCB SEA Games quá lớn.

Vượt người Thái bằng cách nào?

Trong buổi lễ công bố nhà tài trợ Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2022, doanh nhân Đào Hữu Huyền nói, cá nhân ông bỏ tiền ra với giấc mơ chứng kiến bóng chuyền nữ Việt Nam vượt mặt Thái Lan. Nguyện vọng này dường như quá to tát với những gì bóng chuyền Việt Nam đang có, nhất là trong bối cảnh ít ai sẵn sàng bỏ tiền ra làm bóng chuyền như vị Chủ tịch Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang.

Bóng chuyền nữ Việt Nam loay hoay vượt “ao làng” -0
Bóng chuyền Việt Nam hiện thiếu nguồn lực xã hội hóa.

Từ ngày đưa Đức Giang lấn sân sang lĩnh vực thể thao, ông Đào Hữu Huyền đã tạo không ít sóng gió trong giới bóng chuyền. Vị doanh nhân này không ngại bỏ tiền tỷ chiêu mộ ngôi sao về Câu lạc bộ (CLB) Hóa chất Đức Giang Hà Nội, trả lương cao và lót tay cho vận động viên bóng chuyền như cầu thủ bóng đá. Mới đây, 2 tuyển thủ vừa trở về từ SEA Games còn được ông tặng 1 căn hộ ở Hà Nội để ghi nhận những gì họ cống hiến.

Nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”, số tiền vài tỷ, thậm chí 10-20 tỷ đồng ông Đào Hữu Huyền bỏ ra không thể thay đổi toàn bộ nền bóng chuyền Việt Nam, và bản thân ông cũng thừa nhận điều đó. Ông Huyền mong bóng chuyền Việt Nam có thêm 5-6 doanh nhân đổ tiền vào phát triển giải vô địch quốc gia, nhưng liệu có ai sẵn sàng cùng ông thực hiện điều ấy?

Năm 2021, đội bóng đánh bại Hóa chất Đức Giang Hà Nội để lên ngôi vô địch giải bóng chuyền nữ Việt Nam 2021 là Bộ Tư lệnh Thông tin - FLC. Là CLB có nguồn tiền tài trợ dồi dào hàng đầu giải, nhưng Bộ Tư lệnh Thông tin đang chịu không ít sóng gió khi Tập đoàn FLC hiện gặp khó khăn. Mới đây, FLC cũng xin rút, không tài trợ giải vô địch 2022 như cam kết ban đầu.

Ngoài Bộ Tư lệnh Thông tin, 2 CLB khác là Ngân hàng Công Thương và VTV Bình Điền Long An cũng trải qua không ít khó khăn. Biến động về mặt nhân sự và ngân sách cấp cho CLB khiến 2 đội bóng này không còn sở hữu lực lượng mạnh như trước. Ngân hàng Công Thương đã mất không ít vận động viên giỏi về Hóa chất Đức Giang, còn Bình Điền Long An thiếu nhân tài tới mức họ phải gọi Ngọc Hoa trở lại thi đấu.

Người ta thường nói “có bột mới gột nên hồ”. Trong tình cảnh thiếu "bột" như hiện tại, giấc mơ của ông Đào Hữu Huyền khó có thể trở thành hiện thực. Tâm huyết ông chủ CLB Hóa chất Đức Giang Hà Nội dành cho bóng chuyền là điều đáng ghi nhận, nhưng tất cả sẽ chỉ là điều vô nghĩa nếu như không có ai đồng hành cùng ông trên chặng đường dài phía trước.

Nỗi khổ của bóng chuyền nam

Bóng chuyền nữ Việt Nam loay hoay vượt “ao làng” -0
Từ Thanh Thuận là vận động viên bóng chuyền nam hiếm hoi có thu nhập thuộc hàng ngôi sao.

Hiếm có môn thể thao nào rơi vào tình trạng "trọng nữ khinh nam" như môn bóng chuyền. Trong khi bóng chuyền nữ đi tiên phong với phong trào xã hội hóa, trả lương cao và tiền lót tay cho vận động viên, thậm chí thuê ngoại binh; thì bóng chuyền nam luôn khiêm tốn xếp sau. Điều này không chỉ tồn tại ở bóng chuyền Việt Nam mà còn diễn ra tại Thái Lan và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Khán giả xem bóng chuyền không chỉ theo dõi thi đấu, mà còn phát sinh nhu cầu chiêm ngưỡng cái đẹp trong thể thao. Đó là nguyên nhân căn bản đứng sau hiện tượng bóng chuyền nữ có xu hướng xã hội hóa tốt hơn bóng chuyền nam, và thu nhập của vận động viên nữ từ đó cũng tốt hơn những đồng nghiệp phái mạnh. Trong trường hợp các tuyển thủ có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, mức thu nhập của họ còn tăng thêm nhiều lần.

Vận động viên bóng chuyền nữ nổi tiếng nhất Việt Nam hiện tại, chủ công Trần Thị Thanh Thúy, nhận mức lương không dưới 100 triệu/tháng mỗi lần ký hợp đồng thi đấu nước ngoài. Đây là con số xứng đáng với Thúy, một vận động viên sở hữu chiều cao trên 1m90, thuộc hàng "của hiếm" trong những tuyển thủ bóng chuyền ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Từ trước đến nay, có 2 VĐV hiếm hoi của bóng chuyền nam Việt Nam vượt khỏi mặt bằng thu nhập chung để vươn đến tầm ngôi sao là Ngô Văn Kiều và Từ Thanh Thuận. Ngô Văn Kiều từng có thời gian thi đấu nước ngoài với khoản thu nhập lên tới nhiều ngàn USD/ tháng thời kỳ đỉnh cao. Trong khi đó, Từ Thanh Thuận chỉ thi đấu trong nước nhưng hàng năm cũng được nhận lót tay tiền tỷ.

Đơn Ca
.
.